Trước tình trạng biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày một gia tăng do hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, thế giới đã và đang có xu hướng chuyển sang tiêu dùng xanh, phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư, đổi mới để hướng tới sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính và thực hiện trách nhiệm với xã hội.
Xu hướng phát triển xanh và bền vững của thị trường
Phát triển bền vững, phát triển xanh là xu thế tất yếu của tiến trình phát triển kinh tế xã hội không chỉ ở Việt Nam mà còn trên cả thế giới, trong đó phát triển xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường.
Phát triển bền vững, phát triển xanh đòi hỏi sự phối hợp đa ngành, liên ngành để đảm bảo được các mục tiêu chính gồm: tăng trưởng kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội; bảo vệ môi trường và tôn trọng các quyền con người.
Về vấn đề này, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho rằng, tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu trên toàn cầu và được các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển hướng tới. Xu hướng phát triển này đã và đang hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư.
Một số thị trường nhật khẩu lớn hàng hoá Việt Nam áp dụng thuế suất cao với các sản phẩm có phát thải carbon lớn và đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe với hàng hoá nhập khẩu.
Theo khảo sát của Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp tiên phong hướng đến sản xuất xanh, phát triển xanh hầu hết là các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp đại chúng và doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu. Những doanh nghiệp này nhanh chóng nắm bắt được các xu thế, yêu cầu mới để “đón đầu” đi trước so với các doanh nghiệp khác.
Với đặc điểm gần 98% doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế về nguồn lực để có những đầu tư để chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng bền vững hơn. Do đó, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ dừng lại ở mức cân nhắc, chưa có những bước triển khai đầu tiên các hoạt động hướng đến phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.
Bên cạnh đó, một trong những rào cản lớn nhất, được 70% các doanh nghiệp tham gia khảo sát đưa ra là chưa được trang bị đủ kiến thức. 83% doanh nghiệp được khảo sát cho biết việc áp dụng ESG sẽ giúp nâng cao hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp, 57% đã thấy sự cần thiết thay vì coi đây là áp lực cần tuân thủ.
Thách thức trong chuyển đổi theo hướng phát triển xanh của doanh nghiệp Việt
Đánh giá về những khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, ông Hoàng Minh Chiến cho biết, những am hiểu cần thiết để đáp ứng các chuẩn mực cao về môi trường, trách nhiệm xã hội, quản trị doanh nghiệp… cũng đang là trở ngại không nhỏ đối với các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, do chi phí đầu tư cho phát triển xanh và bền vững rất cao, chỉ mang lại lợi ích trong dài hạn nên phần lớn doanh nghiệp buộc phải chấp nhận sử dụng công nghệ và vật liệu giá rẻ để phục vụ các mục tiêu ngắn hạn trước mắt. Do vậy, đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có một số doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp có quy mô lớn và là doanh nghiệp đại chúng phát hành chứng khoán niêm yết tại trung tâm giao dịch chứng khoán triển khai các hoạt động phát triển bền vững theo bộ tiêu chí ESG.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam dù có mong muốn thay đổi theo hướng phát triển bền vững song vẫn bị hạn chế về công nghệ sản xuất cũ hiện đang sử dụng và khó có thể thay thế công nghệ mới ngay được. Đây cũng là nguyên nhân doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam mới chỉ quan tâm và tập trung thực hiện một số hoạt động liên quan đến quản trị công ty, một số hoạt động xã hội như quan hệ cộng đồng, hoạt động từ thiện, chương trình sáng kiến xanh,…
Đồng thời, doanh nghiệp có thể có thể gặp rủi ro nếu quản lý theo không được tốt do còn thiếu kinh nghiệm vầ hạn chế về kỹ năng. Do kế hoạch triển khai ESG cần được phối hợp đồng bộ trong toàn doanh nghiệp, nếu hổng hoặc có trục trặc bất cứ khâu nào cũng có thể dẫn đến thiếu nhất quán và ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp. Đây là một khó khăn và chứa đựng nhiều rủi ro choo doanh nghiệp trong khi kinh nghiệm còn thiếu cũng như kỹ năng quản lý ESG còn hạn chế.
Mặt khác, doanh nghiệp nào cũng cần và phải thực hiện phát triển bền vững, nhưng một số chương trình, dự án mới dừng lại ở nâng cao nhận thức, đào tạo trên diện rộng chứ chưa đi sâu vào nhu cầu cụ thể của từng doanh nghiệp hay giải quyết được những khó khăn cụ thể của doanh nghiệp. Trong khi đó, để doanh nghiệp chuyển đổi, áp dụng các mô hình kinh doanh bền vữn thì cần có các hỗ trợ kỹ thuật, đồng hành cùng doanh nghiệp để giải quyết những vấn đề cụ thể.
Thay đổi tư duy, phát triển thương hiệu quốc gia xanh, bền vững
Trong bối cảnh đó, để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, doanh nghiệp của các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam cần thay đổi tư duy, quan tâm đến “tính xanh” của chuỗi sản xuất và cung ứng thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường.
Theo đó, ông Hoàng Minh Chiến có đề xuất, doanh nghiệp cần một tư duy đúng về phát triển bền vững, đặc biệt doanh nghiệp nên tận dụng các ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới, đáp ứng một số tiêu chí mà các FTA cũng như thị trường quốc tế đặt ra.
Doanh nghiệp nên thực hiện đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tối ưu hoá nguồn lực, tạo ra những sản phẩm dịch vụ “xanh” có thể đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như khẳng định tầm nhìn và năng lực kinh doanh bền vững để thu hút tốt hơn nguồn vốn đầu tư dài hạn.
Cùng với đó, doanh nghiệp phải kiên định với chiến lược dài hạn hướng tới phát triển bền vững trong từng giai đoạn phát triển. Hơn nữa, đảm bảo doanh nghiệp phát triển một các bền vững thì việc quản trị doanh nghiệp phải được thực hiện đồng bộ, hiệu quả và tạo ra lợi thế cạnh tranh cao trên thị trường.
Xây dựng và duy trì văn hoá doanh nghiệp, chiến lược công ty, duy trì sự phát triển bền vững nhờ truyền được cảm hứng cho nhân viên và đồng nhất giá trị doanh nghiệp. Đồng thời, chính văn hoá doanh nghiệp cũng là yếu tố giúp nâng cao năng suất và chất lượng công việc.
Chú trọng nâng cao giá trị thương hiệu, tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp đặc biệt các doanh nghiệp sẵn sàng chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến, tri thức mới, công nghệ hiện đại trên thế giới. Hình thành chuỗi giá trị, thúc đẩy hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phát triển xanh, phát triển bền vững đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình, giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia vào quá trình toàn cầu hoá. Với những thách thức về môi trường và xã hội ngày vàng gia tăng, việc xây dựng một hình ảnh thương hiệu quốc gia có trách nhiệm và bền vững trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.