EVFTA được ký kết ngày 30/6/2019, và chính thức được Nghị viện Châu Âu bỏ phiếu thông qua vào ngày 12/2/2020 vừa qua.
Về phía Việt Nam, Bộ Công Thương đã và đang chủ động phối hợp với các Bộ, ngành để triển khai các thủ tục trình phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Ngày 21 tháng 2 năm 2020, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ bộ hồ sơ về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Sau đó, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các Thành viên Chính phủ, ngày 24 tháng 3 năm 2020, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo bộ hồ sơ của Chính phủ trình Chủ tịch nước để Chủ tịch nước xem xét, quyết định trình Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định.
“Đây là Hiệp định thứ hai của EU với một quốc gia Đông Nam Á, sau Singapore. Nó cũng gần như là Hiệp định Thương mại tự do tham vọng nhất từ trước tới giờ với một quốc gia đang phát triển.
Chúng ta đang mở ra những cơ hội mới trong thương mại, đồng thời cũng tạo ra những công cụ mới để thúc đẩy thực thi các quyền tự do cơ bản và quyền lợi của người lao động tại Việt Nam”, ông Gordan Grlić Radman - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Châu Âu của Croatia nhận định.
EVFTA sẽ tiến tới xóa bỏ 99% thuế quan giữa Việt Nam và EU. Trong đó, 65% số thuế đối với hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam và 71% số thuế đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực, còn lại sẽ được xóa bỏ dần theo lộ trình trong 7 năm.
EVFTA cũng sẽ góp phần xóa bỏ nhiều rào cản phi thuế quan đối với thương mại Việt Nam - EU và mở ra cơ hội tại thị trường đối tác cho các doanh nghiệp hai bên.
Bên cạnh đó, Hội đồng Châu Âu thông tin thêm Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) được ký với EVFTA tháng 6/2019 vừa qua sẽ cần được phê chuẩn bởi tất cả các quốc gia thành viên EU để có thể đi vào thực thi. Khi chính thức có hiệu lực, IPA sẽ thay thế toàn bộ các hiệp định đầu tư song phương mà 21 nước thành viên EU đang có với Việt Nam.
Trước những tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ rằng đang trông đợi vào việc EVFTA đi vào thực thi ngay trong 6 tháng cuối năm 2020, khẳng định đây sẽ là “cứu cánh” mang đến cơ hội thị trường cho doanh nghiệp lấy lại đà phát triển hậu dịch bệnh thông qua nâng cao năng lực cạnh tranh tại thị trường EU, nếu hiểu đúng và thực thi đúng các cam kết của Hiệp định này.
“Bộ Công Thương đã bắt tay ngay vào phối hợp với phía EU và các Bộ, ngành trong nước để xây dựng kế hoạch thực thi có hiệu quả EVFTA, nghiên cứu sớm ban hành các văn bản hướng dẫn kịp thời, thống nhất, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, cho biết thực thi EVFTA sẽ đi vào thực chất, đảm bảo hướng đến độ phủ nhận thức trong toàn xã hội và gắn với tạo điều kiện giúp cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, khai thác tối đa cơ hội, giúp nền kinh tế lấy đà bật lên tăng trưởng bù lại trong nửa sau năm 2020.