Một số giải pháp phát triển đội ngũ doanh nhân trẻ Việt Nam hiện nay

ThS. NGÔ VĂN CƯƠNG (Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Doanh nhân trẻ (DNT) Việt Nam là sản phẩm của quá trình đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Ra đời, phát triển trong xã hội không có truyền thống kinh doanh; doanh nhân trẻ Việt Nam luôn cần cù, ham học hỏi, cầu tiến; có ý chí lập nghiệp, khát vọng làm giàu; bản lĩnh về chính trị, yêu nước, tự cường, có trách nhiệm cao với cộng đồng, dân tộc... Tuy nhiên, DNT Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, càng đòi hỏi đội ngũ DNT Việt Nam phải thể hiện được vai trò, bản lĩnh của mình. Trong phạm vi bài viết, trên cơ sở phân tích vai trò của DNT trong sự phát triển của đất nước, chỉ rõ những khó khăn, trở ngại của đội ngũ này, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển đội ngũ DNT Việt Nam thời gian tới.

Từ khóa: Doanh nghiệp, doanh nhân trẻ, phát triển doanh nhân trẻ, doanh nhân trẻ Việt Nam.

1. Vị trí và vai trò của doanh nhân trẻ Việt Nam

Hiện nay, có nhiều quan niệm khác nhau về DNT Việt Nam. Tuy nhiên, có thể hiểu một cách chung nhất DNT Việt Nam là đội ngũ những người làm nghề kinh doanh, người chủ sở hữu, lãnh đạo, quản lý, hoạt động nghiệp vụ kinh doanh của các hộ gia đình và doanh nghiệp, có tuổi đời dưới 30. DNT Việt Nam gồm các nhóm cơ bản sau: 1) Những người điều hành, quản lý hoặc sở hữu các doanh nghiệp vừa và nhỏ; 2) Những người quản lý, điều hành, làm nghiệp vụ kinh doanh trong các doanh nghiệp nhà nước; 3) Những người quản lý, điều hành, làm nghiệp vụ kinh doanh cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; 4) Những người làm chủ trong các trang trại, hợp tác xã, cơ sở kinh tế phi nông nghiệp và các hộ gia đình nông dân hoạt động sản xuất kinh doanh có đăng ký thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp; 5) Những doanh nhân gốc Việt (mang quốc tịch Việt Nam hoặc quốc tịch nước sở tại) điều hành, quản lý, sở hữu hoặc làm nghiệp vụ kinh doanh ở nước ngoài. Đội ngũ DNT Việt Nam hiện nay đang phát triển nhanh, có vị trí, vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của đất nước. Cụ thể là:

Thứ nhất, DNT có vai trò quan trọng trong giải phóng lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Với vai trò lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp và các hình thức tổ chức kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế, DNT Việt Nam là lực lượng đóng vai trò chủ yếu trong huy động các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển KTXH đất nước. Thông qua việc tổ chức và điều hành sản xuất - kinh doanh, DNT Việt Nam thúc đẩy phân công lao động xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

Thứ hai, DNT Việt Nam đã góp phần quan trọng vào hình thành cơ cấu xã hội và quan hệ xã hội mới. Đội ngũ DNT góp phần hình thành lối sống sáng tạo, tự lập, tự chủ, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, dám chấp nhận rủi ro, có chí làm giàu, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội. DNT giàu có, thành đạt trở thành mục tiêu, khát vọng phấn đấu của nhiều người, nhất là giới trẻ. DNT Việt Nam đang khẳng định vai trò “mắt xích” liên kết, hợp tác giữa các thành phần, lực lượng trong các hoạt động kinh tế (điển hình như liên kết “5 nhà”: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà băng và nhà nông).

Thứ ba, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đội ngũ DNT Việt Nam góp phần quan trọng trong tạo công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội. Sự ra đời, phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân đã mang lại việc làm và sinh kế cho nhiều người lao động trên các vùng miền cả nước, đặc biệt là đội ngũ công nhân, nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số ở biên giới, miền núi, kể cả thương binh, bệnh binh, người yếu thế, người khuyết tật. DNT cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội như: đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, đóng góp các quỹ nhân đạo, từ thiện, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng các công trình phúc lợi góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Thứ tư, DNT Việt Nam tham gia tích cực vào các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, một số trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đã góp phần quan trọng trong góp ý, phản biện, xây dựng, thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và các địa phương. Hầu hết DNT tham gia vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đều phát huy tốt trí tuệ, kinh nghiệm thực tiễn của mình trong xây dựng và thực hiện chính sách phát triển KTXH.

Như vậy, trong tiến trình đổi mới, DNT Việt Nam là một trong những lực lượng cơ bản tham gia xây dựng, quyết định, thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển KTXH.

2. Những khó khăn của doanh nhân trẻ Việt Nam

Trong quá trình phát triển, DNT Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, xuất phát từ “nội tại” và từ những điều kiện khách quan. Có thể kể đến những khó khăn, trở ngại lớn là:

Một là, DNT còn thiếu kỹ năng, kinh nghiệm. Hiện nay, còn một bộ phận không nhỏ DNT Việt Nam chưa được đào tạo bài bản, chưa có bề dày kinh nghiệm thương trường; thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn trong kinh doanh. Nhiều DNT thiếu kiến thức về pháp luật, nhất là pháp luật kinh doanh quốc tế, thiếu năng lực quản trị doanh nghiệp, dẫn đến bị động trong cạnh tranh và hội nhập. Đặc biệt kỹ năng mềm, kỹ năng quan hệ, giao tiếp xã hội của khá nhiều DNT còn khá non kém. Đó là lý do thui chột tài năng của một số DNT, làm trì trệ và cản trở bước đường tiến đến thành công của nhiều DNT hiện nay.

Hai là, DNT Việt Nam đang đối diện với sự cạnh tranh đầy khốc liệt. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở rộng hợp tác và giao lưu kinh tế quốc tế, đội ngũ DNT luôn phải đặt mình trong guồng quay của sự cạnh tranh đầy khốc liệt. Bởi lẽ, sự cạnh tranh khốc liệt - cuộc chiến trên thương trường không bao giờ dừng lại. Do vậy, nếu DNT không có đủ bản lĩnh, đủ sức mạnh, đủ dũng khí sẽ không thể vượt qua những khó khăn, thử thách, thậm chí là những thất bại. Chấp nhận cạnh tranh và dũng cảm đương đầu với cạnh tranh mới chính là tiền đề giúp DNT Việt Nam thành công trên con đường sự nghiệp.

Ba là, những khó khăn từ sự thay đổi công nghệ mới. Với sự phát triển “theo cấp số nhân” của cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ, máy móc, thiết bị mới, hiện đại ngày càng phát triển và không ngừng được đổi mới. Điều này đòi hỏi đội ngũ DNT phải luôn nhanh nhạy, kịp thời thay đổi, tiếp cận và vận hành doanh nghiệp theo hướng hiện đại. Đây thực sự là thách thức cho DNT. Nếu thiếu sự nhạy bén với công nghệ mới, không chủ động tiếp thu, tiếp cận đúng lúc và kịp thời công nghệ mới họ sẽ không thể tạo sức mạnh cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển bền vững.

Bốn là, DNT luôn đối mặt với nỗi lo “giữ chân nhân tài”. Trong cuộc cạnh tranh nhân lực khốc liệt như hiện nay, một trong những vấn đề “nhức óc” mà các DNT đã, đang gặp phải đó là: làm sao để có thể giữ chân nhân tài ở lại với doanh nghiệp. Thu hút nhân tài, tìm kiếm nhân tài về với doanh nghiệp đã là khó nhưng làm sao để giữ chân được nhân tài thì lại càng khó hơn. Theo đó, với tư cách là người lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp, mỗi DNT cần thường xuyên “đổi mới chính mình”, kịp thời có chủ trương, biện pháp hữu hiệu để “giữ chân nhân tài”, vì sự phát triển không ngừng của doanh nghiệp.

3. Một số giải pháp cơ bản phát triển đội ngũ doanh nhân trẻ Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với đội ngũ DNT nhằm định hướng, tạo lập một đội ngũ DNT đầy khát vọng cống hiến, khát khao làm giàu, đủ bản lĩnh vượt qua những thách thức trong bối cảnh hiện nay. Khẳng định được thương hiệu Việt trên trường quốc tế và có một trách nhiệm với cộng đồng, với quốc gia, dân tộc.

Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác đào tạo đội ngũ doanh nhân trẻ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Đây là giải pháp mang tính quốc gia nhằm phát triển đội ngũ DNT đáp ứng nhu cầu trước mắt và trong tương lai. Do đó, cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp cần triển khai các chương trình đào tạo tư vấn trực tiếp cho các doanh nghiệp hội viên tại các địa phương về quản trị kinh doanh, cải tiến công nghệ, năng lực quản lý điều hành doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động cho các doanh nghiệp hội viên. Liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp có uy tín để cung cấp các dịch vụ tư vấn, tổ chức các khóa đào tạo nhằm nâng cao năng lực quản trị, kỹ năng, chuyên môn cần thiết theo nhu cầu của doanh nghiệp hội viên. Triển khai các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp thông qua các chương trình cà phê doanh nhân được triển khai từ Trung ương đến địa phương. Phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc xây dựng và phát triển các dự án cụ thể nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp hội viên.

Tổ chức các khóa đào tạo nhằm thay đổi nhận thức của DNT về phát triển doanh nghiệp dựa trên nền tảng chất lượng nguồn nhân lực, tổ chức khóa đào tạo về phát triển năng lực quản lý điều hành, nhất là năng lực quản trị nhân sự. Tăng cường giao lưu, chia sẻ giữa DNT, thanh niên, sinh viên để cùng nhau phát triển bền vững dựa trên nền tảng đổi mới và sáng tạo thông qua mô hình hoạt động: Cà phê doanh nhân, giao lưu giữa DNT tiêu biểụ với sinh viên, các chương trình đào tạo khởi nghiệp cho thanh niên, sinh viên; Hỗ trợ thành lập và hoạt động cho Câu lạc bộ Khởi nghiệp tại các tỉnh, thành phố. Phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ triển khai chương trình đào tạo, hội thảo, tư vấn về quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp, chủ động khi Hiệp định TPP chính thức ký kết và có hiệu lực, xây dựng các chương trình áp dụng Khoa học kỹ thuật trong sản xuất - kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Thứ ba, nâng cao chất lượng các chương trình hỗ trợ, tư vấn cung cấp  thông tin, xúc tiến thương mại.

Trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, cùng với việc tham gia ngày càng nhiều các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, hoạt động xúc tiến thương mại cần được nâng cao cả về chất và lượng, triển khai phối hợp đa dạng với nhiều biện pháp cả trong nước lẫn ngoài nước, hướng tới mục tiêu tăng cường tối đa tính chuyên nghiệp và hiệu quả góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong những năm qua, mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song thực tế, vẫn đang còn không ít rào cản, tồn tại ảnh hưởng đến hiệu quả xúc tiến thương mại như việc tổ chức các phiên chợ, hội chợ tại địa phương còn chưa đạt yêu cầu đề ra. Do đó, cần tập trung thực hiện đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tư vấn cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại cho DNT bằng những biện pháp thiết thực:

Xây dựng cơ sở dữ liệu cập nhật những thông tin về chính sách, đầu tư, thương mại từ các Bộ, ngành, địa phương để cung cấp những thông tin thiết thực nhất cho doanh nghiệp. Chủ động đề xuất những kiến nghị, hoạt động triển khai các hoạt động phù hợp đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm để tăng hiệu quả tham gia các sự kiện thương mại trong nước và quốc tế.

Phối hợp tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa các doanh nghiệp trên địa bàn với các cơ quan chính quyền địa phương nhằm trao đổi thông tin, đối thoại về những vấn đề doanh nghiệp quan tâm; đồng thời chia sẻ thông tin từ chính cộng đồng doanh nghiệp đã được tổ chức, góp phần cung cấp những thông tin chính xác, kịp thời cho doanh nghiệp để định hướng kinh doanh, với phương châm hoạt động trở thành cơ quan “cầu nối” giữa chính quyền với các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp giải quyết các khó khăn vướng mắc, mở rộng thị trường, tăng cường tiêu thụ sản phẩm.

Thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo về kỹ năng xúc tiến đầu tư thương mại. Tích cực tham gia các diễn đàn đối thoại, các chương trình hội nghị lấy ý kiến doanh nghiệp, để giúp các hội viên có cơ hội gặp gỡ và tìm hiểu những chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp.

Hỗ trợ doanh nhân xúc tiến thương mại thông qua việc tổ chức hội thảo, hội chợ triển lãm, giới thiệu hàng hóa…, nhằm tạo điều kiện cho doanh nhân có điều kiện tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.

Tăng cường hỗ trợ cung cấp thông tin cho doanh nhân bằng việc khẩn trương ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống quản lý nhà nước, xây dựng phát triển mạng lưới cung cấp thông tin nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về pháp lý, các văn bản pháp luật và thủ tục hành chính liên quan tới thành lập, thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, chuyển đổi doanh nghiệp,  thủ tục giải thể, phá sản; cung cấp thông tin về cơ hội đầu tư và các điều kiện thực hiện sản xuất kinh doanh như hỗ trợ doanh nhân trong việc lựa chọn hình thức đầu tư và địa bàn đầu tư, tiếp cận các nguồn công nghệ tiên tiến, cung  cấp các thông tin về tình hình diễn biến thị trường...

Thứ tư, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội doanh nhân trẻ theo hướng chuyên nghiệp hóa.

Để nâng cao chất lượng hoạt động, thời gian tới Hội DNT cần xác định lại giá trị cốt lõi của Hội; xác định tầm nhìn, sứ mệnh của Hội; từ đó xây dựng chương trình hành động cụ thể để thực hiện được tầm nhìn đã đề ra. Để thực hiện được những nội dung đó, cần triển khai các biện pháp cụ thể sau:

Khôi phục và phát triển các Hội DNT ở khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Tổ chức các đoàn công tác đến làm việc, khảo sát thực trạng hoạt động của các Hội/Câu lạc bộ DNT tại các địa phương khó khăn, chưa có bộ máy văn phòng chuyên trách, chưa có hoạt động hỗ trợ hội viên, năng lực phát triển hội viên hạn chế. Triển khai các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực xây dựng tổ chức và triển khai hoạt động cho các Hội/Câu lạc bộ, DNT địa phương. Liên kết, kết nối DNT hội viên hội nhập và phát triển.

Xây dựng bộ máy văn phòng hội chuyên nghiệp. Triển khai đề án xây dựng Văn phòng Hội DNT chuyên nghiệp kiểu mẫu, từng bước nhân rộng mô hình ra các địa phương. Biên tập và phát hành “Cẩm nang công tác Văn phòng Hội DNT để hướng dẫn và làm tài liệu hướng dẫn cho cán bộ văn phòng hội toàn quốc về các quy trình, quy định, văn bản pháp quy liên quan đến công tác văn phòng và công tác tổ chức hoạt động hội. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu văn phòng hội, cơ sở dữ liệu hội viên theo ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh một cách khoa học, phục vụ công tác kết nối, hỗ trợ nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho cán bộ văn phòng hội toàn quốc cũng như hội viên Hội DNT Việt Nam. Định kỳ tổ chức đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ hội về kỹ năng, tổ chức sự kiện, vận động nguồn lực, điện tử hóa trong công tác văn phòng hội; Tăng cường kết nối, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động hội từ Trung ương đến địa phương thông qua thương mại điện tử. Xây dựng tiêu chí tuyển chọn cán bộ và có chế độ đãi ngộ với cán bộ Văn phòng hội.

Mở rộng Hội DNT Việt Nam. Trong bối cảnh Hội DNT Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức từ phía chủ quan và khách quan, nghiên cứu phương án mở rộng hội nhằm mở rộng đối tượng tham gia hội, thu hút các doanh nghiệp lớn tham gia, tăng cường sức mạnh cho hội, tạo những lá cờ đầu dẫn dắt phong trào, thu hút thêm hội viên, nâng tầm vị thế của hội.

Xây dựng tổ chức Hội Liên hiệp thanh niên trong doanh nghiệp của hội viên DNT. Thúc đẩy phong trào thanh niên trong doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài quốc doanh, khu công nghiệp, khu chế xuất, qua đó đẩy mạnh xây dựng văn hóa thanh niên trong doanh nghiệp, tăng cường tính đoàn kết và tinh thần thi đua rèn đức luyện tài cho cán bộ, công nhân viên, góp phần nâng cao sức mạnh của doanh nghiệp, phát động và kêu gọi doanh nghiệp hội viên tổ chức thành lập tổ chức Hội Liên hiệp Thanh niên trong doanh nghiệp hội viên như một nhiệm vụ chính trị của mình.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ghi nhận, tôn vinh đối với đội ngũ doanh nhân trẻ.

Đây là giải pháp quan trọng nhằm khắc phục triệt để thái độ kỳ thị doanh nhân, ganh tỵ người giàu có - một trong những cản trở lớn nhất trong quá trình phát triển đội ngũ DNT Việt Nam. Để thực hiện tốt giải pháp này cần tập trung thực hiện một số biện pháp cụ thể sau:

Tiếp tục triển khai Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam định kỳ hàng năm như một kênh đối thoại thường niên về chính sách giữa Chính phủ và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng các báo cáo, kiến nghị chính sách, mở rộng hoạt động diễn đàn tới các Bộ, ngành, địa phương liên quan. Tổ chức các hội thảo chuyên đề có sự tham gia của lãnh đạo Bộ, ngành về những lĩnh vực ngành nghề cụ thể nhằm tháo gỡ và đề xuất những kiến nghị của doanh nghiệp theo lĩnh vực ngành nghề.

Hội DNT các cụm, địa phương, câu lạc bộ ngành nghề chủ động triển khai các chương trình tư vấn, đối thoại chính sách tùy theo nhu cầu và thế mạnh. riển khai và nhân rộng hiệu quả mô hình “Cà phê doanh nhân” giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp tại Hội DNT các tỉnh, thành phố để tạo sự kết nối giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp để cùng chia sẻ và trao đổi về những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp tại địa phương đang đối mặt, từ đó cùng đưa ra những giải pháp cụ thể giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh của mình.

Tiếp tục tổ chức tốt và hiệu quả Giải thưởng Sao Vàng đất Việt; Giải thưởng Sao đỏ - DNT Việt Nam tiêu biểu; Chương trình bình chọn và tôn vinh DNT khởi nghiệp xuất sắc. Tập trung đổi mới chất lượng nội dung các giải thưởng từ công tác bình chọn đến trao giải, tôn vinh đúng những doanh nhân, doanh nghiệp thực sự xứng đáng. Đặc biệt, phối hợp với Hội DNT các tỉnh, thành phố tập trung vào công tác hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp đoạt giải trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân (tập thể) sau khi đoạt giải.

Tuyên dương DNT khởi nghiệp xuất sắc thông qua chương trình: Bình chọn và tôn vinh DNT trẻ khởi nghiệp xuất sắc định kỳ hàng năm. Hỗ trợ DNT tiêu biểu tiếp cận các nguồn vốn từ các quỹ hỗ trợ, dự án cho các DNT mới khởi nghiệp thông qua hoạt động của Câu lạc bộ Đầu tư và Khởi nghiệp, các quỹ, nhà đầu tư trong và ngoài nước… Hỗ trợ các DNT tiêu biểu trong việc tiếp cận thị trường, tiếp cận các kiến thức, khoa học công nghệ phù hợp với các mô hình sản xuất - kinh doanh cụ thể.

Hỗ trợ và tạo sự kết nối hiệu quả giữa DNT thành đạt với DNT khởi nghiệp để tư vấn, hỗ trợ và bồi dưỡng cho các DNT khởi nghiệp phát triển, nuôi dưỡng lớp DNT khởi nghiệp xuất sắc trở thành những hội viên “mạnh về chất” của Hội DNT Việt Nam trong tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Câu lạc bộ Doanh nhân Việt Nam (2004), Doanh nhân Việt Nam xưa và nay, Nhà xuất bản Thống kê.
  2. Trần Quốc Dân (2008), Doanh nghiệp, doanh nhân và văn hóa, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  3. Chu Thị Hảo (2015), “Doanh nhân trẻ Việt Nam hội nhập quốc tế”, Tạp chí Tin học ngân hàng, số tháng 6/2015.
  4. Dương Thị Liễu (2016), “Xây dựng đội ngũ doanh nhân thời kỳ hội nhập quốc tế”, Tạp chí Cộng sản số tháng 11/2016.
  5. Vũ Quốc Tuấn (2001), Doanh nghiệp, doanh nhân trong cơ chế thị trường, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  6. Nguyễn Anh Tuấn, Dương Hoài An (2017) “Vai trò của đội ngũ doanh nhân trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội”, Tạp chí Lý luận Chính trị số 11-2017.

SOME SOLUTIONS TO DEVELOP YOUNG VIETNAMESE ENTREPRENEURS

Master. NGO VAN CUONG

Central Committee of the Ho Chi Minh Communist Youth Union

ABSTRACT:

Young Vietnamese entrepreneurs are the product of the process of innovation, industrialization and modernization of the country in the direction of developing a socialist-oriented market economy. Although young Vietnamese entrepreneurs have grown up in a society without a business tradition; young Vietnamese entrepreneurs are always diligent, eager to learn, progressive, they have a strong desire to start a business, aspire to get rich. They are also patriotic, self-resilient, highly responsible to the community and ethnic group. However, young Vietnamese entrepreneurs are facing many difficulties and challenges, especially in the context of globalization, international integration and the strong development of the Industry 4.0. These difficulties and challenges require young Vietnamese entrepreneurs to better perform their roles and be braver. Based on analyzing the role of young Vietnamese entrepreneurs in the country’s development, this article points out

The difficulties and obstacles of young Vietnamese entrepreneurs, and proposes a number of solutions to develop young Vietnamese entrepreneurs in the coming time.

Keywords: Enterprises, young entrepreneurs, developing young entrepreneurs, young Vietnamese entrepreneurs.