TÓM TẮT:
Nghiên cứu này được tiến hành dựa trên kết quả khảo sát 239 hộ dân, tại 3 xã của huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội. Kết quả cho thấy, mức độ hài lòng với các tiêu chí về xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT) theo chuẩn nông thôn mới (NTM) của người dân trên địa bàn huyện Mỹ Đức được xếp theo thứ tự từ cao nhất, đầu tiên là tiêu chí “Công tác kiểm tra, giám sát xây dựng” với 3.91 điểm, thứ hai là “Công tác quản lý đầu tư xây dựng” với 3.58 điểm, thứ ba là “Công tác huy động vốn” với 3.47 điểm, thứ tư là “Chất lượng công trình xây dựng” với 3.31 điểm, thứ năm là “Công tác xây dựng quy hoạch” với 2.90 điểm, và thấp nhất là “Công tác chỉ đạo xây dựng” với 2.64 điểm. Kết quả này cung cấp căn cứ thực tiễn để huyện Mỹ Đức có những giải pháp thực hiện xây dựng hạ tầng GTNT theo chuẩn NTM tại địa phương một cách hiệu quả hơn để tăng sự hài lòng của người dân.Từ khóa: Nông thôn mới, giao thông nông thôn, huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội.
1. Cơ sở lý luận về các tiêu chí xây dựng hạ tầng GTNT theo chuẩn NTM
1.1. Đánh giá về xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng GTNT theo tiêu chí NTM
Công tác quy hoạch GTNT được xây dựng trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế - xã hội, kế thừa hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cũ, tuân thủ quy hoạch phát triển giao thông của cấp trên và phải phân kỳ thực hiện quy hoạch. Quy hoạch cơ sở hạ tầng GTNT được chia làm 2 mảng: Quy hoạch các tuyến đường huyện và quy hoạch các tuyến đường còn lại. Để đánh giá sự hài lòng của người dân về tiêu chí này, ta cần đánh giá thông qua các chỉ tiêu, như: Công tác quy hoạch GTNT có được xây dựng trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương hay không; Quy hoạch GTNT có sự kết nối các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện và các khu vực dân cư, khu vực sản xuất hay không; Người dân được tham gia đóng góp ý kiến khi quy hoạch GTNT hay không; Hàng năm có thực hiện điều chỉnh quy hoạch theo sự cân đối các nguồn lực của tỉnh, huyện, xã và nhân dân hay không; Hay người dân được tham gia kiểm tra, giám sát công tác quy hoạch GTNT hay không?...
1.2. Đánh giá về công tác chỉ đạo xây dựng cơ sở hạ tầng GTNN theo tiêu chí NTM
Công tác chỉ đạo theo nguyên tắc phân quyền, giao công việc và giao quyền để thực hiện công việc, khuyến khích sự tự chủ linh hoạt của cấp thực hiện. Thành lập các ban chỉ đạo xây dựng NTM ở các cấp: Ban chỉ đạo quốc gia, Ban xây dựng NTM của tỉnh, Ban xây dựng NTM cấp huyện, Ban quản lý cấp xã, Ban Phát triển thôn. Những nội dung xây dựng tiêu chí GTNT được hướng dẫn, giải thích từ Bộ Giao thông - Vận tải; cấp tỉnh, cấp huyện rồi mới đến cấp xã tổ chức thực hiện. Để đánh giá sự hài lòng của người dân có thể đánh giá thông qua các chỉ tiêu như: Công tác chỉ đạo có theo nguyên tắc phân quyền, giao công việc và giao quyền để thực hiện công việc, khuyến khích sự tự chủ linh hoạt của cấp thực hiện hay không; Địa phương đã có Ban xây dựng NTM cấp huyện, Ban quản lý cấp xã, Ban Phát triển thôn hay chưa; Các ban chỉ đạo xây dựng NTM ở các cấp thực hiện có theo đúng quy hoạch, chức năng; Công tác tuyên truyền xây dựng hạ tầng GTNT trong xây dựng NTM được phổ biến rộng rãi đến người dân hay không?...
1.3. Đánh giá về nguồn vốn và công tác huy động vốn cho xây dựng GTNN theo tiêu chuẩn NTM
Trong bối cảnh xây dựng NTM của địa phương, có rất nhiều công việc cần phải thực hiện như: chi hoạt động thường xuyên, chi đầu tư xây dựng cơ bản, chi phòng chống lụt bão, chi an toàn giao thông,... trong khi nguồn thu lại rất hạn chế. Ngoài nguồn vốn ngân sách, phải có các nguồn vốn khác bổ sung là rất cần thiết nên công tác huy động vốn nếu được thực hiện tốt sẽ góp phần thực hiện tốt công tác xây dựng cơ sở hạ tầng GTNT. Để đánh giá sự hài lòng của người dân về tiêu chí này, ta có thể đánh giá thông qua các chỉ số: Nguồn vốn phục vụ cho xây dựng GTNT có được đa dạng hóa từ ngân sách các cấp, vốn vay tín dụng, vốn xã hội hóa,... hay không; Nguồn vốn chi cho xây dựng hạ tầng GTNT trong xây dựng NTM được chi theo mức độ ưu tiên: Đường huyện, xã, thôn...; Nguồn vốn chi cho xây dựng hạ tầng GTNT trong xây dựng NTM được chi theo quy hoạch, kế hoạch hay không; Chính quyền có thực hiện công khai về các khoản chi cho xây dựng GTNT hay không?...
1.4. Đánh giá về công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng GTNT theo tiêu chí NTM
Quản lý xây dựng các tuyến đường GTNT trong xây dựng NTM là công tác hoạch định, theo dõi và kiểm soát tất cả những vấn đề của một dự án và điều hành mọi thành phần tham gia vào dự án đó, nhằm đạt được những mục tiêu của dự án đúng thời hạn với các chi phí, chất lượng và khả năng thực hiện chuyên biệt. Để đánh giá sự hài lòng của người dân đối với tiêu chí này thì có thể đánh giá qua các chỉ tiêu, như: Quản lý đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng GTNT có theo mô hình chuỗi kết quả: Đầu vào ? Hoạt động ? Đầu ra ? Mục tiêu hay không. Việc quản lý đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng GTNT có được thực hiện ở tất cả các cấp từ huyện xuống tới từng thôn xóm hay không; Người dân có được tham gia giám sát chặt chẽ các nguồn lực đầu vào của xây dựng GTNT hay không; Người dân có được tham gia vào tất cả các hoạt động của quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng GTNT như: chuẩn bị, xây dựng, kiểm tra chất lượng, nghiệm thu, tài chính, nhân sự…; Kết quả xây dựng hạ tầng GTNT có được quản lý chặt chẽ để không sai quy hoạch hay không?...
1.5. Đánh giá về công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng GTNT theo tiêu chí NTM
Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng GTNT theo tiêu chí NTM dựa trên bản kế hoạch thực hiện; các bản báo cáo tiến độ thực hiện của các ban quản lý; Báo cáo tài chính của các bộ phận; Kết luận của các cuộc kiểm tra, giám sát, đánh giá. Kiểm tra, giám sát được thực hiện qua quan sát xác định khối lượng công việc được thực hiện qua sản phẩm của các công việc trong quá trình xây dựng; qua thăm dò ý kiến, kết quả hoạt động của các bộ phận liên quan… Để đánh giá sự hài lòng của người dân về tiêu chí này, ta có thể đánh giá thông qua các chỉ tiêu như: Ban chỉ đạo xây dựng NTM các cấp thường xuyên kiểm tra, giám sát việc xây dựng cơ sở hạ tầng GTNT hay không; Công cụ của kiểm tra, giám sát có phải là bản kế hoạch thực hiện, các báo cáo tiến độ, tài chính… hay không; Hoạt động kiểm tra, giám sát được tiến hành có sự tham gia của người dân địa phương hay không; Các báo cáo kiểm tra, giám sát đảm bảo tính trung thực, chính xác và được công bố rộng rãi hay không; Bộ phận kiểm tra phải có năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức và độc lập với các bộ phận bị kiểm tra hay không?...
2. Phương pháp tiến hành
Theo Hair và cộng sự (1998), để đảm bảo độ tin cậy của kết quả điều tra thì số lượng phiếu khảo sát thu thập cần tối thiểu phải gấp 5 lần số quan sát trong bảng hỏi. Khi đó, với bảng hỏi gồm 34 quan sát (28 quan sát cho 6 tiêu chí ảnh hưởng và 6 quan sát cho sự hài lòng), tác giả đã phát ra 250 phiếu khảo sát tới 250 hộ gia đình tại 3 xã của Huyện gồm 2 xã đã đạt chuẩn NTM là Phù Lưu Tế và Hợp Tiến và 1 xã đang tiến hành xây dựng NTM là Hùng Tiến và số lượng được chia đều cho 3 xã. Sau 2 tháng tiến hành khảo sát (từ tháng 12/2018 – tháng 01/2019), kết quả thu về đủ 250 phiếu, trong đó có 11 phiếu không hợp lệ do điền thiếu thông tin, còn lại 239 phiếu đạt yêu cầu và xử lý số liệu dựa trên phần mềm SPSS.
3. Thực trạng các tiêu chí xây dựng hạ tầng GTNT theo chuẩn NTM
Từ kết quả khảo sát số liệu thu được, tác giả thực hiện phân tích, đánh giá thực trạng thực hiện tiêu chí xây dựng cơ sở hạ tầng GTNT trong xây dựng NTM trên địa bàn huyện Mỹ Đức theo nội dung 6 nhân tố với 28 thang đo đại diện được thiết kế trong bảng khảo sát. Kết quả như sau: (Xem Bảng).
3.1. Công tác xây dựng quy hoạch
Giá trị trung bình tiêu chí này đạt 2.90 điểm, các biến quan sát dao động từ 2.64 - 3.24 điểm. Sở dĩ có kết quả này là vì, khi tiến hành thực hiện công tác quy hoạch, Huyện đều tổ chức họp để lấy ý kiến của người dân về công tác quy hoạch, nên họ thấy rằng mình được tham gia. Nhưng có thể người dân ngầm hiểu rằng, việc quy hoạch hay điều chỉnh quy hoạch sẽ phụ thuộc nhiều vào các quyết định của Thành phố và UBND huyện Mỹ Đức, vì vậy tiêu chí “Quy hoạch hàng năm được điều chỉnh theo sự cân đối các nguồn lực của thành phố, huyện, xã và nhân dân” có giá trị thấp hơn (3.09 điểm). Bên cạnh đó, đa số người dân cho rằng, vai trò của người dân trong việc tham gia kiểm tra, giám sát công tác quy hoạch GTNT còn ở mức thấp (2.64 điểm) nên đánh giá công tác quy hoạch GTNT chưa được xây dựng trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương khi giá trị trung bình tiêu chí này chỉ đạt 2.75 điểm và việc quy hoạch GTNT cũng chưa có sự kết nối các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện và các khu vực dân cư, khu vực sản xuất khi chỉ đạt 2.80 điểm.
3.2. Công tác chỉ đạo xây dựng
Giá trị của các biến quan sát cho tiêu chí này dao động trong khoảng từ 2.43 - 2.90 điểm. Qua thực tế tìm hiểu cho thấy, hiện nay, trên địa bàn Huyện đã thành lập các ban xây dựng NTM cấp huyện, Ban quản lý cấp xã, Ban Phát triển thôn. Tuy nhiên, các thành viên trong các ban thường là cán bộ kiêm nhiệm và đôi khi không có kinh nghiệm về xây dựng cơ sở hạ tầng GTNT. Do đó, người dân không nhận thấy vai trò của cán bộ các ban trong công tác chỉ đạo xây dựng, họ cho rằng các ban chỉ đạo xây dựng NTM ở các cấp thực hiện chỉ đạo chưa theo đúng quy hoạch (2.67 điểm); công tác chỉ đạo chưa theo nguyên tắc phân quyền, giao công việc và giao quyền để thực hiện công việc, khuyến khích sự tự chủ linh hoạt của cấp thực hiện chưa được thực hiện tốt nên giá trị tiêu chí này chỉ đạt 2.72 điểm. Bên cạnh đó, người dân cũng đánh giá công tác tuyên truyền xây dựng hạ tầng GTNT theo chuẩn NTM chưa được phổ biến rộng rãi đến người dân khi giá trị trung bình tiêu chí này chỉ đạt 2.90 điểm. Điều này có thể là do hình thức tuyên truyền của địa phương còn đơn điệu khi chủ yếu tuyên truyền qua loa phát thanh thay vì là tại các cuộc họp dân, trong ngày hội đại đoàn kết…
3.3. Nguồn vốn và công tác huy động vốn
Giá trị trung bình các quan sát cho tiêu chí này dao động từ 3.36 - 3.59 điểm. Kết quả này cho thấy, người dân trên địa bàn huyện Mỹ Đức tương đối hài lòng về việc phân bổ vốn cho các hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng GTNT khi quan sát “Nguồn vốn chi cho xây dựng hạ tầng GTNT theo chuẩn NTM được chi theo quy hoạch, kế hoạch” có giá trị đạt 3.59 điểm và quan sát “Chính quyền thực hiện công khai về các khoản chi cho xây dựng GTNT” đạt 3.49 điểm. Tuy nhiên, người dân địa phương chưa đánh giá cao tính đa dạng của nguồn vốn phục vụ cho xây dựng GTNT khi quan sát “Nguồn vốn phục vụ cho xây dựng GTNT được đa dạng hóa từ ngân sách các cấp, vốn vay tín dụng, vốn xã hội hóa,...” chỉ đạt mức 3.43 điểm và thực tế tại địa phương cũng cho thấy nguồn vốn chủ yếu để phục vụ cho xây dựng GTNT là đến từ nguồn ngân sách mà chưa có nhiều từ vốn xã hội hóa.
3.4. Công tác quản lý đầu tư xây dựng
Giá trị trung bình nhân tố này đạt 3.58 điểm cho thấy, việc xây dựng hạ tầng GTNT được quản lý chặt chẽ để không sai quy hoạch và đạt được sự ghi nhận, đánh giá cao của người dân. Bên cạnh đó, vẫn có nội dung được người dân đánh giá tương đối thấp như “Việc quản lý đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng GTNT được thực hiện ở tất cả các cấp từ huyện xuống tới từng thôn xóm” và “Người dân được tham gia giám sát chặt chẽ các nguồn lực đầu vào của xây dựng GTNT” khi chỉ đạt giá trị trung bình lần lượt là 3.39 và 3.40 điểm, cho thấy việc thực hiện công tác quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng GTNT vẫn chưa được thực hiện thống nhất ở tất cả các cấp từ huyện xuống tới từng thôn xóm, cũng như vai trò giám sát của người dân đối với công tác này chưa được đề cao.
3.5. Công tác kiểm tra, giám sát xây dựng
Công tác kiểm tra, giám sát xây dựng nhìn chung được người dân đánh giá ở mức khá cao khi giá trị trung bình của nhân tố này đạt 3.91 điểm, giá trị trung bình của các thang đo dao động từ 3.83 - 3.99 điểm. Họ cho rằng, công cụ kiểm tra, giám sát việc xây dựng hạ tầng GTNT thông qua bản kế hoạch thực hiện, các báo cáo tiến độ, tài chính… là phù hợp với giá trị đạt 3.99 điểm, người dân cũng nhận thấy Ban chỉ đạo xây dựng NTM các cấp thường xuyên kiểm tra, giám sát việc xây dựng cơ sở hạ tầng GTNT khi đánh giá với giá trị đạt 3.94 điểm. Bên cạnh đó, người dân cũng cho rằng bộ phận kiểm tra cần phải có năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức và độc lập với các bộ phận bị kiểm tra khi đánh giá thang đo này đạt 3.92 điểm.
3.6. Chất lượng công trình xây dựng
Nhân tố này được người dân địa phương đánh giá ở mức độ 3, giá trị trung bình của 4 quan sát đại diện cho 4 thang đo của nhân tố này dao động trong khoảng từ 2.97 - 3.53 điểm. Với kết quả này, có thể thấy người dân chưa thực sự đánh giá cao và tin tưởng vào chất lượng các công trình hạ tầng GTNT ở địa phương; họ không chắc chắn rằng các công trình hạ tầng GTNT được xây dựng đúng theo quy hoạch khi giá trị thang đo này chỉ đạt 2.97 điểm, các tiêu chí về độ bền, tiến độ, tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng cũng được người dân đánh giá ở mức tương đối thấp.
4. Kết luận
Như vậy, trong các tiêu chí về xây dựng hạ tầng GTNT theo chuẩn NTM trên địa bàn huyện Mỹ Đức, người dân đánh giá cao nhất đầu tiên là “Công tác kiểm tra, giám sát xây dựng” với 3.91 điểm, thứ hai là tiêu chí “Công tác quản lý đầu tư xây dựng” với 3.58 điểm, thứ ba là tiêu chí “Công tác huy động vốn” với 3.47 điểm, thứ tư là tiêu chí “Chất lượng công trình xây dựng” với 3.31 điểm, thứ năm là tiêu chí “Công tác xây dựng quy hoạch” với 2.90 điểm, và thấp nhất là tiêu chí “Công tác chỉ đạo xây dựng” với 2.64 điểm. Nhìn chung, người dân trên địa bàn huyện Mỹ Đức chưa thực sự đánh giá cao các tiêu chí về xây dựng hạ tầng GTNT theo chuẩn NTM nên kết quả là, họ cũng chưa hài lòng về vấn đề này khi “Sự hài lòng của người dân về tiêu chí xây dựng hạ tầng GTNT của huyện Mỹ Đức trong xây dựng NTM” chỉ đạt 2.45 điểm. Do đó, trong thời gian tới, chính quyền huyện Mỹ Đức cần có những giải pháp thiết thực hơn, hiệu quả hơn trong việc quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng GTNT theo chuẩn NTM để tăng sự hài lòng của người dân hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thông tư số 54/2009/TT-BNNPTNT ngày 21/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia.
2. Hồ Xuân Hùng 2011. Xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp cách mạng lâu dài của Đảng và nhân dân ta. Tạp chí Cộng sản, tháng 2/2011, 46-52.
3. Cù Xuân Hưởng 2006. Lý luận, thực tiễn và các chính sách xây dựng nông thôn mới Trung Quốc.
4. Lê Văn Huy 2007. Sử dụng chỉ số hài lòng của khách hàng trong hoạch định chiến lược kinh doanh ngân hàng: Cách tiếp cận mô hình lý thuyết. Tạp chí Khoa học và Công nghệ, 2 (19).
5. Trần Minh Huyền 2015. Phát triển bền vững các làng thanh niên lập nghiệp ở tỉnh Nghệ An. Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
6. Nguyễn Đăng Khoa 2011. Một số vấn đề về xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam hiện nay. Viện Xã hội.
7. Nguyễn Mai 2018. Mỹ Đức cần hỗ trợ xây dựng nông thôn mới. Hà Nội mới.
8. Trần Ngọc Ngoạn 2016. Phát triển nông thôn bền vững: Những vấn đề lý luận và kinh nghiệm thế giới, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội.
9. Nguyễn Ngọc & Đỗ Đức Định 2001. Một số vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở các nước và Việt Nam (Bản dịch), Nhà Xuất bản Thế giới.
10. Nghị quyết số 26-NQ/TƯ ngày 5/8/2008 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.
11. Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
12. Nguyễn Từ 2008. Hội nhập kinh tế quốc tế và tác động của nó đến phát triển nông nghiệp Việt Nam, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia.
PEOPLE'S SATISFACTION ON CRITERIA OF BUILDING RURAL TRANSPORT INFRASTRUCTURE UNDER NEW RURAL STANDARDS IN MY DUC DISTRICT, HANOI CITYMA. PHAM TRAN THANG LONG
Thang Long UniversityABSTRACT:
This study was based on the results of a survey of 239 households in 3 communes of My Duc district of Hanoi. The results showed that the peoples satisfaction level with the criteria of building rural transport infrastructure according to the new rural standard in My Duc district was ranked in the highest. "Construction inspection and supervision" criteria scored highest at 3.91 points. The second criteria is "Construction investment management" scored 3.58 points and the third is "Capital mobilization work" with 3.47 points. The fourth is "Quality of construction works" with 3.31 points, the fifth is "Construction planning work" with 2.90 points, and the lowest is "Construction direction work" with 2.64 points. This result provides a practical basis for My Duc district to have more effective solutions to build rural transport infrastructure under new rural standards in order to increase people's satisfaction.Keywords: New rural, rural traffic, My Duc district, Hanoi City.