Từ Hà Nội đi Sơn La 320 cây số, đi Điện Biên hơn 500 cây số. Những con số này có thể chưa nói được điều gì; nhưng bạn sẽ cực kỳ ấn tượng khi biết rằng, mấy trăm cây số ấy là gần hai chục cung đường đèo dốc lớn; dài nhất như đèo Pha Đin, tới 32 cây số, nằm vắt qua 2 huyện Thuận Châu của Sơn La và Tuần Giáo của Lai Châu; dài trên chục cây số là đèo Chiềng Đông, đèo Tằng Quái với dốc dựng đứng, cua tay áo tiếp nối cua tay áo…
Hoang dã hiểm trở là vậy, nhưng quốc lộ 6, con đường lên Tây Bắc thuộc vào loại tấp nập nhất nước ta, bởi hai bên những cung đường rợn người ấy có hàng trăm điểm du lịch sinh thái, lễ hội, lịch sử và văn hóa. Chỉ kể tên lên thôi: những Hang Dơi, Thác Dải Yếm, Nông trường Mộc Châu, Khu di tích Mường Phăng, Mường Thanh, Điện Biên Phủ… là con tim ai nấy đã rộn rã muốn bay vào cuộc hành trình.
Nhưng có những người, chúng tôi muốn gọi là những “phượt thủ”, mỗi năm có hàng chục chuyến đi đi về về trên những cung đường ấy; không phải để hòa vào dòng người trong Lễ hội Hoa Ban, không phải để trải nghiệm cảm giác phiêu phiêu ngang qua đèo Xá Tổng, cũng không phải để thử sức trai dẻo dai khi qua Mường La, đoạn đường 50 cây số có tới hơn 30 chiếc cầu lớn nhỏ bắc qua sông suối…
Họ là những cán bộ làm công tác khuyến công ở Sơn La, Điện Biên; họ đi tìm lời giải cho bài toán ngược và bài toán xuôi. Ông Nguyễn Đình Phong, người con của Thanh Hóa, có 30 năm công tác tại Sơn La kể lại rằng, đến giờ ông vẫn nhớ mãi cái cảm giác “choáng váng” khi tỉnh và Sở Công Thương Sơn La ra bài toán thế này: Thứ nhất, Cà phê Sơn La chất lượng tốt nhưng giá thấp vì chưa có thương hiệu; thứ hai, cà phê Sơn La phải phục vụ cho xuất khẩu nhưng chất lượng chưa đồng đều và người xuất khẩu chưa gắn kết với người sản xuất. Vậy Khuyến công Sơn La phải làm gì để đưa cà phê Sơn La đến tay người tiêu dùng với giá trị kinh tế cao?
Trong khi đó, ai cũng biết, điểm tạo nên sự khác biệt của cà phê Sơn La chính là giống cà phê Arabica (hay còn gọi là cà phê chè), là giống cà phê được trồng ở độ cao ít nhất từ 600 m so với mặt nước biển trở lên. Đây là giống cà phê được thế giới ưa chuộng bởi hương vị đặc trưng. Sơn La là địa phương trồng cà phê Arabica lớn thứ 2 của cả nước, chỉ sau tỉnh Lâm Đồng. Cà phê Arabica được đánh giá cao về chất lượng, phát triển ở điều kiện khác biệt nên mang hương vị tự nhiên. Sản phẩm chế biến từ cà phê Arabica được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, giá trị cao hơn cà phê Robusta được trồng chủ yếu tại Tây Nguyên.
Vậy tại sao cà phê Sơn La vẫn thất bại? Ông thức trắng mấy đêm, lời giải mà ông đưa ra lần đến điểm gút nào cũng tắc. Canh tác theo tiêu chuẩn Vietgap thì bên Nông nghiệp “quản”; công nghệ chế biến thì bên Khoa học và Công nghệ “thẩm định”. Rà đi rà lại, bất chợt ông nhớ tới một kinh nghiệm… thất bại.
Năm đó, Khuyến công Sơn La kết hợp với Khuyến công Hà Nội mở lớp đào tạo mây tre đan. Làm xong thì không bán được, một mặt vì giá cao, mặt khác không đáp ứng được với nhiều gu tiêu dùng ở nhiều vùng miền khác nhau. Tóm lại là không cạnh tranh được trên thị trường. Như vậy, bây giờ ông phải làm bài toán ngược, phải bắt đầu từ thị trường rồi đi ngược về sản xuất.
Thế là anh em được huy động, tỏa đi khắp nơi. Người đi tìm bạn hàng, người đi dự hội nghị, hội thảo; rồi lên chương trình tìm gặp các chuyên gia, tham tán đại sứ quán một số nước tại Hà Nội. Tất cả các cuộc này chỉ nhằm một mục đích, biếu họ cà phê Sơn La và xin lại đánh giá, cảm nhận. Sau đó, tập hợp những thông tin gửi về thành ra một bức tranh chung hết sức ngắn gọn, nhưng đủ sức khái quát về thị trường: Nếu dùng thuần cà phê Arabica thì rất kén khách.
Trên cơ sở đó, Khuyến công Sơn La báo cáo với Sở Công Thương tham mưu cho tỉnh chỉ đạo, sản xuất một lượng sản phẩm vừa phải, có chất lượng, thuần Arabica dành riêng cho khách hàng khó tính, có giá bán cao. Số cà phê còn lại, phải liên kết, với cà phê Trung Nguyên chẳng hạn, để phối trộn với các loại cà phê khác. Muốn thế, phải xây dựng thương hiệu cà phê Sơn La sao cho khi nói đến cà phê Sơn La là chỉ nói đến cà phê Arabica. Hiện nay, tỉnh đang hỗ trợ xây dựng thương hiệu tập thể cà phê Sơn La.
Sau khi đã giải được bài toán ngược rồi, Khuyến công Sơn La tiếp tục giải bài toán xuôi. Đó là tư vấn xây dựng một mô hình từ sản xuất, chế biến cho đến khi ly cà phê lên bàn người tiêu dùng. Bài toán xuôi hiện đang tiến hành tại Công ty Cà phê Sơn La, song những người đã đi ngược về xuôi với số cây di chuyển trên cả chiều dài đất nước rất tự tin, bởi trước đó, họ đã hỗ trợ cho mô hình sản xuất chè ở đây khá thành công. Năm 2020, chè nơi khác khó tiêu thụ, nhưng chè Sơn La vẫn tiêu thụ tốt, mặc dù giá bán lên tới 60 ngàn đồng/kg, cao hơn 20% so với năm trước.
Giống như ông Phong, ông Bảy, giám đốc Trung tâm Khuyến công Điện Biên gắn bó với Tây Bắc đã quá nửa đời người, từ năm 1977. Điện Biên cũng giống Sơn La ở chỗ, thị trường nhỏ, địa hình sông suối chia cắt, nên số lượng và quy mô cơ sở sản xuất có hạn.
Cái có hạn này, không chỉ nói về quy mô mà còn cả ở khâu quản trị. Nên cán bộ khuyến công Điện Biên cũng vừa phải bám sát cơ sở sản xuất, thậm chí sử dụng lực lượng cộng tác viên trên các địa bàn để kịp thời phát hiện cơ sở có khả năng “hấp thụ” được sự hỗ trợ của khuyến công; vừa phải tư vấn, phát hiện thị trường cho doanh nghiệp và cơ sở sản xuất. Có nghĩa cũng phải giải cả bài toán ngược lẫn bài toán xuôi.
Anh Lò Văn Thoong, chủ nhiệm HTX Na Sang cho biết, được hỗ trợ tìm kiếm thị trường, nên sản phẩm của HTX đã có mặt tại một số khách sạn, nhà hàng, điểm du lịch… trên địa bàn. Sát việc, nên Khuyến công Điện Biên có thể tư vấn, hỗ trợ cho cơ sở từ khâu lập dự án, mua thiết bị, cho đến tổ chức sản xuất, phân phối ra thị trường. Sát việc, nên Khuyến công Điện Biên đã kịp thời hỗ trợ cho 2 cơ sở sản xuất có những sản phẩm “độc và lạ” trên địa bàn Điện Biên. Đó là sản phẩm tôn 3 lớp của Công ty THHH Nhu Ngoan; và sản phẩm gạch lát vỉa hè không nung của Công ty TNHH 32 Điện Biên.
Vì độc và lạ nên cả 2 sản phẩm nói trên tiêu thụ rất tốt trên địa bàn. Ông Bảy cho biết thêm, sắp tới Công ty TNHH 32 Điện Biên còn sản xuất cả ngói không nung ở Mường Lay, và Khuyến công Điện Biên sẽ tiếp tục vào cuộc hỗ trợ công ty này.
Những cung đường Tây Bắc sẽ tiếp tục là những cung đường khúc khuỷu, hiểm trở; những điểm du lịch sinh thái, những lễ hội văn hóa, lịch sử đặc sắc Tây Bắc tiếp tục thu hút khách thập phương; và trên con đường tấp nập ấy, những cán bộ khuyến công Tây Bắc vẫn mải miết đi ngược về xuôi, tìm lời giải cho những bài toán ngược-xuôi.