Tiếp nhận đề nghị miễn trừ thuế chống bán phá giá tạm thời với nhôm Trung Quốc

Trong vòng 30 ngày kể từ 5/6/2019, các doanh nghiệp có thể nộp Hồ sơ đề nghị miễn trừ việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm bằng nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc.

Trước đó, ngày 29/5/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1480/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm bằng nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc (vụ việc AD05).

Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư 06/2018/TT-BCT ngày 20 tháng 4 năm 2018 quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại (Thông tư 06) quy định như sau: “Sau khi Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời hoặc chính thức hoặc quyết định về kết quả rà soát biện pháp phòng vệ thương mại, Cơ quan điều tra có nghĩa vụ thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ miễn trừ”.  

Căn cứ quy định nêu trên, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) thông báo tiếp nhận hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của vụ việc AD05, cụ thể như sau:

- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng thông báo này, các doanh nghiệp có thể nộp Hồ sơ đề nghị miễn trừ theo các quy định tại Thông tư 06 để Cơ quan điều tra đánh giá, xem xét miễn trừ dựa trên theo các tiêu chí xem xét miễn trừ tại Điều 11 Thông tư 06.

- Hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thực hiện theo quy định tại Điều 12 của Thông tư 06.

Theo đó, quy trình miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại được thực thi qua 6 bước:

Bước 1. Thông báo tiếp nhận: Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) thông báo tiếp nhận Hồ sơ miễn trừ. Thông báo có thể được truy cập tại trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương (http://www.moit.gov.vn) và Cục PVTM (http://www.pvtm.gov.vn).

Bước 2. Nộp Hồ sơ đề nghị miễn trừ: Đối tượng đề nghị miễn trừ nộp Hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp (Hồ sơ) cho Cục Phòng vệ thương mại theo một trong các cách sau:

- Nộp qua dịch vụ công trực tuyến:

(https://dichvucong.moit.gov.vn/HomePage.aspx)

- Nộp theo đường bưu chính;

- Nộp trực tiếp tại Văn phòng Cục Phòng vệ thương mại;

Bước 3. Xác nhận hồ sơ hợp lệ: Cục Phòng vệ thương mại thông báo về tính đầy đủ và hợp lệ của Hồ sơ miễn trừ. Doanh nghiệp bổ sung hồ sơ trong trường hợp cần thiết (thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 10/2018/NĐ-CP và khoản 5 Điều 13 Thông tư 06/2018/TT-BCT).

Bước 4. Thẩm định Hồ sơ đề nghị miễn trừ và ban hành Quyết định miễn trừ:

-  Cục Phòng vệ thương mại chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định hồ sơ, báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét miễn trừ/không miễn trừ trong thời hạn quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định 10/2018/NĐ-CP. Trong trường hợp không miễn trừ, Cục Phòng vệ thương mại thông báo về lý do không miễn trừ.

- Tiêu chí: Việc xem xét quyết định miễn trừ hoặc không miễn trừ thực hiện theo Điều 7 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP và Điều 11 Thông tư 06/2018/TT-BCT.

- Hoàn trả thuế phòng vệ thương mại: Trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu được miễn trừ, đối tượng được miễn trừ được hoàn trả thuế phòng vệ thương mại đã nộp đối với những lô hàng nhập khẩu đăng ký tờ khai hải quan trong thời hạn miễn trừ của quyết định miễn trừ.

Thủ tục hoàn trả thuế phòng vệ thương mại áp dụng theo các quy định pháp luật hiện hành.

Bước 5. Báo cáo định kỳ: đối tượng được miễn trừ phải nộp báo cáo định kỳ về tình hình nhập khẩu hàng hóa được miễn trừ và việc tuân thủ điều kiện, nghĩa vụ được miễn trừ tới Cục Phòng vệ thương mại (thực hiện theo Điều 16 Thông tư 06/2018/TT-BCT).

Bước 6. Kiểm tra sau miễn trừ: Cục Phòng vệ thương mại có thể tiến hành kiểm tra sau miễn trừ nhằm mục đích thẩm định việc tuân thủ của đối tượng được miễn trừ đối với các điều kiện, quy định pháp luật về miễn trừ. Trường hợp đối tượng được miễn trừ không tuân thủ các quy định, điều kiện hưởng miễn trừ, Bộ Công Thương có quyền thu hồi quyết định miễn trừ và thông báo cho cơ quan hải quan xử lý theo quy định pháp luật.

Thy Thảo