Thực trạng và giải pháp phát triển ngành khai thác thủy sản tỉnh Bình Định

TS. NGUYỄN THỊ KIM ĐOAN (Khoa Kinh tế Chính trị - Học viện Chính trị Khu vực III)

TÓM TẮT:

Trong bài viết này, tác giả đánh giá thực trạng của ngành Khai thác thủy sản ở tỉnh Bình Định dưới các góc độ: hoạt động khai thác thủy sản, dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản, kết quả khai thác thủy sản, tổ chức hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Định. Từ đó xác định, hoạt động khai thác thủy sản tỉnh Bình Định hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn bất cập, ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn ngành. Trên cơ sở đó, đề xuất một số gợi ý chính sách phát triển ngành Khai thác thủy sản đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành Thủy sản của tỉnh nói chung trong bối cảnh hiện nay.

Từ khóa: Khai thác thủy sản, thủy sản, hoạt động khai thác, Bình Định.

1. Tình hình phát triển ngành Khai thác thủy sản tỉnh Bình Định

1.1. Số lượng và cơ cấu tàu thuyền

Số liệu Bảng 1 cho thấy, tàu thuyền khai thác thủy sản tỉnh Bình Định những năm qua không chỉ tăng về số lượng mà đã có sự tăng trưởng đáng kể về đầu tư đóng các tàu có công suất lớn và tăng cường trang thiết bị hàng hải, thông tin liên lạc theo hướng khai thác tại các vùng biển xa bờ. Tính đến năm 2019, toàn tỉnh có 5.999 tàu cá với tổng công suất là 1.908.118 CV, trong đó số tàu cá có công suất từ 90CV trở lên là 3.571, chiếm gần 60% tổng số tàu cá của tỉnh và chiếm 24,44% tổng số tàu các vùng Duyên hải Nam Trung bộ (Bảng 1), số lượng tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên là 3.300 chiếc; số tàu này bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Bảng 1. Số lượng tàu cá tỉnh Bình Định giai đoạn 2015 - 2019

so_luong_tau_ca_tinh_binh_dinh

Nguồn: Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, 2020

Bảng 2. Số lượng tàu cá phân theo công suất và nghề đánh bắt

ĐVT: Chiếc

so_luong_tau_ca_phan_theo_cong_suat_va_nghe_danh_bat

Trong số các tàu thuyền nghề cá của tỉnh, số lượng tàu có công suất lớn ngày càng tăng lên, tàu có công suất nhỏ có xu hướn giảm xuống. Trong đó, tàu có công suất từ 90CV trở lên chiếm tỷ lệ lớn, đặc biệt là tàu có công suất trên 400CV tăng 50% so với năm 2015 (Bảng 2). Có được kết quả này là nhờ các chính sách hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 48 và Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về tăng cường phát triển ngành Thủy sản đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đóng mới, cải hoán tàu cá, vươn khơi bám biển khai thác thủy sản. Ngoài ra, ngư dân còn tự đầu tư đóng mới tàu cá công suất lớn, trang bị hiện đại, phục vụ hoạt động khai thác thủy sản. Trong năm 2019, toàn tỉnh có 61 chủ tàu đóng mới gồm 48 tàu vỏ thép, 8 tàu vỏ composite và 5 tàu vỏ gỗ. Hiện tại, còn 57 tàu hoạt động, trong đó có 14 tàu hoạt động sản xuất không hiệu quả và có đơn đề nghị xin chuyển đổi nghề hoặc kiêm nghề khai thác; phê duyệt hỗ trợ cho 7 tàu cá, gồm 6 tàu vỏ gỗ và 1 tàu vỏ composite đóng mới theo Quyết định số 47/2016/QĐ-TTg với tổng số tiền là 15.364 triệu đồng.

1.2. Về cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá

Về cơ cấu nghề đánh bắt, số lượng tàu thuyền đa dạng phục vụ cho các nhóm nghề và đáp ứng yêu cầu về công suất đánh bắt. Có sự chuyển đổi mạnh cơ cấu nghề khai thác từ các nghề khai thác vùng lộng ra vùng khơi, trong đó chuyển đổi mạnh sang nghề lưới vây và câu để khai thác cá ngừ đại dương.

Về cơ sở hạ tầng nghề cá, toàn tỉnh hiện có 4 cảng cá đã và đang tiếp tục được đầu tư xây dựng để phục vụ cho hoạt động nghề cá. Cảng cá Quy Nhơn được quy hoạch là một trong 14 cảng cá loại I của cả nước (theo Quyết định số 346/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ), đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, tổng vốn đầu tư 45.287 tỷ đồng. Cảng cá Tam Quan là khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Tam Quan - Bình Định đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2012, với chiều dài là 800 m. Cảng cá Đề Gi theo quy hoạch là khu neo đậu kết hợp cảng cá; Cảng cá Nhơn Châu đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2000 với tổng chiều dài cầu cảng là 85m, chủ yếu phục vụ cho tàu cá ở địa phương. Ngoài các bến cá đã có tại địa phương ven biển, hai bến cá tại xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ và bến cá tại xã Nhơn Lý thành phố Quy Nhơn đã được đầu tư xây dựng theo Dự án nguồn lợi thủy sản ven biển vì sự phát triển bền vững - CRSD [1].

Các khu dịch vụ hậu cần nghề cá đã được đầu tư xây dựng theo hướng xã hội hóa: Đã quy hoạch và cấp phép hoạt động cho 10 cơ sở đóng, sửa tàu cá, phân bố đều trên tất cả các huyện, thành phố ven biển. Về năng lực sản xuất, các cơ sở có khả năng đóng tàu có kích cỡ từ 25-30m, công suất trên 600CV, số lượng tàu đóng mới theo nhu cầu, các cơ sở dịch vụ phục vụ sinh hoạt cho các tàu cá do các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh được bố trí tại khu vực gần các cảng cá đáp ứng được cho nhu cầu của ngư dân. Ngoài ra, còn có khoảng 10 bến kéo đẩy tàu cá nhỏ phục vụ cho việc làm nước, sửa chữa.

Công tác dịch vụ hậu cần tại các cảng cá hoạt động ổn định, phục vụ tốt cho đánh bắt hải sản, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, thu hút tàu thuyền và phương tiện của các địa phương khác về cảng hoạt động mua bán. Hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ khai thác hải sản được sắp xếp và kiện toàn theo hướng phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, gắn sản xuất với bảo quản để chế biến và tiêu thụ. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 161 tàu hoạt động về dịch vụ hậu cần nghề cá, chong đèn dẫn dụ cá, cung ứng vật tư ngư lưới cụ, dầu, nước đá, thực phẩm, nước uống và thu mua sản phẩm[2].

Ngoài ra, ngành Thủy sản phối hợp với các cơ quan, các ngành liên quan đã hỗ trợ ngư dân từng bước tiếp cận các kỹ thuật tiên tiến để bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.

1.3. Về sản lượng và giá trị khai thác thủy sản

Sản lượng khai thác thủy sản liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng sản lượng bình quân hàng năm 6,6%/năm.

Số liệu Bảng 3 cho thấy, tổng sản lượng thủy sản khai thác toàn tỉnh năm 2019 đạt 257.042 tấn, tăng 5,6% so với năm 2018, bình quân 5 năm (2015-2019) đạt 232.977,4 tấn/năm, tăng 14,1% so với bình quân 5 năm trước và có có xu hướng tăng lên, tỷ lệ tăng bình quân 8%/năm, từ 212.102 tấn năm 2015 lên 257.042 tấn năm 2019. Trong đó, sản lượng khai thác cá giai đoạn 2015-2019 đạt 883.700 tấn, năm 2019 là 222.700 tấn, sản lượng cá ngừ đại dương ước đạt 11.323,2 tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ (năm 2018 đạt 10.050 tấn).

Bảng 3. Sản lượng thủy sản khai thác giai đoạn 2015-2019

ĐVT: tấn

san_luong_thuy_san_khai_thac Nguồn: Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, 2020

1.4. Các hình thức tổ chức sản xuất

Nghề cá tỉnh Bình Định có quy mô nhỏ, khai thác đa nghề, đa đối tượng, phát triển tự phát. Do chưa có mô hình tổ chức phù hợp nên công tác chỉ đạo, quản lý, định hướng sản xuất gặp nhiều khó khăn. Để từng bước khắc phục những hạn chế, khó khăn này, bên cạnh chú trọng thành lập các đội tàu đánh bắt xa bờ có hiệu quả, các tổ chức khai thác cũng được sắp xếp lại theo hướng khuyến khích thành lập các tổ ngư dân đoàn kết khai thác trên biển theo nguyên tắc bình đẳng, hợp tác và cùng có lợi gắn sản xuất với bảo quản để chế biến và tiêu thụ. Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đã thành lập 723 Tổ đoàn kết sản xuất với 2.878 tàu cá tham gia. Thông qua đó, các thành viên có thể giúp đỡ nhau trên biển trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm,... và đặc biệt là có thể ứng cứu nhau khi gặp thiên tai, tai nạn, tàu thuyền hư hỏng trên biển vận chuyển sản phẩm. Ngoài ra, trong tỉnh đã thành lập được 01 nghiệp đoàn nghề cá tại xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn với 141 tàu câu cá ngừ tham gia [3].

2. Những khó khăn, thách thức của ngành khai thác thủy sản tỉnh Bình Định

- Ngư trường khai thác chịu nhiều áp lực từ nước ngoài vì những yêu sách tranh chấp chủ quyền; năng lực đánh bắt xa bờ của ngư dân trong tỉnh còn hạn chế do tàu thuyền có công suất nhỏ (dưới 90CV) còn khá lớn (Bảng 3); công nghệ và kỹ thuật khai thác, bảo quản nguồn lợi thủy sản khai thác xa bờ của ngư dân còn lạc hậu nên ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác, đánh bắt; nguồn lợi thủy sản giảm sút, giá cả xăng dầu, nguyên vật liệu tăng cao,…

- Cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá tuy đã được đầu tư nâng cấp, xây mới nhưng chưa được đầu tư đúng mức và kịp thời, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển đồng bộ trong các lĩnh vực khai thác thủy sản của tỉnh.

Các cơ sở bảo quản, chế biến còn ít, chưa được quan tâm đầu tư áp dụng công nghệ kỹ thuật mới nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm sau khai thác. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm thủy sản khai thác, chưa đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn đầu vào cho các cơ sở chế biến.

- Vẫn còn tình trạng các tàu cá đã đăng ký nhưng chưa hoàn tất đủ các giấy tờ liên quan. Nguyên nhân chính là do chủ tàu không thực hiện gia hạn lại theo quy định; tự ý cải hoán nhưng không báo cáo cơ quan chức năng để kiểm tra làm lại giấy tờ; hoạt động các nghề khai thác bị cấm theo quy định mới Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT. Điều này một phần do ý thức của người dân, nhưng một nguyên nhân khác đó là do thiếu sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước trong việc cho vay vốn để nâng cấp, sửa chữa tàu thuyền sau một thời gian hoạt động,... nên việc vay vốn đầu tư đóng tàu công suất lớn, khai thác xa bờ không thực hiện được; hai là việc cải hoán tàu gặp nhiều khó khăn, rườm rà về thủ tục hành chính,...

- Tình trạng sử dụng nghề cấm, sử dụng chất nổ, xung điện mang tính hủy diệt và phá hoại môi trường sống để khai thác thủy sản tuy đã bị phát hiện và xử lý nhưng vẫn tồn tại dai dẳng khiến cho nguồn lợi thủy sản trên các đầm phá, vùng biển ven bờ bị tận diệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.

- Trong quá trình khai thác, ngư dân chưa được các cơ quan chức năng định hướng mùa vụ, ngành nghề khai thác có hiệu quả cao, thông tin dự báo nguồn lợi thủy sản và hướng dẫn kỹ thuật; tư tưởng của ngư dân còn mang tính chất sản xuất manh mún nhỏ lẻ, hoạt động còn dựa vào kinh nghiệm và sản xuất riêng lẻ, chưa chú trọng tổ chức thành tổ, đội, tập đoàn để có thể hỗ trợ nhau trong sản xuất và khi gặp rủi ro. Trong khi đó, những năm gần đây vấn đề an ninh trên biển có diễn biến rất phức tạp. Giữa ngư dân địa phương và ngư dân ngoại tỉnh thường xảy ra tranh giành ngư trường, nhất là nạn cướp biển ngày càng hoành hành, thường xuyên tổ chức cướp tàu đánh cá của ngư dân.

3. Một số giải pháp mang tính định hướng nhằm phát triển ngành khai thác thủy sản tỉnh Bình Định

Thứ nhất, thực hiện tốt công tác quy hoạch và rà soát quy hoạch ngành khai thác thủy sản theo đặc điểm sinh trưởng của từng loại thủy hải sản để bảo vệ nguồn lợi thủy sản phát triển theo hướng bền vững. Để thực hiện tốt công tác quy hoạch, cần phối hợp với cơ quan nghiên cứu về thủy sản, UBND các huyện thành phố ven biển tiến hành xây dựng đề án điều tra đánh giá trữ lượng nguồn lợi thủy sản ven bờ, vùng lộng thuộc phạm vi quản lý. Đồng thời, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư mạnh cho ngành khai thác và chế biến thủy sản nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao. Công tác quy hoạch phải tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh đầu tư tàu dịch vụ hậu cần trên biển.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khai thác thủy sản xa bờ, khai thác các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao và xuất khẩu. Trước hết, tổ chức lại sản xuất khai thác hải sản trên vùng biển ven bờ, vùng lộng và vùng khơi, rà soát lại số lượng tàu thuyền, cơ cấu nghề khai thác phù hợp với ngư trường, mùa vụ. Hai là, khuyến khích và nhân rộng mô hình tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển ở giai đoạn đầu, hướng đến phát triển kinh tế tập thể theo các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã nghề cá là hết sức cần thiết; hỗ trợ ngư dân phát triển các hình thức liên kết ngang theo mô hình tổ, ngư đội, hợp tác xã, nghiệp đoàn nghề cá với các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu; nghiên cứu triển khai sớm hình thức tổ chức sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị sản phẩm, từ ao nuôi, ngư trường đến thị trường tiêu thụ, chuyển mạnh cơ cấu từ chế biến thô sang các sản phẩm giá trị gia tăng và đa dạng hóa các sản phẩm chế biến phù hợp văn hóa, thị hiếu từng thị trường. Ba là, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, khuyến khích khai thác hải sản xa bờ; phổ biến, hỗ trợ kỹ thuật khai thác tiên tiến, kỹ thuật bảo quản, phương thức vận chuyển hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng thủy sản sau khai thác.

Thứ ba, tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nghề cá và hoàn thiện dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ khai thác hải sản.

Nâng cấp các bến cá, cảng cá, chợ cá, khu neo đậu phù hợp với qui mô vùng nước, số lượng tàu cá neo đậu, dịch vụ hậu cần nghề cá; đảm bảo cho tàu thuyền neo đậu tránh trú bão. Đầu tư nâng cấp cảng cá Tam Quan và một số cảng khác đúng yêu cầu, đáp ứng được các tiêu chí để các tàu thuyền ra vào thuận lợi, đồng thời để xác nhận nguồn gốc thủy sản tỉnh Bình Định giảm áp lực đối với các cảng còn lại.

Nâng cấp mở rộng quy mô các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, trang bị các thiết bị hiện đại và cơ giới hóa việc đóng sửa tàu thuyền, thay thế vật liệu vỏ tàu gỗ bằng các vật liệu khác: sắt, composite, vật liệu tổng hợp..., đảm bảo các tính năng an toàn hàng hải và phù hợp với nghề nghiệp của ngư dân.

Thứ tư, tăng cường hoạt động quản lý của Nhà nước đối với hoạt động khai thác thủy sản của tỉnh. Thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác thủy sản; kiểm soát nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản thông qua việc tham mưu, đồng thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định bổ sung danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Định. Ban hành các chính sách hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn; ngư trường khai thác; hỗ trợ vốn để mua ngư lưới cụ, trang bị phục vụ sản xuất; hỗ trợ kết nối thông tin giữa tàu với tàu, giữa biển với đất liền và được đất liền hỗ trợ thông tin về dự báo thời tiết, hướng dẫn phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn. Có chính sách chuyển đổi nghề và sinh kế cho các ngư dân nghèo khai thác ở vùng biển ven bờ, cần định hướng đào tạo nghề cho ngư dân để họ nhanh chóng làm chủ các thiết bị hiện đại.

Thứ năm, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản đến các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các quy định pháp luật về thủy sản; tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác thủy sản.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] CRSD - Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2012-2017 được Ngân  hàng Thế giới tài trợ

[2] Báo cáo Tổng kết chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp  - nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2020 thuộc lĩnh vực thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, 3/2020.

[3] Báo cáo Tổng kết chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp  - nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2020 thuộc lĩnh vực thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, 3/2020.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định. (2020). Báo cáo tổng kết chương trình hành động của tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2020 thuộc lĩnh vực thủy sản. 3/2020.
  2. Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định. (2020). Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch năm 2019 và nhiệm vụ kế hoạch năm 2020 của Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định. Tháng 12/2019.
  3. Cục Thống kê Bình Định. (2019). Niên giám thống kê.

 

THE CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS FOR THE DEVELOPMENT OF BINH DINH PROVINCE’S FISHING SECTOR

Ph.D NGUYEN THI KIM DOAN

Faculty of Political Economy,  Academy of Politics Region III

ABSTRACT:

This paper is to assess the current situation of Binh Dinh Province’s fishing sector in terms of fishing activities, fishery logistics services, results of fishing activities, and provincial fishing operations. This paper points out that Binh Dinh Province’s fishing sector still has many shortcomings, affecting the industry’s development. Based on this paper’s findings, some policy recommendations are proposed to help Binh Dinh Province restructure its fishing sector.

Keywords: Fishing, fisheries, fishing activities, Binh Dinh Province.