Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương ứng phó với tác động do dịch Covid-19 gây ra xác định rõ hai mục tiêu tới đây cho toàn ngành. Thứ nhất, phòng, chống hiệu quả dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) trong các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Công Thương.
Thứ hai, giữ vững mục tiêu thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.
Cùng với đó, Kế hoạch hành động cũng yêu cầu, các đơn vị thuộc Bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao bám sát sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra.
Đồng thời, bám sát tình hình dịch cúm trong nước và thế giới; bám sát sự chỉ đạo của Bộ để chủ động có phương án, giải pháp xử lý kịp thời; giảm thiểu tác động tiêu cực có thể có của dịch đối với ngành Công Thương, góp phần vào kết quả chung của cả nước trong công tác ứng phó với tác động của dịch cúm mà Đảng, Chính phủ đã đề ra.
Theo đó, Kế hoạch hành động được chia thành ba nhóm nội dung có nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: Nhóm nhiệm vụ về bảo đảm thực hiện mục tiêu phòng, chống hiệu quả dịch bệnh; Nhóm nhiệm vụ về xử lý các tác động của dịch bệnh, bảo đảm ổn định sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và Nhóm nội dung nhiệm vụ về công tác thông tin, tuyên truyền
“Thủ trưởng các Đơn vị phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, thường xuyên, liên tục.
Tiếp đó, thực hiện chế độ báo cáo hàng ngày (trước 15h00 hàng ngày) về tình hình và kết quả triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch để báo cáo Lãnh đạo Bộ.
Đồng thời phải chủ động triển khai thực hiện hoặc đề xuất kịp thời với Lãnh đạo Bộ xem xét, chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp mới nhằm ứng phó có hiệu quả với dịch Covid-19 trong ngành Công Thương”, nội dung Kế hoạch hành động nhấn mạnh.
Phòng, chống dịch hiệu quả
Liên quan tới nhiệm vụ của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Kế hoạch hành động yêu cầu chỉ đạo lực lượng QLTT địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã trái phép, thực phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc nhằm góp phần ngăn chặn nguồn bệnh lây lan.
Đồng thời công bố thông tin xử phạt trên trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, đồng thời tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Việc kiểm soát các mặt hàng trực tiếp phòng chống dịch, cụ thể là mặt hàng khẩu trang, là một nội dung nổi bật của Kế hoạch hành động. Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ trên cơ sở đánh giá nhu cầu về khẩu trang y tế, khẩu trang vải kháng khuẩn phục vụ cho công tác phòng, chống dịch của Bộ Y tế và Bộ Công Thương, làm đầu mối tham mưu xử lý vấn đề nhập khẩu bảo đảm phục vụ nhu cầu trong nước.
Đồng thời chỉ đạo các Thương vụ tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tìm nguồn nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu đầu vào thay thế trong trường hợp nguồn cung từ Trung Quốc bị hạn chế do ảnh hưởng của dịch bệnh để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang trong nước.
Lãnh đạo Bộ cũng giao nhiệm vụ cho Cục Công nghiệp làm việc trực tiếp, cụ thể với các cơ sở sản xuất khẩu trang trong nước thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Công Thương để làm rõ khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước, tăng cường sản xuất. Đầu mối phối hợp với đơn vị chức năng thuộc Bộ Y tế kiểm tra, đôn đốc, làm việc trực tiếp tại một số cơ sở sản xuất vật tư y tế theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số yêu cầu các sàn thương mại điện tử, các chủ sở hữu website thương mại điện tử kiểm duyệt, ngăn chặn và loại bỏ các sản phẩm hàng giả, hàng nhái và xử lý nghiêm đối với người bán cố tình nâng giá bán các hàng hóa như khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn... để phục vụ phòng chống dịch bệnh.
Vừa quyết tâm chống dịch, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Về nhóm nhiệm vụ xử lý các tác động của dịch bệnh, bảo đảm ổn định sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu thành lập ngay Tổ công tác để xử lý các vấn đề liên quan tới giải tỏa hàng hóa xuất nhập khẩu với Trung Quốc do Cục Xuất nhập khẩu làm Thường trực, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi và một số đơn vị có liên quan cùng tham gia. Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực xuất nhập khẩu trực tiếp chỉ đạo Tổ công tác này.
Ngoài ra, Cục Xuất nhập khẩu theo dõi sát tình hình xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc; đôn đốc các tỉnh có biên giới với Trung Quốc chủ động làm việc với phía “bạn” để xác định cụ thể các biện pháp bảo đảm thông quan hàng hóa đồng thời kiểm soát tốt dịch bệnh; rà soát, đề xuất các giải pháp để thúc đẩy tái cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu theo hướng bền vững.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu các Vụ: Thị trường châu Á - châu Phi, Thị trường châu Âu - châu Mỹ chỉ đạo các Thương vụ tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tìm nguồn nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh phụ kiện là đầu vào sản xuất để thay thế trong trường hợp nguồn cung từ Trung Quốc bị hạn chế do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Rà soát các thị trường còn dư địa, đã mở cửa thị trường đối với nông sản, thủy sản, hoặc có tiềm năng điều kiện mở cửa thị trường để giải quyết đầu ra cho hàng hóa của Việt Nam.
Phối hợp chặt chẽ với các Thương vụ để cập nhật thông tin về các phản ứng của các nước liên quan đến việc đối phó với dịch bệnh, đánh giá về ảnh hưởng đối với kinh tế của các nước này, trong đó có lĩnh vực thương mại và đầu tư (như ảnh hưởng tới xuất nhập khẩu, di chuyển các cơ sở đầu tư từ nước có dịch bệnh...) và có báo cáo Lãnh đạo Bộ đánh giá, phân tích về tác động (có thể có) đối với Việt Nam.
Với Cục Công nghiệp, yêu cầu rà soát, đánh giá toàn diện, bám sát thực tiễn các tác động của dịch đối với sản xuất công nghiệp trong nước cũng như các chuỗi sản xuất công nghiệp để đề xuất các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ, định hướng chuyển đổi nguồn cung ứng nguyên liệu, sản xuất... cho doanh nghiệp cũng như các giải pháp hỗ trợ trong trường hợp vượt quá thẩm quyền.
Làm việc trực tiếp với các Hiệp hội ngành hàng, các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp sản xuất trong nước để nắm bắt thông tin về khả năng cung ứng nguyên vật liệu đầu vào, tình hình sản xuất kinh doanh, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trước diễn biến của dịch bệnh.
Bộ Công Thương yêu cầu Cục Hóa chất chủ trì, phối hợp với Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cập nhật, đánh giá tình hình nhập khẩu các mặt hàng hoá chất khác từ Trung Quốc làm nguyên liệu cho các ngành công nghiệp, đề xuất giải pháp khi nguồn cung bị hạn chế.
Bên cạnh đó, tập trung rà soát, đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư và sản xuất trong lĩnh vực hóa chất, đặc biệt là về nguồn vật tư/nguyên liệu phục vụ các dự án đầu tư và cơ sở sản xuất trong lĩnh vực hóa chất, bảo đảm ổn định và thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp…
Tuyên truyền đẩy đủ, chính xác và toàn diện
Về nhóm nội dung nhiệm vụ về công tác thông tin, tuyên truyền, Bộ Công Thương yêu cầu, các đơn vị trong Bộ chủ động cung cấp thông tin để thực hiện công tác thông tin tuyên truyền của Bộ kịp thời, hiệu quả, toàn diện.
Các đơn vị báo chí thuộc Bộ, phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Bộ và các Đơn vị thuộc Bộ để cập nhật thông tin, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, toàn diện về các hoạt động triển khai phòng, chống dịch cũng như các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong nước.