Tăng trưởng và kỳ vọng tăng trưởng kinh tế thế giới và một số vấn đề đặt ra cho Việt Nam

Đề tài Tăng trưởng và kỳ vọng tăng trưởng kinh tế thế giới và một số vấn đề đặt ra cho Việt Nam do TS. Đậu Hương Nam (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) thực hiện.

Tóm tắt:

Bài viết khảo sát kinh tế thế giới, đánh giá những đặc điểm của tăng trưởng kinh tế thế giới, trong đó nhấn mạnh một số khu vực và quốc gia tại thời điểm hiện nay. Kinh tế thế giới hiện nay nhìn chung đang đối mặt với những thách thức, khó khăn, với tốc độ tăng trưởng được dự báo sẽ chững lại, tuy nhiên cũng có những điểm sáng như kinh tế Ấn Độ và một số quốc gia mới nổi. Đây là những gợi ý về thách thức nhưng cũng là cơ hội cho Việt Nam.

Từ khóa: kinh tế thế giới, tăng trưởng kinh tế, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Bối cảnh thế giới đang trong giai đoạn phức tạp với các diễn biến đa chiều, đan xen giữa kinh tế, chính trị, địa chính trị. Tất cả những diễn biến đó đều có tác động sâu sắc đến kinh tế toàn cầu, vốn dĩ đã gặp rất nhiều khó khăn trong phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, nay lại càng khó khăn, khó đoán định hơn.

Để có hiểu biết chính xác hơn về bức tranh kinh tế thế giới hiện nay, bài nghiên cứu này tập trung vào khảo sát tăng trưởng và triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới, các nước và các khu vực chủ đạo và một số khía cạnh quan trọng liên quan, bao gồm tình hình lạm phát, hay giá dầu, trong đó biến động giá dầu có thể phần nào phản ánh phản ứng của kinh tế thế giới với các “cú sốc” ngoại sinh, như các xung đột về kinh tế, địa chính trị đang diễn ra, hay đại dịch Covid-19... Những phân tích này đóng góp thêm một cơ sở quan trọng để có những nhận định chắc chắn hơn về dự báo diễn biến sắp tới và triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới, qua đó là cơ sở để có những nhận định phù hợp cho kinh tế Việt Nam và những định hướng, giải pháp chính sách thích hợp.

2. Tăng trưởng, kỳ vọng tăng trưởng kinh tế thế giới và một số khía cạnh liên quan

2.1. Tăng trưởng kinh tế 2023 và kỳ vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới năm 2024, 2025

Bảng 1 trình bày số liệu tăng trưởng các năm 2022, 2023 và dự báo tăng trưởng các năm 2024, 2025 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Số liệu tính toán của IMF được cập nhật trong tháng 04/2024 (IMF, 04/2024) và số liệu được trình bày của WB được cập nhật tháng 01/2024 (World Bank, 01/2024).

Theo báo cáo của IMF (Panel trái, Bảng 1), tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 ở mức 3,2% và năm 2024 và 2025 được dự báo cũng sẽ tăng trưởng ở mức này. Mức tăng trưởng 3,2% đạt được đã cao hơn dự báo trước đó của IMF ở mức 2,9% cho năm 2023 và 2,9% cho năm 20241, theo đó mức dự báo 3,2% cho năm 2024 cũng được điều chỉnh sau khi có số liệu tăng trưởng thực của năm 2023, cao hơn dự báo như đề cập ở trên. Số liệu báo cáo và dự báo của Ngân hàng Thế giới (Panel phải, Bảng 1) cho thấy sự thận trong hơn trong các tính toán. Số liệu tăng trưởng của Ngân hàng Thế giới cho thấy một xu thế tương tự, nhưng ở mức thấp hơn. Năm 2023, tăng trưởng kinh tế thế giới theo tính toán của IMF là 3,2%, trong khi đó theo tính toán của Ngân hàng Thế giới chỉ là 2,6%. Đối với năm 2024, trong khi IMF dự báo tăng trưởng kinh tế giữ ở mức như năm 2023, thì WB thiếu lạc quan hơn và dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại, ở mức 2,4%, thấp hơn mức tăng trưởng năm 2023, trước khi khởi sắc hơn với mức tăng trưởng được dự báo là 2,7% cho năm 2025. (Bảng 1)

Bảng 1. Tăng trưởng kinh tế thế giới 2022-2023 và dự báo năm 2024, 2025

Đơn vị: %; Nguồn IMF; WB2, [1]

Số liệu IMF (04/2024)

Số liệu WB (01/2024)

 

 

 

Dự báo

 

 

Dự báo

 

2022

2023

2024

2025

2022

2023

2024

2025

Toàn cầu

3,50

3,20

3,20

3,20

3,00

2,60

2,40

2,70

Các nước phát triển

2,60

1,60

1,70

1,80

2,50

1,50

1,20

1,60

Hoa kỳ

1,90

2,50

2,70

1,90

1,90

2,50

1,60

1,70

Châu Âu (EU)

3,40

0,40

0,80

1,50

3,40

0,40

0,70

1,60

Đức

1,80

-0,30

0,20

1,30

 

 

 

 

Pháp

2,50

0,90

0,70

1,40

 

 

 

 

Ý

4,00

0,90

0,70

0,70

 

 

 

 

Nhật Bản

1,00

1,90

0,90

1,00

1,00

1,80

0,90

0,80

UK

4,30

0,10

0,50

1,50

 

 

 

 

Canada

3,80

1,10

1,20

2,30

 

 

 

 

Các nước khác

2,70

1,80

2,00

2,40

 

 

 

 

Các nước mới nổi và đang phát triển

4,10

4,30

4,20

4,20

3,70

4,00

3,90

4,00

Bắc Mỹ

2,30

2,50

2,60

1,90

 

 

 

 

Các nước châu Á-Thái Bình Dương

4,00

4,80

4,40

4,20

3,40

5,10

4,50

4,40

Đông Á

2,60

4,30

3,90

3,50

 

 

 

 

Trung Quốc

3,00

5,20

4,60

4,10

3,0

5,2

4,5

4,3

Ấn Độ

7,00

7,80

6,80

6,50

7,20

6,30

6,40

6,50

ASEAN-5

5,50

4,10

4,50

4,60

 

 

 

 

Các nước châu Âu

2,50

1,00

1,40

1,80

 

 

 

 

                                                                                                                    Nguồn: Tác giả

Về tổng thể, có thể thấy, mức tăng trưởng hiện nay đang thấp hơn mặt bằng tăng trưởng bình quân trước dịch Covid-19 (ví dụ 3,38% theo dữ liệu IMF (04/2024)4) và quan trọng hơn là từ các dự báo trước đây và hiện tại của IMF và World bank. Sự thiếu nhất quán trong dự báo của hai tổ chức, cùng với đó là thực tế tăng trưởng đang diễn ra, tăng trưởng kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn, và tốc độ tăng trưởng đang có xu thế chững lại trong ngắn hạn.

Điều đáng lưu ý là các nền kinh lớn là Hoa Kỳ và Trung Quốc đều đang thể hiện sức tăng trưởng hạn chế. Theo IMF, tăng trưởng năm 2023 của Hoa Kỳ là 2,5%, dự báo tăng nhẹ lên mức 2,7% năm 2024, nhưng sẽ giảm xuống còn 1,9% năm 2025. Ngân hàng Thế giới cũng thống nhất với IMF về mức tăng trưởng 2,5% năm 2023 của Hoa Kỳ, tuy nhiên dự báo năm 2024 Hoa Kỳ chỉ tăng trưởng ở mức rất khiêm tốn là 1,6%, tăng nhẹ lên mức 1,7% năm 2025. Dự báo của Ngân hàng Thế giới  thấp tương đối sâu so với dự báo của IMF. Kinh tế Trung Quốc cũng đang trong giai đoạn khó khăn, đạt mức tăng trưởng 5,2% năm 2023, nhưng dự báo sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 4,6% năm 2024 và giảm sâu hơn xuống 4,1% năm 2025 theo IMF. Tương tự như đối với Hoa Kỳ, Ngân hàng Thế giới thống nhất với IMF về mức tăng trưởng 5,2% năm 2023 của Trung Quốc và cũng dự báo Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại ở mức 4,5% năm 2024 và 4,3% năm 2025.

Các nước EU tăng trưởng ở mức độ tương đối hạn chế, một số nước được dự báo tiếp tục suy yếu trong năm 2024 và khởi sắc nhẹ trong năm 2025. Theo số liệu của IMF, năm 2023, Đức tăng trưởng -0,3%, UK chỉ tăng trưởng 0,1%, Pháp và Ý tăng trưởng 0,9%; khu vực EU tăng trưởng 0,4% toàn khối. Năm 2024, một số nước được dự báo tăng trưởng có cải thiện như Đức ở mức 0,2%, UK ở mức 0,5%; tuy nhiên một số nước khác được dự báo mức tăng trưởng thấp hơn như Pháp và Ý ở mức 0,7%. Toàn khối EU được dự báo tăng trưởng 0,8%, dù rất khiêm tốn nhưng đã cao hơn mức 0,4% năm 2023. Năm 2025, khu vực EU được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 1,5%, gần gấp 2 lần năm 2024, trong đó Đức 1,3%, Pháp 1,4% và UK 1,5%. Mở rộng ra, toàn khu vực châu Âu cũng cho thấy xu hướng trưởng ổn định trong năm 2023 và mấy năm tới, tuy nhiên mức tăng trưởng tương đối yếu từ 1%-dưới 2%.

Trong khi đó, Nhật Bản đạt mức tăng trưởng khá tốt năm 2023 ở mức 1,9%, tuy nhiên  được dự báo suy yếu vào năm 2024, giảm khá sâu xuống mức 0,9%, và khởi sắc nhẹ năm 2025 ở mức 1,0%, theo số liệu của IMF. Tuy nhiên Ngân hàng Thế giới dự báo năm 2025, nền kinh tế Nhật Bản tiếp tục giảm tốc tăng trưởng và sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 0,8%. Với sự phân tích về sự tăng trưởng các nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản như trên, tính chung, cả khu vực Đông Á đạt mức tăng trưởng 4,3% năm 2023, nhưng sẽ giảm xuống ở mức dự báo 3,9% năm 2024 và sẽ tiếp tục giảm xuống 3,5% năm 2025.

Về tổng thể, các nước phát triển tăng trưởng ở mức tương đối hạn chế năm 2023, ở mức 2,6% theo IMF và 2,5% theo Ngân hàng Thế giới. Trong 2 năm tiếp theo, về tổng thể, tăng trưởng kinh tế của các nước này được dự báo dao động xung quanh mức này; cụ thể theo IMF, tăng trưởng sẽ tăng nhẹ lên mức 1,7% năm 2024 và 1,8% năm 2025; trong khi đó Ngân hàng Thế giới thì thiếu lạc quan hơn về năm 2024 với mức dự báo tăng trưởng 1,2%, trước khi hồi phục, và điều chỉnh lại mức 1,6% năm 2025.

Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển mặc dù có mức tăng trưởng cao hơn các nước phát triển, tuy nhiên sức tăng trưởng năm 2023 cũng ở mức tương đối khiêm tốn, theo tính toán của IMF là ở mức 4,3% và các năm tới chưa cho thấy có dấu hiệu và động lực tăng trưởng bứt phá và do đó khu vực nền kinh tế đang phát triển được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức xấp xỉ năm 2023 và cụ thể 4,2% cho các năm 2024 và 2025. Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra các dự báo tương tự, nhưng ở mức thấp hơn, cụ thể 3,9% cho năm 2024 và 4,00% năm 2025.

Điểm sáng hiếm hoi của kinh tế thế giới là nền kinh tế Ấn Độ. Mặc dù, trong 2 năm tới, nền kinh tế này cũng được dự báo tăng trưởng chậm lại so với năm 2023, tuy nhiên mức tăng trưởng tuyệt đối có thể nói là tương đối cao. Theo số liệu của IMF, năm 2023 Ấn Độ tăng trưởng ở mức ấn tượng 7,8% và được dự báo tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024 và 6,5% năm 2025; dự báo tăng trưởng của Ngân hàng Thế giới đối với Ấn Độ cũng ở mức tương tự là 6,4% năm 2024 và 6,5% năm 2025. Với quy mô dân số và nền kinh tế Ấn Độ, mức tăng trưởng như vậy là rất ấn tượng, do vậy nền kinh tế này có thể là một điểm sáng thúc đẩy kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn. Cùng với Ấn Độ, nền kinh tế thế giới  có thể kỳ vọng vào khu vực Đông Nam Á; tương tự như Ấn Độ, với quy mô thị trường và nền kinh tế của khu vực này, mức tăng trưởng 4,5-5% (như số liệu trong Bảng 1 cho nhóm ASEAN-5, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan), là tương đối ý nghĩa đối với kinh tế thế giới hiện nay và trong ngắn hạn.

2.2. Một số khía cạnh liên quan đến triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới trong ngắn hạn

i. Giá dầu và năng lượng thế giới

Các xung đột địa chính trị giữa các quốc gia luôn có tác động đến kinh tế thế giới và phần nào đó được thể hiện qua biến động giá dầu mỏ. Biểu đồ 1 thể hiện giá dầu WTI (West Texas Intermediate) giai đoạn 2016-2020. Như thể hiện trong Biều đồ 1, đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020 đã gây ra một cú sốc lớn với giá dầu, đưa giá dầu về âm giai đoạn giữa năm 2020. Tương tự, sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, giá dầu lại bị đẩy lên cao, có những thời điểm hơn 120$/thùng giai đoạn giữa năm 2022. (Biểu đồ 1)

                                                                                                                    Nguồn: Tác giả

Từ năm 2023 đến nay, giá dầu đã giảm và biến động xung quanh mức 80USD/thùng. Mặc dù trong 2 năm vừa qua, căng thẳng kinh tế, địa chính trị vẫn phức tạp, xung đột giữa các quốc gia, tại các khu vực vẫn diễn ra như sự kiện Hamas-Israel, tuy niên có thể thấy xu thế biến động giá dầu tương đối ổn định xung quanh mức 80USD/thùng. Đây là một cơ sở cho để các dự báo đánh giá về tăng trưởng kinh tế và kỳ vọng tăng trưởng kinh tế có tính khả tín.

Một mặt, giá dầu có thể đang ở một mức “cân bằng” mới, thích ứng với các diễn biến kinh tế, địa chính trị mới; mặt khác, có thể thấy mức giá “cân bằng” mới này cao hơn mức cũ trước khi đại dịch Covid-19 nổ ra; giai đoạn 2016-2019, giá dầu WTI biến động xung quanh vùng 50-60 USD/thùng.

ii. Lạm phát

Lạm phát cũng là một vấn đề nổi lên giai đoạn hậu Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine, đẩy các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ và các nước có nền kinh tế phát triển vào thách thức kép: hồi phục kinh tế và kiềm chế lạm phát. Các nước đã có nhiều giải pháp chính sách về tài khóa và tiền tệ quyết liệt (Nam, 2024) giải quyết bài toán kép đó.

Biểu đồ 2 thể hiện lạm phát toàn cầu, khu vực EU, Đông Á và Hoa Kỳ. Khu vực Đông Á và Hoa Kỳ là các nền kinh tế lớn. Có thể thấy, lạm phát đặc biệt biến động mạnh với Hoa Kỳ và EU với kỷ lục đạt đỉnh, lạm phát của EU xấp xỉ 11%, của Hoa Kỳ xấp xỉ 7-8%. Trong khi Hoa Kỳ đạt đỉnh lạm phát cuối năm 2021 thì EU đạt đỉnh lạm phát giữa 2022. Kinh tế toàn cầu cũng đạt đỉnh lạm phát cuối năm 2022. Có thể thấy, sau khi đạt đỉnh cuối năm 2021 và giữa năm 2022, lạm phát toàn cầu trên các khu vực, quốc gia này đã giảm. Các nền kinh tế EU, lạm phát hiện ở mức 2,5-3,0%, trong khi đó kinh tế thế giới có mức lạm phát khoảng 5,5-6%. Điều đáng lưu ý là lạm phát kinh tế Đông Á dường như không biến động quá mạnh như Hoa Kỳ và EU giai đoạn vừa qua và trong quý gần đây nhất (Quý 1/2024), lạm phát khu vực này tăng, bằng mức cao nhất tính từ năm 2022.

Bảng 2: Lạm phát toàn cầu và một số khu vực, quốc gia 2016-2024, đơn vị tính: %

 

2016

2017

2018

2019

2020

2021

2022

2023

2024

2025

Trung Quốc

2,1

1,7

1,8

4,5

0,2

1,4

1,8

-0,3

1,9

2

Ấn Độ

3,6

4,6

2,5

6,7

4,9

6,3

6,2

5,1

4,4

4,1

Hoa Kỳ

2,2

2,2

1,9

2,1

1,6

7,4

6,4

3,2

2,4

2

Đông Á

1,7

1,4

1,5

3,4

0

1,5

2,4

0,6

1,9

2

ASEAN-5

2,1

2,7

2,3

1,9

1

2,4

5,7

2,4

2,5

2,4

Các nước phát triển

1,5

1,7

1,6

1,5

0,5

5,3

7,3

3,1

2,3

2

Thị trưởng mới nổi và đang phát triển

4,3

4,6

5,1

5,6

4,7

7,1

10,1

8,4

7,5

5,4

EU

1,1

1,5

1,7

1,6

0,1

5,3

10,8

3,2

2,7

2,2

Toàn cầu

3

3,3

3,6

3,8

2,9

6,3

8,9

6,2

5,3

4

                                                                                                                 Nguồn: Tác giả

Bên cạnh các khu vực, quốc gia đã thể hiện trên Biểu đồ 2, Bảng 2 cũng thể hiện lạm phát của Ấn Độ và ASEAN-5, những điểm sáng kinh tế thế giới giai đoạn hiện nay. Số liệu trên cũng cho thấy lạm phát tại các quốc gia, khu vực này cũng được kiểm soát tương đối tốt.

Với Biểu đồ và số liệu trình bày trong Bảng 2, có thể nhận định, lạm phát đang diễn biến theo hướng thuận lợi và trong tầm kiểm soát của các quốc gia. Có thể trong ngắn hạn, vấn đề đánh đổi giữa lạm phát và tăng trưởng cũng nằm trong tầm kiểm soát, để các quốc gia giải quyết vấn đề tăng trưởng.

3. Một số vấn đề đặt ra và kết luận

Từ những phân tích trên, có thể thấy kinh tế thế giới nói chung, các khu vực, quốc gia đang có mức độ tăng trưởng ổn định trong năm 2023 (trừ một vài quốc gia với tăng trưởng âm như Đức và tăng trưởng ở mức rất thấp (0,1%) như UK). Tuy nhiên, có thể thấy, mức tăng trưởng của các khu vực, quốc gia là tương đối thấp, dưới mức trung bình của giai đoạn trước đại dịch Covid-19, như nền kinh tế Hoa Kỳ và đặc biệt là EU và các nước châu Âu như Đức (tăng trưởng -0,3% năm 2023), UK (0,1%), hay Pháp, Ý (0,7%).

Điều đáng nói là kinh tế thế giới và các quốc gia, khu vực được dự báo hoặc chững lại ở mức năm 2023 (vốn dĩ đã thấp hơn 2022 và trước dịch), hoặc có xu hướng giảm trong ngắn hạn (2024, 2025). Năm 2024, kinh tế Hoa Kỳ dự báo chỉ tăng trưởng ở mức 2,4% theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (3,2% theo IMF), EU chỉ tăng trưởng xấp xỉ 0,8%, Nhật Bản 0,9% và các nước phát triển nói chung chỉ tăng trưởng 1,7-1,8%. Kinh tế Trung Quốc cũng đang tăng trưởng thấp hơn so với chính nền kinh tế này giai đoạn trước. Điểm sáng của kinh tế thế giới có thể kể đến là Ấn Độ và Đông Nam Á, với thị trường lớn và quy mô kinh tế lớn, dù các nền kinh tế này cũng được dự báo sẽ tăng trưởng chậm hơn trong 2 năm tới.

Các khảo sát về các vấn đề liên quan như lạm phát và giá dầu thế giới cho thấy, các đại lượng này đang trong trạng thái được kiểm soát, điều này góp phần khẳng định thêm những nhận định về tăng trưởng kinh tế thế giới và các khu vực, quốc gia ở trên.

Trước tình hình tăng trưởng và kỳ vọng tăng trưởng kinh tế thế giới đó, có thể thấy môi trường và bối cảnh cho các mục tiêu và tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn có nhiều khó khăn, thách thức khi các nền kinh tế lớn, các đối tác truyền thống cũng gặp những thách thức và đứng trước vấn đề giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các phân tích cũng chỉ ra rằng, có những cơ hội trong giai đoạn khó khăn, ví dụ như nền kinh tế Ấn Độ. Tìm kiếm những đối tác, thị trường mới là một vấn đề cần triển khai lúc này.

Tăng trưởng ấn tượng của kinh tế Ấn Độ cũng là một gợi ý về việc vẫn còn những cơ hội tăng trưởng để khai thác, đặc biệt khi quy mô kinh tế Việt Nam tương đối khiêm tốn so với Ấn Độ. Khi các nền kinh tế như Trung Quốc giảm tốc độ, cần nghiên cứu kỹ nguyên nhân, có phải do tính thời điểm hay do các dư địa tăng trưởng đã bị thu hẹp (đòi hỏi chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng). Nếu nguyên nhân có tính căn bản, đấy là cơ hội cho Việt Nam. Tương tự, với các quốc gia phát triển (ví dụ Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU), Việt Nam có thể nghiên cứu các lĩnh vực có lợi thế và trở thành “phần bù” cho những nền kinh tế này, trở thành “cơ hội” để các quốc gia này tìm kiếm những dư địa, cơ hội tăng trưởng mới, giải quyết bài toán tăng trưởng của họ. Đó cũng chính là cơ hội chuyển đổi mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng của Việt Nam, giải quyết bài toán tăng trưởng trong ngắn hạn, thực hiện mục tiêu kép tăng trưởng nhanh và bền vững trong dài hạn.

Tài liệu trích dẫn:

1https://www.imf.org/en/Publications/WEO/Issues/2023/10/10/world-economic-outlook-october-2023

2https://www.imf.org/external/datamapper/NGDP_RPCH@WEO/OEMDC/ADVEC/WEOWORLD

3https://www.worldbank.org/en/publication/global-economic-prospects

4https://www.imf.org/external/datamapper/NGDP_RPCH@WEO/OEMDC/ADVEC/WEOWORLD

Tài liệu tham khảo:

1. IMF. (04/2024). World Economic Outlook, April 2024: Steady but Slow: Resilience amid Divergence.

2. Nam, Đ. H. (2024). Tăng trưởng, thất nghiệp, lạm phát: Chính sách điều tiết của Hoa Kỳ, kết quả và một số hàm ý. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

3. World Bank. (01/2024). Global Economic Prospect: Subdued Growth, Multiple Challenges.

World economic growth expectations and some issues facing Vietnam

Ph.D Dau Huong Nam

Ho Chi Minh National Academy of Politics

Abstract:

This paper surveyed the world economy and evaluated the characteristics of world economic growth, focusing on the current economic development of some regions and countries. The current world economy is generally facing challenges and difficulties, with growth expected to slow down. However, there are also bright spots, such as the Indian economy and some emerging countries. These are challenges, but also opportunities for Vietnam.

Keywords: world economy, economic growth, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10 tháng 5 năm 2024]

Tạp chí Công Thương