Từ đầu tháng 4/2020, ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Việt Thắng Jeans - một doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc, bắt tay tái cấu trúc doanh nghiệp, đánh giá lại toàn bộ quá trình hoạt động của mọi phòng ban, tổ chức cho một số bộ phận liên quan đến sáng tạo, phát triển khách hàng… làm việc tại nhà thay vì bắt buộc đến văn phòng.
Thời gian qua, đơn vị này đã chuyển sang sử dụng nguyên phụ liệu trong nước, kể cả vải không dệt để sản xuất khẩu trang như một giải pháp tạm thời trong đại dịch.
Theo ông Việt, năm nay, sản phẩm ngành dệt may Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn tại thị trường Mỹ và EU, bởi vậy, thị trường Việt Nam và khu vực châu Á được dành nhiều kỳ vọng hơn.
“Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam quay lại phục vụ cho thị trường gần 100 triệu dân, bắt đầu từ xây dựng thương hiệu và có mặt hàng mới phù hợp ra thị trường”, ông Việt chia sẻ và lưu ý về tính thời vụ của sản phẩm thời trang cùng lượng hàng tồn đọng từ các tháng trước.
Một ngành cũng có đóng góp kim ngạch xuất khẩu khá lớn là ngành gỗ. Hiện màu xám là gam chủ đạo của bức tranh về tác động của đại dịch đối với ngành gỗ Việt Nam, với tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng, từ xuất khẩu, nhập khẩu, chế biến và tiêu thụ nội địa của ngành đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thay đổi cách thức vận hành là lời khuyên mà các hiệp hội gỗ nhắn nhủ nhau trong thời gian gần đây.
Các thay đổi này liên quan tới việc xác định lại chủng loại cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, liên kết giữa các doanh nghiệp, tạo chuỗi cung ứng hoàn chỉnh tại Việt Nam, cũng như thay đổi phương thức bán hàng sang hình thức online và đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa.
Thị trường nội địa được đánh giá có độ ổn định và đặc biệt có “sức chống chịu” tốt hơn nhiều so với thị trường xuất khẩu. Với dân số gần 100 triệu, tầng lớp trung lưu đông đảo và ngày càng phát triển, quy mô của thị trường nội địa không hề nhỏ.
Ông Tô Xuân Phúc, cố vấn cao cấp Tổ chức Forest Trends và các đồng nghiệp đưa ra kinh nghiệm từ ngành chế biến gỗ của Thái Lan cho thấy, bên cạnh những thế mạnh là ổn định và tạo công ăn việc làm, đặc biệt cho các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ tốt hơn so với thị trường xuất khẩu, thì các sản phẩm bán tại thị trường nội địa đem lại lợi nhuận cao hơn trên một đơn vị sản phẩm so với các sản phẩm xuất khẩu.
Do đó, chiến lược phát triển ngành gỗ không chỉ chú trọng vào mở rộng xuất khẩu, mà cần có các cơ chế, chính sách và hoạt động nhằm phát triển bền vững thị trường nội địa.
Trong khi các thị trường xuất khẩu hầu như đóng băng, thị trường nội địa vẫn tiếp tục hoạt động mặc dù có sự suy giảm mạnh về quy mô. Khoảng 20-30% các cơ sở chế biến quy mô hộ gia đình tại các làng nghề gỗ như Đồng Kỵ và Hữu Bằng vẫn đang hoạt động.
Thực tế theo thống kê của các hiệp hội gỗ, trong khi các xưởng xẻ quy mô hộ gia đình tại các vùng gỗ nguyên liệu như Phú Thọ chuyên cung cấp phôi gỗ cho các nhà máy gỗ chế biến xuất khẩu phải ngừng hoàn toàn, thì các xưởng xẻ cung cấp gỗ nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất đồ gỗ phục vụ thị trường nội địa như cho các làng nghề tại Liên Hà, Đông Anh (Hà Nội) vẫn hoạt động.
Bên cạnh đó, một số cơ sở quy mô nhỏ tại các làng nghề đang chuyển sang các dòng sản phẩm tiêu thụ nội địa mà trước đó phải nhập khẩu.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp hội viên đã xem lại tổ chức mình có lỗ hổng nào và thay đổi toàn bộ kế hoạch kinh doanh từ bán hàng, marketing, sản xuất đến tài chính. Tuy nhiên, để phát triển thị trường nội địa, đòi hỏi Chính phủ và các doanh nghiệp cần có cách hiểu chính xác về thực trạng và vai trò của thị trường nội địa, xu hướng cung - cầu tại thị trường này và mối tương quan với xuất khẩu.
Ông Tô Xuân Phúc cho rằng, việc Chính phủ yêu cầu các sản phẩm gỗ theo hình thức đấu thầu trong mua sắm công đảm bảo tính hợp pháp là một bước khởi đầu tốt để khuyến khích doanh nghiệp tham gia thị trường này. Cùng với đó, Chính phủ nên tạo điều kiện ưu tiên cho các doanh nghiệp tham gia vào cung cấp các sản phẩm gỗ hợp pháp.
“Việc khuyến khích này sẽ giúp hình thành liên kết và chuỗi cung nội địa giữa doanh nghiệp, các cơ sở chế biến và các hộ trồng rừng nhằm phục vụ phân khúc thị trường mua sắm công - một phân khúc không hề nhỏ. Liên kết này thành công sẽ tạo ra cơ hội cho sự lan tỏa sang các phân khúc thị trường khác trong thị trường nội địa”, ông Phúc nhận định.