TÓM TẮT:
Những kết quả đạt được trong lĩnh vực phát triển kinh tế, cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế trong các năm gần đây đã có những tác động tích cực đến việc phát triển nghề luật sư nước ta, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, hoạt động luật sư trưởng thành nhanh chóng. Số lượng luật sư đã tăng lên đáng kể và đang có xu hướng ngày càng phát triển, đồng thời chất lượng hoạt động cũng từng bước được nâng cao. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều vấn đề cần được quan tâm một cách thấu đáo hơn nữa trong thực tiễn cải cách tư pháp nói chung và vấn đề pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư nói riêng.
Từ khóa: Công ty luật, hành nghề, luật sư, văn phòng luật sư.
1. Thực trạng pháp luật về nghề luật sư
Nghề luật sư không giống như những ngành nghề bình thường khác vì ngoài những yêu cầu về kiến thức và trình độ chuyên môn thì yêu cầu về việc hành nghề luật sư còn phải tuân thủ theo quy chế đạo đức nghề nghiệp. Đây là một nét đặc thù riêng có tác động sâu sắc đến kỹ năng hành nghề, đặc biệt là kỹ năng tranh tụng của luật sư.
Theo quy định tại Điều 2 Luật Luật sư 2015: "Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật này, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức". Tiêu chuẩn và điều kiện để trở thành luật sư được quy định tại Điều 10, Điều 11 Luật Luật sư (2015): "Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khỏe bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư", "Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 của Luật này muốn được hành nghề luật sư phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư".
Theo đó, luật sư là một chức danh tư pháp độc lập, là những người có đủ điều kiện hành nghề chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện việc tư vấn pháp luật, đại diện theo ủy quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cá nhân, tổ chức và Nhà nước trước tòa án và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác.
Đối với hoạt động hành nghề, luật sư có quyền tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự.
Luật sư cũng có quyền hoạt động đại diện ngoài tố tụng. Luật sư đại diện cho khách hàng để giải quyết các công việc có liên quan đến vấn đề mà họ đã nhận theo phạm vi, nội dung được ghi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý hoặc theo sự phân công của cơ quan, tổ chức nơi luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động. Khi đại diện cho khách hàng, luật sư có quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật có liên quan.
Về hình thức hành nghề, luật sư được lựa chọn một trong hai hình thức hành nghề sau đây:
"1. Hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư được thực hiện bằng việc thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư; làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư.
2. Hành nghề với tư cách cá nhân theo quy định tại Điều 49 của Luật này" (Luật Luật sư, 2015, Điều 23).
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 32 Luật Luật sư (2015) thì hình thức tổ chức hành nghề luật sư bao gồm: Văn phòng luật sư; Công ty luật.
Trong đó, văn phòng luật sư do một luật sư thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Luật sư thành lập văn phòng luật sư là trưởng văn phòng và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi nghĩa vụ của văn phòng. Đối với công ty luật, bao gồm công ty luật hợp danh và công ty luật trách nhiệm hữu hạn. Thành viên của công ty luật phải là luật sư. Công ty luật hợp danh do ít nhất hai luật sư thành lập và không có thành viên góp vốn. Công ty luật trách nhiệm hữu hạn bao gồm công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
Điều 49 Luật Luật sư cũng quy định về luật sư hành nghề với tư cách cá nhân. Theo đó, "Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân là luật sư làm việc theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức không phải là tổ chức hành nghề luật sư". Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân không được cung cấp dịch vụ pháp lý cho cá nhân, cơ quan, tổ chức khác ngoài cơ quan, tổ chức mình đã ký hợp đồng lao động, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước yêu cầu hoặc tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và thực hiện trợ giúp pháp lý theo sự phân công của Đoàn luật sư mà luật sư là thành viên.
Về mặt pháp lý, pháp luật Việt Nam đã quy định tương đối đầy đủ về nghề luật sư và hành nghề luật sư. Những quy định này phù hợp với pháp luật quốc tế, đồng thời tạo hành lang pháp lý để nghề luật sư ở Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế.
2. Thực tiễn hành nghề luật sư tại Việt Nam
Theo luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam: "Trong năm 2009, khi Liên đoàn Luật sư Việt Nam được thành lập, chỉ có hơn 5.000 luật sư. Thế nhưng hiện tại, con số này đã lên đến hơn 13.000 luật sư, số lượng luật sư tăng đều mỗi năm hơn 700 luật sư" (Bùi Mến, 2019). Tăng cường về số lượng, nhưng bên cạnh đó phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và trình độ chuyên môn là những giá trị cốt lõi tạo nên chất lượng, uy tín và thương hiệu của đội ngũ luật sư.
Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với việc ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc hành nghề luật sư tại nước ta. Tuy nhiên, thực tiễn hành nghề của các luật sư cũng gặp không ít những khó khăn, vướng mắc.
2.1. Những thuận lợi
Thứ nhất, thuận lợi lớn nhất là sự lớn mạnh về đội ngũ và trình độ của luật sư Việt Nam, đặc biệt là trên địa bàn hai thành phố có mức phát triển kinh tế và đầu tư cao là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Sự phát triển về đội ngũ luật sư không chỉ nói lên nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý ngày càng tăng với việc phát triển kinh tế - xã hội, mà còn thể hiện khả năng đáp ứng về kỹ năng hành nghề của đội ngũ luật sư đối với nhu cầu ngày càng phức tạp của khách hàng. Nếu như trước đây, những vấn đề khúc mắc về doanh nghiệp chỉ có thể giải quyết được ở các văn phòng luật nước ngoài, thì nay luật sư trong nước hoàn toàn có khả năng thực hiện những vấn đề này. Đặc biệt khi Việt Nam tham gia WTO, cùng với khối lượng giao thương trong nước và thế giới ngày càng mở rộng, thì khả năng đáp ứng được các nhu cầu về dịch vụ pháp lý doanh nghiệp của đội ngũ luật sư trong nước đã trở nên hết sức cấp bách. Do vậy, sự trưởng thành về lực lượng và trình độ của đội ngũ luật sư trong nước không chỉ góp phần giúp đỡ cho các doanh nghiệp Việt Nam mà còn tạo ra sự thuận lợi hơn trong việc chọn lựa về nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp kinh doanh pháp lý trong nước.
Thứ hai, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến quá trình hành nghề luật sư, có thể nói đến các văn bản: Luật Luật sư (2006), Luật Luật sư (sửa đổi, bổ sung năm 2012), Văn bản hợp nhất Luật Luật sư (2015), Nghị định số 4529/VBHN-BTP ngày 26 tháng 11 năm 2018 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư, Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam (Ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng luật sư toàn quốc)... Những văn bản này đã tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ cho việc hành nghề luật sư ở Việt Nam, từ việc thành lập tổ chức, quá trình hành nghề cho đến việc tạm dừng, chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư.
Thứ ba, hành nghề luật trong điều kiện hội nhập toàn diện của Việt Nam có nghĩa là giới hành nghề luật của nước ta được tiếp cận với một thị trường dịch vụ hoàn toàn mới mẻ và rộng lớn. Nếu trước đây các dịch vụ pháp lý phi hình sự được cung ứng chủ yếu là việc tham gia các vụ tranh tụng về kinh tế và dân sự của các đơn vị kinh tế và cá nhân trong nước, việc soạn thảo và thương lượng các hợp đồng kinh tế thường được bộ phận kinh doanh của các doanh nghiệp tự thực hiện. Chính vì vậy mà hoạt động tư vấn của luật sư rất hạn chế. Trong quá trình hội nhập và toàn cầu hóa, song song với làn sóng đầu tư từ nước ngoài đổ vào trong nước, những loại hình kinh doanh trong nước đang ngày càng đa dạng và phức tạp hơn như lĩnh vực sở hữu trí tuệ, thị trường chứng khoán, thị trường công cụ tài chính. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong nước trong quá trình mở rộng tầm kinh doanh của mình ra thế giới đã phải đương đầu với những quy định pháp lý khác nhau, vấn đề này thực sự vượt quá khả năng của doanh nghiệp, vốn không chuyên môn hóa cao trong lĩnh vực pháp lý.
Thứ tư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổ chức được nhiều lớp công tác bồi dưỡng luật sư về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp. Trong Quyết định số 2655/QĐ-BTP ngày 28 tháng 10 năm 2019 về điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức Bộ Tư pháp năm 2019 mở một số lớp bồi dướng liên quan đến hành nghề luật sư như: Lớp Đào tạo chung Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư khóa 2; Lớp Đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế khóa 3; Lớp Đào tạo nghề luật sư chất lượng cao khóa 1... Trong đó, bồi dưỡng về quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư được coi trọng, đã góp phần vào việc xây dựng các giá trị chuẩn mực, hạn chế những vi phạm đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ luật sư.
Ngoài ra, công tác bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của luật sư, giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan tới luật sư, khen thưởng, kỷ luật luật sư được coi trọng và bảo đảm đúng quy định, tạo lập niềm tin của chính đội ngũ luật sư vào Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
2.2. Những khó khăn, vướng mắc
Thứ nhất, luật sư đã tham gia giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Luật sư Việt Nam với nhiều kinh nghiệm, kỹ năng tham gia hành nghề tại tòa án nhưng vẫn còn chưa quen thuộc với hoạt động tham gia tố tụng trọng tài. Trong tố tụng trọng tài, ngôn ngữ sử dụng có thể là ngôn ngữ khác tiếng Việt, mà thông thường là tiếng Anh, đối với trường hợp quan hệ tranh chấp có yếu tố nước ngoài hoặc tranh chấp với một bên có vốn đầu tư nước ngoài. Do trình độ ngoại ngữ của luật sư Việt Nam còn hạn chế nên nhiều trường hợp luật sư cần có phiên dịch trong các phiên xử trọng tài, dẫn đến tốn kém chi phí và kéo dài thời gian tố tụng.
Thứ hai, số lượng luật sư hiện có so với dân số còn rất thấp và có sự phát triển mất cân đối lớn giữa các vùng, miền. Tính đến thời điểm tháng 9/2019, tổng số luật sư cả nước là 13.563 luật sư. Nếu chia bình quân đầu người theo dân số của Việt Nam tỷ lệ xấp xỉ là 01 luật sư/7.148 người dân (Đoàn Vĩnh, Khánh Duy, 2019). Trong đó, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội có 3.850 luật sư, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh có 5.498 luật sư, chiếm hơn 2/3 tổng số luật sư của cả nước, còn lại 61 Đoàn luật sư có số lượng là 4.215 luật sư, chiếm 31% (Đoàn Vĩnh, Khánh Duy, 2019). Tại các địa phương này, số lượng luật sư không đủ để đáp ứng nhu cầu về dịch vụ pháp lý của người dân và ngay cả trong việc thực hiện bào chữa trong các vụ án bắt buộc có sự tham gia của luật sư (án chỉ định).
Thứ ba, phương pháp quản lý điều hành của các tổ chức hành nghề luật sư rất đa dạng và phong phú nhưng không có sự thống nhất. Ở Việt Nam, phần lớn các tổ chức hành nghề luật sư áp dụng phương pháp truyền thống là phân công công việc trực tiếp đến từng người. Số lượng các tổ chức hành nghề áp dụng phương pháp điều hành, quản lý theo nhóm, có giao ban công việc hàng tuần, hàng tháng chỉ chiếm số lượng rất nhỏ, thậm chí một số tổ chức hành nghề luật sư quản lý công việc một cách tùy tiện, lỏng lẻo, người đứng đầu tổ chức hành nghề không nắm rõ được toàn bộ các công việc của tổ chức mình. Số lượng tổ chức hành nghề luật sư áp dụng phương pháp quản trị, điều hành theo thông lệ quốc tế còn quá ít do quy mô của tổ chức rất nhỏ.
Thứ tư, việc gia tăng về số lượng luật sư cũng tạo nên thách thức: Đó là sự cạnh tranh gay gắt trong nội bộ những người hành nghề luật. Do điều kiện phát triển kinh tế tại Việt Nam chưa được cân đối về mặt địa lý, vì vậy lực lượng luật sư trên toàn quốc hầu hết đều chỉ tập trung tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Sự phân bổ mật độ thiếu cân đối này đã tạo ra một áp lực cạnh tranh rất gay gắt để tồn tại và phát triển trong đội ngũ luật sư. Việc canh tranh diễn ra trên cả hai mặt: Chất lượng chuyên môn dịch vụ và thương mại. Các công ty luật, văn phòng luật sư không chỉ nhắm đến việc cung ứng cho khách hàng những dịch vụ với chất lượng chuyên môn và kết quả cao nhất bằng việc quy tụ được những nhân sự giỏi nhất, áp dụng những công nghệ kỹ thuật văn phòng mới nhất, mà còn phải tạo ra những ưu thế về mặt thương mại của mình như vị trí thuận lợi của văn phòng, những chiến lược tiếp thị, tuyển dụng ngày càng đắt tiền. Cạnh tranh tạo ra sự mâu thuẫn về lợi ích, trong khi đó để môi trường pháp lý và nghề luật sư phát triển còn cần cả sự hợp tác. Tính cạnh tranh cao trong một khu vực địa lý hẹp đã tạo thành những rào cản vô hình cho việc hợp tác giữa các tổ chức, cá nhân hành nghề luật.
Thứ năm, về việc bảo vệ quyền hành nghề luật sư và bảo vệ luật sư. Trên thực tế, dù các quy định của pháp luật đã quy định quyền tham gia tố tụng của luật sư, nhưng trong quá trình hành nghề tiếng nói, vai trò của luật sư chưa thực sự có giá trị. Nhiều luật sư trong quá trình hành nghề đã đành phải chấp nhận những rủi ro ngoài mong muốn, họ thậm chí còn bị đe dọa về tính mạng, sức khỏe. Như trường hợp luật sư Nguyễn Hồng Hà (Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa) bị đánh trong lúc đang chờ xử án tại Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa (Viết Hảo, 2018). Những biểu hiện về sự coi thường pháp luật, xâm hại đến quyền hành nghề của luật sư cả trong và ngoài phiên tòa đang diễn ra ngày càng phổ biến. Thế nhưng, chưa có những giải pháp thực sự hữu hiệu để đảm bảo rằng luật sư được hành nghề với đầy đủ quyền của mình, đồng thời được bảo vệ khỏi sự xâm hại về sức khỏe và tính mạng.
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hành nghề luật sư
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc nói trên và để nâng cao hiểu quả hành nghề luật sư Việt Nam ngang tầm với khu vực, với thế giới,tác giả đề xuất những giải pháp sau đây:
Thứ nhất, đối với vấn đề luật sư tham gia giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Trước hết, phải nâng cao chất lượng đào tạo luật ngay từ bậc đại học. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, bởi vì không có những cử nhân luật vững vàng về kiến thức chuyên môn và ngoại ngữ thì khó để đào tạo được luật sư giỏi, luật sư hội nhập quốc tế. Thực trạng đào tạo hệ cử nhân luật ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề về chất lượng, nhất là các hệ đào tạo tại chức, vừa học vừa làm, chất lượng tuyển sinh đầu vào rất thấp, đội ngũ giảng viên có nơi chưa đảm bảo yêu cầu. Chính vì vậy, việc quy định về trình độ ngoại ngữ cao khi tốt nghiệp trong các trường đào tạo luật và trong chương trình đào tạo luật sư của Học viện Tư pháp chắc chắn sẽ khắc phục được vấn đề này.
Thứ hai, đối với vấn đề số lượng luật sư hiện có so với dân số còn rất thấp và có sự phát triển mất cân đối lớn giữa các vùng, miền. Nâng cao chất lượng đào tạo của các trường luật, chương trình đào tạo nghề luật sư để đảm bảo chất lượng, uy tín đội ngũ luật sư khi tham gia hành nghề. Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có nghiên cứu đồng bộ, thống nhất về yêu cầu của Nhà nước, của xã hội, của nghề nghiệp đối với công tác đào tạo cử nhân luật và đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp mà trong đó có luật sư. Nhằm đảm bảo việc đào tạo cử nhân luật gắn liền với nghề nghiệp, hướng nghiệp; còn đào tạo nghề nghiệp luật sư gắn liền với chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu, kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu. Tăng cường sự phối hợp, tham vấn giữa đoàn luật sư với các cơ quan nhà nước địa phương nhằm đảm bảo nhu cầu luật sư cũng như bảo đảm việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba, việc đăng ký, cơ cấu tổ chức của văn phòng luật sư và công ty luật cần phải quy định thống nhất trong một văn bản luật. Hiện tại, có hai văn bản luật quy định liên quan đến vấn đề này, đó là Luật Doanh nghiệp và Luật Luật sư. Về bản chất, văn phòng luật sư hay công ty luật đều là doanh nghiệp, cần quy định thống nhất về cơ cấu tổ chức, đặc biệt là áp dụng phương pháp điều hành, quản lý theo nhóm, có giao ban công việc hàng tuần, hàng tháng.
Thứ tư, để đảm bảo luật sư cạnh tranh bình đẳng trong quá trình hành nghề, đặc biệt là những thành phố có số lượng luật sư lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, một yêu cầu đặt ra là phải nâng hiệu lực quy phạm pháp luật quy định về vấn đề cạnh tranh của luật sư. Hiện tại, vấn đề cạnh tranh của luật sư được quy định tại Quy tắc 18 cạnh tranh nghề nghiệp (Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam, 2019), quy định này cần thiết phải nâng lên thành luật, có như vậy mới đảm bảo tính pháp lý và cạnh tranh công bằng. Tương tự như vậy, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh để nhằm mục đích giành giật khách hàng được quy định trong Quy tắc 20.5 (Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam, 2019) cũng cần thiết phải nâng lên thành luật.
Thứ năm, hoàn thiện các quy định pháp lý về chế độ bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp luật sư. Hành nghề luật sư là hoạt động đòi hỏi tính trách nhiệm cao, gây thiệt hại là phải bồi thường, do vậy luật sư tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp là một nghĩa vụ cần thiết. Những trường hợp gây tổn hại đến danh dự, tính mạng, sức khỏe của luật sư cần được quy định mang tính đặc thù. Tuy nhiên, vấn đề trách nhiệm nghề nghiệp cũng như bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp luật sư ở Việt Nam chưa thực sự rõ ràng. Do đó, cần có những quy định và những biện pháp cụ thể để sớm áp dụng trong thực tiễn hoạt động nghề nghiệp của luật sư nhằm đem lại sự hiệu quả cao nhất cho hoạt động đặc thù này.
4. Kết luận
Việc Nhà nước ban hành Luật Luật sư và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam đã tạo môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động hành nghề của các luật sư. Điều này góp phần trong sự nghiệp bảo vệ công lý, hội nhập và phát triển kinh tế, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Luật Luật sư không chỉ nâng cao vị thế, vai trò của người luật sư trong xã hội, mà còn đưa họ từng bước lên ngang tầm với luật sư của các nước trên thế giới và trong khu vực. Với hoạt động hành nghề của mình, luật sư đã góp phần giúp bộ máy chính quyền các cấp hoạt động đúng theo khuôn khổ pháp luật, là bộ phận xã hội phản biện các dự thảo luật, các quy định, chính sách của Nhà nước, giúp phục vụ tốt hơn cho lợi ích của nhân dân và Nhà nước.
Tuy nhiên, trong hoạt động hành nghề luật sư vẫn còn tồn tại những vướng mắc. Để góp phần giúp cho hoạt động cải cách tư pháp của nước ta ngày càng được hoàn thiện và hoạt động hành nghề luật sư được thuận lợi, khuyến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành những quy định phù hợp với thực tiễn hành nghề luật sư.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Văn phòng Quốc hội (2015). Luật số 03/VBHN-VPQH: Luật Luật sư, ngày 31/12/2015.
- Quốc hội (2014). Luật số 68/2014/QH13: Luật Doanh nghiệp, ngày 26/11/2014.
- Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam số 201/QĐ-HĐLSTQ, ngày 13/12/2019.
- Bùi Mến (2019), “Liên đoàn Luật sư Việt Nam: 10 năm một chặng đường”, https://baophapluat.vn/trong-nuoc/lien-doan-luat-su-viet-nam-10-nam-mot-chang-duong-474394.html
- Đoàn Vĩnh, Khánh Duy (2019), Kỷ niệm 74 năm truyền thống Luật sư Việt Nam và 10 năm thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam, https://lsvn.vn/luat-su-va-cong-dong/hoat-dong-luat-su/ky-niem-74-nam-truyen-thong-luat-su-viet-nam-va-10-nam-thanh-lap-lien-doan-luat-su-viet-nam-33213.html
- Viết Hảo (2018), Một luật sư bất ngờ bị hành hung trong lúc chờ xử án, https://dantri.com.vn/phap-luat/mot-luat-su-bat-ngo-bi-hanh-hung-trong-luc-cho-xu-an-20181221114152925.htm
LAWYERS - THE PRACTICES OF LEGAL PROFESSION IN VIETNAM
• Master. TRAN TRUNG
Faculty of Law, School of Economics, University of Da Nang
ABSTRACT:
In recent years, laws on lawyers and law practices as well as other legislative activities have achieved positive results, such as the enactment of the Law on Lawyers in 2006, the Law on Lawyers (amended and supplemented in 2012) and the Consolidated document of Law on Lawyers in 2015. Recent economic development, judicial reform and international integration achievements have had positive impacts on the development of legal profession, creating favorable conditions for law firms in Vietnam. The number of lawyers in Vietnam has increased significantly and the quality of lawyers has also gradually improved. However, there are still many issues that need to be more thoroughly studied in the practices of judicial reform in general, and laws on lawyers and law practices in particular.
Keywords: Law firm, practicing, lawyer, lawyer’s office.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 13, tháng 6 năm 2020]