Sự hình thành và phát triển của mô hình tài phán hiến pháp ở Hàn Quốc – gợi ý cho Việt Nam

ThS. LÊ PHƯƠNG HOA (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Nhà nước và Pháp luật)

Tóm tắt:

Sự phát triển của Tòa án hiến pháp ở Hàn Quốc đã ghi nhận những bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ hiến pháp, bảo đảm các quyền cơ bản của con người. Để đạt được những thành tựu đó, Hàn Quốc đã trải qua tiến trình lịch sử với nhiều thay đổi. Bài viết nghiên cứu quá trình vận động và phát triển của mô hình tài phán hiến pháp ở Hàn Quốc gắn với bối cảnh chính trị, xã hội và sự hình thành của các bản hiến pháp từ đó đưa ra một số gợi mở cho việc xây dựng mô hình tài phán hiến pháp ở Việt Nam.

Từ khóa: tòa án, tài phán hiến pháp, bảo hiến, pháp luật.

 1. Đặt vấn đề

Trong lịch sử lập hiến, Hàn Quốc đã áp dụng nhiều mô hình tài phán khác nhau như Ủy ban hiến pháp, Tòa án hiến pháp, Tòa án tối cao,… Tuy nhiên, các cơ quan này chỉ tồn tại trên danh nghĩa, mà không có thực quyền do chế độ quân phiệt, độc tài. Chỉ từ Hiến pháp 1987, Tòa án hiến pháp mới có môi trường và các yếu tố thể chế để bảo đảm cho sự độc lập khi phán quyết về tính hợp hiến trong hoạt động của cơ quan lập pháp và hành pháp. Trong bài viết, tác giả khái quát quá trình hình thành và phát triển của nền tài phán hiến pháp ở Hàn Quốc thông qua sự vận động và phát triển của chủ nghĩa lập hiến.

2. Mô hình Ủy ban hiến pháp (1948 - 1960)

2.1. Bối cảnh chính trị - xã hội

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên được tổ chức ở miền Nam dưới sự bảo trợ của Liên Hợp quốc đã bầu ra được 198 dân biểu vào Quốc hội. Ngày 31/5/1948, Quốc hội họp phiên đầu tiên và sớm thành lập Ủy ban soạn thảo hiến pháp để khởi động việc soạn thảo Hiến pháp. Sau nhiều lần góp ý và sửa đổi, cuối cùng bản Hiến pháp đầu tiên đã được Quốc hội thông qua vào ngày 23/6/1948 và có hiệu lực vào ngày 17/7/1948.

2.2. Mô hình Ủy ban Hiến pháp được ghi nhận trong Hiến pháp

Trong quá trình xây dựng hiến pháp, đã có nhiều tranh luận liên quan đến việc lựa chọn mô hình tài phán hiến pháp ở Hàn Quốc. Thời gian này, các tranh luận xoay quanh việc nên trao quyền xem xét tính hợp hiến của các đạo luật cho tòa án thường hay cho một cơ quan độc lập. Đứng đầu quan điểm ủng hộ thành lập cơ quan tài phán hiến pháp độc lập là Yu Jin-o, một thành viên của Ủy ban soạn thảo hiến pháp có tầm ảnh hưởng trong quá trình xây dựng hiến pháp. Bản dự thảo ban đầu của Yu Jin-o quy định: Trong quá trình xét xử các vụ án, nếu tòa án cần xem xét tính hợp hiến của một đạo luật thì tòa án sẽ gửi kiến nghị lên Ủy ban Hiến pháp để đưa ra phán quyết. Hiến pháp năm 1948 được ban hành ghi nhận mô hình Ủy ban Hiến pháp, là cơ quan bảo vệ hiến pháp độc lập khỏi tòa án thường.

2.3. Thẩm quyền của Ủy ban Hiến pháp

Ủy ban Hiến pháp được Hiến pháp trao quyền xem xét tính hợp hiến của các đạo luật và luận tội.

Kể từ khi ban hành Luật về Ủy ban hiến pháp và Luật về Tòa án luận tội, Ủy ban Hiến pháp đã ra phán quyết về tính hợp hiến của các đạo luật của Quốc hội đối với 6 vụ việc, trong đó có 2 vụ việc được phán quyết là vi hiến gồm Luật Cải cách đất nông nghiệp (1952) và Sắc lệnh về các biện pháp đặc biệt trừng phạt tội phạm trong tình trạng khẩn cấp quốc gia (1952).

3. Mô hình Tòa án hiến pháp (1960 - 1962)

3.1. Bối cảnh chính trị - xã hội

Sau khi chiến tranh Nam - Bắc Triều Tiên bùng nổ (1950 - 1953), Rhee Syngman tiếp tục duy trì quyền lực tại Hàn Quốc với bàn tay sắt. Hiến pháp 1948 được sửa đổi lần thứ nhất vào năm 1952. Ở lần sửa đổi thứ hai, Hiến pháp bỏ giới hạn nhiệm kỳ Tổng thống và đề cao mô hình kinh tế tư nhân. Sự bất bình của công chúng trước vị Tổng thống quá già (85 tuổi) tham quyền cố vị, tham nhũng, tùy tiện sửa đổi Hiến pháp đến dẫn đến phong trào dân chủ vào năm 1960 để lật đổ chế độ Cộng hòa thứ nhất.

Với mục tiêu ổn định chính trị, Quốc hội mới thành lập đã thông qua nghị quyết về việc thành lập chính phủ nghị viện và cơ quan lập pháp mới sau khi sửa đổi hiến pháp. Hiến pháp 1960 đã khắc phục được những sai sót của Hiến pháp 1948, bản hiến pháp trong thời kỳ của nền Cộng hòa thứ nhất nhằm hạn chế quyền lực của chính phủ, đảm bảo quyền tự do của công dân, minh bạch trong cuộc bầu cử. Tổng thống chỉ còn vai trò tượng trưng. Tuy vậy, bản Hiến pháp này có tuổi thọ rất ngắn, Tòa án hiến pháp chưa kịp hình thành thì đã diễn ra cuộc đảo chính tháng 5/1961 của Park Chung - Hee.

3.2. Mô hình Tòa án hiến pháp được ghi nhận trong Hiến pháp

Hiến pháp 1960 của nền Cộng hòa đệ nhị ghi nhận chương riêng về Tòa án Hiến pháp tại Chương 8. Hiến pháp mới trao quyền tài phán hiến pháp cho một thiết chế độc lập là Tòa án hiến pháp thay vì trao cho các tòa án thường như sau: Thứ nhất, các quốc gia chậm phát triển như Hàn Quốc cần thiết phải có một thiết chế có thẩm quyền bảo vệ Hiến pháp khỏi sự lạm dụng của các cơ quan cầm quyền. Tòa án thường nói chung khó có thể đảm nhận vai trò bảo vệ Hiến pháp ngoại trừ Tòa án tối cao của Hoa Kỳ vì có lịch sử bề dày kinh nghiệm cũng như được trao quyền rất lớn. Thứ hai, các phiên tòa xét xử hiến pháp tập trung vào việc xem xét tính hợp hiến của các đạo luật, điều này sẽ hoàn toàn khác về bản chất so với các phiên tòa do tòa án thường xem xét, giải quyết. Thứ ba, vì các phiên tòa hiến pháp giải quyết các vấn đề mang tính chất chính trị như giải thích hiến pháp, trong khi đó các tòa án thường chỉ giải quyết các vấn đề phi chính trị nên không thể coi là một thiết chế thích hợp.

3.3. Thẩm quyền của Tòa án hiến pháp theo Hiến pháp 1960

Luật về Tòa án hiến pháp được thông qua vào ngày 17/4/1961 được coi là căn cứ pháp lý quan trọng trong việc thực thi quyền tài phán hiến pháp. Tòa án hiến pháp được thành lập với thẩm quyền được mở rộng gồm:

- Xem xét tính hợp hiến của các đạo luật;

- Giải thích hiến pháp và đưa ra phán quyết cuối cùng;

- Giải quyết các tranh chấp về thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước;

- Giải tán các đảng phái chính trị;

- Thẩm quyền luận tội;

- Xem xét tính hợp hiến của các cuộc bầu cử Tổng thống, chánh án và các thẩm phán Tòa án tối cao.

Trong quá trình xét xử, nếu nảy sinh vấn đề cần phải xem xét tính hợp hiến của đạo luật hoặc giải thích hiến pháp thì Tòa án hiến pháp có quyền đình chỉ việc xét xử tại tòa án thường cho đến khi đưa ra phán quyết (Điều 9, Đạo luật Tòa án Hiến pháp năm 1961).

Có thể thấy rằng, Tòa án hiến pháp ở giai đoạn này đã có đầy đủ các thẩm quyền của Tòa án hiến pháp hiện đại của ngày nay. Tuy nhiên, trên thực tế, thiết chế này chỉ mới được tồn tại trong thời gian rất ngắn và vẫn chưa được hiện thực hóa trong đời sống xã hội vì chỉ một tháng sau khi Luật về Tòa án hiến pháp được thông qua đã bị đình chỉ theo Điều 5 của Nghị định Khẩn cấp về Tái thiết đất nước do chính quyền quân sự ban hành và chính thức bị bãi bỏ vào ngày 30/12/1964.

Mặc dù Tòa án Hiến pháp của nền Cộng hòa thứ hai chưa được thành lập trên thực tế nhưng đã có những đóng góp đáng kể về mặt lịch sử và thể chế. Trước hết, Tòa án hiến pháp là thiết chế độc lập với tòa án thường và có thẩm quyền giám sát trừu tượng, vì thế mà Tòa án hiến pháp có thể phát huy vai trò trong việc xem xét tính hợp hiến của các đạo luật. Thứ hai, việc thành lập Tòa án Hiến pháp để xem xét tính hợp hiến của các đạo luật sẽ giúp tòa án thường tránh khỏi các áp lực chính trị trong quá trình xét xử dựa trên các luật do Quốc hội ban hành.

4. Mô hình Tòa án tối cao (1962 - 1972)

4.1. Bối cảnh chính trị - xã hội

Nền cộng hòa thứ ba ra đời vào năm 1963 và tồn tại đến năm 1972. Trong năm 1967, Park tiếp tục ra tranh chử Tổng thống và giành được 51,4% số phiếu. Vào thời điểm này, hiến pháp giới hạn tổng thống tối đa là 2 nhiệm kỳ. Tuy nhiên, năm 1969, một sửa đổi hiến pháp do Quốc hội, mà Đảng Dân chủ Cộng hòa của Park chiếm đa số, thông qua cho phép ông nắm quyền nhiệm kỳ thứ ba.

4.2. Mô hình tài phán hiến pháp phi tập trung - Tòa án tối cao

Trong thời kỳ này, chính quyền tập trung ưu tiên phát triển kinh tế và củng cố quyền lực, vì vậy các quyền cơ bản của người dân chưa được coi trọng. Quyền lực tập trung vào tổng thống, người đứng đầu cơ quan hành pháp. Trong Quốc hội, đảng của tổng thống chiếm đa số áp đảo nên cơ quan hành pháp có nhiều quyền hạn. Bên cạnh đó, Hiến pháp trao quyền cho tòa án thường trong việc xem xét tính hợp hiến của các đạo luật và Tòa án Tối cao có quyền đưa ra phán quyết cuối cùng.

Chính quyền không chú trọng đến việc giám sát tính hợp hiến của các đạo luật, vì muốn bảo vệ quyền lực và lợi ích của mình. Vì thế, trong quá trình sửa đổi hiến pháp vào năm 1963, Ủy ban soạn thảo Hiến pháp đã nghiên cứu nhiều mô hình tài phán hiến pháp khác nhau và đưa ra các quan điểm tranh luận cho việc thành lập mô hình tài phán hiến pháp và cuối cùng Hội đồng Tối cao tái thiết quốc gia lựa chọn mô hình tòa án thường để thực hiện quyền phán quyết hiến pháp.

Vào ngày 11/7/1962, chính phủ quân sự thành lập Ủy ban soạn thảo Hiến pháp với tư cách là Ủy ban đặc biệt trực thuộc Hội đồng Tái thiết quốc gia tối cao và bắt tay vào sửa đổi Hiến pháp. Dự thảo hiến pháp được Hội đồng thông qua và ban hành vào ngày 26/12/1962 để trở thành Hiến pháp của nền Cộng hòa thứ ba. Hiến pháp mới (sửa đổi lần 5) có nhiều điểm bổ sung giống với Hiến pháp Hoa Kỳ, chẳng hạn như quy định về bảo hiến theo mô hình phi tập trung của Hoa Kỳ với vai trò đặc biệt của Tòa án tối cao.

4.3. Thẩm quyền bảo hiến của Tòa án tối cao theo Hiến pháp 1962

Theo Hiến pháp 1962, thẩm quyền xem xét tính hợp hiến các luật của Quốc hội và quyền giải tán các chính đảng, giải quyết các tranh chấp về bầu cử thuộc về Tòa án tối cao.

Thẩm quyền luận tội vẫn được trao cho Tòa luận tội giống như trước đây và chỉ được thực hiện khi có ít nhất 30 thành viên Quốc hội đề nghị và được đa số thành viên Quốc hội thông qua. Tòa án luận tội sẽ chủ trì các phiên tòa luận tội.

5 .Mô hình Ủy ban hiến pháp (1972 - 1987)

5.1. Bối cảnh chính trị - xã hội

Năm 1972, nền Cộng hòa thứ ba được Park Chung - Hee chủ động thay thế bằng nền Cộng hòa thứ tư (1972 - 1979). Hiến pháp 1972 thành lập lại Ủy ban hiến pháp. Tuy nhiên, trên thực tế, Ủy ban này hầu như không đưa ra được phán quyết nào về vi hiến.

Tổng thống Tổng thống Park Chung - Hee bị ám sát vào ngày 26/10/1979. Trước những thay đổi về chính trị, chính quyền quân sự đã ban hành bản hiến pháp mới ngày 27/10/1980. Hiến pháp 1980 không cho phép bầu cử trực tiếp tổng thống, tiếp tục được duy trì cho đến khi được sửa đổi (lần 8) vào tháng 10 năm 1980.

5.2. Mô hình Ủy ban hiến pháp trong Hiến pháp 1972 và Hiến pháp 1980

Hiến pháp năm 1972 và Hiến pháp 1980 được ban hành với một chương riêng về việc thành lập Ủy ban hiến pháp. Mục đích của việc chuyển đổi mô hình tòa án thường sang Ủy ban hiến pháp với tính chất là cơ quan bảo hiến độc lập nhằm làm bảo vệ quyền lực của đảng cầm quyền trong Quốc hội. Giai đoạn này có thể coi là bước thụt lùi trong quá trình phát triển nền tài phán hiến pháp ở Hàn Quốc.

5.3. Thẩm quyền của Ủy ban hiến pháp

Ủy ban Hiến pháp vẫn tiếp tục có thẩm quyền xem xét tính hợp hiến của các đạo luật theo yêu cầu của tòa án thường, thẩm quyền luận tội và giải tán đảng phái chính trị.

Hiến pháp năm 1972 quy định việc xem xét tính hợp hiến của một đạo luật chỉ được thực hiện khi phát sinh trong một vụ việc cụ thể của tòa án. Xét về lý thuyết và thực tiễn, Ủy ban Hiến pháp ở giai đoạn này chỉ tồn tại ở mức danh nghĩa. Để phán quyết một điều khoản hoặc một đạo luật nào đó là vi hiến thì phải trải qua quá trình gồm hội đồng xét xử của tòa án thường phải kết luận rằng luật này là vi hiến, sau đó, tòa án tối cao phải đồng ý với kết luận của tòa án thường và gửi kiến nghị đến Ủy ban Hiến pháp. Cuối cùng, Ủy ban Hiến pháp phải đưa ra phán quyết đúng như những gì tòa án thường và Tòa án tối cao đã kết luận với tổng số 6/9 phiếu đồng ý.

Hiến pháp 1980 tiếp tục ghi nhận Ủy ban Hiến pháp trong một chương riêng và quyền hạn của Ủy ban gần như không thay đổi. Tòa án tối cao phải xem xét tính hợp hiến của các đạo luật trước khi được trình cho Ủy ban Hiến pháp và Ủy ban chỉ có nhiệm vụ bỏ phiếu và phán quyết là vi hiến theo kết luận của Tòa án tối cao. Như vậy, Ủy ban Hiến pháp vẫn tiếp tục là cơ quan hoạt động mang tính hình thức, vì theo quy định như vậy thì không vụ việc nào được đệ trình lên Ủy ban Hiến pháp nên không thể đưa ra phán quyết.

6. Mô hình Tòa án hiến pháp (từ năm 1987 đến nay)

6.1. Bối cảnh chính trị - xã hội

Sự ra đời của Hiến pháp 1987 gắn với phong trào dân chủ. Việc sửa đổi hiến pháp bắt đầu được khởi động, trong khi phòng trào Dân chủ tháng Sáu diễn ra từ ngày 10 - 29/6/1987 trên khắp đất nước. Trước đòi hỏi của người dân về việc bầu cử trực tiếp, Hiến pháp sửa đổi đã được thông qua vào tháng 10/1987 và có hiệu lực ngày 25/2/1988.

Tòa án hiến pháp được thành lập cho phép không chỉ các cơ quan nhà nước mà còn cả các công dân có quyền đề nghị Tòa án xem xét các vi phạm hiến pháp. Dự thảo luật về Tòa án hiến pháp được đệ trình và thông qua ngày 5/8/1988 và có hiệu lực vào ngày 01/9/1988.

6.2. Mô hình Tòa án hiến pháp được ghi nhận trong Hiến pháp 1987

Cho đến Hiến pháp 1987, Tòa án Hiến pháp mới có vai trò độc lập trong việc phán quyết về tính hợp hiến trong các hoạt động của hành pháp và lập pháp. Luật Tòa án Hiến pháp được thông qua trong tháng 8 năm 1988, có hiệu lực từ tháng 9 cùng năm. Luật này được sửa đổi liên tục 12 lần, trong khoảng giữa các năm 1991 đến 2009.

Tuy vậy, để từ khi thành lập đến nay, Tòa án Hiến pháp đã trở thành một trụ cột quan trọng của nền dân chủ quốc gia. Nguyên nhân của những thành công của mô hinh này phải kể đến: Thứ nhất, Tòa án Hiến pháp là sản phẩm của sự quyết tâm của người dân Hàn Quốc tiến lên con đường dân chủ, quyết tâm đó cũng đã thể hiện rõ trong Phong trào Dân chủ tháng 6 (1987); Thứ hai, hiểu biết về hiến pháp của nhân dân và môi trường chính trị đã đủ chín muồi cho hoạt động của Tòa án Hiến pháp; Thứ ba, những thẩm phán trong Tòa án hiến pháp có vai trò tích cực, dù cho khuôn khổ pháp lý và thể chế lúc ban đầu có những giới hạn.

6.3. Thẩm quyền của Tòa án hiến pháp

Thẩm quyền của Tòa án Hiến pháp rộng gồm xem xét tính hợp hiến của các đạo luật (theo yêu cầu của tòa án thường), luận tội, giải tán chính đảng, tranh chấp thẩm quyền giữa cơ quan nhà nước với chính quyền địa phương và giữa các chính quyền địa phương, khiếu nại hiến pháp.

  • Thẩm quyền xem xét tính hợp hiến của các đạo luật
  • Thẩm quyền buộc tội các quan chức cấp cao
  • Thẩm quyền ra phán quyết giải tán đảng phái chính trị
  • Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về thẩm quyền
  • Giải quyết khiếu kiện Hiến pháp

7. Gợi mở cho việc xây dựng mô hình tài phán hiến pháp ở Việt Nam

           Ở Việt Nam, Hiến pháp 2013 mặc dù đã ghi nhận về cơ chế bảo vệ Hiến pháp tại điều 119. Tuy nhiên, Hiến pháp đã chưa xác định rõ cơ chế bảo vệ hiến pháp trực tiếp và chúng ta chưa có một cơ quan chuyên trách bảo vệ hiến pháp.

Với quy định của Hiến pháp hiện hành thì chủ thể có quyền bảo vệ hiến pháp được trải dài từ cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội đến các thiết chế khác như Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và cả chính quyền địa phương (Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân). Các cơ quan trên có trách nhiệm bảo vệ hiến pháp (Điều 119 Hiến pháp 2013). Việc quy định như vậy dẫn đến việc không có một cơ quan nào có chức năng chuyên môn hóa trong bảo vệ Hiến pháp, hiệu quả hoạt động giám sát, bảo vệ Hiến pháp là không cao và là nguyên nhân của việc đùn đẩy trách nhiệm trong quá trình thực hiện. Mặt khác, từ thực tiễn cho thấy hành vi vi phạm Hiến pháp không phải là hành vi đơn giản, do vậy, việc xử lý các hành vi vi phạm này cần phải có trình độ, chuyên môn phù hợp. Hạn chế này đặt ra yêu cầu và đòi hỏi phải có cơ quan chuyên trách thực hiện công cuộc bảo vệ Hiến pháp.

Qua nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển của nền tài phán hiến pháp ở Hàn Quốc gắn với quá trình chuyển đổi Hiến pháp, có thể có một số kết luận gợi mở cho Việt Nam, như sau:

- Việt Nam đang có những chuyển đổi tích cực trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đảng ta đã chính thức công nhận vai trò của Nhà nước pháp quyền, của nền dân chủ và tài phán hiến pháp. Đây chính là tiền đề quan trong trong việc cụ thể hóa mô hình tài phán hiến pháp theo Hiến pháp 2013 ở nước ta.

- Liên quan đến sự lựa chọn mô hình tài phán hiến pháp, Hiến pháp ghi nhận quyền kiểm hiến mang tính chính trị. Trong khi đó, đa phần các học giả ủng hộ thành lập mô hình tài phán hiến pháp cụ thể có khả năng phù hợp với Việt Nam.

- So với những cải cách ở Hàn Quốc, những chuyển đổi của Việt Nam còn chậm và ít hơn nhiều.

- Cải cách hiến pháp tại Việt Nam, như một thành tố quan trọng của cải cách chính trị, cải cách thể chế, với một lộ trình dài hạn, gồm nhiều bước rõ ràng, có sự tham gia rộng rãi của các thành phần xã hội là con đường ngắn nhất để tránh các đổ vỡ, xung đột không đáng có, cũng là phù hợp với truyền thống hòa bình của phương Đông.

- Trình tự lập hiến, sửa đổi hiến pháp nên quy định thủ tục trưng cầu ý dân để mở rộng sự tham gia của công chúng. Cạnh đó, cải cách hiến pháp nên trở thành một mục tiêu ưu tiên vận động của các lực lượng thúc đẩy cải cách theo hướng bảo đảm công bằng xã hội và dân chủ.

8. Kết luận

Sự hình thành và phát triển của nền tài phán hiến pháp ở Hàn Quốc gắn liền với quá trình chuyển đổi hiến pháp. Trải qua nhiều mô hình tài phán hiến pháp khác nhau, cuối cùng, Tòa án hiến pháp là mô hình đã phát huy một cách hiệu quả nhất trong việc bảo vệ quyền con người. Những thành công của Tòa án hiến pháp xuất phát từ quyết tâm chính trị của nhà cầm quyền và những cải cách hiến pháp để thúc đẩy nền dân chủ tại Hàn Quốc.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Constitutional Court of Korea. (2018). Thirty years of the Constitutional Court of Korea. South Korea: Government Publications.
  2. Lã Khánh Tùng (2015). Sự phát triển của hiến pháp trong tiến trình dân chủ hóa ở Đông Á. Luận án Tiến sĩ Luật học.
  3. Đặng Minh Tuấn (2011). Chuyển đổi hiến pháp tại Hàn Quốc và Nhật Bản, một số kinh nghiệm cho Việt Nam. Trong cuốn sách “Hiến pháp: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
  4. Đặng Minh Tuấn (2011). Du nhập tài phán hiến pháp ở Thái Lan và Hàn Quốc, một số kinh nghiệm cho Việt Nam. Trong cuốn sách “Hiến pháp: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
  5. Lã Khánh Tùng (2013). Vai trò thúc đẩy dân chủ của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc. Tạp chí Khoa học - Chuyên san Luật học, Đại học Quốc gia Hà Nội, tập 29, số 3.
  6. Tom Ginsburg. (2003). Judicial review in New Democracies: Constitutional Court in Asian Cases. New York: Cambridge University Press.

 

The establishment and development of the constitutional review model in Korea - implications for Vietnam

LLM. LE PHUONG HOA

Institute of State and Law

Vietnam Academy of Social Sciences

Abstract:

The development of the Constitutional Court of Korea has shown important steps in protecting the constitution and ensuring basic human rights. To achieve these results, Korea had undergone a historical period with many changes. This article studies the development process of the constitutional review model in Korea in association with the political and social context and the formation of previous constitutions, thereby giving some implications for the establishment of a constitutional review model in Vietnam.

Keyword: court, constitional review, constitutional adjudication.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 26, tháng 11 năm 2021