Tập đoàn Lộc Trời (LTG): Đang đàm phán khoản tín dụng 2.200 tỷ đồng, tính chuyện niêm yết HoSE

Tập đoàn Lộc Trời (mã cổ phiếu LTG) vừa cho biết đã thanh toán hết toàn bộ số tiền nợ đọng mua lúa cho bà con nông dân. Đồng thời, tập đoàn đang tiến hành tái cấu trúc tài chính và lên kế hoạch niêm yết trên HoSE.
Tập đoàn Lộc Trời
Tập đoàn Lộc Trời đã tiến hành tái cấu trúc tài chính thông qua đàm phán với các đối tác tài chính và các ngân hàng.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã cổ phiếu LTG - sàn UPCoM) vừa công bố tài liệu bổ sung phục vụ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, dự kiến tổ chức vào ngày 26/6 sắp tới.

Theo tờ trình mới bổ sung, Tập đoàn Lộc Trời dự kiến triển khai kế hoạch niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) ngay trong năm nay.

Trên thực tế, kế hoạch chuyển sàn đã được cổ đông Tập đoàn Lộc Trời xem xét và phê duyệt tại các kỳ Đại hội trước, tuy nhiên lại gia hạn cho đến hiện tại.

Một nội dung mới dự kiến được Tập đoàn Lộc Trời đề xuất với cổ đông là việc điều chỉnh phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 bằng việc thay đổi hình thức chi trả từ tiền mặt sang cổ phiếu.

Cụ thể, Tập đoàn Lộc Trời sẽ giữ nguyên tỷ lệ cổ tức là 30%. Theo kế hoạch mới, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 30 cổ phiếu mới. Nếu kế hoạch này được thông qua, vốn điều lệ của Tập đoàn Lộc Trời sẽ đạt mức 1.310 tỷ đồng, tăng 30%.

Xét về kết quả kinh doanh, kết thúc quý 1/2024, Tập đoàn Lộc Trời ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do giá vốn trong kỳ tăng mạnh, doanh nghiệp này đã báo lỗ ròng 97 tỷ đồng, so với mức lỗ 81 tỷ đồng của quý 1/2023.

Liên quan đến lùm xùm nợ tiền mua lúa của nông dân khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long gần đây, Tập đoàn Lộc Trời vừa cho biết đã phối hợp với Ngân hàng TMCP Tiên Phong (mã cổ phiếu TPB) hoàn tất thanh toán tiền lúa vụ Đông Xuân 2023 - 2024 với số tiền khoảng 472 tỷ đồng.

Trong vụ Đông Xuân 2023 - 2024, Tập đoàn Lộc Trời đã mua vào hơn 300.000 tấn lúa từ nông dân, trị giá gần 2.500 tỷ đồng, làm nguyên liệu chế biến tại các nhà máy xay xát.

Giá cổ phiếu LTG Tập đoàn Lộc Trời
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu LTG của Tập đoàn Lộc Trời trong 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Tập đoàn Lộc Trời (LTG): Vướng lùm xùm nợ tiền nông dân, lợi nhuận sau kiểm toán giảm 94%" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Theo Tập đoàn Lộc Trời, công ty đã rất cố gắng và chủ động thu xếp dòng tiền, thậm chí chấp nhận bán lúa khô với giá thấp để ưu tiên việc thanh toán tiền lúa nhưng vẫn có độ lệch về thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thanh toán.

Ban lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời đã gửi lời xin lỗi đến bà con nông dân và cho biết đã thực hiện việc trả lãi cho các khoản chậm trả với lãi suất 0,8% một tháng (tương đương 9,6% một năm).

Tập đoàn Lộc Trời - tiền thân là Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) - thường ký kết bao tiêu lúa, gạo cho nông dân với tổng giá trị thu mua lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Tập đoàn này nằm trong top 10 sản xuất, cung ứng sản phẩm và dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu đi 40 quốc gia.

Cũng theo ban lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời cho biết, thời gian vừa qua, hoạt động kinh doanh của công ty đã bị ảnh hưởng đáng kể do các yếu tố khách quan như thời tiết, sâu bệnh và các sự cố an ninh lương thực trên toàn thế giới. Từ đó dẫn đến sự mất cân bằng trong cán cân tài chính doanh nghiệp, gây ra sự cố về dòng tiền trong thời gian qua.

Trước bối cảnh đó, Tập đoàn Lộc Trời đã tiến hành tái cấu trúc tài chính thông qua đàm phán với các đối tác tài chính và các ngân hàng. Hiện tập đoàn đang dần hoàn tất thỏa thuận vay trị giá 2.200 tỷ đồng với Ngân hàng Phát triển Hà Lan (FMO); đồng thời cũng tiếp tục làm việc với các ngân hàng trong và ngoài nước để tìm kiếm các khoản vay phù hợp.

Duy Quang