Hội thảo nhằm góp phần triển khai hiệu quả văn bản hợp nhất số 08/VBHN-BCT của Bộ Công Thương ngày 26/3/2021 - Thông tư quy định về quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương.
Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu, khách mời đến từ các đơn vị thuộc Bộ Công Thương gồm Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số; đại diện Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất và phân phối sản phẩm hàng tiêu dùng, ngành hàng thực phẩm, các tổ chức kinh tế, thương mại, các Tập đoàn; Tổng Công ty, các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm liên quan...
Bộ Công Thương góp phần thúc đẩy kết nối cung - cầu an toàn thực phẩm
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Biên tập Báo Công Thương Nguyễn Tiến Cường cho biết, hiện nay, hệ thống bán lẻ hiện đại tại Việt Nam chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ với tốc độ tăng trưởng rất mạnh mẽ, đạt 11,8%/năm. Hàng hóa trong các hệ thống bán lẻ hiện đại đa số được kiểm soát về chất lượng, mẫu mã và giá cả; hệ thống phân phối, logistics chuyên nghiệp hơn so với chợ truyền thống nên hàng hóa được đảm bảo chất lượng khi đến tay người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Tiến Cường, nguồn cung đã có, nhu cầu tăng cao, thời gian qua, công tác kết nối cung - cầu các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tiếp tục được các cơ quan chức năng, địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt là Bộ Công Thương quan tâm thực hiện, góp phần thúc đẩy kết nối các cơ sở sản xuất với các cơ sở tiêu thụ trên cả nước.
Qua đó, nhiều địa phương đã hình thành nhiều chuỗi cung ứng - tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn; quảng bá nông sản ra các tỉnh, thành khác; góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, gắn với thị trường và theo chuỗi giá trị.
“Công tác kết nối cung - cầu nông sản, thực phẩm an toàn tiếp tục là cầu nối để thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho nông dân, góp phần phát triển ngành nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị, tạo chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân”, Ông Nguyễn Tiến Cường nhấn mạnh.
Thời gian qua, Bộ Công Thương cũng tích cực phối hợp với các cơ quan truyền thông triển khai mạnh công tác thông tin, tuyên truyền một cách chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm; tăng cường truyền thông quảng bá sản xuất, kinh doanh thực phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn… thông qua đa dạng các hình thức truyền thông như tin, bài, ảnh, talkshow, hội thảo…
Các hoạt động này, bên cạnh việc cung cấp thông tin cho người đọc, cũng là giải pháp để quảng bá các kênh tiêu thụ, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm.
Đề xuất một số giải pháp quản lý an toàn thực phẩm trên thương mại điện tử
Bà Lê Thị Hà - Trưởng phòng Quản lý hoạt động Thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đề xuất một số giải pháp quản lý an toàn thực phẩm trên thương mại điện tử trong thời gian tới, trong đó, ủng hộ việc cơ quan y tế xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu như đề xuất tại Công văn của Bộ Y tế đối với trang thông tin điện tử về an toàn thực phẩm.
“Theo đó, Bộ Y tế cần sớm hoàn thiện hệ thống và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia, đồng thời cho phép các đơn vị liên quan trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm được kết nối, khai thác và sử dụng dữ liệu, tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trên không gian mạng”, bà Lê Thị Hà nêu ý kiến.
Cùng với đó, Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cơ sở dữ liệu về thương mại điện tử tại hệ thống Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử sẵn sàng cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với các đơn vị liên quan như thuế, công an thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu theo Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.
Bà Lê Thị Hà cho rằng cần tăng cường công tác phối hợp rà soát, trao đổi và cung cấp thông tin giữa Cục và các đơn vị liên quan như Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương), Bộ Công an, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), v.v.. về các đối tượng lợi dụng các website và ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thực phẩm.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần nâng cao năng lực thực thi pháp luật về thương mại điện tử, đào tạo cho các cán bộ làm công tác thực thi pháp luật, công tác quản lý Nhà nước để hiểu về các quy định mới trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, từ đó hoàn thiện năng lực thực thi trong công tác chuyên ngành liên quan.
Bà Lê Thị Hà cũng đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo và phổ biến chính sách pháp luật như tăng cường công tác cảnh báo bằng nhiều phương thức khác nhau đến người tiêu dùng, tận dụng các nền tảng mạng xã hội mới, các hình thức truyền tải thông tin mới như livestream, AI, sử dụng người có ảnh hưởng KOL để lan truyền thông điệp về an toàn thực phẩm.
Để doanh nghiệp góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành thực phẩm Việt Nam hơn nữa
Về phía doanh nghiệp, ông Park Chang Lyul - Giám đốc Vận hành LOTTE Mart Việt Nam chia sẻ ý kiến nhằm giúp các nhà cung ứng thực phẩm nội địa tăng năng lực cạnh tranh và gia tăng cơ hội xuất hiện trong hệ thống phân phối hiện đại.
Theo ông Park Chang Lyul, các nhà cung cấp trước tiên phải đáp ứng về mặt giấy tờ chứng nhận chất lượng sản phẩm, chứng nhận hoạt động cũng như tìm hiểu về quy trình giao nhận hàng hóa của hệ thống bán lẻ để đảm bảo cung cấp đầy đủ giấy tờ cần thiết.
Bên cạnh đó, ông Park Chang Lyul khuyên các nhà cung cấp cần đầu tư thêm vào mẫu mã bao bì sản phẩm, kiểu dáng công nghiệp để bắt kịp sự thay đổi của thị trường và tạo hiệu ứng cho người tiêu dùng.
Đồng thời, các nhà cung cấp cần chú trọng vào vấn đề nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm, một trong những yếu tố giúp đưa hàng vào siêu thị dễ hơn. Việc sử dụng tem truy xuất hàng hoá dưới dạng QR code sẽ giúp bảo vệ và khẳng định chất lượng sản phẩm của các nhà cung cấp.
Giám đốc Vận hành LOTTE Mart Việt Nam cũng cho rằng, yếu tố quan trọng để thu hút người tiêu dùng là độ đồng đều chất lượng hàng hóa, đảm bảo đủ sản lượng cung cấp và giữ được sản phẩm tươi ngon khi vận chuyển đến siêu thị LOTTE Mart.
Ông Huỳnh Thanh Hiệp - Đại diện Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi đề xuất kiến nghị với Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý nhà nước nhằm kết nối thực phẩm an toàn trong hệ thống phân phối.
Theo ông Huỳnh Thanh Hiệp, cần nâng cao hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, hỗ trợ các doanh nghiệp thực phẩm để xây dựng môi trường sản xuất thực phẩm an toàn của Việt Nam, để người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng, yên tâm khi sử dụng các sản phẩm chế biến, nâng cao chất lượng cuộc sống để có thời gian cho phát triển kinh tế, xã hội.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế để mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm thực phẩm Việt Nam.
Đại diện Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi cũng cam kết tiếp tục đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành thực phẩm Việt Nam, đồng thời, bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ và hợp tác từ Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý Nhà nước để cùng phát triển và mang lại lợi ích cho toàn xã hội.