Hội thảo nằm trong khuôn khổ Đề án của Chính phủ “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp hệ thống phân phối nước ngoài”. Sự kiện với sự tham gia của các Tập đoàn phân phối lớn, các Hiệp hội ngành hàng cùng hơn 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, giầy da, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng, điện tử, trang thiết bị y tế... và hàng nghìn doanh nghiệp theo dõi trên các kênh phát sóng trực tiếp trên Facebook và Youtube.
Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tuyến với điểm cầu chính tại Hà Nội và kết nối với hàng chục điểm cầu trong nước, quốc tế bao gồm: các Tập đoàn Phân phối lớn như Walmart, Aeon, Central Retail, Decathlon; các Cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại Mỹ, Nhật Bản, Bỉ, Thái Lan; Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và quan trọng hơn cả là sự tham gia của hơn 200 Doanh nghiệp xuất nhập khẩu uy tín của Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, đây là hoạt động thường niên của Đề án nhằm hướng tới mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu.
Bên cạnh đó, giúp doanh nghiệp nắm được quy trình xuất khẩu hàng hóa thông qua hệ thống phân phối nước ngoài, đồng thời, kết nối với bộ phận mua hàng của các Tập đoàn phân phối lớn đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế trong nước cũng như tình hình sản xuất và xuất khẩu của Doanh nghiệp Việt Nam.
Hội thảo với 2 Phiên làm việc chính bao gồm phiên tập huấn và phiên kết nối doanh nghiệp (B2B).
Tại Phiên tập huấn: đại diện Cơ quan Thương mại Việt Nam tại các nước đã cung cấp tới doanh nghiệp những thông tin về thị trường và nhu cầu nhập khẩu của thị trường Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, EU đối với ngành hàng phi thực phẩm.
Tiếp theo đó, đại diện các Tập đoàn phân phối đã hướng dẫn doanh nghiệp về quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa cung ứng vào hệ thống phân phối của họ theo từng ngành hàng cụ thể như: đồ gỗ nội thất, thủ công mỹ nghệ, dệt may, giày da, gia dụng...
Kết thúc phiên tập huấn, một loạt các câu hỏi của doanh nghiệp về thông tin thị trường và khả năng xuất khẩu từng mặt hàng cụ thể đã được đại diện Cơ quan thương mại Việt Nam tại các nước và Tập đoàn Phân phối hỗ trợ trả lời chi tiết, cụ thể nhằm cung cấp thông tin tới doanh nghiệp một cách đầy đủ và toàn diện nhất.
Tại phiên giao thương B2B, những doanh nghiệp đăng ký tham gia Đề án và có hàng hóa đáp ứng đủ tiêu chuẩn chất lượng của các hệ thống phân phối đã được Ban Tổ chức thu xếp gặp gỡ chuyên gia thu mua của các Tập đoàn để giới thiệu và chào bán sản phẩm của mình.
Thông qua những Hội thảo của Đề án, Bộ Công Thương mong muốn tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu và đưa hàng hóa thương hiệu Việt Nam có mặt ngày càng nhiều trên kệ các siêu thị của các Tập đoàn phân phối lớn trên thế giới.
Walmart là chuỗi bán lẻ lớn nhất của Mỹ, hiện có mặt tại 27 quốc gia, tổng doanh thu của tập đoàn này trong năm 2018 đạt trên 500 tỷ USD với số lượng khách hàng phục vụ bình quân 270 triệu khách/tuần.
AEON là hệ thống bán lẻ lớn nhất và lâu đời nhất tại Nhật Bản, thành lập từ năm 1758, với 16.498 trung tâm và cửa hàng tại Nhật và các nước khu vực Châu Á (Trung quốc, Malaysia, Indonesia, Việt Nam...).
Central Retail là một trong những tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan với hệ thống cửa hàng ở nhiều nước trong khu vực Châu Á như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan và Châu Âu như Đức, Ý, Đan Mạch.
Decathlon là chuỗi bán lẻ sở hữu nhiều Thương hiệu thể thao độc quyền từ năm 1976. Decathlon Việt Nam có hơn 500 nhân viên làm việc tại hơn 100 nhà máy trên toàn quốc và đang từng ngày sản xuất và chuyển đi hàng chục triệu sản phẩm đến các hàng khác nhau trên toàn thế giới.