Giải pháp phát triển sản xuất lúa đặc sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Vũ Thị Minh Chuyên (Cục Thống kê tỉnh Sóc Trăng) - Bùi Văn Trịnh (Trường Đại học Cửu Long)

Tóm tắt:

Nghiên cứu tập trung phân tích tình hình sản xuất lúa đặc sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Dữ liệu về nông hộ sản xuất lúa đặc sản được phân tích bng phương pháp thống kê mô tả, so sánh và hồi quy. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thông tin định tính về thực trạng của mô hình sản xuất lúa đặc sản trên địa bàn tỉnh đã được thu thập trong quá trình nghiên cứu, bên cạnh thông tin định lượng. Đây là những yếu tố có tác động gián tiếp đến năng suất và hiệu quả trồng lúa đặc sản của nông dân. Từ kết quả nghiên cứu, tác giả đã đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển sản xuất lúa đặc sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Từ khóa: lúa đặc sản, hiệu quả sản xuất, tỉnh Sóc Trăng.

1. Đặt vấn đề

Với diện tích trồng lúa hơn 3,2 triệu ha, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu hàng năm, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, mà còn khẳng định vai trò xuất khẩu gạo của Việt Nam trên thế giới. Trong đó, Sóc Trăng là địa phương có diện tích gieo trồng lúa đặc sản phát triển nhanh, đặc biệt là 2 giống lúa: ST và tài nguyên mùa đã góp phần tăng thu nhập cho nông dân, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng ngày càng tăng, cũng như góp phần hình thành thương hiệu lúa, gạo Việt Nam để xuất khẩu. Diện tích lúa đặc sản ở Sóc Trăng được mở rộng do chọn tạo thành công giống lúa thơm mới năng suất cao, chất lượng giống lúa ST đạt tiêu chuẩn, được các cấp công nhận. Dựa trên kết quả phân tích, những giải pháp chính sách đã được đề xuất để lúa đặc sản tại tỉnh Sóc Trăng phát triển ngày càng bền vững.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Phương pháp thu thập dữ liệu

Bài nghiên cứu phân tích dữ liệu thứ cấp và sơ cấp để đánh giá hiệu quả sản xuất lúa đặc sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Dữ liệu thứ cấp sử dụng trong nghiên cứu được thu thập từ các tài liệu đã công bố từ năm 2018 – 2020. Dữ liệu sơ cấp được khảo sát từ nông hộ trồng lúa đặc sản tại thành phố Sóc Trăng, thị xã Ngã Năm và huyện Thạnh Trị. Số hộ trả lời khảo sát được thể hiện tại Bảng 1.

Bảng 1: Số hộ sản xuất lúa đặc sản được khảo sát

bang 1

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ phiếu điều tra

 2.2. Phương pháp phân tích dữ liệu

Để phân tích số liệu, nghiên cứu được sử dụng các phương pháp chính sau đây: thống kê mô tả, so sánh,diễn dịch, chi tiết và hồi quy tuyến tính.

3. Kết quả nghiên cứu

Diễn biến diện tích, năng suất, sản lượng lúa đặc sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng trong 4 năm gần đây được thể hiện tại Bảng 2.

Bảng 2: Biến động diện tích, sản lượng năng suất lúa đặc sản so với tổng lúa của địa bàn tỉnh Sóc Trăng

bang 2

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng

Bảng 2 cho thấy, diện tích, năng suất và sản lượng lúa đặc sản của tỉnh về cơ bản là ổn định. Trong năm 2018, diện tích sản xuất lúa đặc sản là 150.132 ha; đến năm 2021, diện tích này là 175.059 ha, diện tích giảm so với năm 2020.

Năng suất lúa đặc sản cũng tương đối ổn định và có xu hướng tăng hàng năm, cụ thể: Vụ Đông Xuân: Năng suất lúa đặc sản tăng từ 22,02 tạ/ha năm 2018 lên 24.17 tạ/ha năm 2021. Biến động năng suất lúa đặc sản qua các năm tương đối nhỏ, biến động giá gạo thường giảm. Vụ Hè Thu: Năng suất trên một đơn vị lúa đặc sản tăng từ 19,11 tạ/ha năm 2018 lên 19,63 tạ/ha năm 2021, giá gạo thường biến động nhẹ qua các năm.

Vụ Mùa: Năng suất lúa đặc sản tăng từ 17,46 tạ/ha năm 2018 lên 19,13 tạ/ha năm 2021, tốc độ tăng bình quân 3 năm là 3,12%. Đồng thời, giá gạo thường xuyên biến động và giảm giá trong vòng 3 năm. Nhờ năng suất tăng, nên sản lượng lúa đặc sản của Tỉnh cũng tăng từ 879.773 tấn năm 2018, lên 1.101.625 tấn vào năm 2021.

Đối với vùng dự án sản xuất thí điểm giống lúa tại tỉnh Sóc Trăng - là mô hình thí điểm sản xuất lúa hàng hóa, nên việc tính toán các chỉ tiêu HQKT cũng đơn giản hơn nhiều. Một số chỉ tiêu HQKT của giống lúa được tổng hợp tại Bảng 3.

Bảng 3: Hiệu quả kinh tế sản xuất lúa đặc sản của hộ

bang 3

Nguồn: Tổng hợp từ nguồn điều tra của tác giả

Số liệu từ Bảng 3 cho thấy chỉ tiêu về lợi nhuận 1 ha gieo cấy giống lúa đặc sản là 23.423.650 đồng. Giống lúa đặc sản có năng suất cụ thể: Vụ Đông Xuân đạt 61,8 - 69,6 tạ/ha; vụ Mùa đạt 58,3 - 69,73 tạ/ha; tuy nhiên giá bán đạt 7.200 đồng/kg. Chỉ tiêu Giá trị gia tăng /Tổng chi phí phản ánh 1 đồng chi phí bỏ ra có thể tạo ra được 0,87 đồng giá trị tăng thêm sau mỗi vụ sản xuất. Chỉ tiêu Doanh thu/Tổng chi phí phản ánh với 1 đồng chi phí bỏ ra có thể tạo ra được 1,87 đồng doanh thu. Chỉ tiêu Giá trị gia tăng /Lao động hộ phản ánh 1 công lao động hộ có thể tạo ra được 96.739 đồng tăng thêm trong 1 vụ sản xuất.

Bảng 4. So sánh giữa lúa thường và lúa đặc sản trên 1 ha

bang 4

Nguồn: Tổng hợp từ nguồn điều tra của tác giả

Bảng 4 cho thấy, chi phí sản xuất giữa lúa thường và lúa đặc sản trên 1 ha không chênh lệch nhiều, chi phí lúa đặc sản cao hơn 5,26% so với lúa thường. Xét tổng quát, năng suất bình quân, giá bán và lợi nhuận lúa đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với lúa thường.

4. Dự báo sản lượng lúa đặc sản giai đoạn 2022 - 2026

Căn cứ vào kỹ thuật thâm canh: tập trung vào giống lúa, thời gian gieo trồng và kỹ thuật sản xuất. Căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội, kỹ thuật thâm canh, hiệu quả sản xuất lúa để đưa ra kế hoạch phát triển sản xuất lúa. Sử dụng mô hình hồi quy để ước lượng về lượng tiêu thụ lúa đặc sản giai đoạn 2022 - 2026 (Bảng 5).

Bảng 5. Số liệu tính toán dự báo sản lượng lúa đặc sản

giai đoạn 2022 - 2026

bang 5
Nguồn: Tổng hợp từ nguồn điều tra của tác giả

cong thuc

Dùng phương trình hồi quy tuyến tính để dự báo sản lượng lúa đặc sản trong tương lai:

   Y= aX+ b = 33.816,85x + 1.034.709

Để dự báo sản lượng lúa đặc sản trong 5 năm tới, ta thay giá trị của X lần lượt là 5,6,7,8,9 vào phương trình.

          Y2022= 33.816,85x5 + 1.034.709= 1.203.793 (tấn)

          Y2023= 33.816,85x6 + 1.034.709= 1.237.610 (tấn)

          Y2024= 33.816,85x7 + 1.034.709= 1.271.426 (tấn)

          Y2025= 33.816,85x8 + 1.034.709= 1.305.243 (tấn)

          Y2026= 33.816,85x9 + 1.034.709= 1.339.060 (tấn)

Dự báo sản lượng lúa đặc sản thật sự rất khó để có được kết quả chính xác cao, do không chỉ phụ thuộc vào thời tiết, thủy văn, dịch hại, mà còn phụ thuộc vào các chính sách về cây lúa, đô thị hóa, tốc độ công nghiệp của địa phương và chính phủ; phụ thuộc vào kỹ thuật canh tác, sự phát triển của các tiến bộ của khoa học kỹ thuật phục vụ nông nghiệp trong tương lai.

5. Hệ thống giải pháp

5.1. Giải pháp phát triển sản xuất lúa đặc sản

- Giải pháp về diện tích

Qua phân tích biến động quy mô của diện tích lúa đặc sản trên địa bàn khảo sát, việc tổ chức liên kết nông dân theo mô hình tổ hợp hoặc hợp tác xã nhằm hình thành vùng nguyên liệu tập trung, đồng nhất vừa có số lượng vừa đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Áp dụng mô hình sản xuất kết hợp như tôm - lúa để tận dụng diện tích canh tác tối ưu, đem lại hiệu quả cao cho hộ nông dân.

- Giải pháp về năng suất và sản lượng

Tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất của vụ Đông Xuân bằng các biện pháp: Mua lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phải chọn nơi uy tín, tin tưởng, có thương hiệu trên thị trường. Áp dụng các giải pháp kỹ thuật như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp IPM,… đều hướng tới việc giảm chi phí đầu tư, bảo vệ môi trường. Tùy từng điều kiện cụ thể, nông dân có thể áp dụng toàn bộ gói kỹ thuật hoặc từng phần, trước hết là sử dụng giống xác nhận và áp dụng sạ thưa (giảm lượng giống) nhằm tạo điều kiện quản lý dịch hại được tốt hơn.

  • Về kỹ thuật để phát triển lúa đặc sản

       Cán bộ kỹ thuật cần thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ thuật gieo cấy giống lúa tới tất cả các hộ xã viên nhằm tăng hiểu biết của xã viên về giống, quy trình sản xuất giống nhằm đạt năng suất cao. Giám sát chặt chẽ quy trình gieo cấy của các hộ xã viên từ khâu chuẩn bị giống làm mạ cho tới công đoạn thu hoạch nhằm điều chỉnh những sai sót của xã viên trong quá trình canh tác. Cần chủ động các khâu dịch vụ như: lấy nước, làm đất, công tác bảo vệ thực vật,…

 5.2. Giải pháp về thị trường tiêu thụ sản phẩm lúa đặc sản

- Giải pháp phát triển về thị trường

       Đa dạng hóa kênh tiêu thụ sản phẩm giúp giảm thiểu rủi ro thị trường. Tăng cường hợp tác giữa cơ quan chức năng, công ty, nhà chế biến, xuất khẩu, hiệp hội, thương nhân,... tham gia lưu thông hàng hóa, góp phần quảng bá và tiêu thụ sản phẩm bằng cách:

  • Phát triển các loại hình hợp tác xã, hiệp hội sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để bảo vệ nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
  • Doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải ký kết hợp đồng tiêu thụ lúa gạo theo phẩm cấp chất lượng, chủng loại và độ ẩm của lúa gạo, không mua như hiện nay, như vậy nông dân mới yên tâm sản xuất.

- Giải pháp bảo vệ thị trường

Bảo vệ thị trường tiêu thụ mang ý nghĩa sống còn đối với mọi ngành sản xuất, mọi doanh nghiệp, nhất là sản xuất lúa theo hướng hàng hóa, cần quy hoạch vùng sản xuất và giữ vững thương hiệu, chất lượng hàng hóa. Muốn vậy, cần chú trọng một số giải pháp như:

Xây dựng Chỉ dẫn địa lý, Xuất xứ hàng hóa, đăng bạ Thương hiệu cho sản phẩm "Gạo ST24 Sóc Trăng" tại Cục Sở hữu trí tuệ. Triển khai sản xuất lúa chất lượng theo vùng chuyên canh, hỗ trợ nông dân vốn, giống, kỹ thuật, thông tin thị trường và bảo đảm tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch.

Để việc liên kết "bốn nhà" (liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và nhà khoa học dưới sự hỗ trợ của Nhà nước) mang lại hiệu quả cao, các "nhà" cần bàn bạc để rút kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cần khuyến khích người nông dân trồng giống lúa đặc sản ST24 có giá trị kinh tế cao nhằm thay thế những giống lúa chất lượng thấp đang được gieo trồng. Tăng cường thực hiện công tác kiểm soát chất lượng sản phẩm từ khâu treo trồng, thu hoạch đến quá trình sơ chế, vận chuyển sản phẩm nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

5.3. Giải pháp về quy hoạch vùng sản xuất và rà soát đầu tư về xây dựng, nâng cấp cơ sở và hạ tầng, hệ thống giao thông thủy lợi cho phát triển sản xuất lúa

Khảo sát, kiểm tra điều kiện thổ nhưỡng, nông hóa thổ nhưỡng và căn cứ vào hướng dẫn của cấp xây dựng vùng chuyên canh lúa đặc sản tập trung tại cộng đồng với tổng diện tích lên đến 137.500 ha, trong đó, diện tích trồng lúa thơm ST là lớn nhất, còn lại là lúa Tài nguyên theo mùa và các giống lúa thơm nhẹ khác. Ngoài ra, còn có các giống đặc sản cơm tím, gạo đỏ, được trồng thử nghiệm, nhân rộng và chế biến để sớm có mặt trên thị trường. Trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất, rà soát đánh giá lại hệ thống thủy lợi, xây dựng dự án đầu tư nâng cấp các công trình đầu mối, thống kê nội đồng phục vụ vùng quy hoạch, đáp ứng yêu cầu tưới tiêu khoa học. Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đường giao thông từ khu vực dân cư vào khu vực sản xuất để thuận tiện cho quá trình sản xuất, vận chuyển sản phẩm.

5.4. Giải pháp tổ chức quản lý, chính sách nhằm phát triển sản xuất lúa

Sản xuất nông nghiệp nói chung và lúa nói riêng, là lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế thấp nhưng liên quan đến đời sống của bộ phận lớn dân cư ở nông thôn nên cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trong phạm vi của một đề tài nghiên cứu, tác giả đề xuất các cấp chính quyền nên có một chính sách sát thực tế, có tầm nhìn để khuyến khích phát triển sản xuất lúa như: Ngoài các chính sách vĩ mô của Nhà nước, các huyện cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ phát triển lúa đối với nông dân thuộc diện hộ nghèo, những hộ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bằng dân tộc thiểu số còn khó khăn, kỹ thuật canh tác còn hạn chế. Tập trung quy hoạch vùng sản xuất để từ đó tạo ra các vùng sản xuất đủ lớn kết hợp với thực hiện tốt việc ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa, thực hiện theo chủ trương liên kết “bốn nhà”.

6. Kết luận

Trong những năm gần đây, tỉnh Sóc Trăng khẳng định cây lúa vẫn là cây chủ lực và sẽ tăng diện tích và sản lượng đầu ra - điều này được đề cập trong đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh. Theo đó, Tỉnh cần ưu tiên phát triển lúa đặc sản nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và bảo vệ môi trường sinh thái. Qua phân tích về thực trạng tình hình sản xuất lúa đặc sản cho thấy, đa số nông hộ tuy có trình độ học vấn không cao nhưng có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng lúa. Đồng thời, diện tích sản xuất trung bình của mỗi hộ vẫn còn thấp. Việc tiếp cận thông tin thị trường của người sản xuất cũng khá dễ dàng, nguyên nhân chính để các hộ chuyển qua sản xuất lúa đặc sản là do lợi nhuận cao, chủ yếu giá bán ổn định và cao hơn lúa thường. Giá bán lúa đặc sản ổn định do ký hợp đồng mua bán ngay trước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. UBND tỉnh Sóc Trăng (2020), Báo cáo Tổng kết 4 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 - Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 (Dự thảo);
  2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng (2020), Báo cáo Kết quả sản xuất nông nghiệp năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021
  3. Đỗ Kim Chung và cộng sự (2009). Giáo trình Nguyên lý kinh tế nông nghiệp. NXB Nông nghiệp, Hà Nội.
  4. Mai Văn Nam (2008), Giáo trình Nguyên lý thống kê kinh tế. NXB Văn hóa thông tin, trang 43;
  5. Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng (2020), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Solutions to promote the production of specialty rices

in Soc Trang province

Vu Thi Minh Chuyen1

Assoc.Prof.Ph.D Bui Van Trinh2

1Soc Trang Province Statistical Office

2Mekong University

                                                                                                    

Abstract:

This study analyzes the production of specialty rices in Soc Trang province. Data about specialty rice farming households are analyzed by the descriptive, comparative and regression statistical methods. During the study’s process, besides quantitative information, qualitative information about the current specialty rice production models in Soc Trang province is also collected. They are factors directly impacting the yield and production efficiency of specialty rices. Based on the study’s results, some solutions are proposed to promote the production of specialty rices in Soc Trang province.

Keywords: specialty rice, production efficiency, Soc Trang province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 6 năm 2022]