Tóm tắt:
Động vật hoang dã (ĐVHD) là tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá, góp phần quan trọng trong việc tạo nên sự cân bằng sinh thái, bảo đảm môi trường sống trong lành cho con người. Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ ĐVHD đã đạt nhiều kết quả tích cực, các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam đã có những chính sách và hành động được thế giới đánh giá cao trong việc thực thi cam kết về bảo vệ các loài động vật hoang dã, quý hiếm. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, các quy định pháp luật còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng hết yêu cầu của thực tiễn. Bài viết đề xuất một số giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm tăng tính phòng ngừa, răn đe tội phạm vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ ĐVHD nói riêng, bảo vệ môi trường, sinh thái nói chung.
Từ khóa: quy định pháp luật, bảo vệ động vật hoang dã.
1. Thực trạng quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ động vật hoang dã
Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ ĐVHD thông qua các quy phạm pháp luật, Việt Nam đã tham gia nhiều Công ước quốc tế về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên nói chung, bảo vệ ĐVHD nói riêng, như: Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp (CITES), Công ước về đa dạng sinh học (CBD). Bên cạnh đó, đã xây dựng các chiến lược, kế hoạch và chương trình quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; xây dựng, duy trì các văn bản pháp luật, trong đó tập trung vào 2 nhóm quy định chính: quy định quản lý về bảo vệ ĐVHD và quy định về xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD.
1.1. Pháp luật về quản lý việc bảo vệ động vật hoang dã
Văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên phải kể tới đó là Luật Đa dạng sinh học (2008), năm 2018 ban hành văn bản hợp nhất số 32/VBHN-VPQH 2018 hợp nhất Luật Đa dạng sinh học. Trước thời điểm ban hành luật này, các vấn đề về đa dạng sinh học được quy định trong các văn bản liên quan đến Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Luật Đa dạng sinh học đưa ra các quy định về hoạt động bảo tồn và phát triển bền vững, xác định quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, cá nhân, tổ chức, hộ gia đình và cộng đồng đối với việc bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học. Luật dành riêng Chương IV với 18 điều quy định về bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật. Theo đó, các loài ĐVHD sẽ được xem xét đưa vào Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ nhằm bảo vệ những vật nuôi đặc hữu hoặc có giá trị đang bị đe dọa tuyệt chủng, quy định loài hoang dã bị cấm khai thác và loài hoang dã được khai thác có điều kiện trong tự nhiên.
Điều 7 của luật này nghiêm cấm các hành vi như săn bắt, đánh bắt và khai thác các loài hoang dã trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ việc khai thác vì mục đích nghiên cứu khoa học. Điều luật này cũng nghiêm cấm các hành vi săn bắt, đánh bắt, khai thác bộ phận cơ thể, giết, tiêu thụ, vận chuyển, mua, bán trái phép loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Tuy nhiên, luật này không quy định cụ thể các biện pháp xử lý hành chính hoặc hình sự. Luật chỉ quy định rằng các tổ chức hoặc cá nhân gây thiệt hại về đa dạng sinh học phải bồi thường theo quy định của pháp luật (Điều 75).
Ngày 01/01/2019, Luật Lâm nghiệp 2017 có hiệu lực pháp luật, thay thế cho Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004. Đây là văn bản pháp luật chủ yếu quy định hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng; quyền và trách nhiệm của chủ rừng. Luật Lâm nghiệp nghiêm cấm mọi hành vi săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng, thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng trái phép. Đồng thời, Luật cũng quy định việc khai thác, động vật rừng phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tuân theo các quy định của pháp luật về bảo tồn ĐVHD. Hoạt động kinh doanh, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh thực vật rừng, động vật rừng phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Tại Điều 38 quy định về việc bảo vệ động, thực vật rừng có xác định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc bảo vệ ĐVHD: “Loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm phải được lập danh mục để quản lý, bảo vệ. Chính phủ quy định Danh mục và chế độ quản lý, bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; trình tự, thủ tục khai thác các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các loài thực vật rừng hoang dã, động vật rừng hoang dã thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp”.
Luật Lâm nghiệp 2017 cũng quy định người thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Để cụ thể hóa hơn nội dung công ước quốc tế về bảo vệ ĐVHD (CITES) mà Việt Nam là thành viên, Chính phủ đã ban hành hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về quản lý việc bảo vệ ĐVHD, như Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Theo đó, Nghị định quy định hệ thống các tiêu chí để đánh giá và xác định loài ĐVHD đưa vào Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Cụ thể, loài được đưa vào Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ nếu: (i) Số lượng cá thể còn ít hoặc đang bị đe dọa tuyệt chủng và (ii) Là loài đặc hữu có một trong các giá trị đặc biệt về khoa học, y tế, kinh tế; sinh thái, cảnh quan, môi trường và văn hóa - lịch sử. Nghị định cũng quy định nguyên tắc bảo tồn các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và cơ chế chặt chẽ để quản lý việc khai thác; trao đổi, mua bán, tặng cho, thuê, lưu giữ, vận chuyển mẫu vật; nuôi trồng và cứu hộ loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ. Tuy nhiên, Nghị định này cũng thiếu quy định về các biện pháp xử lý hành chính hoặc hình sự đối với các hành vi vi phạm.
Ngoài ra, Nghị định số 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp cũng được ban hành để triển khai Công ước CITES. Nghị định này thay thế và hợp nhất Nghị định số 32/2006/NĐ-CP về việc quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm của Chính phủ và Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Tương tự như Nghị định số 32/2006/NĐ-CP, Nghị định số 06/2019/NĐ-CP cũng chia động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thành 2 nhóm dựa trên mức độ nguy cấp và sự cần thiết bảo vệ của pháp luật đối với các loài đó, bao gồm: (1) Nhóm IB: Nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại; và (2) Nhóm IIB: Hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại; Nghị định cũng quy định về điều kiện nuôi động vật rừng thông thường; trình tự, thủ tục thực hiện hoạt động khai thác; nuôi, trồng; chế biến, kinh doanh, quảng cáo, trưng bày; vận chuyển, cất giữ; xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh đối với các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm, thuộc các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP. Bên cạnh đó, Nghị định quy định trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc kiểm soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển mẫu vật thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES như cơ quan Kiểm lâm, Thủy sản, Hải quan, Công an, Bộ đội Biên phòng, Thuế, Quản lý thị trường, Thú y, Kiểm dịch động vật, Kiểm dịch thực vật, Bảo vệ môi trường, Bảo tồn đa dạng sinh học trong phạm vi chức năng thanh tra, kiểm tra, cung cấp thông tin, phối hợp với Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, quá cảnh, nhập nội từ biển, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES, nuôi động vật rừng thông thường1.
Việc bảo vệ ĐVHD còn được thực hiện thông qua hệ thống các quy định của các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ. Đáng chú ý là Quyết định số 95/2008/QĐ-BNN về việc ban hành Quy chế quản lý gấu nuôi, Điều 2 của văn bản dưới luật này nghiêm cấm các hành vi săn bắn, bẫy bắt, mua, bán, giết mổ, vận chuyển, quảng cáo, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất khẩu gấu và sản phẩm, dẫn xuất từ gấu trái với quy định của pháp luật; nuôi gấu không có hồ sơ quản lý và gắn chíp điện tử hoặc nuôi gấu không có nguồn gốc hợp pháp; nuôi gấu không có chuồng và trại hoặc có chuồng và trại nhưng không đảm bảo các điều kiện quy định tại Quy chế này. Điều khoản này chưa chặt chẽ: một mặt nghiêm cấm hành vi bẫy và bắt gấu; nhưng mặt khác lại cho phép hành vi nuôi nhốt gấu có điều kiện. Ngoài ra, Điều 15 quy định, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về quản lý gấu nuôi quy định tại Quy chế này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật và cá thể gấu sau khi tịch thu sẽ được xử lý theo các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tuy nhiên, Quy chế này không quy định các biện pháp xử lý hành chính hoặc hình sự cụ thể nào2.
Có thể nhận thấy, mặc dù quy định của pháp luật về quản lý việc bảo vệ ĐVHD khá thống nhất, toàn diện, bao quát được các lĩnh vực của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động này. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu các chế tài để xử lý các hành vi xâm phạm, cần có sự hoàn thiện về các quy định đó.
1.2. Các quy định về xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã
Để nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật, Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự đã có nhiều quy định cụ thể về tội phạm, hình phạt để xử lý loại tội phạm này. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật nói chung và bảo vệ cũng như xử lý, xử phạt các vi phạm về động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm còn chưa thật sự đồng bộ, nhiều văn bản còn mâu thuẫn, việc áp dụng còn nhiều khó khăn, vướng mắc,…
Nếu như trước đây, theo Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1985, hành vi vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD chỉ được quy định chung với hành vi bảo vệ rừng, thì BLHS năm 1999 đã có riêng một điều luật về Tội vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD, quý, hiếm. Đến nay, BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi là BLHS năm 2015) đã có 2 điều luật quy định về tội phạm liên quan đến ĐVHD, nguy cấp, quý, hiếm, đó là: Điều 234 (Tội vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD) tại Chương XVIII quy định hành vi xâm phạm động vật hoang dã thuộc nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES), Điều 244 (Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm) tại Chương XIX quy định hành vi xâm phạm động vật thuộc nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước CITES. Ngày 5/11/2018, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao đã ra Nghị quyết số 05/2018/NQ-HÐTP (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2018) hướng dẫn áp dụng Ðiều 234 về tội vi phạm quy định về bảo vệ ÐVHD và Ðiều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của BLHS.
Nếu như Điều 190 BLHS năm 1999 chỉ quy định một tội danh, với mức hình phạt tối đa chỉ đến 7 năm tù, thì nay với 2 điều luật mà người phạm tội bị kết án cả 2 tội, mức hình phạt tối đa có thể đến 27 năm tù. So với Điều 190 BLHS năm 1999, Điều 234 BLHS năm 2015 quy định chi tiết hơn, rõ ràng hơn; đã lượng hóa các trường hợp phạm tội, tạo thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật trong điều tra, truy tố, xét xử, như: Quy định trị giá và số lượng ĐVHD; động vật nguy cấp, quý, hiếm hoặc sản phẩm của loài động vật; bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của động vật làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, chỉ cần có những hành vi sau đây có thể bị xử lý hình sự, đó là:
Một là, hành vi nuôi nhốt, tàng trữ ĐVHD, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của ĐVHD trái phép vì bất kỳ mục đích gì đều bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hai là, xử lý hình sự về hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép ngà voi có khối lượng từ 2kg trở lên; sừng tê giác từ 50g (không phân biệt chủng loại voi và tê giác).
Ba là, xử lý hình sự những vi phạm đối với cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ bất kể số lượng, khối lượng, giá trị tang vật.
Bốn là, xử lý hình sự những vi phạm đối với động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB, hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp với số lượng từ 3 cá thể lớp thú, 7 cá thể lớp chim, bò sát hoặc 10 cá thể động vật lớp khác trở lên.
Năm là, xử lý hình sự những vi phạm đối với động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước Cites (trong đó có cả động vật thủy sinh và động vật rừng) trị giá từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc ĐVHD khác trị giá từ 300 triệu đồng đến dưới 700 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên hoặc trị giá dưới mức quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 của Điều 234 BLHS năm 2015 và các điểm c,d và đ khoản 1 Điều 244 BLHS năm 2015 nhưng đã bị xử phạt hành chính về các hành vi quy định nêu trên hoặc đã bị kết án về tội theo Điều 234 và Điều 244 của BLHS, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Ngoài ra, các tội phạm về ĐVHD đều quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Theo đó, pháp nhân có thể bị xử phạt tối đa lên đến 15 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu vi phạm3.
Cùng với cộng đồng quốc tế, những năm qua các cơ quan chức năng Việt Nam đã và đang tăng cường đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm liên quan ÐVHD, với những chính sách và hành động cụ thể, phù hợp tình hình thực tế. Ðiều 38 Luật Lâm nghiệp quy định về bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng đã nêu rõ loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm phải được lập danh mục để quản lý, bảo vệ. Chính phủ quy định danh mục và chế độ quản lý, bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; trình tự, thủ tục khai thác các loài nêu trên thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 628/QÐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Theo đó, tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật; ngăn chặn hoạt động săn bắn, bẫy bắt và buôn bán trái pháp luật để đến năm 2025 giảm 70% nạn săn bắn các loài linh trưởng.
Mặc dù công tác quản lý ĐVHD ngày càng được tăng cường và chặt chẽ hơn, nhưng tình trạng săn bắn, bẫy bắt, mua bán, kinh doanh, vận chuyển và tiêu thụ trái pháp luật các loài ĐVHD vẫn còn diễn biến phức tạp. Ðặc biệt, lợi dụng quy định thông thoáng trong phát triển gây nuôi động vật thông thường, không ít nhà hàng ăn uống ở nhiều nơi đã biến tướng, trà trộn tiêu thụ thịt thú rừng, sản phẩm của các loài ĐVHD với động vật gây nuôi các loại, nhằm qua mắt các cơ quan chức năng, nhưng chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời để xử lý theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, chế tài xử lý vẫn đang còn nhiều bất cập, chưa được hướng dẫn, giải thích một cách cụ thể.
2. Kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã
Cần thực hiện hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách, quản lý về bảo vệ và phát triển rừng; khắc phục sự chồng chéo, bảo đảm tính đồng bộ quy phạm pháp luật nhằm tăng tính phòng ngừa, răn đe tội phạm vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ ĐVHD, quý hiếm; tăng cường trao đổi thông tin với các lực lượng chức năng như Hải quan, Kiểm lâm, Biên phòng về tình hình tội phạm, phương thức, thủ đoạn các đối tượng; xây dựng kế hoạch liên ngành về tuần tra, kiểm soát,…
Thứ nhất, hoàn thiện các quy định trong Bộ luật Hình sự, Tố tụng hình sự và các quy định khác liên quan đến phòng chống tội phạm về ĐVHD. Cụ thể, trường hợp trong cùng một vụ án, nếu thu giữ được nhiều loài ĐVHD thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước CITES nếu chưa đủ trị giá theo từng lớp quy định tại Điều 234 BLHS năm 2015, thì xử lý như thế nào? (Nghị quyết số 05/2018 cũng chỉ hướng dẫn trường hợp này theo Điều 244, còn Điều 234 chưa có hướng dẫn), cần bổ sung để hoàn thiện quy định này.
Thứ hai, cần có văn bản hướng dẫn theo hướng đối với các loại cá thể động vật mà nằm trong danh mục theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP và Công ước Cites về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm thì khi xử lý về hình sự chỉ cần quy định số lượng để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự chứ không cần thiết phải định giá tài sản để làm căn cứ xử lý.
Thứ ba, cần thực hiện nghiêm túc các nội dung của Chỉ thị số 13-CT/TW, Chỉ thị số 28/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để đề ra các nhóm giải pháp và nhiệm vụ cụ thể nhằm tăng cường hoạt động phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi xâm hại các loài ĐVHD trái pháp luật.
Thứ tư, cần tăng cường công tác tuyên truyền, chú trọng truyên truyền đối với đồng bào sống trong khu vực có rừng về tầm quan trọng, ý nghĩa và trách nhiệm trong việc bảo tồn thiên nhiên và ĐVHD; tuyên truyền cho người trẻ trong xã hội bỏ thói quen sử dụng sản phẩm ĐVHD; nâng cao nhận thức người dân trong việc tố giác tội phạm. Ủy ban Tư pháp cũng nên đưa ra khuyến nghị UBND các tỉnh, thành phố cần có sự quan tâm, đầu tư tốt hơp đối với công tác bảo vệ ĐVHD, như: Bảo đảm kinh phí; xây dựng chính sách đặc thù để nâng cao đời sống người dân sống gần rừng và có sinh kế để giảm nạn săn bắt trái pháp luật ĐVHD.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1 Điều 39, Nghị định số 06/2019/NĐ-CP.
3 Tạp chí Kiểm sát số 16/2018.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Quốc hội (2017). Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
- Quốc hội (2018). Luật Đa dạng sinh học 2018.
- Quốc hội (2017). Luật Lâm nghiệp 2017.
- Chính phủ (2013). Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
- Chính phủ (2019). Nghị định số 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
- Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (2018). Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 234 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và Điều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của Bộ luật Hình sự do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành.
- UNODC (2015). Bộ công cụ phân tích tội phạm về động, thực vật hoang dã và vi phạm lâm luật. Truy cập tại: https://www.unodc.org/documents/southeastasiaandpacific/Publications/wildlife/Vietnam_Toolkit_Report_VN_-_final.pdf
VIETNAM’S REGULATIONS ON WILD ANIMALS PROTECTION
Chu Thi Trinh
Faculty of Law, Vinh University
Abstract:
Wild animals are extremely valuable natural resources, making an important contribution to creating ecological balance and ensuring a healthy living environment for humans. Recently, the management and protection of wild animals has achieved many positive results and Vietnamese law enforcement agencies have adopted policies and actions that are highly appreciated by the world in implementing their commitments to protecting rare and wild animals. However, Vietnam’s regulations on wild animals protection still have some shortcomings. This paper proposes a number of solutions to strengthen the effectiveness of some regulations on wild animals protection in particular and ecological protection in general.
Keywords: regulation, wild animals protection.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23, tháng 10 năm 2021]