Phát huy nội lực của thị trường trong nước
Thực tế, ý tưởng về một chiến lược lớn hoạch định rõ ràng mục tiêu và phương hướng phát triển cho hoạt động thương mại trong nước đã được hình thành từ năm 2015-2016. Nhưng phải đến năm 2021, sau nhiều lần xin ý kiến rộng rãi và sửa đổi, hoàn thiện kỹ lưỡng, Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mới chính thức được ban hành, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có cho riêng mình “đường đi nước bước” tổng thể mà rạch ròi nhất đối với thị trường nội địa.
Đặc biệt, việc ban hành Chiến lược càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh nước ta và thế giới đều đang đối diện với làn sóng dịch Covid-19 mới bùng phát, nhằm góp phần thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của kinh tế - xã hội thông qua khai thác vai trò động lực chủ yếu của thị trường trong nước với trên 100 triệu dân.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045:
Phát triển thương mại trong nước hiện đại, văn minh, tăng trưởng nhanh và bền vững, là bệ đỡ, điểm tựa vững chắc cho sản xuất trong nước ngày càng đổi mới, phát triển; Xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước và của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề vững chắc để tham gia hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới.
Nhìn vào mục tiêu tổng quát và cụ thể mà Chiến lược đặt ra, có thể thấy Bộ Công Thương cũng như Chính phủ đang chuyển hướng phát triển hoạt động thương mại trong nước không chỉ tăng về lượng mà còn đi vào chiều sâu, thực chất và bền vững, gắn liền với hiệu quả đầu tư và phát triển sản phẩm, thương hiệu Việt, trên cơ sở đó phát huy nội lực của thị trường trong nước.
Các doanh nghiệp nội và hàng hóa nội vẫn là chủ thể chính được chú trọng, với mục tiêu đến năm 2045, tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa của khu vực trong nước chiếm 75% và khu vực FDI ở mức 25%. Tất nhiên, sự phát triển này phải phù hợp với quy luật khách quan của kinh tế thị trường và hàng loạt cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh để thu hút các thành phần kinh tế tham gia.
Đặc biệt, Chiến lược phát triển cũng quan tâm đến vấn đề an sinh và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh tế cá thể và hợp tác xã, tổ hợp tác của nông dân liên kết tham gia thị trường, song song với khuyến khích, thúc đẩy phát triển lực lượng nòng cốt là các tập đoàn, doanh nghiệp phân phối trong nước có quy mô lớn, có hệ thống phân phối hiện đại với vai trò dẫn dắt thị trường để định hướng sản xuất và tiêu dùng. Đây có thể coi là định hướng quan trọng để phát triển thương mại trong nước gắn với phát triển đa dạng về chế độ sở hữu, loại hình tổ chức và phương thức hoạt động của mọi thành phần kinh tế.
Khai thác hiệu quả xu hướng số hóa
“Số hóa” là một trong những trọng tâm được nhấn mạnh và cũng là định hướng kỳ vọng sẽ thổi một luồng gió mới cho thị trường nội địa sau khi Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành. Các hình thức thương mại dựa trên nền tảng công nghệ mới, nền tảng số hóa được khuyến khích phát triển, trên cơ sở phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế và sự sáng tạo, tận dụng hiệu quả thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư. Thương mại điện tử là công cụ quan trọng để hiện đại hóa lĩnh vực thương mại trong nước trong thời kỳ mới.
Thành công từ chiến dịch tiêu thụ nông sản của các địa phương có dịch thời gian qua đã cho thấy, việc phát triển thương mại điện tử là bước đi tất yếu mà thương mại trong nước cần tiếp tục. Với sự vào cuộc đồng bộ của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm, đã có 7.987 hộ nông sân lên sàn thương mại điện tử, tăng 191% so với cùng kỳ năm 2020; 14.594 sản phẩm nông sản lên sàn với tổng giá trị giao dịch 944 tỷ đồng, tương ứng tăng 268% và 293% so với cùng kỳ năm 2020 (theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông).
Năm 2020, doanh thu thương mại điện tử chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Chiến lược phát triển thương mại trong nước đặt mục tiêu đến năm 2030, con số này sẽ đạt 10,5 - 11% và tăng lên mức 15 - 16% vào năm 2045. Đáng chú ý, Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu rõ ràng về tỷ lệ số doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại tham gia các sàn lớn trong và ngoài nước; hướng đến thương mại điện tử hóa nông thôn, một lần nữa khẳng định sự quan tâm và hỗ trợ với nhóm đối tượng yếu thế trong nền kinh tế Việt Nam.
Quan trọng hơn hết, các quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử, xử lý vi phạm sẽ được bổ sung, hoàn thiện. Đi cùng với đó là triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, chuẩn hóa quy trình đối với hàng hóa và thí điểm các ứng dụng giao thông mới hỗ trợ vận chuyển, giao nhận để đảm bảo cân bằng giữa lợi ích của nhà sản xuất, phân phối và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh rằng, hiện đại hóa lĩnh vực thương mại không đi liền với thiết lập một trật tự thị trường mới mất cân bằng trong kết cấu hạ tầng thương mại. Thương mại hiện đại (cửa hàng tiện lợi, siêu thị chuyên doanh, trung tâm thương mại) chiếm số lượng lớn, nhưng không thay thế hoàn toàn thương mại truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa), mà kết hợp hài hòa, phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của thị trường trên từng địa bàn, địa phương, trong đó ưu tiên loại hình có tính lan tỏa và hỗ trợ đáng kể cho sản xuất lưu thông, đặc biệt tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hải đảo. Mục tiêu cuối cùng vẫn là đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa trong nước phục vụ người dân và hỗ trợ xuất khẩu.
Đảm bảo tiêu thụ - đầu ra tại thị trường nội địa
Theo đánh giá của các chuyên gia, điểm mới và cần được ghi nhận ở Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là việc đảm bảo đầu ra cho sản phẩm tại thị trường nội địa, “gia tăng cầu tiêu dùng cuối cùng trong nước, phát triển doanh nghiệp phân phối, gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa”.
Các chuỗi liên kết dọc theo nhóm sản phẩm, hàng hóa và liên kết ngang theo nhóm doanh nghiệp sẽ được đẩy mạnh hình thành giữa các nhà sản xuất, nhà phân phối và nhà cung ứng dịch vụ hỗ trợ để kết nối cung cầu hàng hóa. Triển khai hiệu quả các đề án, chương trình đã được thông qua như Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng tới 2030; Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 là cơ sở quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu thúc đẩy chuỗi cung ứng hàng hóa bền vững tại thị trường trong nước, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp Việt cùng hàng hóa Việt.
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa.
Các giải pháp gia tăng cầu tiêu dùng và kết nối tiêu thụ cần được nhìn nhận xa hơn, khi không chỉ giúp lưu thông mạnh mẽ dòng chảy hàng hóa, phát triển thương mại trong nước, tận dụng tối đa lợi thế của thị trường nội địa 100 triệu dân, mà còn quay trở lại thúc đẩy hoạt động sản xuất có định hướng, nắm bắt tín hiệu thị trường.
8 quan điểm, 10 định hướng chủ yếu và 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn để phát triển thương mại trong nước đặt ra thách thức không hề nhỏ cho Chính phủ và các Bộ, ngành, đặc biệt với chủ trì là Bộ Công Thương, nhưng cũng sẽ là định hình rõ nét và đúng đắn nhất để hoàn thiện bức tranh tổng thể tươi sáng về thị trường trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.