Tham dự cuộc họp có đại diện cơ quan cạnh tranh các nước ASEAN, Ban Thư ký ASEAN cùng với đại diện Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) và Ủy ban Cạnh tranh Italy.
Bên cạnh việc thông qua một số hoạt động trong khuôn khổ Nhóm AEGC, tại Cuộc họp, đại diện các nước tham dự đã cung cấp thông tin, chia sẻ những biện pháp thực thi mà cơ quan cạnh tranh các nước ASEAN và một số nước trên thế giới đã triển khai nhằm ứng phó hiệu quả với dịch bệnh Covid-19 thời gian qua.
Trong thời kỳ bùng phát dịch bệnh, mặc dù thực hiện việc tuân thủ quy định về giãn cách xã hội, cơ quan cạnh tranh các nước ASEAN vẫn đảm bảo tiến hành công tác thực thi pháp luật cạnh tranh một cách thông suốt, hiệu quả thông qua những cơ chế làm việc phù hợp như bố trí cán bộ làm việc luân phiên, tiếp nhận và xử lý hồ sơ trực tuyến, cung cấp dịch vụ tư vấn qua điện thoại…
Đặc biệt, hầu hết các cơ quan cạnh tranh khu vực đã tích cực phát huy vai trò giám sát cạnh tranh bằng việc chủ động tiến hành hoạt động kiểm tra giám sát thị trường, đưa ra cảnh báo, khuyến nghị và có biện pháp xử lý kịp thời những doanh nghiệp có hành vi đầu cơ, tăng giá trái phép, đưa thông tin sai lệch về những mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong thời dịch bệnh như khẩu trang, sản phẩm y tế, dược phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết.
Ngoài ra, một số cơ quan cạnh tranh đã vận dụng một cách linh hoạt và sáng tạo những biện pháp thực thi nhằm một mặt đảm bảo duy trì thị trường cạnh tranh lành mạnh và đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể phát huy tối đa năng lực trong sản xuất và cung ứng sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong thời kỳ dịch bệnh.
Cụ thể, Ủy ban Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Úc tạm thời cho phép một số nhà cung cấp, đặc biệt là các siêu thị có thể trao đổi thông tin dữ liệu về doanh số bán hàng, tồn kho hàng hóa với nhau tạo thuận lợi cho việc điều chuyển, cung ứng hàng hóa cân bằng giữa các khu vực địa lý, đảm bảo phục vụ tối đa nhu cầu người tiêu dùng. Ủy ban Cạnh tranh Italy tạm thời cho phép một số nhà cung cấp thực hiện hành động phối hợp trong phân phối dược phẩm và y tế trong thời kỳ kịch bệnh. Ủy ban Cạnh tranh Indonesia cho phép chỉ định mua sắm (không qua đấu thầu) đối với những mặt hàng thiết yếu trong thời kỳ dịch bệnh…
Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, vận dụng sáng tạo và linh hoạt biện pháp thực thi đảm bảo duy trì ASEAN một môi trường cạnh tranh trong và sau dịch bệnh Covid-19, Nhóm AEGC đã thống nhất đưa ra Tuyên bố chung về ứng phó với dịch bệnh Covid-19, trong đó nhấn mạnh:
Nhận thức những thách thức gây ra bởi dịch bệnh Covid-19, Nhóm AEGC khẳng định vai trò quan trọng của pháp luật cạnh tranh đối với nền kinh tế và tiếp tục khẳng định cạnh tranh bình đẳng là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và khuyến khích phát minh sáng chế qua đó gia tăng phúc lợi người tiêu dùng, đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của khu vực trong việc đẩy lùi những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19;
Nhóm AEGC ghi nhận nỗ lực của cơ quan cạnh tranh các nước ASEAN trong việc kịp thời triển khai những biện pháp ứng phó với dịch bệnh cũng như hỗ trợ chính phủ thực hiện những biện pháp can thiệp kịp thời nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, xử lý hành vi gây méo mó thị trường trong thời kỳ dịch bệnh;
Nhằm hạn chế những rủi ro không đáng có, Nhóm AEGC khuyến khích các doanh nghiệp tích cực liên hệ với cơ quan cạnh tranh các nước khu vực trong việc nộp hồ sơ thông báo cũng như tìm kiếm tư vấn hỗ trợ từ phía cơ quan cạnh tranh đối với các hoạt động liên quan của doanh nghiệp nhằm đảm bảo không vi phạm pháp luật cạnh tranh;
Nhóm AEGC bày tỏ quan điểm các cơ quan cạnh tranh sẽ kiên quyết đưa ra hành động xử lý đối với những doanh nghiệp lợi dụng dịch tình hình dịch bệnh để có hành vi trục lợi trên thị trường liên quan đến hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh;
Nhóm AEGC sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa hợp tác khu vực nhằm đảm bảo việc trao đổi thông tin kịp thời; chia sẻ kinh nghiệm và thực hành tốt giữa các nước thành viên trong xử lý hành vi phản cạnh tranh diễn ra trong thời kỳ dịch bệnh.