Tóm tắt:
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, cùng với quá trình đổi mới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, dạy nghề đã được phục hồi, từng bước được đổi mới và phát triển. Quy mô dạy nghề được mở rộng, chất lượng dạy nghề được nâng cao, đa dạng hóa các hình thức, đổi mới nội dung chương trình, phương pháp đào tạo,… chất lượng dạy nghề đã chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trong dạy nghề và quản lý nhà nước về đào tạo nghề, vẫn còn một số bất cập. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả đầu tư, đặt ra yêu cầu mới về đầu tư và quản lý nhà nước về đầu tư phát triển đào tạo nghề trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay, ở phạm vi bài viết này, tác giả đưa ra một số gợi ý nhằm đổi mới quản lý nhà nước về đầu tư cho đào tạo nghề.
Từ khóa: đổi mới, quản lý nhà nước, đào tạo nghề, đầu tư, nền kinh tế thị trường.
1. Đặt vấn đề
Nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới, đó là thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH), coi phát triển kinh tế, CNH, HĐH là nhiệm vụ trung tâm trong chiến lược phát triển.
Để đạt mục tiêu trên, điều quan trọng nhất là phải phát huy nguồn lực to lớn của con người Việt Nam và coi đó là nhân tố quyết định thắng lợi CNH, HĐH đất nước. Một trong những nguồn nhân lực quan trọng nhất, góp phần thành công của sự nghiệp CNH, HĐH là đội ngũ công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ, đội ngũ lao động được trang bị kỹ năng nghề nghiệp, tức là lực lượng lao động được đào tạo nghề.
Đầu tư cho đào tạo nghề có quan hệ quyết định đến sự tồn tại, phát triển của toàn bộ hệ thống đào tạo nghề. Muốn tăng nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng đào tạo nghề, đòi hỏi phải đa dạng hóa, huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư cho đào tạo nghề, đồng thời quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư đó.
Đầu tư cho đào tạo nghề là đầu tư cho hoạt động giáo dục, việc đánh giá hiệu quả đầu tư cho đào tạo nghề là việc làm phức tạp. Khác với các ngành sản xuất vật chất hoặc các dịch vụ, hiệu quả được tính bằng chi phí đầu vào so với chi phí đầu ra, nó được thực hiện trong phạm vi của quá trình sản xuất - kinh doanh, còn hiệu quả kinh tế của đào tạo nghề được xem xét cả một quá trình từ đào tạo tại nhà trường, nhưng phát huy tác dụng ở các ngành khác, lĩnh vực khác và phụ thuộc rất nhiều vào người sử dụng lao động.
Đầu tư cho đào tạo nghề là đầu tư cho con người, nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người học, nó không chỉ tác động đến lợi ích hoặc gây ra hậu quả trước mắt cho người học, cho xã hội mà còn đem lại lợi ích hoặc gây ra hậu quả lâu dài. Trong hoạt động đầu tư không tránh khỏi những khiếm khuyết, như: đầu tư dàn trải, mất công bằng, mất cân đối, vi phạm lợi ích của người học, người đầu tư. Do đó, đầu tư cho đào tạo nghề cần có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước.
2. Yêu cầu mới về đầu tư và quản lý nhà nước về đầu tư phát triển đào tạo nghề
Đối với nước ta, trước thời kỳ đổi mới, nền kinh tế trong cơ chế kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp. Trong bối cảnh ấy, các chính sách về đào tạo được quan niệm là chính sách phúc lợi xã hội, được Nhà nước bao cấp toàn bộ các nhu cầu cho nhà trường, cho người dạy và người học. Chuyển sang nền kinh tế thị trường, cùng với việc đa dạng hóa các hình thức đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư, đặt ra yêu cầu mới về đầu tư và quản lý nhà nước về đầu tư phát triển đào tạo nghề. Yêu cầu đó như sau:
Thứ nhất, đầu tư cho đào tạo nghề là hoạt động đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, là duy trì và phát triển chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế -xã hội, là hoạt động đầu tư vào con người. Đó chính là đầu tư phát triển để tạo ra vốn con người, nguồn vốn kết hợp các nguồn vốn khác và nguồn vốn luôn được làm giàu khi sử dụng. Đầu tư cho giáo dục nói chung, đào tạo nghề nói riêng là đầu tư có lợi nhất. Thực tế ngay từ cuối thế kỷ XIX, khi bàn đến hiệu quả giáo dục, nhà kinh tế tư sản Alfred Marshall đã đưa ra kết luận: “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cơ bản của đất nước, là nguồn gốc giàu có của xã hội”. Còn theo Viện sĩ I-an-giun người Nga: “Mỗi một cô-pếch đầu tư cho công tác giáo dục thì nhất định sau này nhân dân sẽ thu về được những đồng rúp nguyên”.
Thứ hai, đầu tư cho đào tạo nghề không chỉ được huy động từ ngân sách nhà nước mà còn phải huy động từ nhiều nguồn vốn khác. Tuy nhiên, số lượng nguồn vốn cũng thay đổi theo từng thời gian, từng yêu cầu của thực tiễn, khả năng đáp ứng và chính sách vĩ mô của Nhà nước. Yêu cầu đó đòi hỏi Nhà nước phải có chủ trương, chính sách và những quy định cụ thể về xã hội hóa đào tạo nghề, coi xã hội hóa là biện pháp hữu hiệu huy động vốn đầu tư phát triển đào tạo nghề.
Thứ ba, trong cơ chế thị trường cần quan niệm mới về vốn đầu tư phát triển đào tạo nghề. Vốn đầu tư không chỉ là giá trị các nguồn vốn đầu tư phát triển thuần túy (giá trị bằng tiền hoặc hiện vật bổ sung) mà còn được hiểu là toàn bộ giá trị tài sản đầu tư, trong đó đất đai, thương hiệu cũng cần được tính là vốn đầu tư. Do đó, Nhà nước cần quy định lại cách tính giá trị vốn đầu tư của từng cơ sở đào tạo nghề.
Thứ tư, nếu như trước đây trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp, mọi hoạt động đầu tư được cấp phát và được quản lý bởi quy định của thu, chi ngân sách, trong cơ chế thị trường với việc nhiều nguồn vốn đầu tư được hình thành khác nhau, chủ sở hữu khác nhau, đòi hỏi phải có cơ chế, quy định quản lý khác nhau.
Thứ năm, trong cơ chế thị trường có sự cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo nghề, đó là cạnh tranh về đối tượng, số lượng, chất lượng tuyển sinh, cạnh tranh về chất lượng đào tạo, cạnh tranh về chi phí đào tạo,… Vì vậy, Nhà nước cần tạo ra cơ chế để các cơ sở đào tạo cạnh tranh trong khuôn khổ quy định của pháp luật.
Thứ sáu, các nguồn vốn đầu tư cho đào tạo nghề là nguồn vốn lớn, trong đó nguồn vốn ngân sách chiếm tỷ trọng cao trong các nguồn vốn đầu tư. Việc sử dụng các nguồn vốn đó trong cơ chế thị trường đều phải tính hiệu quả, trong đó có cả hiệu quả kinh tế (trong cơ chế bao cấp, việc xem xét hiệu quả kinh tế đầu tư cho giáo dục chưa được đặt ra). Hơn nữa, nguồn vốn đầu tư cho đào tạo nghề khó xác định hiệu quả kinh tế, nên việc kiểm soát đầu tư không chặt chẽ, dễ bị thất thoát về vốn, tài sản, hoặc đầu tư không đúng mục đích gây lãng phí. Vì vậy, trong hoạt động đầu tư cho đào tạo nghề, cần xem xét hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, trong đó Nhà nước có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện dự án, đánh giá hiệu quả khi dự án đi vào hoạt động (hậu kiểm), đặc biệt là dự án có vốn của Nhà nước.
Thứ bẩy, cơ chế thị trường với việc nẩy sinh mâu thuẫn giữa việc thu học phí tăng lên nhằm nâng cao số lượng và chất lượng đào tạo, với việc tạo điều kiện cho người nghèo có thể có cơ hội để học tập, để tìm việc làm, do đó cần có sự trợ giúp, điều chỉnh từ phía Nhà nước.
Thứ tám, hiện nay, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nguyên tắc hoạt động của tổ chức này là dựa trên cơ sở kinh tế thị trường. Hiệp định chung về thương mại dịch vụ của WTO về giáo dục quy định: Trừ hoạt động giáo dục có nguồn tài trợ triệt để của quốc gia, còn lại tất cả các hoạt động giáo dục có thu học phí hoặc mang tính thương mại đều thuộc phạm trù thương mại giáo dục. Trong giáo dục và đào tạo có dịch vụ giáo dục phi lợi nhuận và dịch vụ giáo dục lợi nhuận, dịch vụ giáo dục lợi nhuận là dịch vụ mới xuất hiện ở nước ta, nhưng nó sẽ là loại hình dịch vụ phát triển mạnh trong tương lai gần. Nền giáo dục Việt Nam, trong đó có đào tạo nghề cũng phải cam kết thực hiện thương mại giáo. Từ đó dẫn đến phải đổi mới cơ chế trong hoạt động đầu tư cho giáo dục nói chung, đào tạo nghề nói riêng để hòa nhập và cạnh tranh với dịch vụ thương mại giáo dục xuyên quốc gia khi gia nhập WTO.
3. Kết luận
Đổi mới quản lý nhà nước về đầu tư cho đào tạo nghề cần được tiếp tục đầu tư cho đào tạo nghề, đổi mới quản lý nhà nước về đào tạo nghề, trong đó tập trung củng cố, xây dựng bộ máy tổ chức, cán bộ quản lý nhà nước đáp ứng với yêu cầu đào tạo nghề trong nền kinh tế thị trường. Công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề và hoạt động dạy nghề có tầm quan trọng và ý nghĩa cho sự nghiệp phát triển đào tạo nghề nhằm đáp ứng nguồn nhân lực nói chung, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ có chất lượng cao nói riêng đang thực sự trở thành yếu tố quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII (2012), Bộ Luật Lao động kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2012.
- Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, (2007), Luật Dạy nghề, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2007.
- Viện Nghiên cứu khoa học Dạy nghề ( 2012), NXB Lao động - Xã hội. Báo cáo dạy nghề Việt Nam.
- Tổng cục Dạy nghề (2013), Báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật Dạy nghề.
- Tổng cục Dạy nghề (20123), Báo cáo kết quả tuyển sinh và dạy nghề năm 2013 và phương hướng nhiệm vụ năm 2014.
REFORMING THE STATE MANAGEMENT OF INVESTMENT
IN VOCATIONAL TRAINING ACTIVITIES IN THE CONTEX OF
THE DEVELOPMENT OF MARKET ECONOMY
Master. TRAN THI DAO
Department of Economics, Trade Union University
ABSTRACT:
In the past years, implementing the policies of the Communist Party of Vietnam and the Government of Vietnam, along with the education and training renovation process, vocational training has been restored, gradually renewed and developed. The vocational training has been improved in term scale, content, and training method with diversified training activities. As a result, the quality of vocational training has changed positively. However, there are still some shortcomings in vocational training and state management of vocational training. The state management of vocational training faces new new requirements to improve the investment efficiency in vocational training activities in the context of the development of market economy in Vietnam. This paper makes some suggestions to reform the state management of investment in vocational training activities.
Keywords: innovation, state management, vocational training, investment, market economy.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15, tháng 6 năm 2022]