Mức giá mong đợi về suất ăn hàng ngày của sinh viên: Nghiên cứu điển hình tại Trường Đại học An Giang

Mức giá mong đợi về suất ăn hàng ngày của sinh viên: nghiên cứu điển hình tại Trường Đại học An Giang do Cao Minh Toàn - Trần Thị Tuyết Nhi (Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) thực hiện

TÓM TẮT:

Bài nghiên cứu phân tích mức giá mong đợi của sinh viên Trường Đại học An Giang về bữa ăn hàng ngày thông qua kỹ thuật xác định mức giá mong đợi và dữ liệu từ 300 sinh viên thuộc các khoa khác nhau. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mức giá mong đợi của một suất ăn thường ngày có sự chênh lệch và thấp hơn so với mức giá thực tế tại các quán ăn trên thị trường. Do đó, các quán cơm cần phân tích mức giá mong đợi cho phân khúc thị trường là sinh viên nhằm tăng tính cạnh tranh và tăng khả năng chấp nhận của sinh viên trong việc lựa chọn bữa ăn thường ngày.

Từ khoá: bữa ăn hàng ngày, mức giá mong đợi, sinh viên Đại học An Giang.

1. Đặt vấn đề

Giai đoạn chuyển tiếp giữa tuổi thiếu niên và trưởng thành, sống xa gia đình và trở nên độc lập tự chủ trong ăn uống chính là giai đoạn trở thành sinh viên học tập tại các trường đại học. Đây cũng được xem là một giai đoạn rất quan trọng ảnh hưởng đến việc cải thiện sức khoẻ và ngăn ngừa bệnh tật của sinh viên (Tống Thị Ánh Ngọc, Nguyễn Cẫm Tú, Phan Thị Thanh Quế và Đoàn Anh Dũng, 2020).

Các bạn sinh viên đã chính thức sống xa gia đình và trở thành người độc lập tự chủ trong các khoản chi tiêu hàng tháng. Chính các khoản chi tiêu này khiến nhiều sinh viên cảm thấy lúng túng và khó khăn vì không biết chi tiêu như thế nào là hợp lý. Việc chi tiêu hợp lý là một điều không hề đơn giản và rất khó cho các bạn sinh viên cân bằng cuộc sống với số tiền mà cha mẹ chu cấp hàng tháng (Seoul Academy, 2020).

Trong bối cảnh hiện nay, tình hình kinh tế ngày càng khó khăn, vật giá leo thang mỗi ngày kéo theo nhiều khó khăn và thách thức đối với chi phí sinh hoạt và môi trường sống của sinh viên. Đây là điều rất được phụ huynh cũng như sinh viên quan tâm. Do đó mức sinh hoạt phí ổn định và chi phí cơ bản trong học tập là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quá trình theo học của sinh viên trong suốt 4 năm học (Đại học Lạc Hồng, 2021).

Đối với những sinh viên không tự nấu ăn vì nhiều lý do khác nhau thì bữa ăn thường ngày là một khoản chi không nhỏ ảnh hưởng đến chi tiêu hàng tháng của sinh viên trong quá trình học tập. Do đó nghiên cứu này sẽ thực hiện và đề xuất mức giá sẵn lòng chi trả của sinh viên về bữa cơm thường ngày, thông qua đó giúp các quán cơm có được thông tin hữu ích để đưa ra chiến lược giá thích hợp nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thường ngày của sinh viên, đồng thời mang lại hiệu quả hơn trong việc kinh doanh ăn uống.

2. Phương pháp nghiên cứu

Dữ liệu được thu thập từ 2 nguồn chính là dữ liệu thứ cấp và dữ liệu sơ cấp. Dữ liệu thứ cấp được thu thập từ các nguồn có liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu thông qua internet và Trường Đại học An Giang. Dữ liệu sơ cấp được thu thập thông qua phiếu khảo sát 315 sinh viên đang học tại Trường Đại học An Giang. Phiếu phỏng vấn sau khi được xử lý và làm sạch, còn lại 300 phiếu hợp lệ được giữ lại trong nghiên cứu, chiếm 95,2%.

Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng phương pháp thống kê mô tả để phân tích mức độ lựa chọn quán ăn của sinh viên cũng như mức độ quan tâm đến khẩu phần ăn và yếu tố lựa chọn quán ăn của sinh viên. Bên cạnh đó, để xác định mức giá sẵn lòng chi trả của sinh viên về một suất ăn, nghiên cứu còn sử dụng phương pháp mức giá mong đợi thông qua 4 điểm, gồm: IPP (Indifference Pricing Point); OPP (Optimum Pricing Point); PMC (Point of Marginal Cheapness); và PME (Point of Marginal Expensiveness). Trong đó, giao điểm của 2 đường phân phối cộng dồn "đắt" và "rẻ" được ký hiệu là IPP, ở giao điểm này được xem là mức giá không khác biệt. Tương tự, điểm OPP là giao điểm của 2 đường phân phối cộng dồn "quá đắt" và "quá rẻ", đây là mức giá tối ưu nhất mà sinh viên sẵn lòng chi trả. Điểm PMC được xem là mức giá thấp nhất, hay mức giá cận dưới, đây là giao điểm của 2 đường "quá rẻ" và "không rẻ". Điểm PME là giao điểm của 2 đường "quá đắt" và "không đắt". Điểm này được xem là mức giá cao nhất, mức giá cận trên. Khoảng cách từ điểm PMC đến PME là khoảng giá sinh viên chấp nhận (Lưu Thanh Đức Hải, 2007).

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Đặc điểm mẫu nghiên cứu

Kết quả khảo sát trực tiếp 300 sinh viên đang học Trường Đại học An Giang cho thấy, phần lớn đáp viên thuộc về nữ (chiếm 85,7%), trong khi đáp viên nam chỉ chiếm 14,3%. Đáp viên theo khoa chiếm tỷ lệ cao nhất là Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh (27%). Đứng vị trí thứ hai là sinh viên Khoa Nông nghiệp và Tài nguyên thiên nhiên với 24% đáp viên. Các khoa còn lại lần lượt là Khoa Sư phạm 22%, Khoa Kỹ thuật - Công nghệ - Môi trường 13%, Khoa Công nghệ thông tin 2%, Khoa Ngoại ngữ 8%, Khoa Luật và Khoa học chính trị 4%. Sinh viên được khảo sát thuộc năm thứ hai, năm thứ ba và năm thứ tư, trong đó đứng đầu trong số đáp viên là sinh viên năm thứ ba chiếm tỷ lệ 40%, kế đến là sinh viên năm thứ tư chiếm 35%, còn lại là sinh viên thuộc năm thứ hai với tỷ lệ 25%. Thu nhập gia đình cũng là yếu tố được quan tâm trong nghiên cứu, kết quả cho thấy phần lớn sinh viên (56%) thuộc gia đình có thu nhập thấp dưới 3 triệu đồng. Đứng vị trí thứ 2 là mức thu nhập từ 3 đến dưới 6 triệu đồng, chiếm 16%. Thấp nhất là nhóm có thu nhập trên 15 triệu đồng, chỉ chiếm 8%, trong khi mức thu nhập từ 6 đến dưới 10 triệu đồng và từ 10 đến dưới 15 triệu đồng đều chiếm tỷ lệ 10%.

3.2. Hành vi tiêu dùng bữa ăn thường ngày của sinh viên

2 bữa ăn chính của sinh viên thường là ăn vào buổi trưa và buổi chiều, kết quả khảo sát cho thấy, đa phần sinh viên đến quán ăn vào buổi trưa là sau 11 giờ 30 phút (chiếm 60%), phần còn lại đến quán ăn sớm hơn 11 giờ 30. Tương tự như vậy, cũng có khoảng 60% sinh viên đến quán ăn vào buổi chiều sau 17 giờ 30 phút. Điều này có nghĩa rằng sau khi kết thúc môn học cuối giờ buổi trưa hoặc cuối giờ buổi chiều, sinh viên trực tiếp đến quán ăn trước khi trở về phòng trọ.

Trong Hình 1 thể hiện mức độ lựa chọn quán ăn hàng ngày của sinh viên, trong đó cho thấy có đến 60% sinh viên ăn thường xuyên tại một quán. Tuy vậy cũng có khoảng 31% sinh viên thay đổi quán ăn khi có bạn bè giới thiệu quán mới. Bên cạnh đó, tỷ lệ sinh viên thường thay đổi quán ăn hoặc thỉnh thoảng thay đổi quán ăn vì muốn thay đổi khẩu vị khác lạ đều chiếm tỷ lệ 25%. Qua đó cho thấy, mức độ sinh viên trung thành với quán ăn chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với tỷ lệ sinh viên thường xuyên thay đổi hoặc thỉnh thoảng thay đổi quán.

Hình 1: Mức độ lựa chọn quán ăn hàng ngày của sinh viên

mức giá mong đợi

Nguồn: Kết quả phỏng vấn trực tiếp 300 sinh viên

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra các yếu tố lựa chọn quán ăn của sinh viên, trong đó 2 yếu tố chiếm tỷ lệ cao nhất (82%) trong việc quyết định lựa chọn quán của sinh viên là quán ăn ngon miệng và phù hợp với túi tiền. Yếu tố quan trọng đứng vị trí thứ hai là quán ăn đó phải vệ sinh (chiếm 75%). Các yếu tố khác như quán ăn bình dân, quán ăn gần nhà hoặc quán ăn gần trường cũng là những yếu tố được sinh viên xem trọng, lần lượt chiếm tỷ lệ là 56%, 50% và 44%. Điều đặc biệt là yếu tố dinh dưỡng cũng như phong cách phục vụ của quán không được sinh viên xem trọng và quan tâm nhiều (chiếm 18%). Như vậy cho thấy, yếu tố quyết định sự lựa chọn quán ăn của sinh viên phần lớn thiên về việc ưu tiên chi phí hơn là quan tâm các yếu tố về dinh dưỡng cũng như giá trị tinh thần.

Tuy nhiên, khi được hỏi mức độ quan tâm trong khẩu phần ăn về thành phần dinh dưỡng thì sinh viên đều rất chú trọng và quan tâm. Hình 2 chỉ ra mức độ quan tâm trong khẩu phần ăn của sinh viên về các thành phần như protein, calories, chất béo và đường với thang đo từ 1 tới 5, trong đó 1 là rất không quan tâm và 5 là rất quan tâm. Ta thấy điểm trung bình của các yếu tố đều trên 3 và cận 4, trong đó chất béo và calories là 2 thành phần được sinh viên đặc biệt quan tâm nhiều nhất với điểm trung bình đều là 4, kế đến là protein và chất ngọt trong khẩu phần ăn cũng đều có điểm trung bình khá cao, lần lượt là 3.9 và 3.8.

Hình 2: Mức độ quan tâm về dinh dưỡng trong khẩu phần ăn

mức giá mong đợi

Nguồn: Kết quả phỏng vấn trực tiếp 300 sinh viên

Như vậy, mặc dù khi cân nhắc lựa chọn quán ăn sinh viên ưu tiên yếu tố về chi phí, nhưng trong khẩu phần ăn sinh viên đều đặc biệt quan tâm đến chế độ dinh dưỡng trong bữa ăn của mình.

Trong nghiên cứu cũng chỉ ra các yêu cầu cơ bản cho một bữa ăn thường ngày của sinh viên, trong đó thịt, cá là món ăn được sinh viên quan tâm nhiều nhất, chiếm tỷ lệ 69%, kế đến là món canh chiếm tỷ lệ 62%, riêng món ăn liên quan tới rau củ cũng như các món xào không được sinh viên quan tâm nhiều (khoảng 12%). Điều này cũng phù hợp với mức độ quan tâm về dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của sinh viên, vì thịt, cá có nhiều năng lượng và chất béo hơn so với các món ăn khác.

Khi được hỏi về mức chi trả thấp nhất cũng như mức chi trả cao nhất mà sinh viên từng trả tại các quán ăn thì kết quả cho ra 2 khoảng biến thiên dao động về mức chi trả thấp nhất từ 10.000 đồng - 25.000 đồng và mức chi trả cao nhất từ 20.000 đồng - 50.000 đồng. Chiếm tỷ lệ cao nhất trong khoảng biến thiên dao động về mức chi trả thấp nhất là mức giá 15.000 đồng, với tỷ lệ 38%, kế đến là mức giá 20.000 đồng với tỷ lệ 32%, các mức giá còn lại như 10.000 đồng, 18.000 đồng và 25.000 đồng lần lượt chiếm tỷ lệ là 6%, 12% và 12%. Trong khi chiếm tỷ lệ cao nhất trong khoảng biến thiên dao động về mức chi trả cao nhất là mức giá 50 nghìn đồng, với tỷ lệ 32%, kế đến là mức giá 45 nghìn đồng, chiếm tỷ lệ 25%. Như vậy có thể thấy, mức giá cho một suất ăn trong sinh viên thuộc một nhóm bình dân và một nhóm cao cấp. Điều này tương ứng với kết quả nghiên cứu về các quán sinh viên thường đến ăn, trong đó có 3 loại quán ăn chủ yếu: loại quán ăn cao cấp giá cao, loại quán ăn bình dân giá thấp và loại quán ăn tự chọn giá tầm trung.

3.3. Mức giá mong đợi của sinh viên về bữa ăn thường ngày

Việc nghiên cứu mức giá mong đợi sẽ giúp các quán cơm xác định khung giá thích hợp nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường phục vụ cho sinh viên Trường Đại học An Giang. Bởi mức giá mong đợi là mức giá người tiêu dùng sẵn lòng chi trả cho sản phẩm và dịch vụ để đổi lấy sự thỏa mãn cho nhu cầu của họ.

Hình 3: Mức giá mong đợi của sinh viên về bữa ăn thường ngày

mức giá mong đợi

Nguồn: Kết quả phỏng vấn trực tiếp 300 sinh viên

Hình 3 chỉ ra điểm PMC là giao điểm giữa 2 đường phân phối cộng dồn “quá rẻ” và “không rẻ”, đây là điểm cận dưới hay mức giá thấp nhất được người tiêu dùng chấp nhận. Tương tự, điểm PME là giao điểm của 2 đường phân phối cộng dồn “không đắt” và “quá đắt”, đây điểm cận trên, tức mức giá cao nhất mà người tiêu dùng có thể chấp nhận. Khoảng cách giữa điểm PMC và PME là khoảng biến động giá thích hợp cho việc sẵn lòng chi trả của sinh viên. Khoảng cách PMC và PME trong hình là 18.000 - 37.000 đồng/suất ăn. Điều này cho thấy khoảng biến thiên về giá trong một bữa ăn có mức dao động khoảng 19.000 đồng, có nghĩa là sinh viên vẫn sẵn lòng chi trả cho bữa ăn hàng ngày tại các quán nếu giá có khả năng tăng thêm tối đa 19.000 đồng. Tuy nhiên, mức giá mong đợi là giá trung bình thích hợp nằm ở mức lân cận của điểm OPP và IPP, trong trường hợp này là 22.000 - 23.000 đồng/kg, và 22.000 đồng là mức giá tối ưu nằm trong sự mong đợi mà sinh viên sẵn lòng chi trả cho một bữa ăn. Mức giá này vẫn thấp hơn mức giá trung bình thực tế của một suất ăn bình dân tại các quán ăn (25.000 đồng).

4. Kết luận

Tóm lại, đời sống sinh viên là giai đoạn khởi đầu cho sự tự chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình từ việc thay đổi môi trường học tập đến môi trường sinh hoạt và văn hoá xã hội. Vì thế, việc cân nhắc chi tiêu như thế nào cho phù hợp vừa đảm bảo mục tiêu học tập lâu dài, vừa cân đối chi phí sinh hoạt thường ngày là một vấn đề rất được sinh viên cân nhắc và quan tâm. Do đó, bữa cơm thường ngày có ảnh hưởng lớn đến việc chi tiêu cá nhân trong quá trình học tập của sinh viên và khả năng chu cấp của gia đình.

Qua nghiên cứu cho thấy, phần lớn sinh viên khi lựa chọn quán ăn thường quan tâm nhiều đến yếu tố phù hợp túi tiền và ăn ngon miệng, các yếu tố về phong cách phục vụ của quán cũng như chế độ dinh dưỡng không được đưa lên làm yếu tố quyết định lựa chọn quán ăn. Tuy vậy, đa phần các sinh viên đặc biệt quan tâm đến thành phần dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của mình, trong đó năng lượng và chất béo là 2 thành phần được sinh viên ưu tiên quan tâm nhất. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra khoảng biến thiên về mức giá chấp nhận của sinh viên nằm trong khoảng từ 18.000 đồng - 37.000 đồng cho một suất ăn, tuy nhiên mức giá mà đa phần sinh viên mong đợi nhất nằm trong khoảng 22.000 đồng - 23.000 đồng cho một bữa ăn. Đây cũng chính là mức giá tối ưu phù hợp với nhu cầu của đại đa số sinh viên.

Từ đó cho thấy, các quán cơm cần phải có những nghiên cứu thực tiễn về mức giá mong đợi theo từng giai đoạn của thị trường nhằm tăng khả năng cạnh tranh của các quán ăn, đồng thời đáp ứng được nhu cầu của một thị trường có quy mô lớn và đầy tiềm năng, đó chính là thị trường cung cấp suất ăn hàng ngày cho sinh viên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Lưu Thanh Đức Hải, (2007). Marketing ứng dụng. NXB Thống kê. Hà Nội.
  2. Tống Thị Ánh Ngọc, Nguyễn Cẫm Tú, Phan Thị Thanh Quế và Đoàn Anh Dũng, (2020). Hành vi tiêu dùng thực phẩm của sinh viên thành phố Cần Thơ. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam, 10, 31-37.
  3. Seoul Academy, (2020). Những khó khăn của sinh viên năm nhất thường phải đối mặt. Truy cập tại: https://seoulacademy.edu.vn/nhung-kho-khan-cua-sinh-vien-nam-nhat
  4. Đại học Lạc Hồng, (2021). Đời sống sinh viên. Truy cập tại: https://sinhvientuonglai.lhu.edu.vn/474/20424/Doi-song-sinh-vien.html

THE EXPECTED PRICE

OF STUDENTS FOR THEIR DAILY MEALS:

 A CASE STUDY OF AN GIANG UNIVERSITY’S STUDENTS

• CAO MINH TOAN1

• TRAN THI TUYET NHI1

1Faculty of Economics - Business Administration,

An Giang University, Vietnam National University - Ho Chi Minh City 

ABSTRACT:

This study analyzes the expected price of An Giang University’s students for their daily meals. This study uses a technique to determine the expected price and surveys 300 students from different faculties of An Giang University. The study finds out that the expected price of students for daily meals differs from the current market price and the expected price is lower than the current market price of daily meals. As a result, it is necessary for restaurants to analyze the expected price of students to improve their competitiveness and increase the price acceptability of students when they buy daily meals.

Keywords: daily meals, expected price, student of An Giang university.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 9 tháng 4 năm 2023]

Tạp chí Công Thương