Phát triển logistics bền vững vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Đề tài Phát triển logistics bền vững vùng kinh tế trọng điểm miền Trung do PGS. TS. Lê Anh Tuấn - TS. Nguyễn Ngọc Thía (Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Điện lực) thực hiện.

TÓM TẮT:

Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia. Trong đó việc hình thành và phát triển được hệ thống logistics bền vững cho khu vực này có vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế. Bài báo nêu rõ một số vấn đề có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với việc xây dựng hệ thống logistics tại vùng KTTĐ miền Trung trong giai đoạn tới. Bài báo cũng đề cập tới vấn đề phát triển logistics bền vững đối với khu vực này.
Từ khóa: logistics, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, tăng trưởng xanh.

1. Tổng quan về logistics bền vững

Ngày nay, khi nền kinh tế thế giới bước vào kỷ nguyên toàn cầu hóa, các doanh nghiệp càng cần linh hoạt hơn để giữ những lợi thế cạnh tranh cho mình [3]. Song hành cùng với những mục tiêu kinh tế, vấn đề môi trường cũng đang ngày càng được bàn thảo nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, mục tiêu của doanh nghiệp cần phải đảm bảo cùng lúc cả lợi nhuận kinh tế và bảo vệ môi trường [4]).
Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam cùng các nước trong khu vực và trên thế giới đang chú trọng vào phát triển xanh. Việc nghiên cứu các khía cạnh của phát triển xanh, trong đó có logistics bền vững là vấn đề cần thiết tại Việt Nam.
Logistics bền vững là một phần quan trọng của phát triển xanh, trong đó các hoạt động đảm bảo luân chuyển hàng hóa từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ được thực hiện một cách hiệu quả nhất, giảm thiểu sử dụng nguồn lực và phát thải ra môi trường. Trên thực tế, có nhiều yếu tố tác động tới hoạt động logistics bền vững. Hình 1 cho thấy, các yếu tố ảnh hưởng tới hoạt động logistics và để xanh hóa hoạt động logistics cần lưu ý tới các yếu tố này. Trên góc độ nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng, các yếu tố: phương thức vận tải, kết nối lộ trình các phương tiện, mức độ gây tắc nghẽn giao thông hay mức độ phân tán của chuỗi cung ứng đóng vai trò rất quan trọng. Các yếu tố: hiệu suất sử dụng xe, hiệu quả năng lượng, cường độ bức xạ CO2 của nguồn năng lượng liên quan tới các khía cạnh kỹ thuật của logistics. Để xanh hóa hệ thống logistics cần có các giải pháp từ Chính phủ, từ các doanh nghiệp và các bên liên quan nhằm tác động đến các yếu tố trong cả 2 nhóm cơ sở hạ tầng và kỹ thuật của logistics.

Kinh tế trọng điểm

 

2. Khái quát về vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

2.1. Giới thiệu vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Vùng KTTĐ miền Trung bao gồm 5 tỉnh và thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định theo quy định tại khoản 2 điều 15 của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 07/9/2006 về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng KTTĐ miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1874/QĐ-TTg ngày 13/10/2014. Quyết định nêu rõ quan điểm phát triển kinh tế - xã hội vùng KTTĐ miền Trung cần tập trung phát triển mạnh công nghiệp có lợi thế và dịch vụ, du lịch chất lượng cao tầm cỡ khu vực và quốc tế gắn với phát triển hệ thống đô thị nhằm thu hẹp khoảng cách với các vùng KTTĐ khác trên cả nước. Mục tiêu phát triển nhằm xây dựng vùng KTTĐ miền Trung trở thành khu vực phát triển năng động với tốc độ nhanh và bền vững, là vùng động lực phát triển cho toàn vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, là cửa ngõ ra biển quan trọng của các tỉnh vùng Tây Nguyên, khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam và tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây [1].
Vùng KTTĐ miền Trung có nhiều bãi biển, vùng vịnh, có tiềm năng giao thương quốc tế khi vị trí của Vùng nằm gần một trong những tuyến đường với 5/10 tuyến đường hàng hải lớn nhất của thế giới đi qua; là cửa ngõ ra biển của Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar. Với lợi thế địa - kinh tế này, cộng thêm những tiềm năng to lớn về tài nguyên thiên nhiên và lực lượng lao động dồi dào, đã tạo điều kiện thuận lợi để hình thành một hành lang thương mại quan trọng nằm giữa 2 vùng KTTĐ Bắc Bộ và vùng KTTĐ phía Nam, cũng như kết nối giữa khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng với khu vực Đông Bắc Á và khu vực Đông Nam Á. Nếu nhìn tiềm năng về kinh tế biển theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa X, thì chính địa bàn vùng KTTĐ miền Trung là nơi tập trung nhất về thế mạnh của kinh tế biển; đóng vai trò “mặt tiền” của Việt Nam trong quan hệ kinh tế quốc tế, là địa bàn trọng yếu để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Góp phần quan trọng thực hiện thành công các mục tiêu của Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 [2].

2.2. Tiềm năng lợi thế phát triển logistics của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Thứ nhất, Vùng KTTĐ miền Trung trải dọc theo bờ biển dài 609km có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh đối với cả khu vực Duyên hải miền Trung. Sở hữu một hệ thống cảng biển quan trọng như: Cảng Chân Mây, Liên Chiểu, Tiên Sa, Kỳ Hà, Dung Quất và Quy Nhơn… cùng hệ thống sân bay quốc tế, đường sắt xuyên quốc gia, hệ thống đường bộ gắn với nhiều hành lang kinh tế trong vùng…, đây là tiền đề quan trọng cho phát triển logistics nói chung và xây dựng các trung tâm logistics nói riêng.
Thứ hai, Vùng KTTĐ miền Trung là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa với quốc tế, đồng thời là điểm kết nối, trung chuyển hàng hóa với các tỉnh Tây Nguyên, là cửa ngõ ra biển thuận lợi nhất đối với các địa phương thuộc Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và Đông Bắc Campuchia thông qua các hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC).
Thứ ba, Vùng KTTĐ miền Trung có nhiều tiềm năng để phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao trong hoạt động logistics như dịch vụ xuất nhập khẩu, du lịch, hậu cần nghề cá, dầu khí, vận tải, phát triển cảng biển, dịch vụ cảng và sau cảng, sửa chữa tàu biển…
Thứ tư, năm 2015 Việt Nam chính thức trở thành thành viên Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) với khoảng 90% dòng thuế quan giữa các thành viên sẽ giảm về 0% và 10% số thuế còn lại sẽ về 0% trong năm 2018. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong vùng tiếp cận được những thị trường rộng lớn hơn.
Thứ năm, Việt Nam và vùng KTTĐ miền Trung nói riêng có nhiều cơ hội phát triển quan hệ hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Năm 2015 - 2016, Việt Nam thực hiện cam kết AFTA, các Hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác như EU, Hàn Quốc, Liên Minh kinh tế Á - Âu, và chuẩn bị thực hiện Hiệp định TPCPPP… Mở ra nhiều cơ hội và thách thức để vùng KTTĐ miền Trung đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, mở rộng hợp tác kinh tế thương mại quốc tế.
Thứ sáu, logistics ở Việt Nam những năm gần đây cũng bắt đầu được sự chú ý và quan tâm nhiều hơn. Sau Luật Thương mại năm 2005 quy định về các dịch vụ logistics, Nhà nước đã ban hành một số văn bản quản lý hoạt động logistics như Nghị định số 140 NĐ/CP ngày 5/9/2007 quy định chi tiết Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics... Quyết định số 169/QĐ-TTg ngày 22/01/2014 phê duyệt đề án phát triển dịch vụ logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải đến năm 2020, Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 3/7/2015) phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030… Thành phố Đà Nẵng cũng đã phê duyệt đề án “Phát triển ngành dịch vụ logistics thành phố Đà Nẵng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 theo Quyết định số 1890/QĐ/UBND ngày 27/3/2014… Tuy chưa đầy đủ, đồng bộ và chưa theo kịp thực tiễn hoạt động logistics trong hội nhập nhưng đã tạo được cơ sở pháp lý nhất định để điều chỉnh hoạt động logistics trên thị trường.

3. Phát triển logistics bền vững cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Để phát triển hệ thống logistics cho vùng KTTĐ miền Trung, nhất là hệ thống logistics bền vững cho các tỉnh miền trung thì việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và hệ thống cơ sở pháp lý cho việc xây dựng hệ thống logistics là rất quan trọng.

3.1. Một số bất cập trong việc phát triển hệ thống logistics tại Việt Nam

Cơ sở hạ tầng logistics Việt Nam hiện nay trên tổng thể đã được cải thiện trong những năm gần đây nhưng trên thực tế vẫn còn lạc hậu và thiếu tính đồng bộ chưa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại và logistics [6]. Bên cạnh đó, Việt Nam đang tập trung nhiều vào phát triển hệ thống đường bộ (ô tô) mà chưa chú ý đầu tư phát triển hạ tầng kết nối với đường sắt, đường sông, đường biển [7]. Các quy hoạch giao thông vận tải, thương mại, kết cấu hạ tầng thương mại… chưa được "kết dính" bằng triết lý logistics, bằng các hoạt động logistics - thông qua các trung tâm logistics, các yêu cầu, nội dung logistics chưa được đề cập - bài toán tối ưu hóa trong phát triển vùng KTTĐ miền Trung chưa được đề cập tới.
Hệ thống văn bản, chính sách về logistics vẫn còn thiếu và yếu ở cả cấp quản lý nhà nước và địa phương, đặc biệt là cơ sở hạ tầng logistics “phần cứng” và “phần mềm”, chất lượng của các tuyến đường quốc lộ còn hạn chế, chưa có các trung tâm logistics quy mô vùng và khu vực được quy hoạch và đầu tư xây dựng tại các điểm có thể kết nối các loại phương tiện vận tải, kết nối các hành lang kinh tế trong vùng KTTĐ miền Trung.
Cho đến nay, các trung tâm logistics (hạng 2) chưa được đầu tư xây dựng trên các tuyến Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đi qua, nhất là nối các cảng biển của vùng KTTĐ miền Trung như cảng Chân Mây, Tiên Sa, Dung Quất, Quy Nhơn... Hơn nữa lại thiếu hệ thống đường sắt nối với các cảng này. Điều đó đã làm hạn chế sự phát triển các hoạt động logistics, gây ùn tắc, tai nạn giao thông, gây ô nhiễm môi trường và ứ đọng hàng hóa, hạn chế sự phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa ở các địa phương trong vùng, làm cản trở tiêu thụ sản phẩm và giao thương hàng hóa, gây bất cập trong xúc tiến thương mại. Các doanh nghiệp logistics trong vùng phần lớn thực hiện các dịch vụ đơn lẻ có quy mô vừa và nhỏ.

3.2. Giải pháp phát triển logistics bền vững cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

3.2.1. Các giải pháp chung

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu “Xây dựng vùng KTTĐ miền Trung trở thành khu vực phát triển năng động với tốc độ nhanh và bền vững, là vùng động lực phát triển cho vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, là cửa ngõ ra biển quan trọng của vùng, các tỉnh vùng Tây Nguyên, khu vực tam giác phát triển Campuchia - Việt Nam - Lào và tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây” (Quyết định số 1874/QĐ - TTg ngày 13/10/2014), vùng KTTĐ miền Trung và các địa phương nên tập trung thực hiện một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức về logistics, đặc biệt là vai trò của các trung tâm logistics trong việc thực hiện các hình thức liên kết kinh tế vùng. Từ đó, để nâng cao hơn nữa mức ủng hộ đối với nghiên cứu, triển khai và xây dựng hệ thống logistics từ Chính phủ đến các ngành, các địa phương và doanh nghiệp. Đã đến lúc cần xây dựng một chương trình truyền hình logistics quốc gia và địa phương nhằm chuyển tải các vấn đề tối ưu hóa, liên kết, hợp tác trong các ngành, các địa phương và doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế cùng các vấn đề logistics khác như hải quan, thương mại, vận tải, công nghệ thông tin và mở cửa thị trường logistics…
Thứ hai, cần sớm xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển logistics của vùng KTTĐ miền Trung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên cơ sở đó để điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển hiện có của các địa phương trong vùng cho phù hợp.
Thứ ba, trên cơ sở Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 3/7/2015 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống Trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến 2030, cần sớm xây dựng quy hoạch và có chính sách đầu tư xây dựng các trung tâm logistics để kết nối 5 địa phương của vùng KTTĐ miền Trung, khai thác hiệu quả 5 tuyến hành lang kinh tế trên địa bàn, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm cho các ngành và địa phương. Các trung tâm logistics cần được xây dựng tại các điểm kết nối các loại phương tiện vận tải mà địa phương, vùng đang sở hữu như đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không.
Thứ tư, có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics vùng KTTĐ miền Trung. Ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt nối các cảng biển trong vùng, với các trung tâm logistics, kết nối các phương tiện vận tải với các trung tâm này, áp dụng mô hình quản lý phù hợp và hiệu quả đối với các trung tâm, phát triển hệ thống đường gom ở các địa phương… Chủ trương “kết nối giao thông vận tải” ở các khu vực, địa phương thực sự có hiệu quả chỉ khi được thực hiện thông qua mô hình các trung tâm logistics. Đồng thời quản lý hiệu quả các nguồn vốn theo các hình thức huy động, theo đúng quy hoạch phát triển để xây dựng cơ sở hạ tầng logistics trong đó có hạ tầng giao thông vận tải.
Thứ năm, có chính sách đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin logistics vùng KTTĐ miền Trung. Phấn đấu sớm có cảng biển quốc tế của vùng KTTĐ miền Trung có tên trong danh mục “tìm kiếm” của hệ thống quản lý container toàn cầu (theo đó, các chủ hàng, dù bất cứ ở đâu trên thế giới vẫn có thể biết chính xác hàng hóa của mình đang nằm ở chỗ nào, tại cảng nào và do tàu nào vận chuyển), sử dụng hiệu quả và phổ biến hệ thống định vị GPS trong vùng.
Thứ sáu, phát triển hệ thống logistics vùng KTTĐ miền Trung phải hướng tới mục tiêu hiện thực hóa liên kết kinh tế giữa các ngành, địa phương và doanh nghiệp, các hành lang kinh tế nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng và lợi thế của vùng. Việc phát triển hệ thống logistics luôn đòi hỏi sự kết nối của nhiều ngành / lĩnh vực / khu vực khác nhau trong vùng theo hướng tối ưu hóa, qua đó thực hiện hiệu quả mô hình liên kết kinh tế giữa các ngành, địa phương, doanh nghiệp và các hành lang kinh tế nên cần thiết thành lập cơ quan quản lý logistics của vùng KTTĐ miền Trung (cấp quốc gia là Ủy ban Logistics) để điều phối và quản lý toàn bộ hệ thống các mối quan hệ kinh tế hợp lý, thực hiện sứ mạng của logistics vùng.
Thứ bảy, tăng cường nghiên cứu và học tập kinh nghiệm của các nước có nền công nghiệp logistics phát triển. Logistics đã và đang phát triển nhanh chóng và mang lại những lợi ích to lớn cho nhiều nước phát triển như: Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Mỹ, Nhật, Singapore.

3.2.2. Một số lưu ý đặc thù đối với logistics bền vững

Để phát triển hệ thống logistics bền vững, bên cạnh việc phát triển các hệ thống vận tải cần đặc biệt lưu ý tới khả năng kết nối của các hệ thống này. Đối với vận tải khối lượng lớn thì vận tải đường thủy và đường sắt có ưu thế về chi phí, tuy nhiên vận tải đường bộ mang lại tính linh hoạt. Chính vì vậy việc thiết lập được hệ thống đường thủy và đường sắt đến các trung tâm logistics sau đó tiếp tục vận chuyển bằng các phương thức vận tải khác là hết sức quan trọng. Việc thiết lập được cơ sở hạ tầng logistics đa phương tiện sẽ tạo được nền tảng cho việc phối hợp các phương thức vận tải và kết nối lộ trình các phương tiện vận tải.
Cơ sở hạ tầng giao thông logistics được đề xuất cần lưu ý tới khả năng gây tắc nghẽn mạng lưới giao thông. Vấn đề này sẽ ảnh hưởng lớn tới năng lực lưu chuyển của hệ thống logistics tại khu vực.
Cùng với việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, việc sử dụng các phương tiện vận tải hiệu quả về năng lượng với mức độ phát thải thấp là rất quan trọng. Bên cạnh đó, việc lập được kế hoạch vận tải có khả năng tận dụng hiệu quả các phương tiện vận tải cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc xanh hóa các hệ thống logistics.

4. Kết luận

Logistics và phát triển bền vững đang là vấn đề mà Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế đang hết sức quan tâm. Hiệu quả Logistics không chỉ giúp mang lại giá trị và lợi thế cho doanh nghiệp, cho ngành công nghiệp mà còn mang lại giá trị vô cùng lớn cho các quốc gia. Vùng KTTĐ miền Trung là vùng KTTĐ lớn thứ 3 của Việt Nam, ở vị trí trung tâm với vai trò kết nối kinh tế hai đầu của Việt Nam và là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa với quốc tế, đồng thời là điểm kết nối, trung chuyển hàng hóa thông qua các hành lang kinh tế Đông - Tây. Đến nay, mặc dù Vùng KTTĐ miền Trung đã phát triển nhanh chóng với những hệ thống kết nối, các trung tâm logistics nhưng hệ thống logistics tại đây chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1]. Thủ tướng Chính phủ (2015). Quyết định số 1012/QĐ-TTg: Về việc phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước năm 2020, định hướng đến năm 2030.
[2]. Ban Chấp hành Trung ương (2018). Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về: Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
[3]. Bencikova, D., Chlebakova, I., Dubec, J. (2013.) Cultural intelligence as an inevitable part of management practices in Slovak small and medium businesses. In Vojenske reflexie: vojenske vedecko - odborne periodikum. 8 (2), 35-45.
[4]. Mala Denisa (2015). Perception of implementation processes of green logistics in SMEs in Slovakia. Procedia Economics and Finance 26, 139 – 143
[5]. McKinnon, A., M. Browne, M. Piecyk, and A. Whiteing, 2015. Green logistics: Improving the enviromental sustainability of logistics (KoganPage).
[6] . Đặng Đình Đào, Trương Tấn Quân và Trần Hoảng Long (2021), Quản lý nhà nước về logistics, trong Kỷ yếu Hội thảo “Thương mại và logistics Việt nam 35 năm đổi mới (1986-2021): những vấn đề lý luận và thực tiễn”, Nhà xuất bản Lao động.
[7] . Trần Văn Hòa, Tạ Văn Lợi và Đặng Đình Đào (2021), Tổng quan về thương mại và logistics Việt Nam 35 năm đổi mới - tình hình và giải pháp phát triển. Kỷ yếu Hội thảo “Thương mại và logistics Việt nam 35 năm đổi mới (1986-2021): những vấn đề lý luận và thực tiễn”, Nhà xuất bản Lao động.

Developing a sustainable logistics system for the Central Key Economic Region in Vietnam
Assoc.Prof., Ph.D Le Anh Tuan
Dr. Nguyen Ngoc Thia
Faculty of Economics and Management, Electric Power University

Abstract:
The Central Key Economic Region plays an important role in Vietnam’s economic growth. The establishment and development of a sustainable logistics system have a signifcant impact on this key economic region’s development. This paper points out issues that profoundly impact the development of the Central Key Economic Region’s logistics system in the coming time. The paper also highlights the need for the development of a sustainable logistics system in this economic region.
Keywords: logistics, the Central Key Economic Region, green growth.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12 tháng 5 năm 2023]

Tạp chí Công Thương