Làng nghề làm bánh, mứt nhộn nhịp dịp Tết

Những ngày cuối năm, trong không khí xuân đang tràn về khắp nơi cũng là lúc các làng nghề bánh, kẹo tại Bến Tre đang tất bật sản xuất các sản phẩm bánh, kẹo chất lượng để đưa vào phục vụ thị trường vào dịp Tết nguyên đán Tân Sửu 2021.
lang nghe
Sản xuất bánh tráng Mỹ Lồng - một trong những sản phẩm nổi tiếng tại Bến Tre. Ảnh tư liệu: Công Trí/TTXVN

Vào những ngày cuối năm, lò bánh tráng của bà Nguyễn Thị Vân, xã Lương hòa, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) đang hối hả sản xuất bánh cho đủ đơn hàng, kịp giao cho khách đã đặt từ hơn hai tháng trước. Bà Vân cho biết, vào dịp cuối năm là thời điểm sản xuất cao điểm, mỗi ngày cơ sở sản xuất hơn 5.000 bánh để đủ giao cho khách hàng ở khắp các tỉnh miền Tây, với giá từ 30.000 - 60.000 đồng/chục (10 cái).

Theo bà Vân, thương hiệu bánh tráng Mỹ Lồng có truyền thống có từ lâu đời được người dân thường dùng vào dịp Tết cổ truyền. Loại bánh được làm từ bột gạo và pha với nước cốt dừa, một nét đặc trưng riêng có của tỉnh Bến Tre. Mỗi năm, cơ sở của bà Vân cung cấp cho thị trường hàng chục nghìn bánh tráng, nhiều nhất là vào dịp Tết. Bà Vân cho hay, những năm gần đây, thị trường tiêu thụ bánh tráng mở rộng.

Do vậy, để phục vụ nhu cầu thị trường, lò bánh của bà phát triển thêm các loại bánh tráng với nhiều hương vị khác nhau như: bánh tráng sữa dừa hột gà, bánh tráng tôm (vị mặn)…

Bà Vân chia sẻ, ngày nay người dân đã dần trở lại tin dùng các loại bánh truyền thống của địa phương, cho nên các hộ gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, duy trì làng nghề truyền thống ông bà xưa truyền lại. Mặt khác, các lò bánh có nhiều cải tiến trong khâu sản xuất, giúp sản phẩm phù hợp với xu thế hiện nay; đồng thời, giữ cho làng nghề phát triển bền vững.

Nếu như nói làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng đỏ lửa vào dịp Tết thì làng nghề bánh phồng Sơn Đốc (xã Hưng Nhượng, Giồng Trôm) lại rộn ràng theo nhịp chày giã gạo. Ông Trần Văn Đức, xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm cho biết: Trước đây, gia đình ông chỉ làm bánh mùa vụ Tết nhưng dần dần sau đó trở thành nghề chính của gia đình, làm bánh quanh năm. Gia đình chủ yếu làm bánh phồng mì, bánh phồng mì trét chuối…

Theo ông Đức, trước đây, các công đoạn làm bằng tay, nhưng hiện nay đã đầu tư máy móc nên năng suất tăng lên, chất lượng bánh tăng lên so với trước đây. Ông Đức so sánh, nếu cán bánh bằng tay, 8 người làm trong 1 giờ đồng hồ được 300 cái, còn cán bánh bằng máy thì chỉ cần 3 nhân công làm trong 5 phút. Trung bình một ngày, gia đình ông làm từ 7.000-8.000 cái bánh, vào dịp Tết sản lượng tăng gấp đôi. Hiện tại, ông Đức đã trang bị máy cán bánh, máy quết bánh, máy sấy, máy ép chân không để bảo đảm vệ sinh thực phẩm và đổi mới, cải tiến bao bì sản phẩm, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Bánh phồng Sơn Đốc được làm từ gạo nếp và các hương vị sẵn có tại địa phương, có nhiều loại như: bánh nếp, bánh hành, bánh mè, bánh sữa hột gà, bánh đậu xanh, bánh mít; bánh mặn thì có bánh tôm khô... đồng thời, có nhiều kích cỡ tùy theo yêu cầu của khách hàng, do đó giá tiền cũng khác nhau. Loại bánh lớn và ngon nhất có giá dao động từ 30.000 - 40.000 đồng/10 bánh.

Ông Đỗ Thành Thắng, xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm cho hay, sản phẩm mứt dừa cũng là đặc trưng của người dân Bến Tre. Dịp cuối năm, cơ sở của ông Thắng sản xuất hơn 300 kg/ngày để kịp giao cho khách hàng. Những năm gần đây, ông Thắng cho thay đổi mẫu mã bao bì, chất lượng sản phẩm.

Do vậy, sản phẩm mứt dừa dẻo của gia đình có thị trường tiêu thụ rộng hơn, sản phẩm sản xuất quanh năm. Riêng vào dịp Tết, khối lượng sản xuất tăng lên 2-3 lần so với ngày thường. Ông Thắng chia sẻ, đang hoàn chỉnh hồ sơ để đăng ký sản phẩm OCOP tại địa phương và từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mứt dừa để phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Giồng Trôm, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc có hơn 200 hộ tham gia sản xuất, tạo việc làm cho hơn 800 lao động tại địa phương. Mỗi năm, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc cung cấp cho thị trường với sản lượng hàng hơn 140 triệu cái/năm, doanh thu hơn 65 tỷ đồng/năm.

Đáng chú ý, cuối năm 2018, hai làng nghề truyền thống là bánh tráng Mỹ Lồng (xã Mỹ Thạnh) và bánh phồng Sơn Đốc (xã Hưng Nhượng) của huyện Giồng Trôm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ đó, góp phần cho thương hiệu bánh tráng, bánh phồng của địa phương ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh sản phẩm bánh tráng, bánh phồng, các phẩm mứt, kẹo Tết cũng được người dân tập trung sản xuất để kịp đưa ra thị trường tết như: mứt dừa, kẹo chuối, kẹo đậu phộng… Phó trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Giồng Trôm Phạm Văn Trung cho biết, thời gian tới, ngành chức năng sẽ hỗ trợ các làng nghề xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tiêu thụ trên thị trường; xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm của làng nghề và phát triển thương hiệu của 2 làng nghề bánh tráng, bánh phồng ngày một lớn mạnh.

Ngành chức năng hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở sản xuất trong làng nghề thực hiện bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành và đủ điều kiện sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời, hỗ trợ đầu tư thiết bị, máy móc… cho các hộ dân sản xuất để tạo sản phẩm đẹp, chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Huyện kêu gọi các cơ sở tại làng nghề liên kết với các công ty du lịch tạo điểm đến tham quan cho du khách, góp phần quảng bá sản phẩm, hình ảnh làng nghề cho du khách.

 

Theo TTXVN