TÓM TẮT:
Quyền của cổ đông thiểu số là một trong những vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong pháp luật điều chỉnh tổ chức và hoạt động của công ty cổ phần. Trong bài viết tác giả giới thiệu về một số quyền cổ đông thiểu số nhằm bảo vệ họ trong công ty cổ phần ở Việt Nam trên cơ sở so sánh với một số quốc gia trong khu vực, cụ thể là Thái Lan, Singapore và Philippines để thấy được sự tương đồng và khác biệt giữa Việt Nam và các nước này, từ đó đề xuất một số khuyến nghị cho Việt Nam trong vấn đề bảo vệ cổ đông thiểu số.
Từ khóa: Cổ đông thiểu số, quyền của cổ đông thiểu số, bảo vệ cổ đông thiểu số.
I. Đặt vấn đề
Quyền cổ đông thiểu số (CĐTS) là một trong những công cụ quan trọng để cổ đông thiểu số có thể tự bảo vệ mình. Hiện nay, cộng đồng ASEAN đã thiết lập một cộng đồng kinh tế, để có sân chơi chung nhất thiết phải có khuôn mẫu pháp lý chung. Để phục vụ cho hội nhập kinh tế, việc so sánh pháp luật về doanh nghiệp nói chung và bảo vệ cổ đông nhỏ nói riêng là việc làm cần thiết.
II. So sánh một số quyền của cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần giữa Việt Nam và Singapore, Thái Lan, Philippines và thực trạng thực hiện pháp luật tại Việt Nam
Quyền CĐTS là khả năng của CĐTS được xử sự theo những cách thức nhất định mà pháp luật cho phép. CĐTS có thể tự thực hiện những hành động nhất định, bằng chính hành động của mình tiến hành cách xử sự mà pháp luật quy định nhằm đạt được lợi ích của mình (Xem Bảng). Cụ thể:
*Quyền nhận cổ tức. CĐTS chỉ nhận được cổ tức khi công ty làm ăn có lãi và Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) quyết định chia cổ tức với tỷ lệ nhất định. Như vậy, việc chia cổ tức hay không phụ thuộc vào ĐHĐCĐ, mà ĐHĐCĐ quyết định theo tỷ lệ số phiếu biểu quyết. Do vậy, nếu cổ đông đa số cố tình không thông qua việc chia cổ tức thì CĐTS cũng không thể đòi cổ tức được. Vì vậy, pháp luật nên có quy định chặt chẽ hơn về việc chi trả cổ tức cho cổ đông trong đó có CĐTS.
*Quyền được ưu tiên mua cổ phần. CĐTS cũng được đảm bảo thực hiện quyền ưu tiên mua cổ phần. Quy định này của pháp luật muốn đảm bảo quyền lợi của cổ đông phổ thông vẫn giữ nguyên khi công ty cổ phần tăng vốn. Tuy nhiên, trên thực tế, cổ đông đa số vẫn có thể chèn ép CĐTS như đưa ra phương án phát hành cổ phần bất lợi cho CĐTS.
*Quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần. Quyền này giúp cho CĐTS tự thể hiện ý chí, bảo vệ quyền lợi của mình vì nếu ý kiến của họ không được chấp thuận khi phản đối nghị quyết về tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty thì có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình.
Bảng. So sánh một số quyền của cổ đông thiểu số giữa Việt Nam và Singapore, Thái Lan, Philippines
1. Thực trạng quyền nhận cổ tức
Theo Khoản 4, Điều 132 LDN 2014, cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc họp đại hội đồng cổ đông thường niên. Trong khi đó, theo thông lệ về quản trị công ty khu vực ASEAN, các doanh nghiệp niêm yết thường chi trả cổ tức trong vòng 30 ngày kể từ ngày tổ chức ĐHĐCĐ. Hầu hết các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam áp dụng trên tinh thần của Luật Doanh nghiệp. Ngay cả những doanh nghiệp đang dẫn đầu trong việc thực thi các chính sách quản trị tiến bộ, theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững thì thực hành chi trả cổ tức vẫn chưa đạt được chuẩn mực của khu vực ASEAN. Đơn cử: Theo tin nhanh chứng khoán (truy cập ngày 22/6/2018) Công ty Vinamilk (VNM), Đại hội đồng cổ đông của doanh nghiệp đã diễn ra ngày 31/3/2018 phê chuẩn mức trả cổ tức còn lại năm 2017 và sẽ thanh toán vào ngày 26/6/2018, tức là sau ngày kết thúc họp ĐHĐCĐ tới gần 3 tháng. Tuy nhiên, nếu công ty trả cổ tức 6 tháng sau ngày đại hội như giới hạn luật quy định, thì đến cuối tháng 10/2018 trở đi cổ đông mới nhận được cổ tức. Thời gian chờ đợi lên tới 10 tháng mới nhận được lợi nhuận chốt từ cuối năm trước, như vậy quyền nhận cổ tức của cổ đông bị ảnh hưởng. Trong khi đó, Malaysia, Singapore thì rất tuân thủ việc trả cổ tức theo chuẩn mực của khu vực Asean, như Công ty TENAGA NASIONAL BHD của Malaysia, (mã chứng khoán TNB:MK) niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Bursa Malaysia có năm tài chính kết thúc vào ngày 31/8/2017 và tổ chức họp ĐHĐCĐ vào ngày 18/12/2017. Sau Đại hội 10 ngày thì công ty trả cổ tức, trên tài liệu tham dự đại hội có nêu ngày trả cổ tức cuối kỳ là 29/12/2017 với mức trả cổ tức cuối kỳ là 44 sen/cổ phiếu (tiền xu của Malaysia).
2. Thực trạng quyền ưu tiên mua cổ phần chào bán
Pháp luật Việt Nam quy định cụ thể về phát hành cổ phiếu của công ty cổ phần nhưng khi thực hiện quyền này thì quyền CĐTS rất dễ bị xâm hại. Chẳng hạn như khi phát hành thêm cổ phần mới, các công ty thường dành một tỷ lệ cổ phần nhất định để bán cho các cổ đông hiện có của công ty với giá ưu đãi. Sẽ không có gì xảy ra nếu số cổ phần dành riêng bán cho cổ đông hiện hữu với cùng một mức giá, cùng điều kiện như nhau. Nhưng các cổ đông lớn thường có những cách thức khác nhau nhằm quy định có lợi hơn cho mình, ví dụ như quy định cổ đông lớn sẽ mua với tỷ lệ khác và cổ đông nhỏ mua với tỷ lệ khác; hoặc quy định cả cổ đông lớn và cổ đông nhỏ cùng mua với tỷ lệ như nhau song cổ đông lớn lại được mua với giá thấp hơn so với cổ đông nhỏ. Ví dụ: CTCP Vận tải xăng dầu (VIPCO) cho phép cổ đông lớn mua với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, còn các cổ đông nhỏ lại phải mua với giá 40.000 đồng/cổ phiếu (cao gấp 2,67 lần so với cổ đông lớn),...
3. Thực trạng quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần
Việc yêu cầu công ty mua lại cổ phần của cổ đông thiểu số ở một số nước Đông Nam Á nêu trên cho thấy có nước thì luật cho phép công ty mua lại, có nước thì luật không cho công ty mua lại. Thiết nghĩ việc quy định như vậy của các nước trên đều có lý do riêng của nó. Vốn điều lệ được công ty thu về khi thành lập doanh nghiệp, các cổ đông góp vốn vào công ty và trở thành chủ sở hữu của công ty. Thông thường thì công ty chỉ có nghĩa vụ trả nợ chứ không có nghĩa vụ mua lại phần vốn góp của mình.
Ở Việt Nam, mặc dù pháp luật đã cho phép cổ đông yêu cầu công ty mua lại cổ phần khi họ biểu quyết phản đối quyết định của công ty trong một số trường hợp nhất định, nhưng việc mua lại cổ phần của công ty lại khá phức tạp, kéo dài thời gian và gây bất lợi cho cổ đông. Thông thường chỉ có CĐTS mới thực hiện quyền này, vì họ là đối tượng dễ bị tác động tiêu cực nhất từ các quyết định của công ty có sự chi phối của các cổ đông lớn. Cổ đông thiểu số sở hữu số lượng cổ phần không nhiều trong công ty, nhưng pháp luật lại quy định thời hạn mà công ty phải mua lại cổ phần trong trường hợp này lên đến chín mươi (90) ngày.
Theo quy định hiện hành thì pháp luật chỉ cho phép cổ đông thực thi quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần trong hai trường hợp cụ thể là cổ đông biểu quyết phản đối quyết định về tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty. Với quy định như thế sẽ khó hơn trong việc bảo vệ CĐTS ở trường hợp số lượng cổ phần của CĐTS quá thấp không đủ tỷ lệ sở hữu cổ phần để thành lập nhóm cổ đông theo quy định mà họ muốn rút vốn ra khỏi công ty.
III. Một số khuyến nghị cho Việt Nam
Qua phân tích pháp luật các nước về quyền của cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần, trong tương quan so sánh với các quy định tương ứng của pháp luật Việt Nam, một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Cụ thể:
Thứ nhất, vấn đề thời hạn trả cổ tức cho cổ đông phải được quy định chặt chẽ hơn trong Luật DN. Do đó, LDN 2014 cần quy định thêm: việc chi trả cổ tức đúng thời hạn là trách nhiệm, nghĩa vụ của GĐ/TGĐ hoặc chủ tịch HĐQT; nếu không thực hiện đúng những người này phải chịu trách nhiệm cá nhân tương tự như việc trách nhiệm công bố thông tin. Ngoài ra, về phía cổ đông: cần ý thức vấn đề thời điểm trả cổ tức và có thể đưa thời hạn này vào ngay trong nghị quyết của ĐHĐCĐ thường niên.
Thứ hai, đảm bảo quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của cổ đông thiểu số. Luật doanh nghiệp cần sửa đổi theo hướng quy định chặt chẽ hơn ở chỗ việc mua lại vốn góp của cổ đông phải theo giá thị trường, rút ngắn thời gian công ty mua lại cổ phần, bên nào chịu chi phí thanh toán cho tổ chức định giá chuyên nghiệp khi các bên không thỏa thuận được về giá, nguồn tài chính lấy từ đâu, khi công ty không có tiền thì giải quyết như thế nào. Đồng thời, cũng cần quy định nghiêm cấm chiết khấu, giảm giá cổ phiếu do địa vị thiểu số của cổ đông hay thiếu tính thanh khoản mua bán của thị trường.
Thứ ba, đối với việc ưu tiên mua cổ phần chào bán. Luật Doanh nghiệp nên quy định rõ các quyết định của công ty cổ phần có nội dung phân biệt đối xử giữa các cổ đông cùng loại là căn cứ để tòa án tuyên bố những quyết định này là vô hiệu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Luật Doanh nghiệp (Luật số 68/2014/QH13) ngày 26/11/2014.
- Singapore Companies Act, 2016.
- Thailand Public Limited Companies Act, 2009.
- Philipines, Corporation code, 1989.
- Bùi Xuân Hải (2011), Luật Doanh nghiệp bảo vệ cổ đông, lý luận và thực tiễn, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nộ
- Robert W. McGee, Corporate governance in Asia: A comparative study of Indonesia, Malaysia, Thailand and Vietnam, woking paper, June 2008.
- Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (1999), Báo cáo nghiên cứu so sánh luật công ty của bốn quốc gia Đông Nam Á: Thái Lan, Singapore, Malaysia và philipines, Hà Nộ
- http://vneconomy.vn/chung-khoan/ai-bao-ve-co-dong-nho-67761.htm truy cập ngày 20/6/2018.
COMPARING THE RIGHTS OF MINORITY SHARHOLDERS UNDER VIETNAM, THAILAND, SINGAPORE AND THE PHILIPPINES' REGULATIONS
● Master. Huynh Thi Truc Linh
Department of Law, Faculty of Economics and Law, Tra Vinh University
ABSTRACT:
The rights of minority shareholders are one of the most important issues of regulations governing the organization and operation of joint stock companies. This article introduces a number of minority shareholders' rights which protect minority shareholders in joint stock companies in Vietnam and compares these rights with that of Thailand, Singapore and the Philippines’ regulations in order to identify the similarities and differences between Vietnam’s regulations and other countries’ regulations. Based on these comparisons, this article offers some recommendations for Vietnam to improve the effectiveness of its regulations on protecting the rights of minority shareholders.
Keyword: Minority shareholders, rights of minority shareholders, protecting minority shareholders.