Phát huy vai trò của hệ thống Thương vụ trong xúc tiến thương mại với khu vực châu Âu

Bằng việc triển khai hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nước ngoài, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Âu đã có những đóng góp quan trọng, tích cực trong hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp đa dạng hoá thị trường, duy trì tốt các chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.

Ngày 18 đến 19/7/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Âu diễn ra tại Italia.

Cùng tham dự Hội nghị có các Tham tán công sứ, Tham tán Thương mại, các Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Âu cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ.

phát huy vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ ở nước ngoài
Khung cảnh Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Âu diễn ra tại Italia

Hội nghị được tổ chức nhằm đẩy mạnh hoạt động kinh tế - thương mại, công tác thị trường nước ngoài và xúc tiến thương mại góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước khu vực và thế giới, tăng cường công tác kết nối, phối hợp và hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến các hoạt động xuất khẩu.

Hội nghị diễn ra với 2 Phiên làm việc chính: (i) Phiên làm việc chính thức; và (ii) Phiên làm việc giữa các đơn vị trong Bộ Công Thương và hệ thống Thương vụ các nước châu Âu.

Tại phiên làm việc chính thức, sau báo cáo của Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ về hoạt động của các Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Âu trong thời gian qua, đã có 33 ý kiến phát biểu của các đơn vị chức năng thuộc Bộ và các Thương vụ trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan.

Các ý kiến đều thống nhất nhận định, thời gian qua, kinh tế thế giới và khu vực phải đối mặt với nhiều thách thức; đặc biệt là tại thị trường châu Âu - nơi đang là tâm điểm của cạnh tranh địa chính trị, lạm phát tăng cao và cầu thị trường giảm sút; đồng thời, các nước lớn đang gia tăng áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại, trợ cấp hoặc dựng lên các hàng rào kỹ thuật, dẫn tới nhiều hệ luỵ cho hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu và nguy cơ phát sinh các tranh chấp thương mại đối với nền kinh tế của các quốc gia có độ mở lớn (như Việt Nam).

Trước bối cảnh đó, ngành Công Thương đã chủ động, sáng tạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, khả thi nhằm hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong sản xuất và xuất nhập khẩu; chú trọng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, phát huy vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ ở nước ngoài để hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp đa dạng hoá thị trường, duy trì tốt các chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.

phát huy vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ ở nước ngoài
phát huy vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ ở nước ngoài
phát huy vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ ở nước ngoài

Trong thành tích chung đó, không thể không kể đến sự đóng góp quan trọng, tích cực của các cơ quan Thương vụ tại khu vực châu Âu, bởi đây là địa bàn có những đối tác xuất khẩu chiến lược hàng đầu của Việt Nam, đồng thời cũng là khu vực Việt Nam đang ưu tiên nỗ lực mở rộng hợp tác về mọi mặt (chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại...).

Đánh giá cao những nỗ lực của hệ thống Thương vụ trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận, hệ thống các Thương vụ đã chủ động tổng hợp, nghiên cứu, đánh giá tình hình thị trường và cập nhật các quy định, cơ chế chính sách mới của các nước sở tại để kịp thời tham mưu cho Bộ và Chính phủ có phản ứng chính sách phù hợp, hiệu quả. Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước dưới nhiều hình thức đa dạng, đặc biệt là trong việc xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại, các vụ tranh chấp thương mại, tháo gỡ các rào cản thương mại.

phát huy vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ ở nước ngoài
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà hệ thống Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Âu đã đóng góp trong thời gian vừa qua

Mặt khác, các Thương vụ cũng đã cung cấp thông tin và có những khuyến nghị thiết thực cho các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, tạo dựng thương hiệu, phát triển thị trường và khai thác có hiệu quả các FTA đã có hiệu lực tại khu vực châu Âu (như EVFTA, UKVFTA, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu...) để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và các mặt hàng, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường châu Âu.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đánh giá, công tác xúc tiến thương mại của các Thương vụ đã có sự đổi mới tích cực, khai thác hiệu quả sự hỗ trợ, phối hợp của các cơ quan chính phủ và các tổ chức xúc tiến thương mại tại địa bàn, tạo được hiệu ứng và sức lan tỏa mạnh mẽ; tập trung quảng bá, giới thiệu được những mặt hàng quan trọng có thế mạnh và có thương hiệu của Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và những vấn đề đặt ra cần chú trọng giải quyết trong hoạt động của các Thương vụ.

phát huy vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ ở nước ngoài
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo các Thương vụ phát huy tinh thần chủ động nhạy bén, kịp thời tìm hiểu về các biến động phát sinh thị trường và tham mưu phản ứng chính sách để Bộ có các kiến nghị về biện pháp, chính sách, đối sách phù hợp

Nhận định tình hình kinh tế thế giới và khu vực đang có dấu hiệu khởi sắc, song thương mại toàn cầu được dự báo tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo các Thương vụ cần sớm khắc phục, phát huy tinh thần chủ động nhạy bén, kịp thời tìm hiểu về các biến động phát sinh thị trường và tham mưu phản ứng chính sách để Bộ có các kiến nghị về biện pháp, chính sách, đối sách phù hợp. Cần đặc biệt coi trọng công tác nghiên cứu thông tin chính sách là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong công tác, đảm bảo báo cáo kịp thời trước mọi biến động của thị trường...

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác, xây dựng hệ thống Thương vụ Việt Nam khu vực châu Âu thật sự trở thành các cơ quan năng động - chuyên nghiệp - hiệu quả, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển của Ngành và phát triển kinh tế đất nước, Bộ trưởng đề nghị, các cơ quan Thương vụ và các đơn vị chức năng có liên quan thuộc Bộ tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ:

Đối với các Thương vụ ở khu vực châu Âu:

Chú trọng nghiên cứu, quán triệt các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, của Chính phủ, chính sách, pháp luật của nhà nước; các đề án, chiến lược phát triển và quy hoạch ngành quốc gia; chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ... để chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện thật tốt nhiệm vụ của mình.

Tăng cường nắm bắt, đánh giá tình hình trong nước, khu vực và quốc tế; và những thay đổi trong chính sách của nước sở tại để tham mưu cho Bộ và Chính phủ nhanh chóng có phản ứng chính sách phù hợp nhằm bảo đảm lợi ích cao nhất của quốc gia, dân tộc. Đồng thời, làm tốt công tác dự báo tình hình, cung cấp thông tin cho các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp trong nước để có những điều chỉnh cần thiết trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình.

các biến động phát sinh thị trường và tham mưu phản ứng chính sách để Bộ có các kiến nghị về biện pháp, chính sách, đối sách phù hợp

Chủ động nắm bắt tình hình, tiếp tục chú trọng công tác phòng vệ thương mại trước xu hướng gia tăng vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả các Đề án lớn về phòng vệ thương mại để tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu, đồng thời tích cực tập trung xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại hoặc xử lý tranh chấp giữa các doanh nghiệp.

Tiếp tục làm tốt chức năng là cầu nối giữa các hiệp hội doanh nghiệp trong nước với nước ngoài trong các quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư, đặc biệt chú ý khai thác yếu tố lợi thế và nhu cầu của mỗi bên.

Đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối, khai thác sử dụng hiệu quả dữ liệu của các thương vụ, các thị trường.

Tập trung vận động, thu hút các doanh nghiệp ở khu vực châu Âu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp trong nước, đặc biệt là những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng (như cơ khí, chế biến, chế tạo, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu, hoá chất, dược phẩm…) và trong lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, công nghệ lõi, năng lượng mới; đồng thời tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác, tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, góp phần thực hiện được mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Đối với các đơn vị chức năng thuộc Bộ:

Với Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ: Bộ trưởng chỉ đạo các Thương vụ khu vực châu Âu đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển thị trường. Ngoài việc tiếp tục phát triển các thị trường chủ chốt, cần đẩy mạnh các thị trường kiêm nhiệm, các thị trường có nhiều cơ hội để gia tăng kim ngạch xuất khẩu; Tiếp tục nắm bắt và cập nhật chính sách mới của nước sở tại để tham mưu cho Bộ và Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp.

Cùng với đó, chỉ đạo các Thương vụ trong việc xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động phát triển thị trường hàng năm, chỉ đạo các hoạt động công tác chuyên môn, phối hợp với các Thương vụ xử lý những vướng mắc, khó khăn cụ thể phát sinh. Phối hợp với các Cục Xúc tiến thương mại và các đơn vị trong Bộ tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến và thu hút đầu tư của các Thương vụ tại khu vực châu Âu.

các biến động phát sinh thị trường và tham mưu phản ứng chính sách để Bộ có các kiến nghị về biện pháp, chính sách, đối sách phù hợp
các biến động phát sinh thị trường và tham mưu phản ứng chính sách để Bộ có các kiến nghị về biện pháp, chính sách, đối sách phù hợp

Với Cục Xúc tiến thương mại: Bộ trưởng yêu cầu phối hợp với Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ và các Thương vụ thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu thị trường, cập nhật, phổ biến thông tin thị trường cho các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp; hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam đảm bảo sự thích nghi với thị trường và xu hướng phát triển.

Song song đó, phối hợp với Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ và các Thương vụ để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại theo hướng gắn kết giữa việc xúc tiến thương mại với việc định hướng và điều chỉnh quá trình tổ chức sản xuất của người sản xuất và của các doanh nghiệp. Chú trọng các chương trình xúc tiến thương mại trung và dài hạn đối với một số mặt hàng xuất nhập khẩu chủ lực, thị trường xuất nhập khẩu có trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn cụ thể.

Mặt khác, thường xuyên cập nhật danh sách các ngành, lĩnh vực, thông tin các doanh nghiệp cần hỗ trợ xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, từ đó gửi thông tin theo báo cáo hàng năm cho các Thương vụ để triển khai các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư, thương mại. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác xúc tiến thương mại, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về ngành hàng, danh sách doanh nghiệp xuất khẩu, hồ sơ thị trường phục vụ hiệu quả công tác kết nối giao thương và quảng bá ngành hàng, sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam.

các biến động phát sinh thị trường và tham mưu phản ứng chính sách để Bộ có các kiến nghị về biện pháp, chính sách, đối sách phù hợp
các biến động phát sinh thị trường và tham mưu phản ứng chính sách để Bộ có các kiến nghị về biện pháp, chính sách, đối sách phù hợp

Với Cục Phòng vệ thương mại: Phối hợp với các Thương vụ triển khai các hoạt động tháo gỡ rào cản thương mại; xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại. Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp cũng như cảnh báo và xử lý kịp thời với các nguy cơ vụ kiện hoặc vụ việc phòng vệ thương mại nhằm hạn chế thấp nhật mức thiệt hại xảy ra cho các ngành hàng và doanh nghiệp Việt Nam.

Các Cục: Công nghiệp, Hoá chất, Công Thương địa phương: Phối hợp với các Thương vụ và Vụ thị trường nước ngoài đẩy mạnh nghiên cứu, cung cấp và cập nhật thường xuyên thông tin cho các Thương vụ về nhu cầu kêu gọi đầu tư và hợp tác đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài Việt Nam, cũng như nhu cầu đầu tư trong nước ra nước ngoài, đặc biệt trong các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng như: Công nghiệp vật liệu, cơ khí, luyện kim sâu, chế tạo, chế biến điện tử, hoá chất...

Với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số: Phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại và các Vụ thị trường trong việc nghiên cứu đề án chuyển đổi số Bộ Công Thương ứng dụng cụ thể trong công tác thương vụ. Nghiên cứu xây dựng cơ chế và các nền tảng chia sẻ và trao đổi dữ liệu giữa Thương vụ với các đơn vị chuyên môn của Bộ về thông tin chính sách, cơ sở dữ liệu thông tin về năng lực doanh nghiệp, các dự án kêu gọi đầu tư…; Đồng thời làm đầu mối tổng hợp các thông tin về nhu cầu đầu xúc tiến và thu hút đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng từ đó cập nhật thường xuyên thông tin cho các Thương vụ để triển khai các nhiệm vụ xúc tiến thương mại và đầu tư nước ngoài.

Với Vụ Chính sách Thương mại đa biên: Phối hợp với Vụ Thị trường châu Âu châu Mỹ hướng dẫn các doanh nghiệp để tiếp cận thông tin và nắm bắt cơ hội từ các FTA đã có hiệu lực nhằm tận dụng tối đa cơ hội từ Hiệp định mang lại, đồng thời tiếp tục thúc đẩy đàm phán và ký kết FTA tại một số thị trường mới tiềm năng.

Với Vụ Tổ chức cán bộ: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị tăng cường cơ chế quản lý Thương vụ theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả...

các biến động phát sinh thị trường và tham mưu phản ứng chính sách để Bộ có các kiến nghị về biện pháp, chính sách, đối sách phù hợp
các biến động phát sinh thị trường và tham mưu phản ứng chính sách để Bộ có các kiến nghị về biện pháp, chính sách, đối sách phù hợp
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trao Bằng khen cho các Thương vụ có thành tích xuất sắc, đóng  góp thiết thực cho sự phát triển của ngành Công Thương và kinh tế đất nước

Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã trao Bằng khen cho Hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở các nước châu Âu vì đã có thành tích xuất sắc, đóng góp thiết thực cho sự phát triển của ngành Công Thương và kinh tế đất nước.

Tư lệnh ngành Công Thương tin tưởng, thông qua các giải pháp đã được đề xuất, đưa ra tại Hội nghị, trong thời gian tới, hoạt động Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài sẽ có nhiều đổi mới hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ mới và hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống Thương vụ Việt Nam khu vực châu Âu thật sự trở thành các cơ quan năng động - chuyên nghiệp - hiệu quả, đóng góp thiết thực cho sự phát triển của Ngành Công Thương và kinh tế đất nước.

phát huy vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ ở nước ngoài
Huyền My