Kinh nghiệm quản lý thương mại điện tử của Trung Quốc và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam*

TS. Vũ Hoàng Linh - ThS. Bùi Thị Hồng Ngọc (Viện Kinh tế Việt Nam)

TÓM TẮT:

Quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới đã mở ra những cơ hội mới cho các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Việt Nam, trong đó có thương mại điện tử (TMĐT). Thực tế, sự phát triển trong thời gian qua đã cho thấy tiềm năng đóng góp to lớn của TMĐT vào nền kinh tế cũng như xu hướng phát triển của lĩnh vực này mở ra nhiều khía cạnh cần sự quan tâm đặc biệt từ góc độ quản lý của nhà nước. Trong khía cạnh này, bài viết trình bày một số kinh nghiệm quản lý TMĐT của Trung Quốc, một trong những quốc gia có trình độ phát triển TMĐT hàng đầu thế giới và có những kinh nghiệm đi trước trong quản lý lĩnh vực thương mại giàu tiềm năng này. Dựa trên những kinh nghiệm được trình bày, bài viết cũng đưa ra một số những gợi ý bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong quản lý TMĐT hiện nay

Từ khóa: thương mại điện tử, quản lý, kinh nghiệm, bài học, giao dịch trực tuyến.

1. Đặt vấn đề

Lĩnh vực TMĐT [1] của Việt Nam từ lâu luôn là một lĩnh vực có sự phát triển ấn tượng, giàu tiềm năng và ngày càng hấp dẫn sự tham gia của nhiều chủ thể trong và ngoài nước. Trong giai đoạn khoảng hơn một thập kỷ qua, quy mô dân số, thu nhập bình quân đầu người gia tăng và đặc biệt là sự hội nhập, mở cửa tăng lên thông qua các hiệp định thương mại tự do FTA cũng như sự gia nhập vào các tổ chức thương mại, hợp tác quốc tế đã biến Việt Nam trở thành một trong những thị trường hấp dẫn nhất trong khu vực và trên thế giới. Cùng với đà phát triển chung của nền kinh tế, TMĐT Việt Nam đã có sự tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 30% - 35%/năm [ 2].  Hiện nay, Việt Nam có khoảng gần 69 triệu người sử dụng Internet [3] và sẽ liên tục gia tăng trong tương lai, giá trị thị trường TMĐT dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Việt Nam được kỳ vọng sẽ là thị trường TMĐT tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa TMĐT ước đạt 56 tỷ USD vào năm 2026 [4]

Tuy nhiên, trong bối cảnh sự phát triển càng nhanh và tiềm năng càng lớn thì những thách thức đặt ra, đặc biệt là về mặt quản lý từ phía Nhà nước sẽ càng lớn đối với một lĩnh vực mà liên tục có sự vận động và phụ thuộc vào sự phát triển của công nghệ như TMĐT. Nhận thấy tầm quan trọng của hiệu quả quản lý TMĐT trong bối cảnh hiện tại, bài nghiên cứu đứng từ góc độ quản lý kinh tế sẽ trình bày một số kinh nghiệm quản lý TMĐT của Trung Quốc, một trong những quốc gia có trình độ phát triển TMĐT hàng đầu thế giới và có những kinh nghiệm đi trước trong quản lý lĩnh vực thương mại giàu tiềm năng này. Dựa trên những kinh nghiệm được trình bày, bài viết cũng đưa ra một số những gợi ý bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong quản lý TMĐT hiện nay.

2. Kinh nghiệm quản lý thương mại điện tử của Trung Quốc

Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc ngày càng coi trọng việc phát triển và tăng cường hiệu quả quản lý TMĐT, TMĐT được coi là một công cụ quan trọng giúp chuyển đổi và mở cửa nền kinh tế. Trong bối cảnh môi trường thương mại thay đổi nhanh chóng, chính phủ, các bộ và các vùng của Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách và quy định quản lý về TMĐT, trong đó nổi bật là những chính sách chính sau đây:

2.1. Chính sách thương mại điện tử nội địa

  • Hạ thấp rào cản ra nhập để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại điện tử

Chính phủ Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ xây dựng các nền tảng TMĐT và đơn giản hóa quy trình đăng ký vốn, giảm các rào cản tiếp cận và loại bỏ các vấn đề tồn tại trước phê duyệt liên quan đến TMĐT. Các cơ quan chức năng hỗ trợ thành lập các trạm logistics và các nền tảng logistics thông minh, thúc đẩy xây dựng nền tảng logistics xuyên ngành, xuyên khu vực, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng của các trạm phân phối nhanh và khuyến khích hệ thống quản lý cộng đồng, trạm dịch vụ thông tin thôn xóm và các đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh. Chính quyền trung ương Trung Quốc yêu cầu mỗi cấp chính quyền dành quỹ đất cho dịch vụ kho bãi logistics trong quy hoạch thị trấn, quy hoạch sử dụng và cung cấp đất, nhằm hướng nguồn vốn đầu tư xã hội vào xây dựng cơ sở kho bãi, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển phát nhanh cung cấp dịch vụ “kết hợp phân phối kho” (warehouse distribution integration). Chính phủ chú trọng phát triển TMĐT trong nông nghiệp, đặc biệt là thông qua thành lập chuỗi logistics nông nghiệp và thực hiện các dự án thí điểm TMĐT tại khu vực nông thôn.

  • Tăng cường sự tin cậy và thúc đẩy hệ thống tín dụng thương mại điện tử

Chính phủ Trung Quốc tăng cường xây dựng hệ thống tín dụng TMĐT và đưa ra đề xuất thành lập hệ thống quản lý tín dụng TMĐT chuẩn hóa thống nhất, bao gồm tất cả thông tin tín dụng của các bên liên quan. Chính phủ cũng nỗ lực cung cấp thông tin tín dụng của các pháp nhân, thương hiệu và chất lượng sản phẩm của các công ty TMĐT cho công chúng. Đồng thời, các cơ quan liên quan cùng nhau hỗ trợ một cơ chế xử phạt dựa trên việc đẩy mạnh đánh giá tín dụng thương mại. Dựa vào đánh giá tín dụng người bán, chính phủ Trung Quốc có thể giám sát những công ty có xếp hạng tín dụng kém, giúp ngăn chặn hàng hóa TMĐT giả.

Các biện pháp khác nhằm thiết lập hệ thống tín dụng bao gồm thẻ định danh mạng TMĐT và hệ thống tên thật, giúp khuyến khích phát triển các dịch vụ chứng chỉ tin cậy, phát triển các dịch vụ công liên quan đến bảo mật tin cậy trong các giao dịch TMĐT, cải thiện hệ thống bảo mật dịch vụ tín dụng TMĐT và thúc đẩy việc áp dụng các dịch vụ điều tra, đánh giá, bảo đảm tín dụng và các dịch vụ tín dụng của bên thứ ba trong TMĐT.

  • Phòng tránh rủi ro bằng cách xây dựng bảo mật TMĐT

Chính phủ Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp TMĐT tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo mật thông tin. Việc xây dựng hệ thống quản lý bảo mật giao dịch TMĐT hết sức quan trọng để làm rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của từng đối tác trong giao dịch TMĐT. Để giảm thiểu rủi ro, chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy công nhận chéo chứng chỉ số và ứng dụng chứng chỉ số giữa các cơ quan cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử. Cơ chế quản lý hợp đồng điện tử được chuẩn hóa cũng được xây dựng để cải thiện tính bảo mật của dữ liệu. Một cơ quan quản lý giám sát có thể bao hàm các lĩnh vực và các vùng khác nhau, cơ quan giám sát rủi ro có thể tiến hành kiểm tra trực tuyến. Chính phủ đặt mục tiêu ngăn chặn hàng giả và hàng kém chất lượng, tội phạm mạng và các hoạt động mua bán trực tuyến bất hợp pháp khác.

  • Hoàn thiện hệ thống pháp luật thông qua tăng cường các quy định

Trong bối cảnh môi trường kinh doanh thay đổi nhanh chóng, chính phủ Trung Quốc sửa đổi các luật hiện hành dựa trên phản hồi của công chúng. Chính phủ đã sửa đổi Luật Quảng cáo, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các luật khác dựa trên những đòi hỏi của TMĐT. Đồng thời, chính phủ cũng làm rõ các quyền hợp pháp của hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, thanh tra điện tử và các loại tài liệu giao dịch điện tử khác. Vào tháng 12/2013, công tác soạn thảo Dự Luật TMĐT của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã được khởi động và đưa vào kế hoạch 5 năm của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc lần thứ 12. Dự luật đã thu thập ý kiến và đề xuất của công chúng từ ngày 27 tháng 12 năm 2016 đến ngày 26 tháng 1 năm 2017. Ngoài ra, Cục Quản lý Nhà nước về Công Thương, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương và các Bộ có liên quan khác đã ban hành các quy tắc và quy định liên quan đến quản lý logistics, chất lượng sản phẩm, giao dịch qua mạng và khiếu nại của người tiêu dùng. Chính phủ cũng đề xuất nghiên cứu tiêu chuẩn sản phẩm cơ bản và tham gia xây dựng các tiêu chuẩn TMĐT quốc tế.

2.2. Chính sách TMĐT xuyên biên giới

Sự hình thành và phát triển của TMĐT xuyên biên giới đã thay đổi đáng kể mô hình kinh doanh truyền thống ở nhiều quốc gia, đặc biệt là tác động của hình thức B2C đối với những quy tắc và quy định thương mại. Hiện tại, có 2 xu hướng chính sách quốc tế đối với TMĐT xuyên biên giới. Một xu hướng coi TMĐT là xu hướng chính của thương mại quốc tế và hỗ trợ TMĐT bằng cách đơn giản hóa quy trình thông quan và tăng hạn mức miễn trừ thuế, đây được coi là một hình thức tự do hóa thương mại. Xu hướng còn lại là xu hướng bảo hộ thương mại, trong đó chính phủ coi TMĐT xuyên biên giới là một hình thức thương mại quốc tế bất hợp pháp vì những lý do như trốn lậu thuế và hàng giả bên cạnh nhiều vấn đề khác.

Chính phủ Trung Quốc đã tìm cách khuyến khích phát triển TMĐT xuyên biên giới và tích cực đưa ra những quy định quản lý mới. Vào ngày 16 tháng 6 năm 2015, Văn phòng Hội đồng Nhà nước đã ban hành Hướng dẫn Thúc đẩy phát triển nhanh và lành mạnh TMĐT xuyên biên giới, đây là một văn bản hướng dẫn thúc đẩy phát triển TMĐT xuyên biên giới. Cụ thể, hướng dẫn này khuyến khích doanh nghiệp trong nước hợp tác với doanh nghiệp TMĐT nước ngoài nhằm đạt được kết quả 2 bên cùng có lợi. Đối với những rào cản phát triển TMĐT xuyên biên giới, văn bản hướng dẫn kêu gọi hệ thống giám sát và chính sách phù hợp. Nhiệm vụ chính của chính phủ là tạo ra một môi trường có lợi cho sự phát triển lành mạnh và nhanh chóng của TMĐT. Về những biện pháp hỗ trợ cụ thể, văn bản hướng dẫn liệt kê 5 lĩnh vực, bao gồm: thông quan, kiểm tra và kiểm dịch, chính sách thuế, thanh toán và hỗ trợ tài chính:

  • Tối ưu các biện pháp giám sát hải quan: để hoàn thiện mô hình quản lý hàng hóa TMĐT xuyên biên giới cần tối ưu hóa quy trình thông quan TMĐT xuyên biên giới
  • Cải thiện các biện pháp quản lý, kiểm tra và kiểm dịch: hàng hóa xuất nhập khẩu phải khai báo và kiểm tra tập trung. Hệ thống quản lý hồ sơ được triển khai để giám sát các doanh nghiệp và hàng hóa TMĐT xuyên biên giới.
  • Tăng cường chính sách thuế xuất nhập khẩu: chính phủ tiếp tục thực hiện thuế xuất khẩu hàng bán lẻ TMĐT xuyên biên giới hiện hành và xây dựng chính sách thuế nhập khẩu hàng bán lẻ phù hợp trên nguyên tắc kích thích tiêu dùng nội địa, cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy phát triển và tăng cường quản lý thuế nhập khẩu.
  • Hoàn thiện quản lý thanh toán TMĐT: Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước thúc đẩy quá trình thanh toán ngoại hối và dịch vụ thanh toán của các định chế tài chính, đồng thời khuyến khích ngân hàng và các tổ chức thanh toán trong nước thực hiện thanh toán biên mậu theo quy định của pháp luật.
  • Cung cấp hỗ trợ tài chính: các ngành liên quan sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính cần thiết cho các doanh nghiệp TMĐT xuyên biên giới hoạt động tại thị trường nước ngoài và cung cấp dịch vụ bảo hiểm tín dụng, hỗ trợ cung cấp tài chính và bảo hiểm hiệu quả cho các doanh nghiệp TMĐT.

Văn bản hướng dẫn yêu cầu mỗi cấp chính quyền phải xây dựng kế hoạch TMĐT xuyên biên giới một cách chi tiết và thực hiện trách nhiệm hướng dẫn, giám sát của mình. Chính phủ Trung Quốc thực hiện đơn giản hóa quy trình kinh doanh cho các doanh nghiệp, thiết lập nền tảng dịch vụ công hiệu quả, thuận tiện và thống nhất, đồng thời thu thập dữ liệu có thể so sánh được. Chính phủ có trách nhiệm tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp đầu mối, tích cực điều phối các sở ngành liên quan để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Trong những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã tích hợp các quy trình TMĐT xuyên biên giới về thông quan, kiểm tra và kiểm dịch, thanh toán, nộp thuế và các quy trình khác, giúp đơn giản đáng kể quy trình thông quan và nâng cao hiệu quả thông quan. Hệ thống dịch vụ một cửa đã được chính phủ đề xuất để nâng cao hiệu quả quản lý. Tháng 7 năm 2017, Tổng cục Quản lý Hải quan của Trung Quốc đã bổ sung mã giám sát hải quan 1210 và ra mắt mô hình TMĐT xuyên biên giới. Mô hình quy định mới đã giúp thúc đẩy an toàn và vệ sinh trong TMĐT xuyên biên giới và rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, chính phủ có kế hoạch lập danh sách hàng hóa TMĐT xuyên biên giới và hệ thống giám sát rủi ro để nâng cao giám sát kiểm dịch. Chính phủ Trung Quốc cũng thành lập hệ thống quản lý phân loại tín dụng cho TMĐT xuyên biên giới để ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm và các loài ngoại lai xâm hại. Một hoạt động quan trọng khác là hỗ trợ cho việc thử nghiệm các khu vực kiểm tra tích hợp để khám phá các hệ thống quy định mới và ứng dụng các chính sách mới.

3. Gợi ý một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Qua kinh nghiệm của Trung Quốc trong quản lý TMĐT đã nêu trên, một số gợi ý bài học kinh nghiệm cho Việt Nam có thể rút ra như sau:

Thứ nhất, xây dựng các nền tảng TMĐT và đơn giản hóa quy trình đăng ký vốn, giảm các rào cản và đơn giản hóa thủ tục phê duyệt trong TMĐT để thúc đẩy các cá nhân và tổ chức tham gia TMĐT.

Thứ hai, tăng cường các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống logistics thông minh hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, cần chú trọng phát triển TMĐT trong nông nghiệp, nhất là thành lập chuỗi logistics nông nghiệp.

Thứ ba, cần xây dựng một cách hiệu quả và chặt chẽ các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo mật thông tin và các doanh nghiệp TMĐT phải tuân thủ những quy định và tiêu chuẩn này. Xây dựng hệ thống quản lý bảo mật giao dịch TMĐT để làm rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của từng bên trong giao dịch TMĐT. Xây dựng cơ chế quản lý hợp đồng điện tử chuẩn hóa để cải thiện tính bảo mật của dữ liệu. Cần thành lập một cơ quan quản lý giám sát rủi ro đa ngành bao gồm nhiều cơ quan quản lý các lĩnh vực khác nhau của chính phủ và theo vùng; cơ quan này có thể tiến hành kiểm tra trực tuyến.

Thứ tư, hoàn thiện hệ thống pháp lý để tăng cường bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, ngăn ngừa lừa đảo, bán hàng giả hàng kém chất lượng trong môi trường TMĐT. Cần có quy định bao quát đầy đủ và làm rõ các quyền hợp pháp của hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, thanh tra điện tử và các loại tài liệu giao dịch điện tử khác.

Thứ năm, xây dựng hệ thống tín dụng TMĐT mà theo đó thành lập một hệ thống quản lý tín dụng TMĐT chuẩn hóa thống nhất, bao gồm tất cả thông tin tín dụng của các bên tham gia vào giao dịch TMĐT. Dựa vào đánh giá tín dụng, chính phủ có thể giám sát và nắm bắt được những cá nhân, công ty có xếp hạng tín dụng kém, giúp ngăn chặn hàng hóa TMĐT giả, không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.

Thứ sáu, cần hoàn thiện và tăng cường các chính sách quản lý TMĐT xuyên biên giới, đặc biệt là thực hiện tích hợp các quy trình TMĐT xuyên biên giới về thông quan, kiểm tra và kiểm dịch, thanh toán, nộp thuế và các quy trình khác, giúp đơn giản đáng kể quy trình thông quan và nâng cao hiệu quả thông quan. Đồng thời, xây dựng các chính sách thuế xuất nhập khẩu hàng hóa TMĐT phù hợp trên nguyên tắc kích thích tiêu dùng nội địa, cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy phát triển và tăng cường quản lý thuế xuất nhập khẩu.

*Đây là sản phẩm của Đề tài cấp Bộ do Viện Kinh tế Việt Nam chủ trì, Chủ nhiệm đề tài: TS. Vũ Hoàng Linh.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. com. E-commerce. Retrieved from: https://www.dictionary.com/browse/e-commerce.
  2. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam. Truy cập tại: https://vecom.vn/
  3. Hootsuite and We are social. (2021). Digital 2021: Vietnam. Retrieved from: https://signup.hootsuite.com/.
  4. Facebook và Bain and (2021). Southeast Asia, the home for digital transformation. Retrieved from: https://www.facebook.com/business/news/southeast-asia-the-home-for-digital-transformation.
  5. Yue Hongfei. (2017). National report on e-commerce development in China. Retrieved from: https://www.unido.org/sites/default/files/2017-10/WP_17_2017.pdf.

 

EXPERIENCES IN E-COMMERCE GOVERNANCE OF CHINA

AND LESSONS LEARNT FOR VIETNAM

PhD. Vu Hoang Linh - Master. Bui Thi Hong Ngoc

 Vietnam Institute of Economics

ABSTRACT:

The global economic integration process of Vietnam has opened up new opportunities for different sectors including e-commerce. In fact, the development of e-commerce sector in recent years has shown its great potential for the country’s economic growth. The development of e-commerce sector also revealed some aspects that need special attention from state management agencies. This paper presents some experiences in e-commerce governance of China - one of the leading countries in terms of e-commerce development and e-commerce governance. Based on these experiences, the paper proposes some lessons learnt for Vietnam regarding e-commerce governance.

Keywords: e-commerce, governance, experience, lesson learnt, online transaction.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19, tháng 8 năm 2022]