Pháp luật quốc tế về bảo hộ ngư dân khi đánh cá trên biển

ThS. Nguyễn Thị Hạnh - ThS. Nguyễn Hữu Khánh Linh (Trường Đại học Luật, Đại học Huế)

TÓM TẮT:

Bài báo phân tích cơ sở pháp lý cho các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng để thực hiện hoạt động bảo hộ ngư dân của mình.

Từ khóa: pháp luật quốc tế, bảo hộ ngư dân, đánh cá, ngư dân, Luật Biển.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 2,5 triệu ngư dân và người làm các dịch vụ hậu cần tại Biển Đông, cùng hơn 170.000 tàu cá tham gia đánh cá trên biển[1]. Ngư dân Việt Nam hoạt động trải rộng khắp các ngư trường ở Biển Đông. Với số lượng lớn ngư dân Việt Nam hoạt động trên biển, họ thường xuyên gặp những khó khăn như: bị tàu nước ngoài xua đổi, đâm tàu, bắt giữ, phạt tù,… Nhất là trong tình hình Biển Đông ngày càng phức tạp do nhiều quốc gia cùng có yêu sách trên vùng biển này; các quốc gia, lãnh thổ quanh Biển Đông cũng áp dụng thi hành chính sách xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật của ngư dân Việt Nam. Điều này đặt ra những thức thách mới cho hoạt động bảo hộ ngư dân khi đánh cá trên biển của Việt Nam trong thời gian tới.

2. Bảo hộ công dân trong luật quốc tế

2.1. Thẩm quyền bảo hộ công dân

Theo quy định của pháp luật quốc tế thì các quốc gia có thẩm quyền bảo hộ công dân nước mình. Tuy nhiên, thẩm quyền bảo hộ thuộc về những cơ quan nào chủ yếu do pháp luật quốc gia quy định và tùy thuộc vào cơ cấu tổ chức, thể chế chính trị mà quy định này của mỗi quốc gia là khác nhau. Trong hệ thống pháp luật quốc gia, thẩm quyền bảo hộ công dân thường được quy định trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật có liên quan. Dựa trên cơ sở cơ cấu tổ chức, chức năng và phạm vi hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo hộ công dân, có thể chia các cơ quan này làm 2 loại: cơ quan có thẩm quyền trong nước và cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài.

Đối với các cơ quan có thẩm quyền bảo hộ trong nước, hầu hết các quốc gia đều thực hiện việc bảo hộ công dân thông qua Bộ Ngoại giao. Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm trước chính phủ về các hoạt động bảo hộ công dân. Đối với cơ quan có thẩm quyền bảo hộ công dân ở nước ngoài thì hầu hết các quốc gia đều quy định thuộc về cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước cử đại diện tại nước nhận đại diện. Việc thực hiện bảo hộ công dân của các cơ quan đại diện được quy định trong pháp luật quốc tế, như: Công ước Viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao, Công ước Viên 1963 về quan hệ lãnh sự, các điều ước quốc tế đa phương và song phương giữa các quốc gia,… đồng thời được quy định trong pháp luật các quốc gia.

2.2. Biện pháp bảo hộ công dân

Hoạt động bảo hộ công dân được thực hiện dựa trên cơ sở pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia. Theo đó quốc gia có thể thực hiện nhiều biện pháp, như: ngoại giao, kinh tế,… nhưng tuyệt đối không được sử dụng các biện pháp vũ lực và đe dọa dùng vũ lực. Các biện pháp được sử dụng như sau:

Thứ nhất, biện pháp ngoại giao. Bao gồm tất cả các thủ tục hợp pháp mà quốc gia sử dụng để thông báo cho quốc gia khác như: gửi điện báo, công hàm,… để qua đó bày tỏ về quan điểm và quan ngại của mình, bao gồm việc phản đối, yêu cầu điều tra, đàm phán nhằm giải quyết tranh chấp hoặc đề nghị hợp tác hỗ trợ trong hoạt động bảo hộ,… Đây thường là biện pháp đầu tiên mà các quốc gia thực hiện để bảo hộ công dân của mình. Trong thực tế, biện pháp ngoại giao hay được sử dụng nhất, vì biện pháp này dễ sử dụng và nhanh chóng.

Thứ hai, biện pháp kinh tế. Quốc gia có thể hỗ trợ tài chính cho cá nhân công dân như hỗ trợ chi phí ăn, ở, chăm sóc y tế cơ bản; hỗ trợ mua vé máy bay về nước; hỗ trợ kinh phí để ổn định cuộc sống,… khi công dân gặp khó khăn ở nước ngoài. Trong một số trường hợp, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của công dân và lợi ích của quốc gia thì quốc gia có thể áp dụng biện pháp bao vây, cấm vận kinh tế để trừng phạt quốc gia có hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế ảnh hưởng đến quyền lợi của quốc gia, cũng như của cá nhân công dân. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp trừng phạt này phải tuân thủ các nguyên tắc chung của pháp luật quốc tế.

Thứ ba, biện pháp hành chính. Đây cũng là một trong các biện pháp thường được các quốc gia áp dụng trên thực tế. Những biện pháp hành chính có thể là: cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cấp đổi, cấp lại hộ chiếu, giấy tờ đã mất; cung cấp thông tin, thiết lập các đường dây nóng bảo hộ công dân; công chứng, chứng thực tài liệu giấy tờ nhân thân,…

Thứ , biện pháp sử dụng dư luận. Quốc gia áp dụng để bảo hộ công dân tùy thuộc vào mức độ vi phạm cũng như mối quan hệ với quốc gia sở tại. Trong bối cảnh hiện nay biện pháp này được xem rất hữu hiệu. Mục đích của việc áp dụng biện pháp này là dùng sức ép của dư luận (cả trong và ngoài nước) buộc quốc gia sở tại chấm dứt hành vi vi phạm hoặc có sự điều chỉnh chính sách đảm bảo lợi ích của công dân nước mình đang cư trú tại quốc gia sở tại.

Thứ năm biện pháp tài phán. Trong một số trường hợp, quốc gia có thể đưa vụ việc ra trước cơ quan tài phán quốc tế để bảo hộ công dân của mình trước vi phạm của quốc gia khác. Theo nghĩa rộng về hoạt động bảo hộ công dân, trong trường hợp cá nhân công dân cần sự trợ giúp quốc gia, có thể thực hiện nhiều các biện pháp khác nhau để hỗ trợ cho công dân của mình. Tuy nhiên, biện pháp này cũng được xem như biện pháp cuối cùng khi các biện pháp khác thực hiện không có hiệu quả.

Trong thực tiễn, tất cả những biện pháp trên được thực thiện trong các trường hợp chủ yếu như: trợ giúp trong trường hợp công dân qua đời ở nước ngoài; trợ giúp trong trường hợp tai nạn nghiêm trọng hoặc bệnh nặng; trợ giúp trong trường hợp bị bắt hoặc tạm giam; trợ giúp trong trường hợp xảy ra dịch bệnh hay thảm họa tự nhiên; hoặc trợ giúp trong trường hợp có khủng bố hay xung đột quân sự ở quốc gia nơi họ đang hiện diện,… Các biện pháp bảo hộ mà quốc gia dành cho công dân của mình khi ở nước ngoài có sự khác nhau nhất định tùy thuộc vào chính sách và điều kiện của mỗi quốc gia cũng như quan hệ cụ thể giữa các quốc gia hữu quan. Nhưng nhìn chung lại, các quốc gia có thể bảo hộ công dân của mình thông qua các cách thức khác nhau từ đơn giản cho đến phức tạp, từ các biện pháp hành chính, kinh tế cho đến các biện pháp chính trị, ngoại giao, hay tài phán. Việc lựa chọn biện pháp, mức độ cũng như thời điểm bảo hộ hoàn toàn do quốc gia quyết định trên cơ sở tuân thủ pháp luật quốc tế và tôn trọng pháp luật quốc gia sở tại.

3. Trách nhiệm bảo hộ của quốc gia đối với ngư dân mang quốc tịch quốc gia trong hoạt động đánh cá trên biển

Ngư dân mang quốc tịch của một quốc gia là công dân của quốc gia đó, vì vậy khi xem xét vấn đề trách nhiệm bảo hộ của quốc gia đối với ngư dân mang quốc tịch trong hoạt động đánh cá trên biển chính là xem xét trách nhiệm bảo hộ của quốc gia đối với công dân của mình khi công dân thực hiện đánh cá trên biển. Như đã phân tích ở trên, bảo vệ quyền và lợi ích của công dân cả ở trong nước và ngoài nước là những trách nhiệm đương nhiên của nhà nước khi nhân dân bầu ra. Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của công dân nước mình. Tuy nhiên, xét dưới góc độ bảo hộ công dân, trách nhiệm của quốc gia chỉ đặt ra khi ngư dân thực hiện đánh bắt cá ở các vùng biển không phải là lãnh thổ quốc gia hoặc vùng biển đang có tranh chấp về chủ quyền hoặc quyền chủ quyền giữa các quốc gia.

Trong vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia và không có tranh chấp, quốc gia có quyền quy định mọi vấn đề liên quan đến việc đánh cá và đảm bảo thực thi các quy định đó nên không đặt ra vấn đề trách nhiệm của quốc gia về bảo hộ ngư dân trong trường hợp này. Mà vấn đề trách nhiệm quốc gia đối với ngư dân mang quốc tịch trong hoạt động đánh cá trên biển đặt ra trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, trách nhiệm của quốc gia trong trường hợp ngư dân đánh cá trong vùng biển đang tranh chấp. Theo quy định về các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển của Công ước Luật Biển 1982 thì tồn tại rất nhiều vùng biển chồng lấn gây ra tranh chấp giữa các quốc gia. Chính vì có sự tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán giữa các quốc gia nên ngư dân đánh bắt cá trong các vùng biển này có thể bị truy đuổi, bị va chạm, đâm chìm, thậm chí bị bắt giữ,… khi đó đặt ra vấn đề trách nhiệm bảo hộ ngư dân của quốc gia ngư dân mang quốc tịch. Thông thường trong các vùng biển đang tranh chấp, các quốc gia sẽ có những thỏa thuận về hợp tác nghề cá. Các thỏa thuận này sẽ quy định rõ ràng các trường hợp xử lý. Khi đó, các quốc gia liên quan sẽ dựa vào pháp luật quốc gia và các thỏa thuận này để xác định trách nhiệm của mình. Hầu hết các thỏa thuận đều có quy định về các trường hợp vi phạm những quy định của thỏa thuận cũng như cách xử lý. Căn cứ vào pháp luật quốc gia và các thoả thuận, quốc gia mà ngư dân mang quốc tịch sẽ xác định biện pháp cụ thể bảo hộ ngư dân của mình, như: nhanh chóng bảo lãnh hoặc thực hiện những biện pháp bảo đảm khác khi tàu cá và ngư dân bị bắt giữ,… Trong trường hợp chưa có các thỏa thuận về hợp tác nghề cá, hoạt động bảo hộ ngư dân sẽ được thực hiện trên cơ sở các quy định chung của pháp luật quốc tế.

Thứ hai, trách nhiệm của quốc gia trong trường hợp ngư dân đánh cá trên vùng biển quốc tế. Biển quốc tế không thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của bất kì quốc gia nào. Mọi hoạt động liên quan đến nghề cá tại biển quốc tế được điều chỉnh bởi pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển 1982. Khi đánh cá trên biển, ngư dân có thể xảy ra các trường hợp cần đến sự bảo hộ của quốc gia, như: có sự va chạm giữa các tàu đánh cá, bị bắt cóc,… Theo Công ước Luật Biển 1982, trong vùng biển quốc tế thẩm quyền tài phán đối với tàu thuyền thuộc về quốc gia mà tàu mang cờ[2]. Trong trường hợp xảy ra va chạm tàu cá dẫn đến thiệt hại, như: hư hỏng hoặc chìm tàu cá thì theo nguyên tắc thẩm quyền thuộc về quốc gia tàu mang cờ, khi đó quốc gia tàu mang cờ sẽ thực hiện các biện pháp xử lý, như: nhanh chóng cứu hộ tàu cá cũng như ngư dân và nếu có thiệt hại thì quốc gia ngư dân mang quốc tịch sẽ thực hiện yêu cầu tàu gây thiệt hại bồi thường thiệt hại cho ngư dân mình. Trong trường hợp gặp cướp biển và bị tấn công hoặc bị bắt, quốc gia có trách nhiệm thực hiện mọi hoạt động giải cứu cũng như trừng phạt cướp biển, như: truy đuổi, khám xét, bắt giữ cướp biển,…

Thứ ba, trách nhiệm quốc gia trong trường hợp ngư dân đánh cá bất hợp pháp trong vùng biển của quốc gia khác. Trong những năm gần đây, nạn đánh bắt cá bất hợp pháp diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này rất nhiều có cả chủ quan và khách quan, như: ngư dân không hiểu biết các quy định về các vùng biển dẫn đến đi nhầm vào vùng biển của quốc gia khác; cố tình khai thác không có giấy phép; khai thác vượt định mức cho phép. Trong trường hợp đánh cá bất hợp pháp, thẩm quyền xử lý thuộc về quốc gia ven biển. Tuy nhiên, khi quốc gia ven biển thực thi thẩm quyền của mình để ngăn chặn và xử lý hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp phải đảm bảo những quyền cơ bản, đảm bảo tính nhân đạo đối với ngư dân, thủy thủ đoàn bị nghi ngờ hoặc có hành vi vi phạm Cụ thể: Không giam giữ, áp dụng hình phạt thân thể và chống tra tấn trong xử lý hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp; không sử dụng vũ lực như là biện pháp chế tài để xử lý các hành vi đánh cá bất hợp pháp; xử lý hoạt động đánh cá bất hợp pháp phải thể hiện tính nhân đạo và có sự cân nhắc, xem xét đến các quyền, lợi ích khác của ngư dân[3]. Khi đó, quốc gia mà ngư dân mang quốc tịch sẽ có trách nhiệm bảo hộ ngư dân mình. Quốc gia ngư dân mang quốc tịch nỗ lực thực hiện biện pháp ngoại giao để đảm bảo các quyền cho ngư dân mình, thực hiện bảo lãnh để nhận ngư dân đưa về nước xử lý trừ trường hợp quốc gia ven biển không đồng ý và muốn thực hiện thẩm quyền tài phán của mình. Trường hợp đánh cá bất hợp pháp trong vùng biển quốc gia khác, công tác bảo hộ ngư dân phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động ngoại giao của quốc gia ngư dân mang quốc tịch.

Thông qua nghiên cứu chúng ta thấy vấn đề bảo hộ công dân cũng như bảo hộ ngư dân khi đánh cá trên biển là một phần trách nhiệm nhà nước đối với công dân. Hoạt động bảo hộ ngư dân khi đánh cá trên biển là một nội dung trong hoạt động bảo hộ công dân nói chung. Hoạt động bảo hộ ngư dân được thực hiện khi ngư dân cần sự giúp đỡ khi đánh cá tại các vùng biển chống lấn, đang tranh chấp, vùng biển quốc tế và trường hợp đánh cá bất hợp pháp trong vùng biển của quốc gia khác. Cũng như hoạt động bảo hộ công dân nói chung thì trong hoạt động bảo hộ ngư dân, quốc gia ngư dân mang quốc tịch có thể thực hiện nhiều biện pháp bảo hộ, như: biện pháp chính trị, biện pháp kinh tế, biện pháp ngoại giao,…


TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1]Bảo hộ công dân trong thế giới phẳng. Truy cập tại: https://baoquocte.vn/bao-ho-cong-dan-trong-the-gioi-phang-34821.html.

[2] Công ước Luật Biển năm 1982, Khoản 2 điều 94.

[3] Nguyễn Thị Hồng Yến (2018). Đánh cá bất hợp pháp: một số phân tích từ góc độ luật nhân đạo quốc tế và thực tiễn của các quốc gia tại Biển Đông. Hội thảo Quốc tế: những phát triển mới của Luật Biển Quốc tế - góc nhìn quốc tế và Việt Nam, Đà Nẵng, 143.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Dương Chí Dũng (2010). Bảo hộ ngư dân và tàu đánh cá trên Biển Đông. Đề tài nghiên cứu khoa học, Bộ Ngoại giao, Hà Nội.
  2. Nguyễn Trường Giang (2010). Luật quốc tế về đánh cá trên biển. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 41-121.
  3. Nguyễn Thị Kim Ngân (2018). Bảo hộ công dân trong pháp luật quốc tế và pháp luật một số quốc gia - Kinh nghiệm cho Việt Nam. Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Số
  4. Trường Đại học Luật Hà Nội (2015). Giáo trình Luật Quốc tế. Công An nhân dân, Hà Nội, Số 12.
  5. United Nation. (2020). Oceans: The Source of Life - 20th Anniversary of the United Nations Convention on the Law of the Sea (1982 - 2002).
  6. Nguyễn Thị Hồng Yến (2018). Đánh cá bất hợp pháp: một số phân tích từ góc độ luật nhân đạo quốc tế và thực tiễn của các quốc gia tại Biển Đông. Hội thảo Quốc tế: Những phát triển mới của Luật Biển Quốc tế - Góc nhìn quốc tế và Việt Nam, Đà Nẵng, 143.

 

INTERNATIONAL LAWS ON PROTECTING FISHERMEN

Master. Nguyen Thi Hanh1

Master. Nguyen Huu Khanh Linh1

1University of Law, Hue University

ABSTRACT:

This paper analyzes the legal basis for countries in general and Vietnam in particular to conduct activities to protect fishermen.

Keywords: international law, fishermen protection, fishing, fishermen, Law of the Sea.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 9, tháng 5 năm 2022]