Đổi mới mô hình kinh doanh xanh và ứng dụng tại Việt Nam

PGS.TS. LÊ ANH TUẤN (Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Điện lực)

TÓM TẮT:

Bài báo nghiên cứu vấn đề đổi mới mô hình kinh doanh xanh và sự phát triển các ứng dụng thực tế tại Việt Nam trong giai đoạn gần đây. Đổi mới sáng tạo được coi là một trong các công cụ quan trọng để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó đổi mới mô hình kinh doanh tập trung vào sự thay đổi toàn diện về phương thức kinh doanh của doanh nghiệp. Với xu hướng tăng trưởng xanh mạnh mẽ trong thời gian gần đây, bài báo tập trung phân tích đánh giá một số mô hình kinh doanh xanh điển hình tại Việt Nam hiện nay và xu hướng đổi mới mô hình kinh doanh xanh trong thực tế. Các phân tích đánh giá của nghiên cứu này sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới và triển khai ứng dụng của các mô hình kinh doanh xanh tại Việt Nam.

Từ khóa: đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh xanh, đổi mới mô hình kinh doanh xanh.

1. Mô hình kinh doanh và mô hình kinh doanh xanh

1.1. Tổng quan về mô hình kinh doanh

Mô hình kinh doanh bao gồm tập hợp các hoạt động quan trọng của doanh nghiệp và tương tác giữa các hoạt động này giúp cho doanh nghiệp vận hành, cung cấp sản phẩm dịch vụ cho khách hàng.

Osterwalder & cộng sự (2010) đã đưa ra mô hình kinh doanh khung cơ sở của các doanh nghiệp dựa trên 9 khối cơ bản liên quan tới 4 lĩnh vực: khách hàng, sản phẩm dịch vụ, cơ sở hạ tầng và khả năng tài chính. Mô hình mở rộng được đưa thêm hai khối chiến lược so sánh và chiến lược tăng trưởng (Hình 1).

Mô hình khung này là công cụ quan trọng giúp các doanh nghiệp hiểu được sự vận hành của hoạt động kinh doanh của đơn vị mình; phân rõ được các khối chức năng cùng với sự tương tác của các khối chức năng. Việc xác định rõ được cấu trúc của mô hình kinh doanh giúp các doanh nghiệp nhìn ra các khối chức năng chính tạo ra giá trị gia tăng, các khối bổ trợ và phân tích đánh giá được các điểm mạnh, điểm yếu trong cơ cấu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Mô hình kinh doanh khung là công cụ giúp cho các công ty hiểu rõ hơn phương thức tạo ra giá trị trong các doanh nghiệp. Trong mô hình này, các bộ phận cấu thành cơ bản có sự ảnh hưởng tương tác lẫn nhau, do vậy thay đổi một bộ phận cấu thành sẽ ảnh hưởng đến các bộ phận khác cũng như ảnh hưởng tới chiến lược tăng trưởng và cạnh tranh của doanh nghiệp. Mô hình khung kinh doanh là công cụ quan trọng để phân tích các vấn đề trong đổi mới mô hình kinh doanh, trong đó có đổi mới mô hình kinh doanh xanh.

Hình 1 cho thấy chiến lược (tăng trưởng, so sánh) chính là bộ phận cấu thành quan trọng dẫn hướng cho mọi hoạt động của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có phát triển theo định hướng xanh hay không chính là do các chiến lược của doanh nghiệp quyết định. Hình 1 cũng cho thấy mô hình kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm các cấu phần duy trì các hoạt động cốt lõi (các hoạt động chính, các hoạt động tạo ra giá trị và sử dụng tài nguyên của doanh nghiệp). Trong đó các hoạt động chính sẽ tương tác với các đối tác (nhà cung cấp và các đối tác khác) và các khách hàng của doanh nghiệp.

Hiệu quả của doanh nghiệp được đánh giá thông qua chi phí và doanh thu trong hoạt động vận hành. Các cấu phần về chi phí và doanh thu giúp doanh nghiệp đánh giá tính hiệu quả của các hoạt động của doanh nghiệp, để từ đó có các phương hướng điều chỉnh phù hợp.

Hoạt động đổi mới mô hình kinh doanh thường nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Đổi mới mô hình kinh doanh có thể dẫn tới việc tái cấu trúc và tổ chức lại các cấu phần của mô hình hướng tới hiệu quả hoạt động của từng cấu phần và của tổng thể toàn bộ mô hình kinh doanh. Trên thực tế đã có rất nhiều chiến lược khác nhau để tối ưu hóa từng cấu phần mô hình như việc đưa ra các chiến lược hợp tác dài hạn với các nhà cung cấp hay việc đưa khách hàng tham gia trực tiếp vào quá trình kinh doanh, cùng tạo ra giá trị và các chiến lược tố ưu hóa quá trình tạo ra giá trị của doanh nghiệp.

Bên cạnh việc nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, việc hướng tới các giá trị xanh thông qua việc xanh hóa mô hình kinh doanh cũng hết sức quan trọng. (Hình 1)

1.2. Mô hình kinh doanh xanh

Mô hình kinh doanh xanh có thể được định nghĩa như sau (FORA, 2010): Mô hình kinh doanh xanh là mô hình kinh doanh khuyến khích sự phát triển của sản phẩm dịch vụ (các hệ thống) mang lại lợi ích về môi trường, giảm sử dụng nguồn lực và chất thải và khả thi về mặt kinh tế. Mô hình này phân biệt với khái niệm kinh doanh truyền thống (ví dụ: công nghệ sạch) là việc tạo ra lợi ích về kinh tế và môi trường cho cả nhà cung cấp và khách hàng.

Hình 2 trình bày khung phát triển của mô hình kinh doanh xanh. Mô hình này bao gồm 4 lôgic cấu thành gồm: 2 lôgic cơ bản, 2 thành phần chuyển đổi, 3 điểm cốt yếu và 4 giao tiếp.

Cụ thể: 2 lôgic cơ bản là các thành phần tạo ra phát triển xanh và hiện thực hóa phát triển xanh; 2 thành phần chuyển đổi là thành phần chiến lược kinh doanh và quản lý vận hành; 3 điểm cốt yếu của khung phát triển đó là các giá trị kinh tế, môi trường và lợi ích xã hội; 4 giao tiếp là: doanh nghiệp, thị trường, khách hàng và mô hình lợi nhuận.

Bản chất logic: sáng tạo và hiện thực hóa giá trị

Bản chất logic của mô hình kinh doanh là quá trình sáng tạo giá trị và hiện thực hóa giá trị. Trong cấu trúc của mô hình kinh doanh xanh, bản chất logic được hình thành xung quanh sự sáng tạo giá trị xanh và sự thực hiện hóa giá trị xanh.

(1) Sự sáng tạo giá trị xanh

Sáng tạo giá trị xanh đề cập tới sự cải thiện về tỉ lệ sử dụng của nguồn lực cốt lõi và sự cắt giảm về năng lượng, nguồn tiêu dùng và chất thải trong suốt quá trình tạo ra sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng. Trong khi đó, tầm ảnh hưởng lên môi trường cũng được giảm thiểu (chẳng hạn: giảm khí thải carbon) trong suốt quá trình của sáng tạo giá trị và những lợi ích về môi trường cũng được cải thiện một cách hiệu quả. Hơn thế nữa, sự sáng tạo giá trị xanh sẽ cần sự hợp tác và cộng tác giữa các bên trong chuỗi giá trị. Vì vậy, việc tái xây dựng mạng lưới giữa các bên là cần thiết.

(2) Hiện thực hóa giá trị xanh

Hiện thực hóa giá trị xanh đòi hỏi các công ty cùng một lúc tập trung cả vào lợi ích về kinh tế, môi trường và xã hội. Trong suốt tiến trình thực hiện giá trị xanh, các công ty cần xây dựng các kênh phân phối giá trị xanh dựa trên nhu cầu của khách hàng và sự phát triển của công nghệ truyền thông thông tin cung cấp những hỗ trợ mạnh mẽ cho việc xây dựng loại hình kênh khách hàng mới này.

Các công ty cần xây dựng mô hình doanh thu xanh nhằm nhận biết các lợi ích về kinh tế, điều này đòi hỏi các công ty có thể không chỉ thuyết phục các hành vi tiêu dùng xanh của khách hàng mà còn nhận biết được sự đa dạng hóa của các dòng doanh thu (như doanh thu bán sản phẩm và các nội dung liên quan). Và quan trọng hơn, các công ty sẽ nhận ra được những lợi ích về môi trường và xã hội.

1.3. Đổi mới mô hình kinh doanh xanh

Đổi mới mô hình kinh doanh xanh (Green Business Model Innovation) là khi mô hình kinh doanh thay đổi một số thành phần của mô hình để có được các giá trị kinh tế trong khi giảm được chi phí sinh thái theo quan điểm vòng đời, mô hình đổi mới càng xanh hơn thì sẽ có tiềm năng lớn hơn tạo ra các thay đổi cơ bản hơn về sinh thái. Sự thay đổi mô hình là một quá trình liên tục hướng tới mục tiêu xanh.

Đổi mới mô hình kinh doanh xanh nhấn mạnh vào việc giảm các ảnh hưởng môi trường một cách rõ ràng, việc này có thể được thể hiện khác nhau theo cách mà sự thay đổi được thực hiện tại các thành phần cụ thể của mô hình kinh doanh:

- Sửa đổi (Modification) thông qua các điều chỉnh nhỏ và không ngừng

- Thiết kế lại (Re-design) mang đến các thay đổi đáng kể

- Các thành phần thay thế (Alternative building blocks), có thể thực hiện cùng chức năng hoặc vận hành như thành phần thay thế của thành phần gốc

- Tạo mới (Creation) và đưa ra các thành phần cấu thành mới.

Các tiềm năng tác động môi trường xuất phát từ việc đổi mới sinh thái tại các thành phần cấu thành mô hình và các cơ chế tác động dưới ảnh hưởng của mô hình khung kinh doanh.

Một số dạng mô hình kinh doanh xanh

Thông qua việc áp dụng 5 dạng đổi mới chính (Osterwalder & cộng sự, 2010) hướng tới mục tiêu sinh thái và môi trường, các dạng mô hình kinh doanh xanh mới được hình thành. Dưới đây là 2 lớp mô hình kinh doanh xanh chính đã được triển khai áp dụng thực tế (Bisgaard & Henriksen, 2012; Henricksen & cộng sự, 2012):

  • Mô hình dịch vụ (Incentive models - thu nhập của công ty được trả thông qua thực hiện các dịch vụ về tiết kiệm).
  • Mô hình vòng đời (Life-cycle models - thu nhập của công ty nhận được thông qua quản lý tốt hơn vòng đời của sản phẩm dịch vụ).

Các mô hình kinh doanh xanh thuộc 2 lớp mô hình kinh doanh xanh này đều có thể được mô tả thông qua mô hình kinh doanh khung đề xuất bởi Osterwalder & cộng sự (2010).

2. Một số mô hình kinh doanh xanh tại Việt Nam

Tại Việt Nam hiện nay đã có nhiều biến thể của mô hình kinh doanh xanh được ứng dụng và triển khai trên thực tế. Sau đây là một số mô hình ứng dụng điển hình.

2.1. Mô hình dịch vụ năng lượng ESCO

Trong điều kiện thực tế Việt Nam hiện nay, một số mô hình kinh doanh xanh tiêu biểu đã được triển khai trên thực tế. Lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những lĩnh vực tiên phong về áp dụng mô hình kinh doanh xanh. Mô hình kinh doanh xanh điển hình trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là mô hình công ty dịch vụ năng lượng hay còn gọi là mô hình ESCO. Công ty dịch vụ năng lượng triển khai đầu tư các giải pháp tiết kiệm năng lượng, thực hiện công tác quản lý năng lượng thay cho doanh nghiệp và công ty ESCO sẽ được thanh toán dựa trên lượng năng lượng tiết kiệm hay hiệu quả quản lý năng lượng tại cơ sở của khách hàng.

Mô hình này được kỳ vọng là sẽ mang lại hiệu quả và trên thực tế Bộ Công Thương đã có những đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 21 để thúc đẩy triển khai hoạt động dịch vụ này. Tuy nhiên, mặc dù được khuyến khích nhưng hoạt động của các ESCO vẫn gặp nhiều vướng mắc trên thực tế, do vậy mô hình ESCO và các chính sách liên quan cần liên tục điều chỉnh và hoàn thiện.

Bên cạnh dịch vụ đầu tư các giải pháp tiết kiệm năng lượng thì còn một số biến thể khác của loại hình công ty dịch vụ năng lượng như dịch vụ cung cấp hơi, cung cấp nước nóng tại các doanh nghiệp. Với loại dịch vụ này, đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo các dịch vụ này tại cơ sở của các khách hàng và vận hành các hệ thống cung cấp dịch vụ thay vì doanh nghiệp khách hàng. Loại hình dịch vụ này cũng mang lại hiệu quả cho nhiều doanh nghiệp sản xuất.

Các mô hình ESCO còn được mở rộng tới các dịch vụ cung cấp điện. Bản thân ngành Điện Việt Nam cũng có xu hướng trở thành một nhà cung cấp các dịch vụ ESCO cho các doanh nghiệp.

2.2. Mô hình dịch vụ cung cấp phương tiện giao thông xanh

Mô hình cho thuê phương tiện giao thông như cho thuê xe hơi hay cho thuê các phương tiện xanh như xe đạp được triển khai tại nhiều nước phát triển trên thế giới. Mô hình cho thuê xe đạp đặc biệt phát triển tại các nước châu Âu. Tại Trung Quốc mô hình cho thuê xe đạp và xe hơi đều được chú trọng phát triển. Định hướng tương lai việc cho thuê các phương tiện xanh như xe hơi chạy điện (dịch vụ chia sẻ) cũng là một định hướng cần được xem xét.

Tại Việt Nam hiện nay, tại các thành phố lớn, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh, dịch vụ cho thuê xe đạp đã được thử nghiệm và chứng minh hiệu quả rõ rệt. Mô hình này rất được ủng hộ bởi các khách hàng trẻ và với việc sử dụng phương tiện xe đạp thay vì xe máy hay xe hơi, ô nhiễm môi trường đã được giảm nhẹ phần nào. Dạng dịch vụ chia sẻ này cũng mang lại các giá trị về hiệu quả kinh doanh và nâng cao hiệu suất sử dụng tài sản đầu tư.

Trong tương lai, với sự phát triển của hệ thống giao thông công cộng như tầu điện ngầm hay đường sắt đô thị thì vai trò của các loại dịch vụ cho thuê xe đạp sẽ ngày càng tăng vì tầu điện ngầm hay đường sắt đô thì chỉ có thể đến các điểm chính và từ các điểm này, các khách hàng có thể thuê xe đạp đến các điểm gần hơn với nơi họ định đến. Khi đó, việc sử dụng giao thông công cộng sẽ rất thuận lợi và sẽ giảm việc sử dụng các phương tiện cá nhân, giúp giảm ô nhiễm môi trường.

2.3. Mô hình dịch vụ cho thuê các thiết bị văn phòng

Đây cũng là một hình rất phổ biến ở các nước phát triển nhưng chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam. Với mô hình này, các công ty dịch vụ chuyên nghiệp sẽ cho thuê các thiết bị văn phòng, máy tính và thực hiện toàn bộ dịch vụ chăm sóc, bảo dưỡng thiết bị một cách chuyên nghiệp. Các khách hàng sẽ không phải quan tâm tới việc bảo trì bảo dưỡng thiết bị. Tuy nhiên, các khách hàng sẽ phải trả phí thuê thiết bị. Ở Việt Nam loại hình dịch vụ này được thực hiện hiệu quả cho các doanh nghiệp muốn sử dụng thiết bị trong thời gian ngắn do vậy không muốn đầu tư vào thiết bị mới. Ngoài ra, nhiều cơ quan đơn vị cũng nhận thấy rõ hiệu quả của mô hình này khi có thể sử dụng các thiết bị luôn sẵn sàng và có các đơn vị chuyên nghiệp đảm bảo việc duy trì tốt tình trạng của các thiết bị văn phòng đơn vị cần sử dụng.

Khác với mô hình cho thuê thiết bị văn phòng, mô hình cho thuê máy tính tại các trường học, cơ quan doanh nghiệp, rất phổ biến ở các nước phát triển, chưa thực sự phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là một dạng mô hình kinh doanh dịch vụ có tiềm năng.

Các dạng mô hình dịch vụ này đều có thể coi là mô hình kinh doanh xanh vì các mô hình này giúp sử dụng hiệu quả thiết bị, giảm việc đầu tư thiết bị không cần thiết dẫn tới việc tăng số lượng thiết bị cần thanh lý cũng như số lượng thiết bị hết vòng đời cần phải xử lý. Việc này mang lại các tác động quan trọng giúp nâng cao hiệu quả môi trường của việc sử dụng các nguồn lực.

2.4. Một số mô hình kinh doanh khác

Bên cạnh các mô hình kinh doanh xanh được giới thiệu ở trên một số mô hình kinh doanh khác cũng đã phần nào có ứng dụng ở Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ hiểu biết và xây dựng các mô hình này như một mô hình kinh doanh xanh chính thống còn chưa được rõ nét. Một số mô hình này đã được ra trong nghiên cứu (Lê Anh & Thía, 2017), đó là các mô hình, quản lý hóa chất, quản lý dòng vật liệu ngược. Dòng vật liệu ngược ở Việt nam được quan tâm trong một số lĩnh vực điển hình như giấy, nhựa. Tuy nhiên, vẫn chưa có các công ty chuyên nghiệp ứng dụng mô hình kinh doanh xanh, kinh doanh chuyên nghiệp trong các lĩnh vực nghiên cứu này.

3. Đẩy mạnh triển khai mô hình kinh doanh xanh tại Việt Nam

Việc phát triển mô hình kinh doanh ở Việt Nam xuất phát từ nhu cầu thực tế của thị trường hiện nay, nhất là trong hoàn cảnh Việt Nam đang hướng tới mức phát thải bằng không vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị COP 26. Chính vì vậy, Việt Nam cần phải có các chính sách để thúc đẩy phát triển mạnh các mô hình kinh doanh xanh bên cạnh đẩy mạnh các công nghệ xanh, sản xuất sạch và tiêu dùng bền vững.

Trong thời gian tới, Nhà nước cần thúc đẩy có cơ chế hỗ trợ phát triển mạnh hơn nữa các mô hình ESCO trong thực tế, không chỉ tập trung vào tiết kiệm năng lượng mà tập trung cả vào các lĩnh vực liên quan khác như cung cấp năng lượng, cung cấp các dịch vụ liên quan tới năng lượng.

Với mục tiêu giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông, Nhà nước cần đầu tư phát triển các hệ thống giao thông công cộng, đầu tư các hệ thống xe buýt xanh. Xây dựng các cơ chế hỗ trợ phát triển các dịch vụ cho thuê các phương tiện giao thông công cộng, trong đó tập trung vào phương tiện xe đạp. Cần khuyến khích các doanh nghiệp cho thuê xây dựng được các bến (hub) tập trung ở các điểm có nhu cầu di chuyển cao như các gần các bến đậu của các phương tiện giao thông công cộng và các khu dân cư có mật độ cao nhưng phương tiện giao thông công cộng khác chưa tiếp cận tới.

Đối với các cơ sở giáo dục, các cơ quan hành chính sự nghiệp, cần thúc đẩy áp dụng chính sách thuê máy tính thiết bị, thay vì tự trang bị nhằm giúp thúc đẩy phát triển các công ty cho thuê, quản lý và bảo trì thiết bị văn phòng chuyên nghiệp giúp tối ưu hóa việc sử dụng máy tính và thiết bị văn phòng, giảm thiểu lượng thiết bị cần phải xử lý cuối vòng đời. Để làm việc này, cần thay đổi cơ bản các quy định liên quan tới đầu tư trang thiết bị làm việc trong khu vực công. Đối với các doanh nghiệp tư nhân thì đây không phải là vấn đề lớn. Vấn đề quan trọng là phải có được các công ty dịch vụ đủ năng lực để thực hiện các dịch vụ liên quan một cách hiệu quả đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Nhà nước cũng cần có các chính sách cứng rắn hơn để thúc đẩy tiêu dùng xanh, hạn chế sử dụng túi ni lông sử dụng một lần, yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất có trách nhiệm đối với việc xử lý cuối vòng đời của các sản phẩm do doanh nghiệp mình kinh doanh. Các chính sách này sẽ thúc đẩy sự phát triển dòng logistics ngược của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần hiểu rõ trách nhiệm của mình đối với môi trường và xã hội khi kinh doanh các sản phẩm trên thị trường và sẵn sàng chấp nhận các chi phí cao hơn thông thường để xử lý các sản phẩm của mình kinh doanh vào cuối vòng đời để giảm tác động tới môi trường và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của xã hội. Trên thực tế, các chính sách đôi lúc phải mang tính bắt buộc vì đa phần các doanh nghiệp không mặn mà với việc triển khai hệ thống logistics ngược và các hoạt động tái chế, tái sử dụng các sản phẩm phức tạp khó tái chế và khó xử lý cuối vòng đời sản phẩm.

Bên cạnh chính sách phát triển các khu công nghiệp nói chung, Nhà nước cần có các chính sách ưu tiên phát triển các khu công nghiệp cộng sinh, trong đó các doanh nghiệp trong khu công nghiệp có thể tận dụng các chất thải của các doanh nghiệp khác trong cùng khu công nghiệp làm nguyên liệu đầu vào và hạn chế đến mức tối đa các chất thải và khí thải ra ngoài môi trường.

Nghiên cứu của Lê Anh & Thía (2017) đã chỉ ra rằng để tăng cường hoạt động tái chế và tái sử dụng, Nhà nước nên có chính sách xây dựng các nền tảng hỗ trợ cho hoạt động tái chế trong các lĩnh vực công nghiệp, nhất là đối với các lĩnh vực hoạt động tái chế, tái sử dụng chỉ có thể đạt được hiệu quả ở một quy mô nhất định. Lê Anh & Thía (2017) cũng đề xuất việc tăng cường dán nhãn sinh thái cho các sản phẩm thiết bị để thông tin rõ ràng về các sản phẩm có hiệu quả môi trường tốt cũng như các sản phẩm có khả năng tái chế, tái sử dụng. Việc dán nhãn đi đôi với tuyên truyền ý thức vì môi trường sẽ giúp thúc đẩy tiêu dùng đối với các sản phẩm tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.

4. Kết luận

Nghiên cứu này tập trung thảo luận các vấn đề về mô hình kinh doanh, mô hình kinh doanh xanh và đổi mới mô hình kinh doanh xanh. Đây là một chủ đề quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia. Các nội dung thảo luận cho thấy, ở Việt Nam hiện nay đã có sự phát triển của một số mô hình kinh doanh và bản thân Nhà nước cũng đã có các chính sách quan trọng để thúc đẩy việc triển khai một số mô hình kinh doanh trong thực tế.

Bên cạnh đó, một số mô hình kinh doanh liên quan tới cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực giao thông được đặc biệt quan tâm và đã được triển khai ở Việt Nam với các thành công nhất định. Tuy nhiên, về cơ bản, việc triển khai các mô hình kinh doanh ở Việt Nam còn nhiều hạn chế và cần được thúc đẩy mạnh hơn nữa thông qua nhiều kênh như: a) tăng cường các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với việc phát triển các dịch vụ xanh; b) tăng cường các chính sách thưởng phạt rõ ràng liên quan tới tác động môi trường của hoạt động sản xuất kinh doanh; c) nâng cao ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với việc giảm thiểu ảnh hưởng môi trường trong hoạt động kinh doanh; d) nâng cao ý thức của người tiêu dùng để hỗ trợ tiêu dùng và sự phát triển của các sản phẩm dịch vụ thân thiện môi trường, hỗ trợ và bảo vệ môi trường.

Việc triển khai thành công các mô hình kinh doanh phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của tất cả các bên như các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và bản thân người tiêu dùng. Chính vì vậy, Nhà nước cần có các chính sách đồng bộ để trợ giúp doanh nghiệp, tuy nhiên cũng cần nâng cao ý thức đối với môi trường và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bisgaard, T., & K.H. Henriksen. (2012). Green business model innovation: Conceptualisation, next practice and policy.
  2. FORA.(2010). Green business models in the nordic region: A key to promote sustainable growth.Henricksen, K., M. Bjerre, A.M. Almasi, & E. Damgaard-Grann. (2012). Green business model innovation: Conceptualization report. Green Paper: Nordic Innovation Publication.
  1. Jing, H., & B.S. Jiang. (2013). The framework of green business model for eco-innovation. Journal of Supply Chain and Operations Management 11, 33-45.
  2. Lê Anh, Tuấn, & Nguyễn Ngọc. Thía, 2017, Phân tích mô hình kinh doanh xanh và vấn đề triển khai tại Việt Nam, Tạp chí Công Thương 6, 252-257.
  3. Osterwalder, A., Y. Pigneur, & A. Smith. (2010). Business model generation. Hoboken, New Jersey, United States: Wiley & Sons, Inc..

Green business model innovation and its applications in Vietnam

Assoc.Prof. Ph.D Le Anh Tuan

Faculty of Economics and Management, Electric Power University

ABSTACT:

This paper studies issues relating to the innovation of green business models and the development of green business models in Vietnam. Innovation is considered as one of important tools to push the growth of businesses. In which, the business model innovation focuses on a comprehensive changes in the business operations. As the green business trend has grown strongly recently, this paper  focuses on analyzing and evaluating several typical green business models in Vietnam and the green business model innovation trend in practice. This paper is expected to facilitate the green business model innovation in Vietnam.

Key words:  innovation, green business model, green business model innovation.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2022]