TÓM TẮT:
Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam với sản lượng từ năm 2005 đến năm 2015 đều chiếm trên 1/6 tổng sản phẩm quốc gia, do đó, xuất khẩu các mặt hàng này cũng là thế mạnh của Việt Nam, chiếm hơn 15% tỷ trọng, nhưng lại có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Năm 2014, tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng trên là 24.990,9 triệu USD, chiếm 16,64% tỷ trọng, trong khi năm 2015 là 23.568,8 triệu USD, chiếm 14,55 % tỷ trọng, giảm 1.422,1 triệu USD. Đây là năm đầu tiên, giá trị tổng sản lượng xuất khẩu quay đầu giảm sau thời kỳ tăng liên tiếp từ năm 1995 đến năm 2014. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích nguyên nhân trên dựa vào số liệu xuất, nhập khẩu các sản phẩm của nhóm ngành này và các mặt hàng liên quan, từ đó kiến nghị các giải pháp hướng tới phát triển nông, lâm, ngư nghiệp bền vững.
Từ khóa: Ngành Nông, Lâm, Ngư nghiệp; xuất nhập khẩu, sản phẩm, nhóm ngành.
1. Tổng quan tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam trong các năm gần đây
Tổng sản lượng ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản luôn chiếm từ 17% trở lên trong tổng sản phẩm quốc gia với giá trị sản lượng không ngừng tăng lên, song xét về cơ cấu thì có xu hướng giảm liên tiếp trong các năm gần đây, cụ thể tại Bảng 1:

Bảng số liệu trên cho thấy, giá trị sản phẩm năm 2015 là 712.460 tỷ VNĐ, gấp 1,8 lần so với năm 2010. Tuy nhiên, mức tăng các ngành này không bắt kịp đà tăng trưởng chung của cả nước khi có sự sụt giảm cơ cấu liên tiếp trong những năm gần đây, từ mức 19,57% tổng sản phẩm quốc gia năm 2011 xuống còn 17% năm 2015.
Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam ở
các nhóm ngành này cũng không ngừng tăng lên. Nếu không xét tới xuất khẩu vàng
(chiếm dưới 0,1%) thì cơ cấu xuất khẩu của các nhóm ngành thay đổi đáng kể.

Bảng dữ liệu trên cho thấy, hàng nông sản, lâm sản và thủy sản sụt giảm đáng kể cơ cấu, từ mức 22,79% năm 2010 xuống còn 14,55% năm 2015, xu thế sụt giảm cơ cấu kéo dài liên tiếp và chưa có dấu hiệu phục hồi.
Tìm hiểu chi tiết sự sụt giảm xuất khẩu qua số liệu thống kê các mặt hàng trong nhóm hàng trên được thể hiện qua.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong hàng nông, lâm, thủy sản là: Các cây công nghiệp như cà phê, cao su, hạt điều; gạo và thủy sản (tôm, cá và mực chiếm chủ yếu). Xét về cơ cấu, trừ mặt hàng hạt điều nhân có xu hướng tăng trong 3 năm gần đây thì các mặt hàng khác đều sụt giảm. Xét về giá trị xuất khẩu, hạt điều nhân có chuyển biến tích cực khi tăng liên tiếp trong 6 năm qua, hầu hết các mặt hàng khác có giá trị xuất khẩu năm 2015 thấp hơn năm 2014 và năm 2013. Đặc biệt, mặt hàng gạo suy giảm liên tiếp từ mức 3.673,7 triệu USD vào năm 2012 và chỉ còn 2.798,9 triệu USD vào năm 2015, giảm gần 24% giá trị.
Để hiểu rõ cán cân thương mại, nghiên cứu tìm dữ liệu nhập khẩu các mặt hàng trên, dữ liệu của Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải quan không có số liệu tổng quát cho ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản, do vậy chúng tôi xem xét nhập khẩu một số mặt hàng chính thuộc nhóm ngành trên:

Bảng dữ liệu trên cho thấy, trong khi các mặt hàng khác có xu hướng giảm thì nhập khẩu thủy sản trong nước tăng nhanh về giá trị, nhập khẩu ngô và hạt điều tăng cao cả về giá trị và cơ cấu.
Để thúc đẩy sản xuất ngành Nông nghiệp và Lâm nghiệp, Việt Nam phải nhập khẩu các mặt hàng phụ trợ, trong đó kể đến các mặt hàng thức ăn gia súc, phân bón và thuốc trừ sâu.

Việt Nam phải nhập khẩu với giá trị lớn các mặt hàng phân bón, thuốc trừ sâu và nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu trong nước, trong khi lượng xuất khẩu các mặt hàng trên rất nhỏ. Giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu không ngừng tăng lên, năm 2015 là 3.391 triệu USD, gấp 1,44 lần so với năm 2011; về cơ cấu chiếm từ 2,05% đến 2,21% tổng giá trị nhập khẩu.
2. Phân tích số liệu
Xét mặt hàng gạo: xuất khẩu giảm sút đáng kể trong những năm gần đây, nguyên nhân không phải do nguồn cung trong nước vì năng suất và diện tích cây trồng tương đối ổn định:

Bảng số liệu cho thấy, tổng sản lượng lúa Việt Nam ổn định, trong khi giá xuất khẩu có xu hướng giảm, giá năm 2015 bằng 91,88% so với giá năm 2014, bằng 96,87 so với năm 2013, giảm còn 87,59% so với giá năm 2012 và chỉ bằng 81,34% so với giá năm 2011.
Nghiên cứu của Nguyễn Đình Luận (2013) cho thấy, gạo Việt Nam có giá bán thấp hơn gạo Thái Lan và Ấn Độ, nguyên nhân là do chất lượng gạo không ổn định. Sự ổn định của chất lượng có nguyên nhân quan trọng từ chất lượng phân bón, thuốc trừ sâu và nguồn nước. Việt Nam phải nhập khẩu rất nhiều phân bón và nguyên liệu trong khi các nhà máy sản xuất phân bón trong nước như Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc, Đạm DAP 1 Lào Cai, DAP 2 Hải Phòng đều là các doanh nghiệp "nghìn tỷ" làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, nguyên nhân thua lỗ không phải do nhu cầu thấp mà do quản lý kém. Giá trị nhập khẩu mặt hàng này vào năm 2014 là 1.241 triệu USD, năm 2015 là 1.424 triệu USD, chiếm 0,86% cơ cấu nhập khẩu. Tương tự, mặt hàng thuốc trừ sâu và nguyên liệu cũng phải nhập khẩu hàng năm với giá trị năm 2014 là 829,5 triệu USD, chiếm 0,56% cơ cấu; năm 2015 là 732,9 triệu USD, gấp 1,1 lần so với giá trị nhập khẩu năm 2011. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng gạo do chúng ta không chủ động kiểm soát được các thành phần hóa học của các sản phẩm trên và phải nhập khẩu nên đẩy chi phí sản xuất lên cao, giảm lợi nhuận. Phát triển sản xuất các mặt hàng phụ trợ không theo kịp sự phát triển sản xuất các ngành nông, lâm ngư nghiệp. Do đó, Việt Nam nên khôi phục và phát triển sản xuất hiệu quả các nhà máy sản xuất phân bón và thuốc trừ sâu.
Hạt điều nhân là mặt hàng lợi thế xuất khẩu với cơ cấu và giá trị không ngừng tăng lên, giá trị xuất khẩu năm 2015 là 2397,8 triệu USD, gấp 1,63 lần giá trị năm 2011. Tuy nhiên, hạt điều cũng là mặt hàng nhập khẩu lớn của Việt Nam với nhu cầu năm 2015 là 1.130 triệu USD, bằng 173,8 % so với năm 2014. Điều này cho thấy, để chế biến hạt điều nhân xuất khẩu, chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu hạt điều ngoại nhập, nông dân cũng chưa có niềm tin hay tầm nhìn lâu dài để thay đổi cây trồng.
Xuất khẩu mặt hàng thủy sản cũng là lợi thế Việt Nam do vị trí địa lý có bờ biển kéo dài, phần tiếp giáp biển Đông là hơn 3000 km. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu thủy sản tăng chậm trong dài hạn, từ mức 6.112,4 triệu USD năm 2011 lên mức 6.568,8 triệu USD năm 2015, tăng 7,5% sau 4 năm, song giá trị xuất khẩu năm 2015 chỉ bằng 83,9% so với năm 2014 và chỉ bằng 98,2 % so với năm 2013. Xét về cơ cấu xuất khẩu thì có sự sụt giảm liên tiếp, từ mức 6,31% tỷ trọng năm 2011 còn 4,05% tỷ trọng vào năm 2015. Bên cạnh đó, lượng nhập khẩu tăng liên tiếp về giá trị, năm 2015 là 1.068 triệu USD, chiếm 0,65% cơ cấu nhập khẩu, gấp gần 2 lần giá trị nhập khẩu năm 2011.
Xét về cán cân thương mại:
Chênh lệch giữa xuất khẩu so với nhập khẩu ngành Thủy sản có xu hướng giảm trong dài hạn, năm 2015 chỉ bằng 98,72% so với năm 2011, bằng 81,39% so vơi năm 2014. Điều này cho thấy, ngành Hải sản tăng trưởng chưa bền vững, các mặt hàng hải sản Việt Nam chưa đủ phong phú để đáp ứng nhu cầu trong nước, một nguyên nhân là tâm lý sính ngoại của người Việt.

Số liệu Hải quan cho thấy, Việt Nam có lượng nhập khẩu ngô và đậu tương không nhỏ. Nhu cầu nhập khẩu ngô tăng lên rất nhanh, năm 2015 là 1.651 triệu USD, chiếm tới 1% cơ cấu nhập khẩu, gấp xấp xỉ 5 lần so với mức 330 triệu USD năm 2011. Phần lớn được nhập khẩu từ 2 quốc gia, Braxin (năm 2015 là 1064 triệu USD) và Achentina (năm 2015 là 517 triệu USD). Lượng nhập khẩu đậu tương tuy không tăng lên nhưng chiếm trung bình 0,5% cơ cấu. Điều đáng nói vì đây đều là các mặt hàng trong nước trồng được với sản lượng cao. Không những vậy, mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu, Việt Nam cũng phải nhập khẩu tương đối lớn, từ mức 2.360 triệu USD năm 2011 lên mức 3.391 triệu USD năm 2015, chiếm tới 2,05% cơ cấu. Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp, song những con số biết nói về lượng nhập khẩu ngô, đậu tương hay thức ăn gia súc và nguyên liệu cho thấy ngành Nông nghiệp phát triển còn manh mún, chưa có quy trình khép kín: Nguyên liệu - chế biến do chưa phát triển rộng rãi các trang trại chuyên canh lớn, người dân trồng tự phát, chưa có định hướng rõ ràng dựa vào số liệu thống kê. Cũng từ nguyên nhân này dẫn đến chưa có vùng cung cấp ổn định nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc, do đó các nhà máy sản xuất thức ăn gia súc trong nước còn chưa chiếm lĩnh được thị trường trong nước.
3. Kiến nghị các giải pháp
- Xây dựng các cặp: Nguyên liệu - Nhà máy. Cụ thể: Xây dựng trang trại rộng lớn chuyên canh trồng cà phê, hạt điều, ngô, khoai, sắn,… áp dụng công nghệ cao về máy móc để thay thế sức người, xây dựng nhà máy chế biến thức ăn gia súc hoặc chế biến các nguyên liệu trên thành các mặt hàng tiêu dùng.
- Tổng cục Thống kê cần thống kê chi tiết hơn trong mục "Thống kê nước ngoài": Đặc biệt là mức nhập khẩu hàng năm ở các nước về các mặt hàng để dự báo nhu cầu thế giới, thống kê mức xuất khẩu các mặt hàng của họ để nắm được đối thủ cạnh tranh hay đơn giản là nguồn cung. Dự báo nhu cầu chính xác các sản phẩm cây lâu năm: Cây cao su, cây điều, cà phê,… định hướng cho người dân có niềm tin chuyển hướng hay tìm đầu ra cho sản phẩm các cây lâu năm.
- "Môi trường là ưu tiên số 1". Đó là tiêu chí quan trọng trong sản xuất, chăn nuôi để đảm bảo nguồn tài nguyên đất và nước cho nông nghiệp, lâm nghiệp và phát triển thủy sản, tránh những biến cố đáng tiếc vừa qua về môi trường biển như ở Formosa Hà Tĩnh. Định hướng nền nông, lâm, ngư nghiệp sạch, bền vững. Đây cũng là con đường tạo uy tín về chất lượng cho xuất khẩu các mặt hàng quan trọng như gạo, hải sản.
- Với nhu cầu thực tế trong nước đang ngày càng tăng cao về các mặt hàng phụ trợ cho nông nghiệp, lâm nghiệp như phân bón và thuốc trừ sâu, Nhà nước nên tìm cách vực lại hoạt động của các nhà máy thua lỗ "nghìn tỷ" như Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc, Đạm DAP 1 Lào Cai, DAP 2 Hải Phòng, tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp với giá rẻ để kêu gọi đầu tư, trao quyền cho tư nhân làm chủ. Sản xuất các mặt hàng phụ trợ phải được phát triển song song với sự phát triển sản lượng ngành Nông, Lâm, Ngư nghiệp.
- Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại thông qua ký kết các Hiệp định Thương mại. Phổ biến nội dung Hiệp định, đặc biệt là các Hiệp định Thương mại mới như Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu có hiệu lực từ 5/10/2016. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả tại những thị trường trong cam kết của các Hiệp định Thương mại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nguyễn Đình Luận, (7/2013), "Xuất khẩu gạo Việt Nam: Thực trạng và giải pháp", Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 193, trang 9 - 14.
2. Tổng cục Hải quan Việt Nam, (2011, 2012, 2013, 2014, 2015),“Niên giám thống kê Hải quan về hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam”, Nhà xuất bản Tài chính, Hà Nội.
3. Thành Đạt, (12/2016), “Thêm 7 dự án lớn thua lỗ: Bổ sung sơ bộ”, Báo Điện tử Chính phủ - Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
< http://baochinhphu.vn/Doanh-nghiep/Them-7-du-an-lon-thua-lo-Bo-sung-so-bo/295016.vgp >
4. Tuấn Dũng, (10/2016), "Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu chính thức có hiệu lực", Báo Điện tử Chính phủ - Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
< http://baochinhphu.vn/Chuyen-hoi-nhap/Hiep-dinh-FTA-giua-Viet-Nam-va-Lien-minh-kinh-te-AAu-chinh-thuc-co-hieu-luc/288234.vgp >
THE SITUATION OF VIETNAMS AGRICULTURE, FORESTRY
AND FISHING SECTOR IN RECENT YEARS AND SOLUTIONS
TO SUSTAINABLY DEVELOP THIS SECTOR
Master. LE THI QUYNH NHUNG
Department of Mathematics, Banking Accademy
ABSTRACT:
Agriculture, forestry and fishing sector is a key economic sector in Vietnam. This annual sectors output accounted for more than than one-sixth of the annual Vietnamese gross national product between 2005 and 2015. Many export produtcs of this sector are key export products of Vietnam. The export revenue of produtcs of agriculture, forestry and fishing sector accounts for more than 15% of total Vietnamese export revenue. However, the export revenue of this sector has showed a downward trend in recent years. The export revenue of this sector declined by USD 1,422.1 million from USD 24,990.9 million (16.64% of total Vietnamese export revenue) in 2014 to USD 23,568.8 million (14.55% of total Vietnamese export revenue) in 2015. This has been the first decrease of export revenue of the sector after 19 consecutive years of growth since 1995. This study analyzes the causes of this decline based on the import and export statistics of products of the agriculture, forestry and fishing sector. Thereby, the study proposes some solutions to sustainably develop the sector.
Keywords: Agriculture, forestry and fishing sector, import and export, product, sector.
Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 03 tháng 03/2017 tại đây