Trong báo cáo ngành thép, các chuyên gia của MBKE cho biết, Hiệp hội Thép Thế giới ước tính nhu cầu của Trung Quốc sẽ không đổi khi chỉ giảm 1% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tăng trưởng của các nước phát triển và phần còn lại của thế giới giảm hơn một nửa xuống còn lần lượt 4,3% so với cùng kỳ và 5,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, các nhà sản xuất thép Trung Quốc có thể tăng cường sản xuất trở lại sau Thế vận hội mùa đông 2022. Do đó, MBKE kỳ vọng cung - cầu sẽ trở nên cân bằng hơn trong tương lai và giá thép sẽ giảm 10-15% vào năm 2022.
Với thị trường trong nước, năm 2022, MBKE đặt kỳ vọng, gói kích thích kinh tế 2022 - 2023 sẽ nhanh chóng giúp thị trường trong nước hồi phục. Bên cạnh đó, gói đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá gần 114.000 tỷ đồng, cộng với mức 530.000 tỷ đồng đang có, sẽ giúp chi tiêu công tăng 38% trong năm 2022.
Hơn nữa, những điều chỉnh về Luật Xây dựng, đầu tư và nhà đất sẽ tháo gỡ nút thắt đang ngăn cản sự phát triển ngành bất động sản nhà ở trong những năm gần đây. Điều này sẽ giúp thị trường thép trong nước tăng trưởng 15-20% trong năm 2022.
Hiện các doanh nghiệp ngành thép đều đã đẩy mạnh sản lượng bán hàng nhờ các nỗ lực phục hồi kinh tế. Báo cáo mới nhất của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát cho biết, trong tháng 12, Công ty đã đạt sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 799,000 tấn, tăng 14% so với cùng kỳ.
Tính chung cả năm 2021, Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường tổng cộng 8,8 triệu tấn thép, tăng 35% so với cùng kỳ. Nhờ vậy, Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo, lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát năm 2021 ước tăng 173% đạt 36.900 tỉ đồng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp thép Việt Nam đã có một năm 2021 thành công ngoài mong đợi ở thị trường xuất khẩu.
Theo báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), trong 11 tháng năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 12,2 triệu tấn thép, tăng 37% so với năm trước. Xuất siêu thép đạt 868.000 tấn, cao nhất từ trước đến nay. Kết quả này nhờ vào công suất sản xuất trong nước tăng trong những năm gần nay, nhất là nhờ Nhà máy thép Dung Quất của Hoà Phát đạt 5,5 triệu tấn/năm đã giúp Việt Nam trở nên ít phụ thuộc vào nhập khẩu bán thành phẩm thép (như HRC) từ Trung Quốc.
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), năm 2022, các nhà sản xuất thép của Việt Nam có cơ hội mở rộng thị phần ở châu Âu khi các đối thủ cạnh tranh chính phải đối mặt với những thách thức liên quan đến chi phí sản xuất và chính sách thương mại.
Ngoài ra, từ năm 2022, Hòa Phát sẽ triển khai dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, công suất 5,6 triệu tấn/năm. Dự kiến, khi hoàn thành vào năm 2025, sản lượng thép của Hòa Phát sẽ đạt khoảng 14 triệu tấn/năm.
Mặc dù kết quả và hoạt động kinh doanh có nhiều khả quan, nhưng theo đánh giá của SSI Research, lợi nhuận các doanh nghiệp ngành thép có thể đã đạt đỉnh trong năm 2021, nên lợi nhuận sẽ tăng trưởng âm trong 2022 khi giá thép giảm.
Đồng quan điểm, các chuyên gia của MBKE cũng dự báo, biên lãi ròng sẽ thu hẹp song song với việc giá bán và lợi nhuận giảm nhiều hơn. Tuy nhiên, MBKE kỳ vọng nhu cầu thép trong nước tăng sẽ giúp việc giảm giá không ảnh hưởng nhiều lên doanh thu và lợi nhuận của các nhà sản xuất thép.
[Quảng cáo]