Lần đầu tiên thanh long Việt Nam có mặt tại thị trường Ả-rập Xê-út
Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Ả-rập Xê-út, ngày 24/6 vừa qua, chuỗi siêu thị Spinneys (UAE) đã khai trương siêu thị đầu tiên tại thủ đô Riyadh, Ả-rập Xê-út. Đặc biệt trong lễ khai trương này, có nhiều sản phẩm của Việt Nam như mỹ phẩm, quả tươi, thủy sản, trong đó thanh long ruột đỏ, ruột vàng lần đầu tiên có mặt tại thị trường Ả-rập Xê-út, gây ấn tượng tốt đẹp cho khách đến mua sắm.
Hiện nay, nhiều sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam đã và đang có chỗ đứng tại Ả-rập Xê-út như nông sản, thủy hải sản, đồ uống đóng hộp…
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Ả-rập Xê-út 5 tháng đầu năm 2024 đạt 615,3 triệu USD tăng 48,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm chính gồm Gạo, thủy sản, hạt điều, hạt tiêu, gỗ, nội thất, đồ uống, hàng dệt may, giày dép, máy móc, linh kiện phụ tùng xe ô tô, linh kiện điển tử, máy tính, điện thoại,…
Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Ả-rập Xê-út trị giá 549,7 triệu USD, giảm 16.1%, các mặt hàng gồm nguyên liệu nhựa, hóa chất, dầu khí. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út đạt 1,16 tỷ USD tăng 9,2 % so với cùng kỳ.
Trong thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Ả-rập Xê-út đã tích cực hỗ trợ, kết nối nhiều doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác sở tại và ngược lại, góp phần gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sang nước này.
Theo ông Sunil Kumar, CEO của Spinneys, công ty đặt mục tiêu mở thêm ba siêu thị nữa trong năm nay tại Riyadh và thành phố Jeddah và ít nhất bốn siêu thị mới mỗi năm tại Ả-rập Xê-út trong vòng 5 đến 10 năm tới. Hiện nay, Spinneys sở hữu và điều hành hơn 150 cửa hàng ở UAE, cũng như 5 cửa hàng Spinneys và Al Fair ở Oman.
Ông Sunil Kumar, cho biết Spinneys đang có kế hoạch mở văn phòng đại diện mua hàng tại Việt Nam, đây sẽ là cơ hội rất tốt cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường Ả-rập Xê-út trong thời gian tới.
Việt Nam - Ả-rập Xê-út: Thúc đẩy thương mại song phương qua đa dạng hoá mặt hàng xuất nhập khẩu
Trước đó, vào tháng 12/2023, tại Hà Nội đã diễn ra Kỳ họp lần thứ 5 của Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Ả-rập Xê-út về hợp tác kinh tế dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Công Thương Việt Nam Phan Thị Thắng và Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Khoáng sản Ả-rập Xê-út.
Tại Kỳ họp, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của cơ chế Uỷ ban hỗn hợp trong việc phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt, trong nhiều lĩnh vực giữa hai nước, tiếp tục mở đường cho quan hệ hợp tác song phương ngày một phát triển.
Hai bên đã thống nhất ưu tiên thúc đẩy hợp tác một số lĩnh vực trong thời gian tới như: (i) Cùng nhau tháo gỡ khó khăn trong quan hệ thương mại giữa hai nước; (ii) Sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cần thiết để tạo thuận lợi, hỗ trợ hoạt động thanh toán, thương mại, đầu tư của doanh nghiệp và cư dân hai nước; (iii) Tiếp tục thúc đẩy thương mại song phương thông qua việc đa dạng hóa các mặt hàng xuất nhập khẩu theo đúng nhu cầu và thế mạnh của nhau; (iv) Tăng cường thu hút đầu tư từ Ả-rập Xê-út vào Việt Nam (đầu tư trực tiếp và thông qua các quỹ của Ả-rập Xê-út); (v) Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, điện, dầu khí, năng lượng tái tạo, hóa chất, chế biến thực phẩm, xây dựng cơ sở hạ tầng (sân bay, cảng biển, đường xá, khu công nghiệp), xây dựng dân dụng, các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp đặc biệt là các dự án hợp tác để đạt các mục tiêu cam kết về phát triển bền vững, phát triển xanh và bảo vệ môi trường... hướng tới nền kinh tế xanh, phát triển bền vững; và (vi) Thúc đẩy hợp tác đi vào thực chất, sâu rộng trong các lĩnh vực, như: quốc phòng an ninh, lao động, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch, nông nghiệp, công nghiệp, thông tin truyền thông…
Ả-rập Xê-út là thị trường lớn và là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam tại khu vực Trung Đông - Châu Phi. Quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út thời gian qua tiếp tục phát triển tích cực, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước có tính chất bổ sung lẫn nhau.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước liên tục tăng nhanh, trong 10 năm trở lại đây, năm 2012 kim ngạch song phương đạt 1,4 tỷ USD đến năm 2022 trong bối cảnh khó khăn, suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng kim ngạch hai chiều vẫn đạt 2,7 tỷ USD với mức tăng trưởng 32,4%.
Hiện tại, đầu tư của các doanh nghiệp Ả-rập Xê-út vào Việt Nam còn rất khiêm tốn, trong khi khả năng và tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp Ả-rập Xê-út rất hùng mạnh, mà Việt Nam hiện có nhiều tiềm năng và lợi thế về môi trường đầu tư kinh doanh. Việt Nam khuyến khích, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Ả-rập Xê-út đầu tư vào Việt Nam, nhằm tăng cường và thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước. Ả-rập-Xê-út hiện có 7 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 8,27 triệu USD, đứng thứ 79/144 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam.
Quỹ Phát triển Ả-rập-Xê-út đã danh nguồn vốn ODA cho Việt Nam đến nay là 164 triệu USD với 12 dự án, giúp Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng, đem lại tích cực tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.