Lợi nhuận cao từ tiêu dùng trong nước
Mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG đã công bố tổng doanh thu tháng 6 với kết quả đạt 548 tỷ đồng, tăng 6% so cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, riêng thị trường nội địa của DN này đã đạt 167 tỷ đồng, tăng 55% so cùng kỳ. Mặc dù lũy kế 6 tháng, TNG ghi nhận doanh thu tiêu thụ đạt 1.995 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ nhưng đây vẫn là tín hiệu khả quan cho một DN dệt may trong một năm đầy sóng gió.
Vì thế, trong những tháng còn lại của năm 2020, TNG cho biết đang tập trung khai thác thị trường nội địa cho mặt hàng sản phẩm y tế, đồng phục bảo hộ lao động và thời trang công sở. Hiện TNG cũng đã ký kết được đơn hàng góp phần tiếp tục tăng doanh thu tiêu thụ cho quý III.
Cũng dồn lực cho thị trường nội địa và đạt kết quả cao, ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Dầu thực vật Tường An cho biết, mặc dù hoạt động kinh doanh của DN bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, tuy nhiên Công ty đã kịp thời chuyển dịch danh mục sản phẩm để thúc đẩy doanh thu phù hợp với từng giai đoạn và từng vùng miền, tập trung phát triển các sản phẩm cao cấp và cốt lõi, có lợi nhuận cao.
Kết quả, lợi nhuận gộp 6 tháng thu về 322 tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ do doanh số tăng. Bên cạnh đó, Công ty cũng tái định vị thương hiệu Tường An và mở rộng ngành hàng, quản lý chi phí giúp lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 84,2 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2019. Theo ban lãnh đạo Công ty, thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển dòng sản phẩm cao cấp với biên lợi nhuận cao và đầu tư để gia tăng độ phủ thị trường.
Là một DN cũng đang chú trọng vào thị trường xuất khẩu, nhưng khi đại dịch xảy ra, DN này đã quay về thị trường trong nước, ông Vũ Thanh Hải, Giám đốc kênh siêu thị, Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse cho biết, DN đã xây dựng hệ thống phân phối trên toàn quốc, có 3.000 điểm bán tại các cửa hàng và siêu thị.
Đặc biệt, trong bối cảnh hàng hóa nhập khẩu khó khăn hơn, Sunhouse đã tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh sản xuất, chiếm lĩnh thị trường, giúp khôi phục doanh thu như trước khi có đại dịch. Ông Hải cũng chia sẻ, Công ty đã và đang cố gắng phát triển sản phẩm, tăng cường kênh bán hàng trực tuyến, tăng tỷ lệ nội địa hóa, đưa sản phẩm có chất lượng tương đương hàng nhập khẩu nhưng giá thành ở mức hợp lý, thêm nhiều khuyến mãi… cho phần đông người tiêu dùng Việt Nam.
Cũng để phục vụ thị trường nội địa, ngoài các sản phẩm truyền thống phục vụ cho cả xuất khẩu và trong nước như trước đây, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh đã nghiên cứu, chế biến thành công sản phẩm ruốc ngao hai cùi và bánh phồng hàu. Hai sản phẩm này đã được mang đi giới thiệu và được người tiêu dùng ủng hộ, đánh giá cao về chất lượng sản phẩm… giúp DN kỳ vọng có thể mang lại doanh thu hàng chục tỷ mỗi năm.
Thị trường đầy tiềm năng
Theo khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá trị tiêu thụ sản phẩm thủy, hải sản của người tiêu dùng trong nước năm 2019 lên đến 22.000 tỷ đồng/năm (tương đương 1 tỷ USD) và mức tiêu thụ bình quân của người Việt Nam ước khoảng 35 kg thủy, hải sản/năm. Dự báo mức tiêu thụ này sẽ tăng đến 44 kg/người/năm từ năm 2020 trở đi. Do đó, các DN, không chỉ riêng ngành thủy sản mà các DN ngành khác đều có quyền kỳ vọng vào sức bật từ thị trường này.
TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, thị trường nội địa Việt Nam với dân số 100 triệu dân nên không phải thị trường nhỏ. Hơn nữa, kinh doanh tại thị trường này, DN Việt Nam sẽ có lợi thế hơn so với các DN nước ngoài.
Vì thế, về lâu dài, các DN tận dụng và mở rộng được thị trường nội địa sẽ tạo được một “sân nhà” vững chắc, giúp DN phát triển, bước tiếp sang thị trường khác một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, muốn phục vụ việc kích cầu thị trường nội địa cần phải xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối, với cơ sở hạ tầng cần thiết, đảm bảo về dự trữ hàng hóa, lưu thông…
Hiện Chính phủ đã đưa ra lời kêu gọi cũng như đã ban hành nhiều chính sách thiết thực để thúc đẩy tiêu dùng nội địa, nên các DN phải biết tận dụng và tìm ra hướng đi đúng đắn. Hơn nữa, các DN sản xuất và DN phân phối phải gia tăng mối liên kết bền vững trong chuỗi cung ứng để thị trường nội địa thực sự là "bệ đỡ" cho hàng Việt trong giai đoạn hậu Covid-19. Bên cạnh đó, các DN đều cho rằng, thị trường nội địa có thể giúp tạo thành “sức bật” cho DN trong khó khăn, nhưng về lâu dài vẫn phải đa dạng hóa thị trường, tận dụng các cơ hội khi xuất khẩu phục hồi bình thường.