Một số nghiên cứu mối quan hệ của kiểm toán nội bộ đến hành vi quản trị lợi nhuận

Đề tài Một số nghiên cứu mối quan hệ của kiểm toán nội bộ đến hành vi quản trị lợi nhuận do TS. Vũ Thị Thu Huyền (Đại học Thương mại) thực hiện.

TÓM TẮT:

Vai trò của chức năng kiểm toán nội bộ như một phần của cơ cấu quản trị doanh nghiệp đã được phát huy để đảm bảo tính trung thực, hiệu quả của các báo cáo tài chính. Việc quản trị lợi nhuận dẫn đến chất lượng báo cáo tài chính thấp hơn, làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư và làm giảm hiệu quả của thị trường tài chính. Theo đó, một trong những trọng tâm chính của hoạt động quản trị doanh nghiệp là tăng cường vai trò quan trọng của các cơ chế thực hiện kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập, để giảm hành vi quản trị lợi nhuận (EM). Bài viết này tổng kết một số nghiên cứu tác động của kiểm toán nội bộ đối với quản trị lợi nhuận, đánh giá, tổng kết các nghiên cứu trước đây làm tiền đề cho nghiên cứu mối quan hệ của kiểm toán nội bộ và quản trị lợi nhuận tại nhóm các công ty ở thị trường Việt Nam.

Từ khóa: kiểm toán nội bộ, quản trị lợi nhuận, mối quan hệ.

1. Khái quát về chức năng kiểm toán nội bộ

Theo Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC): “Kiểm toán nội bộ (KTNB) là một hoạt động đánh giá được lập ra trong doanh nghiệp như là một loại dịch vụ, có chức năng kiểm tra, đánh giá, giám sát tính thích hợp và hiệu quả của hệ thống kế toán, kiểm soát nội bộ”.

Theo Viện KTNB (IIA): “KTNB là hoạt động đánh giá và tư vấn độc lập trong nội bộ tổ chức, được thiết kế nhằm cải tiến và tăng giá trị cho các hoạt động của tổ chức đó. Giúp tổ chức đạt được mục tiêu, bằng việc đánh giá, cải tiến một cách có hệ thống và chuẩn tắc tính hiệu lực của quy trình quản trị, kiểm soát và quản lý rủi ro”.

Nghị định số 05/2019/NĐ-CP về Kiểm toán nội bộ chưa đưa ra định nghĩa cụ thể về hoạt động này. Tuy nhiên, sự ra đời của NĐ chính là cơ hội để các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng trong triển khai thực hiện KTNB tại tổ chức của mình: “Kiểm toán nội bộ là một phần không thể thiếu và đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động quản trị của các tổ chức, doanh nghiệp hiện nay. Khi mà môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp và mang tính toàn cầu, thêm vào đó là sự gia tăng nhu cầu nâng cao nhận thức về quản trị và kỳ vọng của các bên liên quan, thì những thách thức đối với ngành Kiểm toán nội bộ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.”

Hiểu đơn giản, kiểm toán nội bộ là cung cấp những đánh giá khách quan, độc lập về hệ thống, tổ chức kinh doanh, nhằm đảm bảo tính toàn vẹn của các thông tin tài chính, kế toán, quá trình sản xuất, kinh doanh. Chức năng kiểm toán nội bộ của một tổ chức có trách nhiệm thực hiện các hoạt động rộng lớn trong một tổ chức. Họ thực hiện để đánh giá các rủi ro trong tổ chức và hiệu quả của các biện pháp kiểm soát của tổ chức.

Trong vài thập kỷ gần đây, KTNB đang dần đóng vai trò quan trọng, không thể thiếu trong cấu trúc quản trị công ty. Sự hiện diện của KTNB được xem như là “bức tường lửa” bảo vệ giúp duy trì hệ thống quản trị công ty tốt, giúp ban quản trị đánh giá và thiết lập các quy trình kiểm soát rủi ro. Khá nhiều nghiên cứu đã chứng minh sự cần thiết của hoạt động này. Chẳng hạn như: Wallace và cộng sự, (1991) dựa trên câu trả lời từ mẫu khảo sát gồm 260 công ty có tổ chức chức năng kiểm toán nội bộ để xác định ảnh hưởng của KTNB đối với việc tăng cường hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của công ty. Kết quả nghiên cứu đã giúp tác giả đưa ra nhận định: “các công ty có chức năng kiểm toán nội bộ thì khả năng cạnh tranh tốt hơn, đạt được lợi nhuận nhiều hơn, năng lực quản lý được nâng cao hơn và việc quản lý rủi ro cũng được thực hiện hiệu quả hơn”. Pizzin và cộng sự, (2012) nghiên cứu về tầm quan trọng của chức năng kiểm toán nội bộ. Nhóm tác giả đã sử dụng dữ liệu khảo sát thu thập từ 292 công ty trong giai đoạn trước khi Đạo luật SOX ban hành. Kết quả là nhóm tác giả tìm thấy “chức năng kiểm toán nội bộ đóng vai trò rất quan trọng đối với hiệu quả hoạt động quản lý cũng như trợ giúp các KTV độc lập khi xác định phạm vi kiểm toán BCTC phù hợp”

Chức năng kiểm toán nội bộ (IAF) đã trở thành một cơ chế quan trọng để doanh nghiệp quản trị trong vài năm qua (IIA 2005). Chức năng kiểm toán nội bộ nâng cao và bảo vệ giá trị của tổ chức bằng cách cung cấp sự đảm bảo, tư vấn và hiểu biết sâu sắc và khách quan dựa trên rủi ro. Bananuka và cộng sự. (2018) báo cáo rằng, IAF đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và nâng cao trách nhiệm giải trình của các công ty ở Uganda. Mặc dù theo truyền thống, IAF tập trung vào hoạt động rủi ro và giám sát, nhưng ngày nay ngày càng nhấn mạnh đến nhu cầu tập trung vào quản trị lợi nhuận (EM) và chất lượng báo cáo tài chính (Alzoubi 2019).

Nhìn chung, các nghiên cứu đều thừa nhận IAF ngày càng cần thiết trong việc hỗ trợ hoạt động giúp công ty đạt được các mục tiêu thông qua việc đánh giá và tăng cường công tác kiểm soát, quản trị rủi ro một cách hiệu quả, có hệ thống và kỷ luật. “Khác với kiểm toán độc lập chỉ tập trung đến đánh giá mức độ rủi ro có sai sót trọng yếu trên BCTC, KTNB có trách nhiệm phát hiện và ngăn ngừa các hành vi sai phạm nào có đặc điểm lừa dối, che giấu hoặc ảnh hưởng đến niềm tin như: đánh cắp tài sản công ty, tối đa hóa lợi ích cá nhân, gây thiệt hại cho công ty” (IIA, 2019). Hoạt động KTNB còn giúp cho công ty giảm thiểu gian lận trên BCTC và các hành vi quản trị lợi nhuân của nhà quản lý.

2. Hành vi quản trị lợi nhuận (EM)

Healy và Wahlen (1999) cho rằng “Quản trị lợi nhuận xảy ra khi các nhà quản lý sử dụng phán đoán trong báo cáo tài chính và trong việc cơ cấu các giao dịch để thay đổi báo cáo tài chính nhằm đánh lừa một số bên liên quan về hiệu quả kinh tế cơ bản của công ty hoặc để ảnh hưởng đến kết quả hợp đồng phụ thuộc vào kế toán được báo cáo với những con số”.

Jones (2011) lập luận rằng EM liên quan đến việc sử dụng tính linh hoạt trong các chuẩn mực kế toán để quản lý tài khoản nhằm mang lại lợi nhuận xác định trước hoặc đạt được một mục tiêu cụ thể.

Các nhà đầu tư ngày càng quan tâm hơn đến EM và bắt đầu yêu cầu chất lượng thu nhập cao nhằm mục đích nâng cao chất lượng báo cáo tài chính (Rassas & Kamardin 2015). Một cơ cấu quản trị công ty mạnh mẽ sẽ cung cấp các công cụ giám sát mạnh mẽ trong việc ra quyết định quản lý và hạn chế các hoạt động EM (Thuneibat và cộng sự 2016). Các cơ chế kiểm toán đóng vai trò là công cụ giám sát nhằm giảm bớt sự không chắc chắn trong quy trình báo cáo tài chính và cải thiện luồng thông tin giữa các nhà quản lý và các bên liên quan (Rassas & Kamardin 2015).

Schipper (1989), Scott (1997) cho rằng: “Hành vi quản trị lợi nhuận là những hành động có chủ đích trong quá trình cung cấp thông tin tài chính nhằm đạt được lợi ích cá nhân”.

Chính từ định nghĩa này, lần đầu tiên HVQTLN được biết đến thông qua chi phối các NVKT phát sinh bên cạnh HVQTLN thông qua chi phối các CSKT. Tuy nhiên, các hành vi này của nhà quản lý cũng chỉ dừng ở việc là nhằm mục đích gây hiểu lầm cho các bên liên quan.

Gần đây, Ronen và Yaari (2008) đã định nghĩa đầy đủ hơn, khi cho rằng: “Hành vi quản trị lợi nhuận là tập hợp các quyết định quản lý mà kết quả sẽ dẫn đến không phản ánh đúng thu nhập thực trong ngắn hạn, có tính chất tối đa hóa giá trị công ty mà nhà quản lý đã biết về chúng”.

Nhìn chung, HVQTLN được xem là hành vi do nhà quản lý thực hiện có thể đem đến lợi ích hoặc gây nguy hại cho công ty. Với việc những khoản thu nhập thực trong ngắn hạn bị che giấu bởi các hành vi điều chỉnh của người đang nắm quyền quản lý, lợi ích của công ty sẽ bị ảnh hưởng xấu. Tuy nhiên, bù lại hành vi điều chỉnh này sẽ cung cấp các tín hiệu về khoản thu nhập thực trong dài hạn, đây chính là lợi ích đem lại cho các nhà đầu tư trong tương lai.

Trong các định nghĩa trên, có thể thấy định nghĩa của Ronen và Yaari (2008) có những điểm đồng nhất với Healy và Wahlen (1999) khi cho rằng HVQTLN của nhà quản lý được thực hiện bằng cách chi phối các chính sách kế toán và nghiệp vụ kế toán phát sinh. Ngoài ra, Ronen và Yaari (2008) cũng nhấn mạnh rằng hành vi này là nhằm mục đích trình bày lợi nhuận trên BCTC khác với lợi nhuận thực, từ đó gây hiểu lầm để trục lợi cho bản thân.

3. Mối quan hệ giữa kiểm toán nội bộ và hành vi quản trị lợi nhuận

Vào đầu những năm 1990, quản trị công ty lần đầu tiên được giới thiệu; kể từ thời điểm đó, nó đã được sử dụng rộng rãi cho đến những năm nay, tầm quan trọng của quy định quản trị nằm ở sự tuân thủ đúng đắn của các tổ chức thông qua việc xử phạt kiểm toán nội bộ và sự phù hợp của nó với cách quản lý các công ty (Ahmed, Alabdullah, & Shaharudin, 2020; Flayyih, Ali, & Mohammed, 2018). Việc quản trị này được thực hiện bằng cách sử dụng các cơ chế đặc biệt từ công ty này đến công ty khác bất chấp sự tồn tại của các hướng dẫn và quy định pháp lý ổn định (Flayyih và cộng sự, 2018).

Phần lớn các nghiên cứu cho thấy kiểm toán nội bộ ảnh hưởng đến hành vi quản trị lợi nhuận. Ví dụ, Elghuweel, Ntim, Opong và Avison, (2017) đã xem xét tác động của kiểm toán nội bộ đến quản trị công ty hiệu quả tại các ngân hàng công nghiệp ở Oman. Nghiên cứu này tìm thấy mối quan hệ tích cực lớn giữa kiểm toán nội bộ và quản trị công ty hiệu quả. Gebrayel, Jarrar, Salloum và Lefebvre, (2018) đã xem xét tác động của ủy ban kiểm toán và sự hiện diện của hoạt động kiểm toán nội bộ đối với chất lượng BCTC của công ty. Họ đề cập rằng hoạt động kiểm toán nội bộ được coi là một cơ chế quản trị công ty quan trọng để đảm bảo hoạt động hiệu quả. Trong đó, điều này sẽ thông qua các rủi ro về cơ cấu tuân thủ, đánh giá các biện pháp kiểm soát nội bộ và các hành vi thao túng lợi nhuận.

Sanad, Shiwakoti và Kukreja, (2019) xem xét 4 đặc điểm của ủy ban kiểm toán: tính độc lập của ủy ban kiểm toán, quy mô của ủy ban kiểm toán, sự chuyên nghiệp của ủy ban kiểm toán và chuyên môn tài chính của các thành viên ủy ban kiểm toán. Họ cố gắng phát hiện xem liệu có bất kỳ đặc điểm nào trong số đó có tác động tích cực đến thu nhập hay không. Họ cũng nhận ra rằng sự siêng năng của ủy ban kiểm toán không có tác động đến hệ tư tưởng về thu nhập. Alam, Ramachandran và Nahomy (2020) đã xem xét tác động của đặc điểm Hội đồng quản trị, quyền lực của giám đốc điều hành (CEO) và luật giám sát quản lý thu nhập (EM) đến quản trị lợi nhuận trong các ngân hàng Hồi giáo .

Ibrahim, Mansor và Ahmad, (2020) đã kiểm tra vai trò chịu trách nhiệm của ủy ban kiểm toán nội bộ về mối liên hệ giữa số liệu được kiểm toán bởi KTĐL và việc quản lý lợi nhuận thực tế của các công ty phi tài chính niêm yết ở Nigeria. Kết quả khảo sát cho thấy ủy ban kiểm toán nội bộ làm trung gian cho mối liên hệ này. Jessica, (2020) đề cập đến ảnh hưởng của đặc điểm công ty và đặc điểm quản trị hợp lý đến hành vi quản lý lợi nhuận. Yasser và Soliman, (2018) đã xem xét tác động của các tiêu chí kiểm toán đối với việc quản lý lợi nhuận ở các công ty bảo hiểm với quan điểm đặc biệt về các khoản dồn tích và thước đo hiệu quả hoạt động của hành vi thao túng thu nhập của các công ty bảo hiểm ở Nigeria. Kết quả cho thấy các tiêu chí kiểm toán thích hợp có tác động lớn đến việc quản lý lợi nhuận.

Amrah và Obaid, (2019) đã xem xét mối liên hệ giữa hiệu quả quản trị công ty và chất lượng báo cáo thu nhập giữa các công ty gia đình và công ty không thuộc sở hữu gia đình tại các quốc gia châu Á. Các kết quả thực nghiệm chỉ ra rằng mối liên hệ tích cực giữa hiệu quả quản trị công ty và chất lượng báo cáo tài chính của công ty. Tuy nhiên, mối quan hệ này dường như yếu hơn đối với các công ty thuộc sở hữu gia đình.

Putra và FitoMela, (2019) nhận thấy rằng chất lượng kiểm toán cao sẽ tăng cường quản trị lợi nhuận. Nghiên cứu của Oyebamiji (2020) cho thấy chất lượng kiểm toán có tác động ngược và đáng kể đến hoạt động quản trị lợi nhuận của các công ty niêm yết ở Nigeria. Tajudeen (2020) nghiên cứu cho thấy chất lượng kiểm toán có ảnh hưởng đáng kể đến việc quản lý lợi nhuận của các công ty sản xuất niêm yết ở Nigeria. Rahmawati, (2020) kết quả của nghiên cứu này cho thấy chất lượng kiểm toán có tác động tích cực và đáng kể đến việc quản trị lợi nhuận ở Indonesia. Elghuweel và cộng sự (2017) nghiên cứu này đã tìm thấy mối quan hệ tích cực đáng kể giữa kiểm toán nội bộ và quản trị công ty hiệu quả.

4. Khuyến nghị và kết luận

Nghiên cứu này tập trung tổng quan các nghiên cứu trước về mối quan hệ giữa chất lượng kiểm toán nội bộ và quản trị lợi nhuận nhằm nâng cao khả năng sinh lời nhưng đảm bảo được chất lượng và vai trò của chức năng kiểm toán nội bộ. Các nghiên cứu gần đây tập trung vào những vấn đề cơ bản của hành vi QTLN, các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi QTLN, quan hệ của chất lượng, chức năng kiểm toán nội bộ đến quản trị lợi nhuận cho thấy chức năng kiểm toán nội bộ (IAF) là một nền tảng quan trọng trong cơ chế quản trị công ty nhằm đảm bảo hiệu quả giám sát việc tuân thủ và đảm bảo kiểm soát, giảm thiểu các sai sót.  Do đó, IAF càng chất lượng, các sai sót bao gồm cả hành vi QTLN sẽ giảm. Thông qua việc tổng quan các nghiên cứu về mối quan hệ giữa KTNB và QTLN nhằm thực hiện nghiên cứu ảnh hưởng của IAF đến QTLN thông qua chính sách kế toán và nghiệp vụ kinh tế phát sinh tại một số nhóm doanh nghiệp niêm yết ở thị trường chứng khoán Việt Nam.

Với bối cảnh Việt Nam hiện nay, đã và đang từng bước hội nhập quốc tế, tất yếu đòi hỏi các công cụ quản lý kinh tế, trong đó có IAF phải không ngừng nâng cao vai trò và chất lượng hoạt động. Với việc ban hành Nghị định số 05/2019/NĐ-CP vào ngày 22/01/2019 hướng dẫn về KTNB. Theo đó, Nghị định này yêu cầu các công ty niêm yết, các công ty nhà nước, các tổ chức tài chính phải thành lập chức năng KTNB; thì việc tổng quan nghiên cứu của tác giả có ý nghĩa phục vụ nghiên cứu mối quan hệ này trong bối cảnh Việt Nam và đánh giá ảnh hưởng của chúng.  

Trên cơ sở tổng hợp và kế thừa từ các nghiên cứu trước, tác giả thực hiện chủ đề nghiên cứu này với mong muốn xem xét liệu IAF có chất lượng có giúp giảm thiểu HVQTLN, từ đó hạn chế rủi ro thông tin kế toán cho các nhà đầu tư VN hay không. Nghiên cứu này sẽ sử dụng các biến số: chất lượng kiểm toán nội bộ, số lượng cuộc họp ủy ban kiểm toán và quy mô ủy ban kiểm toán) để đo lường tác động của kiểm toán trong quản trị lợi nhuận. Dữ liệu dự kiến trong nghiên cứu sẽ được thu thập từ nhóm các công ty ở các loại hình khác nhau trên sàn chứng khoán Hà Nội trong một khoảng thời gian nhất định để đảm bảo cơ sở dữ liệu sử dụng.

Ngoài ra, việc tổng quan các nghiên cứu sẽ giúp các nhà nghiên cứu tại Việt Nam nắm bắt được các hướng nghiên cứu về QTLN trên thế giới cũng như tại Việt Nam, từ đó đưa ra những nghiên cứu phù hợp với tình hình hiện tại, nhằm đánh giá đúng được vai trò của chức năng kiểm toán nội bộ trong quản trị. Bên cạnh đó, nghiên cứu tổng quan này chứa nhiều khuyến nghị cho các nghiên cứu trong tương lai ở các chủ đề tiếp theo, như: (1) xem xét mối quan hệ trực tiếp giữa chất lượng kiểm toán nội bộ và quản trị công ty; (2) khuyến nghị tiến hành phân tích trong tương lai để kiểm tra mối liên hệ giữa chất lượng kiểm toán nội bộ và quản trị lợi nhuận thông qua các biến số thay thế như kỹ năng, kiến thức và năng lực khác mà kiểm toán viên cần có.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Tăng Thị Thanh Thủy (2019), “Đề xuất mô hình ảnh hưởng của các nhân tố đo lường chất lượng hoạt động kiểm toán nội bộ đến hành vi điều chỉnh lợi nhuận tại các công ty niêm yết Việt Nam”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ.
  2. American Institute of Certified Public Accountants (AICPA). 1997. The Auditor’s Consideration oj the Internal Audit Function in an Audit of Financial Statements. Statement on Auditing Standards No. 65. Available at: http://www.aicpa.org/download/members/div/auditstd/AU 00322.PDF.
  3. Ahmed K, Chalmers K, Khlif H (2013) A Meta-analysis of IFRS adoption effects. International Journal of Accounting 48(2): 173-217. doi: 10.1016/j.intacc.2013. 04.002.
  4. Anderson, D., J. R. Francis, and D. J. Stokes. 1993. Auditing, directorships, and the demand for monitoring. Journal of Accounting and Public Policy 12 (4): 353-375.
  5. Becker, C. L., M. L. DeFond, J. Jiambalvo, and K. R. Subramanyam. 1998. The effect of audit quality on earnings management. Contemporary Accounting Research 15 (1): 1-24.
  6. Be´dard, J., S. M. Chtourou, and L. Courteau. 2004. The effect of audit committee expertise, independence, and activity on aggressive earnings management. Auditing: A Journal of Practice &Theory 23 (2): 3.
  7. Brown, L. D., and M. L. Caylor. 2005. A temporal analysis of quarterly earnings thresholds: Propensities and valuation consequences. The Accounting Review 80 (2): 423-440.
  8. Carcello, J., D. Hermanson, and K. Raghunandan. 2005. Factors associated with U.S. public companies’ investment in internal auditing. Accounting Horizons (June): 69-84.
  9. Davidson, R., J. Goodwin-Stewart, and P. Kent. 2005. Internal governance structures and earnings management. Accounting and Finance 45 (2): 241-267.
  10. DeAngelo, H., L. DeAngelo, and D. J. Skinner. 1994. Accounting choice in troubled companies. Journal of Accounting and Economics 17 (1/2): 113-143.
  11. DeGeorge, F., J. Patel, and R. Zeckhauser. 1999. Earnings management to exceed Journal of Business 72 (January): 1-33.
  12. Erickson, M., M. Hanlon, and E. Maydew. 2008. Is there a link between executive equity incentives and accounting fraud? Journal of Accounting Research 44 (1): 113-143.
  13. Hribar, P., and C. Nichols. 2007. The use of unsigned earnings quality measures in tests of earnings management. Journal of Accounting Research 45 (5): 1017-1053.
  14. Institute of Internal Auditors (IIA). 2005a. Corporate governance. The Institute of Internal Auditors. Homepage. Available at: http://www.theiia.org/?doc id 1041.
  15. Larcker, D. F., S. A. Richardson, and I. Tuna. 2007. Corporate governance, accounting outcomes, and organizational performance. The Accounting Review 82 (4): 963-1008.

Some studies on exploring the relationship between internal audit and earnings management

Ph.D Vu Thi Thu Huyen1

Tran Nguyen Bich Hien1

Luong Thi Hong Ngan1

1Thuongmai University

Abstract:

The internal audit is part of the corporate governance structure to ensure the integrity and effectiveness of financial reports. Earnings management can lead to lower-quality financial reporting, affecting investor confidence and reducing financial market efficiency. As a result, one of the main focuses of corporate governance activities is to strengthen the important role of internal and independent audit implementation mechanisms in order to reduce earnings management behavior. This paper summarized and evaluated several studies on the impact of internal audits on profit management. This paper is expected to serve as a reference for further studies exploring the relationship between internal audit and earnings management at companies in Vietnam.

Keywords: internal audit, profit management, relationships.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2 tháng 2 năm 2024]

Tạp chí Công Thương