Hơn 180.000 tấn vải thiều Bắc Giang vào vụ
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, năm 2023, tổng diện tích vải thiều của tỉnh Bắc Giang là 29.700 ha (tăng 1.400 ha so với năm 2022), sản lượng ước đạt trên 180.000 tấn. Trong đó vải chín sớm là 7.700 ha, sản lượng ước 57.000 tấn; vải chính vụ diện tích là 22.000 ha, sản lượng ước trên 120.000 tấn; vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.600 ha, sản lượng khoảng 113.800 tấn; vải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 82 ha, sản lượng ước đạt 1.000 tấn.
Tỉnh Bắc Giang dự kiến sản lượng vải thiều năm nay trên 180.000 tấn. Do thời gian thu hoạch vải ngắn nên việc liên kết, tìm đầu ra cho vải thiều được chính quyền, nông dân các địa phương trong tỉnh Bắc Giang tích cực xúc tiến ngay từ đầu vụ.
Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) vừa cấp thêm 12 mã số vùng trồng vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang thị trường Australia và Thái Lan. Theo đó, 9 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu sang thị trường Australia với tổng diện tích hơn 117,5 ha và 3 mã xuất khẩu sang thị trường Thái Lan có tổng diện tích 42 ha.
Đồng thời, tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp thêm 45 mã số vùng trồng, với diện tích 460 ha, nâng tổng số vùng sản xuất năm 2023 là 223 vùng trồng, diện tích 17.154,9 ha; sản lượng ước đạt trên 115.000 tấn phục vụ xuất khẩu.
Ngoài các thị trường truyền thống, tỉnh Bắc Giang quan tâm mở rộng tiêu thụ loại quả đặc sản của địa phương đến các thị trường cao cấp, khó tính, các thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, EU…).
Tỉnh Bắc Giang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các hộ nông dân thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại ngay từ đầu vụ, đảm bảo theo đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để đáp ứng yêu cầu cao của thị trường....
Địa phương hướng dẫn các doanh nghiệp, thương nhân thực hiện đúng quy định của nước nhập khẩu, hệ thống phân phối về quy trình thu hoạch, bảo quản, đóng gói, sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm…
Bên cạnh đó, Bắc Giang quản lý chặt chẽ mã vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói trên bao bì sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, các thương nhân, chống các hành vi gian lận thương mại (mua ở vùng này nhưng lại dán mã của vùng khác), hạn chế tối đa hiện tượng ép cân, ép giá, tăng giá đột biến các mặt hàng phụ trợ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, nắm bắt thông tin về diễn biến thị trường giúp nhân dân, doanh nghiệp chủ động tiêu thụ, chế biến vải thiều.
Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho hay, vụ sản xuất 2023, địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh tiêu thụ vải thiều, đặc biệt là nguồn vốn cho lưu thông và nguồn điện cho các cơ sở sản xuất thùng xốp, nước đá, các dịch vụ hỗ trợ cho thu hoạch và tiêu thụ vải thiều.
Tỉnh triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, công tác phòng cháy chữa cháy; đảm bảo an toàn giao thông, tổ chức phân luồng giao thông tại các tuyến đường chính, tạo điều kiện tốt nhất cho việc vận chuyển tiêu thụ vải thiều và đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho người dân.
Ngoài ra, Bắc Giang chủ động và tạo mọi điều kiện thuận lợi, giúp đỡ các thương nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến khảo sát, tìm hiểu, ký kết hợp đồng tiêu thụ và chế biến vải thiều; kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình chế biến và tiêu thụ vải thiều…
Chú trọng khai thác thị trường trong nước
Mới đây, để khai thác tốt thị trường trong nước, UBND tỉnh Bắc giang và Tập đoàn Central Retail Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác về tiêu thụ vải thiều mùa vụ 2023.
Theo Thỏa thuận hợp tác, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin về các đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản chủ lực, đặc trưng tỉnh Bắc Giang cho Central Retail Việt Nam để tổ chức kết nối, tiêu thụ sau khi Tập đoàn lựa chọn được các đơn vị sản xuất, kinh doanh đáp ứng được các điều kiện và nhu cầu của Tập đoàn.
Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà cung cấp phối hợp chặt chẽ, hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ, sản xuất các sản phẩm an toàn theo quy định để cung cấp cho Central Retail Việt Nam.
Sau khi ký thoả thuận hợp tác này, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin về đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang cho Tập đoàn Central Retail Việt Nam để triển khai nhiều hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều mùa vụ 2023 của tỉnh Bắc Giang, cụ thể: cung cấp thông tin, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà cung cấp địa phương về các điều kiện, thủ tục, giấy tờ để đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị của Tập đoàn Central Retail Việt Nam.
Bên cạnh đó, Sở cũng tạo điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn Central Retail Việt Nam được tìm hiểu thực tế công tác sản xuất tại địa phương và tổ chức cung ứng, tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản, thực phẩm hoặc có nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất để chế biến, sơ chế và phân phối vải thiều và các sản phẩm nông sản, thực phẩm nếu đáp ứng được các điều kiện và nhu cầu của Tập đoàn Central Retail Việt Nam.
Thay đổi để đáp ứng nhu cầu của thị trường ngoài nước
“Thời gian tới, việc thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, xuất khẩu vải thiều là các sản phẩm tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bắc Giang vào thị trường Hoa Kỳ còn rất nhiều dư địa. Trong năm 2022, tỉnh Bắc Giang kỳ vọng tăng sản lượng xuất khẩu vải thiều tươi và các sản phẩm rau quả chế biến vào thị trường Hoa Kỳ, coi thị trường Hoa Kỳ là điểm tựa để quảng bá, lan tỏa tiêu thụ vải thiều sang các thị trường khác trên thế giới” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn khẳng định.
Tỉnh Bắc Giang xác định Hoa Kỳ là thị trường tiềm năng, có sức mua lớn nhưng đây lại là thị trường “khó tính”, đòi hỏi chất lượng cao, với các yêu cầu về kiểm dịch, an toàn thực phẩm nghiêm ngặt.
Vừa qua, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Hội nghị trực tuyến kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của tỉnh vào thị trường Hoa Kỳ năm 2023. Hội nghị là cơ hội lớn để các doanh nghiệp của tỉnh Bắc Giang hợp tác, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu vải thiều và các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh vào thị trường Hoa Kỳ.
Một trong số những khó khăn khi xuất khẩu vải thiều sang thị trường Hoa Kỳ mà doanh nghiệp gặp phải là vấn đề về vùng nguyên liệu, chiếu xạ, chi phí vận chuyển vải thiều bằng đường hàng không; thời gian vận chuyển bằng đường biển; công nghệ bảo quản vải thiều tươi;…
Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với tỉnh Bắc Giang xây dựng các phương án, kịch bản đẩy mạnh tiêu thụ quả vải thiều và nông sản tại thị trường nước ngoài. Vải thiều của tỉnh Bắc Giang đã nhận được sự quan tâm, đánh giá cao về chất lượng của nhiều đầu mối nhập khẩu nước ngoài.
Cục Xúc tiến thương mại, Vụ thị trường Châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công Thương) sẽ tiếp tục hỗ trợ thông tin về thị trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và các rào kỹ thuật của thị trường Châu Âu, Châu Mỹ. Đồng thời, hỗ trợ tỉnh đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng ở khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ vải thiều và nông sản có tiềm năng, thế mạnh của Bắc Giang với các Tập đoàn phân phối, doanh nghiệp nhập khẩu tại các nước và mời gọi kênh phân phối, các Tập đoàn bán lẻ có chi nhánh tại Việt Nam đến tìm hiểu, hợp tác, thu mua tiêu thụ vải thiều và nông sản chủ lực của Bắc Giang…
Ông Bùi Huy Sơn, Tham tán Công sứ, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ có đề xuất rằng, các hãng vận tải như Vietnam Airlines, Bamboo Airways,… giảm cước vận chuyển trái vải vào các dịp cao điểm từ Việt Nam sang Hoa Kỳ và các thị trường quốc tế khác. Tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp logistics phát huy thế mạnh hệ thống hạ tầng, tối ưu hoá mô hình logistics chuyên dụng dành cho nông sản phục vụ xuất khẩu.
Đồng thời, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, trong đó ngoài vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp lớn đã có kinh nghiệm xuất khẩu hoa quả tươi quốc tế cần tập trung đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát huy lợi thế của mình tích cực tham gia xuất khẩu. Trong nhóm này không thể thiếu vai trò của các doanh nghiệp xuất khẩu tại Mỹ, trước mắt là các doanh nghiệp Việt Kiều giúp tiêu thụ hàng hoá tại các chuỗi chợ, trung tâm thương mại châu Á.