Kinh nghiệm quốc tế về thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp và hàm ý với Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp và hàm ý với Việt Nam của TS. PHAN ANH - LÊ THỊ HƯƠNG TRÀ (Học viện Ngân hàng)

TÓM TẮT:

Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, với yêu cầu phải tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế trong cạnh tranh, Việt Nam cần quan tâm hơn đối với vấn đề trách nhiệm xã hội doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, bài viết làm rõ kinh nghiệm quốc tế về thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm dành cho Việt Nam về thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp trong thời gian tới.

Từ khóa: trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp, quốc gia, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility - CSR) thu hút được sự quan tâm của không chỉ các tổ chức xã hội, các chính phủ, các nhà nghiên cứu mà cả các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong xã hội. Bên cạnh các tiêu chí quan trọng về chất lượng, vệ sinh, độ an toàn và môi trường, các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về đạo đức đối với nhân viên của họ nói riêng và toàn xã hội nói chung. Nghiên cứu về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp trên thế giới phần lớn tập trung vào các nước phát triển, là do thông tin về các hoạt động của các doanh nghiệp thường có sẵn. Tuy nhiên, áp lực về việc áp dụng các thông lệ về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp đã tăng lên đáng kể ở các thị trường mới nổi (Visser, 2008). Điều này đến từ những tác động mà quá trình công nghiệp hóa của các nước đang phát triển có thể gây ra đối với môi trường (Grossman và Krueger, 1995; Dasgupta và cộng sự, 2002), hoạt động gắn liền với xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững (Blowfield, 2005; Moon, 2007), cũng như đối với các chuẩn mực xã hội (Lall, 2002).

Có nhiều định nghĩa khác nhau về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp, tổ chức, chính phủ nhìn nhận trách nhiệm xã hội doanh nghiệp dưới những góc độ riêng và quan điểm riêng, phụ thuộc vào điều kiện, đặc điểm và trình độ phát triển của mình. Khái niệm trách nhiệm xã hội được hình thành và mở rộng theo thời gian, đối tượng ảnh hưởng và các tổ chức liên quan. Một cách chung nhất, Ủy ban Kinh tế thế giới về phát triển bền vững đề xuất: “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là sự cam kết của doanh nghiệp nhằm đóng góp cho phát triển kinh tế bền vững thông qua những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và các thành viên gia đình họ, cho cộng đồng và cho toàn xã hội theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như sự phát triển chung của xã hội”.

Đối với lý thuyết về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, có 2 lý thuyết được các học giả sử dụng là: (i) Lý thuyết các bên liên quan (stakeholder theory), đây được coi là một trong những lý thuyết trọng tâm, tạo nền tảng cho sự phát triển của lĩnh vực nghiên cứu về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp. Theo Freeman (1984), các bên liên quan là “các cá nhân hoặc nhóm có thể tác động hoặc bị tác động bởi việc hiện thực hóa sứ mệnh của một tổ chức”. Ngoài ra, Matten và Moon (2005) bổ sung đối với vấn đề thực thi trách nhiệm xã hội, các bên liên quan, ảnh hưởng và hưởng lợi bao gồm: Cổ đông/chủ sở hữu doanh nghiệp, người lao động, đối tác, khách hàng, cộng đồng và các đối tượng khác như cơ quan quản lý, các hiệp hội, các tổ chức phi lợi nhuận hay các tổ chức quốc tế; (ii) Lý thuyết bộ 3 cốt lõi bền vững (triple-bottom line theory - TBL), theo Elkington (1997) bao gồm kinh tế, môi trường và hiệu quả xã hội. 3 phương diện này được biểu hiện qua 3 chữ P, đó là: con người (people), trái đất (planet) và lợi nhuận (profit). Lý thuyết TBL tạo ra cơ sở lý luận căn bản cho sự phát triển của trách nhiệm xã hội doanh nghiệp. Bản chất của vấn đề phát triển bền vững là sự hài hòa của cả 3 yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường. Do đó, sự phát triển bền vững của một quốc gia phải có sự đóng góp của các doanh nghiệp thông qua các chương trình trách nhiệm xã hội doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 882/QĐ-TTg, phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, cùng Quyết định số 681/QĐ-TTg về lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030. Theo đó, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt đến năm 2030, cần đảm bảo cân bằng, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội với phát triển xã hội. Tại Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp. Nếu như mỗi doanh nghiệp không phát triển chính sách CSR với quy trình kiểm soát tốt các rủi ro về trách nhiệm với môi trường, xã hội và quản trị công ty (ESG) thì sẽ có tác động tiêu cực không nhỏ đến toàn xã hội và môi trường.

2. Thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp tại các quốc gia trên thế giới

Tại các nước phát triển, CSR là vấn đề đã được quan tâm từ lâu. Các quốc gia này thường chú trọng đến hoạt động CSR liên quan đến cộng đồng, trong đó tập trung vào các chương trình từ thiện, phúc lợi, an sinh xã hội.

Tại Hoa Kỳ, các công ty thường trình bày về trách nhiệm xã hội hướng đến việc phản ánh các giá trị cốt lõi của họ như các vấn đề xã hội liên quan đến giáo dục, chăm sóc sức khỏe, hoặc đầu tư công. Cùng với đó, các biện pháp CSR và các hoạt động truyền thông giữa các vấn đề nhân đạo, hành chính, tình nguyện và môi trường không phải là những quy định bắt buộc tại Hoa Kỳ, mà được thực hiện tự nguyện bởi các doanh nghiệp (Mạng lưới CSR quốc gia, 2022). Các công ty tại Hoa Kỳ cũng thường đề cập đến các vấn đề về CSR liên quan đến chất lượng cuộc sống và giáo dục, trong đó họ đặc biệt chú trọng đến vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Tương tự như Hoa Kỳ, các công ty của Pháp và Hà Lan cũng thường đề cập đến hoạt động tình nguyện. Trong đó, hoạt động CSR tại Hà Lan tập trung vào các chương trình tài trợ. Các công ty của Pháp và Hà Lan có xu hướng xây dựng một hình ảnh có trách nhiệm với xã hội bằng cách đưa ra các hoạt động nổi bật liên quan đến quy trình sản xuất và các chương trình khuyến mãi truyền thống (Forte, 2013).

Tại châu Á, các doanh nghiệp ở Nhật Bản và Thái Lan cũng có sự chú trọng đến các hoạt động CSR hướng đến cộng đồng. Tại Nhật Bản, các mối quan tâm cốt lõi để giải quyết với các bên liên quan của các doanh nghiệp là khách hàng, nhân viên, cộng đồng, người dân, chính quyền địa phương, có tổ chức có liên quan (Fukukawa và Moon, 2004). Tại Thái Lan, Chính phủ và tổ chức quản lý đã thúc đẩy việc thực hiện CSR thông qua các chương trình tham gia cộng đồng như các hoạt động giải quyết và thể hiện CSR giúp tăng hình ảnh, nhận thức và tăng danh tiếng của doanh nghiệp (Rajanakorn, 2012).

Đối với vấn đề môi trường, một trong những hoạt động CSR hàng đầu hiện nay, mức độ quan tâm của các quốc gia lại tương đối khác nhau. Bảo vệ môi trường là vấn đề số một được các doanh nghiệp tại Pháp, Hà Lan và Anh quan tâm, trong đó Pháp và Hà Lan chú trọng đến vấn đề này nhiều nhất (Maignan và Ralston, 2002). Các tổ chức của Pháp đề cao việc bảo vệ môi trường cũng như chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Các công ty Hà Lan trích dẫn việc bảo vệ môi trường, nghệ thuật và văn hóa cũng nhiều như sức khỏe và sự an toàn của nhân viên. Các doanh nghiệp tại Anh cũng thường nhấn mạnh các vấn đề môi trường ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của họ. Tại Nhật Bản, môi trường cũng là các vấn đề CSR được đặc biệt quan tâm, các doanh nghiệp tại đây luôn đảm bảo phát triển và cung cấp các hàng hóa và dịch vụ giảm bớt gánh nặng về môi trường, thúc đẩy hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường, tăng cường hiểu biết về quản trị doanh nghiệp thân thiện môi trường, đào tạo và giáo dục cho người lao động về vấn đề môi trường. Trong khi đó, tại Mỹ Latinh các hoạt động CSR về môi trường chưa thực sự được triển khai tích cực tại các doanh nghiệp. Theo Vives (2006), hầu hết CSR của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tập trung vào các hoạt động nội bộ, chẳng hạn như phúc lợi cho nhân viên, trong khi các hoạt động về môi trường ít phổ biến hơn và Amini và Dal Bianco (2015) các công ty tham gia vào các dự án môi trường cũng với mức độ tương tự các công ty không áp dụng các hoạt động đó.

Về vấn đề quản trị CSR, Chính phủ mỗi quốc gia có những chính sách và hướng tiếp cận khác nhau. Anh là một trong những quốc gia có các chính sách CSR tiến bộ nhất. Chính phủ và Quốc hội Anh luôn nỗ lực thúc đẩy trách nhiệm xã hội trong các công ty. Anh là quốc gia đầu tiên trên thế giới có Bộ CSR với Bộ trưởng đầu tiên được bổ nhiệm vào năm 2000 (Sofidel, 2018). Tại châu Âu nói chung, ngoài những nỗ lực và chính sách khác nhau của mỗi quốc gia trong việc thực hiện CSR, các quốc gia cũng cố gắng liên kết thành một tập thể gắn kết để cùng phát triển, thúc đẩy các hoạt động CSR trong khu vực. Liên minh châu Âu về CSR được thành lập vào năm 2006 từ sáng kiến chung của Ủy ban châu Âu và cộng đồng doanh nghiệp, là một quan hệ đối tác mở dành cho các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy và khuyến khích CSR (Metaxas và Tsavdaridou, 2010).  

Khác với các quốc gia châu Âu, các quốc gia Mỹ Latin, Nhật Bản, Trung Quốc hay Thái Lan vẫn chưa có một tổ chức hay bộ, ban, ngành riêng biệt để quản lý các hoạt động CSR. Tại Mỹ Latin và Nhật Bản, việc thực hiện và báo cáo các hoạt động CSR phụ thuộc tương đối lớn vào các quy định quốc tế về CSR. Tại Nhật Bản, một đặc điểm của CSR là sự phát triển của hệ thống CSR kết hợp giữa phương Tây với các phương thức quản lý truyền thống của Nhật Bản (Fukukawa và Moon, 2004; Yoshikawa và cộng sự, 2007; Ono, 2022), do đó, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp lớn của Nhật Bản chủ yếu tuân thủ theo các chuẩn mực và tiêu chuẩn quốc tế về CSR. Cụ thể, thông qua kết quả điều tra 200 công ty niêm yết lớn nhất của Nhật Bản do Diễn đàn CSR Nhật Bản tiến hành năm 2014 thì các tiêu chuẩn về CSR của Hiến chương Hành vi doanh nghiệp, GRI và ISO 26000 được áp dụng nhiều nhất.

Tại các quốc gia Mỹ Latin, các chủ thể quốc tế có ảnh hưởng đáng kể đối với hệ thống quốc gia - đặc biệt là các quỹ tư nhân, các cơ quan phát triển đa phương, trụ sở chính của các doanh nghiệp đa quốc gia, và các tổ chức phi chính phủ quốc tế. Trong hệ thống trách nhiệm xã hội doanh nghiệp tại Mỹ Latin, mối quan hệ 3 chiều giữa công ty, nhà nước và các tổ chức phi chính phủ trong ngành kinh doanh là cốt lõi của mức độ nghiêm túc mà các chính sách trách nhiệm xã hội doanh nghiệp được các công ty áp dụng. Tuy nhiên, mối quan hệ này bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ bên ngoài quốc gia, do nhà nước bị ràng buộc vào các thỏa thuận của các tổ chức quốc tế (như OECD), do đó, các quốc gia này có các đầu mối liên lạc quốc gia chịu trách nhiệm thúc đẩy Hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dành cho các Doanh nghiệp Đa quốc gia nhằm thúc đẩy trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (Haslam, 2004).

Tại Trung Quốc và Thái Lan, hoạt động trách nhiệm xã hội doanh nghiệp chủ yếu được thúc đẩy trong nước bởi Chính phủ thông qua những chính sách, quy định riêng. Chính phủ Trung Quốc là động lực chính trong phát triển trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, khái niệm về sự tham gia của doanh nghiệp trong việc thúc đẩy trách nhiệm xã hội đưa ra lần đầu tiên trong Quyết định về xây dựng một xã hội hài hòa do Trung Quốc ban hành năm 2006, đến tháng 11/2013, trách nhiệm xã hội doanh nghiệp được công bố là 1 trong 8 lĩnh vực trọng tâm để cải cách hơn nữa cho doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc (Lau và cộng sự, 2016). Chính phủ Thái Lan và các cơ quan quản lý cũng ban hành chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia các chương trình trách nhiệm xã hội doanh nghiệp hướng đến cộng đồng, từ đó góp phần gia tăng giá trị hình ảnh, nhận thức và danh tiếng của doanh nghiệp. 

Đối với vấn đề công bố thông tin về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, hầu hết các quốc gia tiến hành công khai thông tin này trên báo cáo thường niên và website của các doanh nghiệp. Nghiên cứu về vấn đề công bố thông tin trách nhiệm xã hội doanh nghiệp tại Hoa Kỳ cho thấy, các loại thông tin phổ biến nhất được công bố trong kỳ báo cáo liên quan đến quan hệ cộng đồng, các vấn đề về sức khỏe và an toàn, cũng như sự đa dạng và nhân sự. Trong đó, các thông tin trách nhiệm xã hội doanh nghiệp liên quan đến cộng đồng được công bố chủ yếu trên các website và thông cáo báo chí, các thông tin trách nhiệm xã hội doanh nghiệp liên quan đến tính đa dạng và nhân sự được công bố chủ yếu thông qua các website và hồ sơ bắt buộc và các thông tin về môi trường được thực hiện chủ yếu thông qua các website và báo cáo trách nhiệm xã hội doanh nghiệp cho mục đích đặc biệt (Holder-Webb và cộng sự, 2008).

Tại Anh, các cơ quan chính phủ đã tiên phong trong việc phổ biến các nguyên tắc trách nhiệm xã hội doanh nghiệp và triển khai áp dụng tại tất cả các tổ chức về báo cáo minh bạch và toàn diện hàng năm để nêu bật các sáng kiến xã hội và môi trường. Nghiên cứu của KPMG cho thấy điều này đã dẫn đến sự lan truyền gần 95% báo cáo giữa các công ty lớn ở Anh. Tại Ý, các công ty thường lập báo cáo riêng về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, các công ty Ý đã và đang gia tăng cam kết của họ đối với trách nhiệm xã hội doanh nghiệp và dần chú ý nhiều hơn đến việc chuẩn bị các báo cáo trách nhiệm xã hội doanh nghiệp tốt (Fiori và cộng sự, 2007). Tại Trung Quốc, kể từ năm 2008, các cơ quan quản lý của Chính phủ Trung Quốc đã ban hành các hướng dẫn về công bố thông tin liên quan đến trách nhiệm xã hội doanh nghiệp. Đến tháng 12/2008, các tổ chức niêm yết tại Trung Quốc bắt buộc phải đưa ra phần trách nhiệm xã hội doanh nghiệp trong nội dung các báo cáo thường niên, đồng thời cũng khuyến khích các doanh nghiệp khác tự nguyện thực hiện quy định này.

3. Một số bài học kinh nghiệm dành cho Việt Nam

Nhìn chung, các quốc gia chủ yếu tập trung vào các hoạt động trách nhiệm xã hội doanh nghiệp hướng đến cộng đồng và môi trường, bởi đây là 2 khía cạnh được công chúng và Chính phủ các nước đặc biệt quan tâm trong giai đoạn gần đây. Ngoài ra, các quốc gia cũng chú trọng đến việc thiết lập các quy định, tiêu chuẩn riêng về thực hiện và minh bạch, công bố thông tin về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp. Trên cơ sở này, nghiên cứu đề xuất một số bài học kinh nghiệm dành cho Việt Nam như sau:

Thứ nhất, ngoài các hoạt động liên quan đến cộng đồng, các hoạt động bảo vệ môi trường cũng cần được chú trọng hàng đầu. Hiện nay, tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, vấn đề môi trường vẫn chưa thực sự được dành nhiều sự quan tâm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi rủi ro về môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, mà nguyên nhân chủ yếu đến từ hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp, thì Chính phủ các quốc gia cũng đã bắt đầu chú trọng đến việc yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ về môi trường. Cùng với chính sách phát triển bền vững đang là xu thế hiện nay, hoạt động bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường của các doanh nghiệp không còn chỉ là trách nhiệm, mà còn là một trong những biện pháp giúp doanh nghiệp xây dựng hình ảnh “xanh”, góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ hai, các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn cần xây dựng và phát triển một bộ tiêu chuẩn riêng đối với việc thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp tại Việt Nam. Việc thiết lập bộ tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội doanh nghiệp này có thể dựa trên việc tham khảo các bộ tiêu chuẩn quốc tế như GRI, ISO 26000, SA8000, BSCI…, đồng thời dựa vào thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam để điều chỉnh sao cho phù hợp. Ngoài ra, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần sớm xây dựng và ban hành văn bản pháp lý riêng đối vấn đề trách nhiệm xã hội doanh nghiệp để các doanh nghiệp có cơ sở phát triển và thực hiện hoạt động này. Việc thiết lập một chiến lược, quy định, tiêu chuẩn riêng về thực hiện cũng như công bố thông tin về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay rất cần thiết.

Thứ ba, ngoài việc liên kết giữa các cơ quan, tổ chức trong nước để thực hiện và phát triển trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, việc hợp tác, kết nối với các tổ chức quốc tế, các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới cũng rất cần thiết. Việt Nam có thể thông qua các doanh nghiệp quốc tế, đa quốc gia có chi nhánh trong nước để kết nối với các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia phát triển, nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ trong việc đào tạo, nâng cao hiểu biết về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp tại các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như chia sẻ các bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý và giám sát hoạt động trách nhiệm xã hội doanh nghiệp tại quốc gia. Cùng với đó, là một thành viên của ASEAN, Việt Nam có thể tiên phong đề xuất xây dựng một chiến lược chung hoặc một liên minh về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp trong khu vực Đông Nam Á hoặc trong khối các nước ASEAN, để huy động được nguồn lực lớn đầu tư, đảm bảo cho các hoạt động trách nhiệm xã hội doanh nghiệp và phát triển bền vững.

Thứ tư, hoạt động trách nhiệm xã hội doanh nghiệp hướng đến cộng đồng là vấn đề được hầu hết các quốc gia chú trọng, đặc biệt là tại các nước phát triển. Do đó, các doanh nghiệp tại Việt Nam cần thúc đẩy việc thực hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng, trong đó tập trung vào các chương trình thiện nguyện, bởi đây là hoạt động hiệu quả nhất giúp doanh nghiệp có thể gia tăng hình ảnh và giá trị đối với công chúng. Ngoài các hoạt động từ thiện, các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng nên thực hiện các hoạt động hướng đến cộng đồng có liên quan đến các lĩnh vực rộng hơn như đầu tư cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe, tương tự như Hoa Kỳ và một số quốc gia châu Âu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Amini, C. and Dal Bianco, S. (2015). Corporate social responsibility and development in Latin America. Development-Oriented Corporate Social Responsibility, 2, 151-180.
  2. Bird, R., Momentè, F. and Reggiani, F. (2007). What Corporate Social Responsibility Activities are Valued by the Market? Journal of Business Ethics, 76(2), 189-206.
  3. Lau, C., Lu, Y., and Liang, Q. (2016). Corporate social responsibility in China: A corporate governance approach. Journal of Business Ethics, 136, 73-87.
  4. Ono, M. (2022). CSR in Japan: Unique Features and Recent Trends. [Online] Availabile at https://www.tokyofoundation.org/research/detail.php?id=912.
  5. Sofidel (2018). CSR in the United Kingdom. [Online] Availabile at https://www.sofidel.com/en/softandgreen/circular-economy-and-industry/csr-in-the-united-kingdom/
  6. Visser, W. (2008). Corporate social responsibility in developing countries. In A. Crane, A. McWilliams, D. Matten, J. Moon, & D. Siegel (Eds.), The Oxford Handbook of Corporate Social Responsibility (pp. 473-479). Oxford University Press, Oxford.
  7. Vives, A. (2006). Social and Environmental Responsibility in Small and Medium Enterprises in Latin America. Journal of Corporate Citizenship, 21(2), 39-50.

INTERNATIONAL EXPERIENCES

ON THE CORPORATE SOCIAL RESPONSIBILITY FULFILLMENT

AND LESSONS LEARNT FOR VIETNAM

Ph.D PHAN ANH

• LE THI HUONG TRA

Banking Academy of Vietnam

ABSTRACT:

As Vietnam is integrating deeply into the global economy, it is necessary for Vietnam to pay more attention to the issue of corporate social responsibility (CSR) in order to comply with international competition laws. This paper presents international experiences on the corporate social responsibility fulfillment and lessons learnt for Vietnam about the CSR implementation in the coming time.

Keywords: social responsibility, companies, country, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12 tháng 5 năm 2023]

Tạp chí Công Thương