3 công cụ
Trong suốt cả năm 2014, nguồn cung phân bón sản xuất trong nước và nhập khẩu tương đối ổn định. Thế nhưng với bà con huyện miền núi Khánh Sơn tỉnh Khánh Hòa, vụ lúa đông xuân năm ấy phân DAP, NPK, Urea, Kali… không những giá cao, mà còn phải đặt tiền trước 5-7 ngày sau mới nhận được hàng. Lý do là, để lên địa phương này chỉ có duy nhất Tỉnh lộ 9; vào đúng dịp mưa lũ bị sạt lở, xe chở hàng không lên được.
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa hơn ở chỗ, nếu Khánh Sơn có hạ tầng thương mại tốt như các huyện vùng xuôi, thì khả năng dự trữ hàng hóa dồi dào hơn, khó xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá phân bón kể trên.
Đây có lẽ là một trong số những nguyên do quan trọng thúc đẩy hình thành Quyết định 964 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020.
Chương trình sử dụng 3 công cụ cơ bản để phát triển thương mại ở địa bàn 287 huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn thuộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Công cụ thứ nhất là xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo chuỗi, liên kết chặt chẽ trong quá trình kinh doanh. Công cụ thứ hai là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu các văn bản quy phạm pháp luật quy định cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thống nhất, đồng bộ. Công cụ thứ ba là xây dựng hạ tầng thương mại nhằm đảm bảo cân đối cung cầu.
Thông qua tổ chức các Hội nghị, hội thảo tại các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Kiên Giang… đã tìm kiếm được giải pháp trong việc hình thành chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện đại, bền vững, tạo điều kiện cho sản phẩm nông sản thế mạnh của địa phương cung ứng vào hệ thống phân phối trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Qua đó đã đem lại những kết quả khả quan về mức tăng trưởng hàng năm về giá trị của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên các địa bàn còn nhiều khó khăn; thúc đẩy phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa và hải đảo để đưa vào các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trong cả nước và phục vụ xuất khẩu.
Đồng thời, phát triển năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ đối với nguồn nhân lực quản lý thương mại trên địa bàn, tăng trưởng số lượng thương nhân, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn.
Đặt trong giải pháp chung
Nhưng việc hình thành chuỗi cung ứng- tiêu thụ ở vùng sâu, vùng xa và hải đảo cũng đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm.
Chia sẻ về những khó khăn và thuận lợi trong việc phát triển sản phẩm đặc trưng vùng miền với nhóm phụ nữ khởi nghiệp, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, bà Nguyễn Thị Thu, đại diện Công ty Cổ phần Hỗ trợ Sáng kiến Kinh doanh tạo tác động MEVI cho biết, MEVI hiện đang đồng hành cùng các dự án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tại các vừng sâu, vùng xa ở các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Bắc Kạn với nội dung tư vấn quy trình canh tác nông sản an toàn dựa trên tài nguyên bản địa để giảm chi phí đầu vào, tư vấn phát triển sản phẩm chế biến và hỗ trợ tiêu thụ đầu ra… nhằm tận dụng những đặc tính vốn có của vùng miền tạo nên hương vị đặc trưng, tạo thành xu hướng. Ngoài ra, áp dụng công nghệ vào việc truyền tải thông tin sản phẩm vùng miền một cách thuận lợi.
Song vẫn còn những khó khăn hạn chế và thử thách trong quá trình thực hiện dự án này. Khó khăn lớn nhất vẫn là vùng nguyên liệu còn nhỏ lẻ, manh mún chưa được chú trọng đến việc phát triển bền vững; các doanh nghiệp còn yếu kém trong việc chuẩn hoá pháp lý cho sản phẩm; năng lực quản trị còn yếu kém; sản phẩm chưa được đầu tư bao bì, vẫn còn đơn giản, thô sơ…
Bên cạnh đó, vận tải hàng hóa vẫn là điểm yếu cốt tử trong giao thương hàng hóa giữa miền xuôi và miền ngược, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất hàng hóa lớn ở vùng đồng bào dân tộc cư trú. Hiện toàn huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu còn 18 bản chưa có đường xe máy tới bản.
Hầu hết các bản này đều ở xa trung tâm xã, có bản phải đi xe máy vòng cả trăm km, rồi đi bộ nhiều giờ mới tới bản; trong đó xã Tủa Sín Chải có 8 bản chưa có đường xe máy vào bản, bản xa nhất của xã cách khoảng 17 km, người dân muốn di chuyển thì phải đi bộ vượt núi, qua suối mất thời gian cả ngày trời.
Tiếp đến, một số chính sách về dân tộc còn chậm triển khai do thiếu vốn; một số vấn đề bức xúc đặt ra trong thực tiễn như di cư tự phát, thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt,... chậm được giải quyết; việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số còn hạn chế; chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa tuy được cải thiện nhưng vẫn còn ở mức trung bình thấp; tình hình an ninh, trật tự, tôn giáo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Do đó, vấn đề phát triển kinh tế nói chung, hình thành chuỗi cung ứng - tiêu thụ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo cần được đặt trong bối cảnh rộng lớn hơn về phát triển tổng thể vùng miền núi, biên giới và hải đảo.
Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu yêu cầu trong giai đoạn tới, các Bộ, ngành, địa phương rà soát, xây dựng Kế hoạch, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực để kịp thời triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo trong năm 2021 theo đúng Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội khóa XIV; và Quyết định số 1409/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội khóa XIV ngay sau khi Quốc hội phê duyệt Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định đầu tư Chương trình.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm phù hợp với tính chất đặc thù của từng chương trình theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1385/VPCP-QHĐP ngày 04 tháng 3 năm 2021; chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các cơ quan liên quan chuẩn bị, phục vụ, tham mưu, giúp Hội đồng thẩm định nhà nước sớm hoàn thành thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1583/QĐ-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành, cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 2 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 – 2025, trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội xem xét, phê duyệt theo đúng quy định, bảo đảm không trùng lắp với Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Chỉ khi nào thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển nói chung, việc phát triển kinh tế và xây dựng các chuỗi cung ứng - tiêu thụ ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo mới đạt hiệu ứng cao hơn, có sức lan tỏa rộng lớn hơn.