Tình hình nợ công tại Việt Nam và đề xuất các giải pháp

ThS. BÙI LỆ GIANG (Khoa Quản trị văn phòng- Trường Đại học Nội vụ Hà Nội)

TÓM TẮT:

Trong bối cảnh nợ công châu Âu đang lan rộng, tình hình kinh tế thế giới đang bất ổn, các nước chưa tìm ra lối thoát để phục hồi lại sau khủng hoảng kinh tế, nợ công tại Việt Nam cũng ở mức nguy hiểm và có xu hướng gia tăng nhanh, gần chạm ngưỡng an toàn 65% GDP.Điều này đòi hỏi các nhà quản lý phải có cái nhìn nghiêm túc để đưa ra những giải pháp quản lý nợ công một cách hiệu quả trong giai đoạn phát triển 5 năm từ 2016-2020.

Từ khóa: Nợ công, GDP, Chính phủ, trần nợ công, giai đoạn 5 năm từ 2016-2020.

I. Vấn đề nợ công tại Việt Nam hiện nay

Nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây trải qua những bất ổn vĩ mô kéo dài bởi những khiếm khuyết cơ bản của nền kinh tế khi duy trì quá lâu mô hình tăng trưởng theo chiều rộng. Mặc dù nền kinh tế đã có giai đoạn tăng trưởng cao vào những năm đầu của thế kỷ XXIvà hiện tại là nước có thu nhập trung bình trên thế giới, nhưng những diễn biến tiêu cực gần đây của tăng trưởng, lạm phát, tỉ giá, thâm hụt thương mại, thâm hụt ngân sách cao và nợ công tăng nhanh đang làm xấu thêm các chỉ số kinh tế vĩ mô. Những thách thức về nợ công hiện nay cho thấy đã đến lúc cần có một cuộc cải cách tài khóa triệt để và toàn diện nhằm đưa ngân sách dần trở về trạng thái cân bằng nhằm bảo đảm tính bền vững của nợ công và duy trì sự ổn định lâu dài cho nền kinh tế. Vậy để có thể đưa ra được các giải pháp chính sách khả thi, cần phải đánh giá toàn diện thực trạng và dự báo nợ công nhằm nhận diện các rủi ro và thách thức trong việc giám sát và quản lý nợ công. Nghiên cứu bao gồm các nội dung cụ thể như: Phân tích thực trạng và những tác động tiêu cực của thâm hụt tài khóa và nợ công tăng nhanh đối với các biến số vĩ mô, đánh giá rủi ro và tính bền vững của nợ công, dự báo nợ công Việt Nam trong giai đoạn phát triển 2017-2020 và đưa ra một số gợi ý giải pháp nhằm nâng cao tính minh bạch, khả năng giám sát và quản lý nợ công theo hướng bền vững trong tương lai ở Việt Nam. Theo thống kê tới cuối năm 2016, mỗi người dân Việt Nam gánh trên vai gần 25 triệu đồng tiền nợ công và con số này tăng lên sau mỗi giây khi mà đầu tư công và các khoản lãi phải trả gia tăng với tốc độ gấp đôi so với sự gia tăng về dân số.

II. Tình hình nợ công thời gian gần đây

1. Nợ công tăng liên tục trong những năm qua và tiềm ẩn nhiều rủi ro

Nợ công ở Việt Nam bao gồm: Nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Cơ cấu nợ công của Việt Nam: Nợ Chính phủ chiếm 80%, nợ được bảo lãnh chiếm 19% và nợ chính quyền địa phương là 1% với 55% các khoản nợ là tiền Việt Nam, 16% là USD, 13% là Yen, Euro chiếm 7% và còn lại là những đồng tiền khác.

Hình 1: Tình hình nợ công và cơ cấu nợ công

Nợ công của Việt Nam tăng dần đều qua các năm, tuy chưa có công bố chính xác từ bất kì một cơ quan nào, nhưng số liệu các năm được lấy từ “đồng hồ nợ công” của thế giới thể hiện qua biểu đồ sau:

Hình 2: Tỷ lệ nợ công/GDP từ năm 2011 đến tháng 03/2017

Nguồn: EIU

Bảng số liệu trên cho thấy: Nợ công năm 2016 đạt 54,4% GDP và dự báo đến hết năm 2017 là 57% GDP. Nợ công trong những năm qua ngày càng tăng cao. Về lý thuyết, mức nợ công của Việt Nam vẫn nằm trong ngưỡng cho phép, nhưng Việt Nam phải tính tới các khoản nợ ngầm bao gồm: các khoản nợ ngân hàng, tiền trợ cấp hưu trí, các khoản bảo hiểm xã hội Chính phủ sẽ phải chi trả cho người lao động hay các khoản sẽ phải chi trả khi đứng ra bảo lãnh các khoản vay cho những người có thu nhập thấp mà trong tương lai họ không có khả năng thanh toán: lương hưu tăng, có nguy cơ vỡ quỹ BHXH…Đây là yếu tố tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất.

Việc đi vay nợ của Chính phủ là nhằm tài trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, khi tính toán nợ Chính phủ thường không lường trước được ảnh hưởng của yếu tố lạm phát cũng như tình hình kinh tế trong tương lai, chỉ tính các khoản lãi vay theo lãi suất danh nghĩa. Vậy nên, thâm hụt ngân sách bị phóng đại.

Việc tính toán nợ công ở Việt Nam chưa thực hiện nguyên tắc quản lý thống nhất: nợ nước ngoài, nợ trong nước, nợ nước ngoài do các DN và các địa phương tự đi vay khiến công tác quản lý nợ phân tán, không thống nhất, chi phí giao dịch, chi phí vay cao, thiếu sự phối hợp trong điều hành vĩ mô.

Việt Nam không còn thuộc nhóm nước nghèo, gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình nên các khoản vay ưu đãi ODA cũng giảm dần mà thay vào đó là các khoản vay thương mại với lãi suất cao hơn.

Đồng Việt Nam mất giá khá nhiều so với đồng tiền của các nước chúng ta vay vốn như: Nhật, EU… làm tăng thêm gánh nặng nợ công.

Còn theo báo cáo của Bộ Tài chính cho biết đến cuối năm 2016 dư nợ công khoảng 64,73% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 53,62%. Hai con số này đều đã tiến đến sát ngưỡng nợ không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP trong Nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. Trong cơ cấu nợ công, nợ trong nước chiếm 45% và nợ nước ngoài là 55%.

2. Việt Nam sử dụng nợ công chưa thật sự hiệu quả

Trong nhiều năm nay, thu ngân sách của Nhà nước liên tục tăng đáng kể song vẫn chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu chi cần thiết tối thiểu. Mức thâm hụt ngân sách hiện nay khoảng 7% GDP, ngoài ra còn có những khoản chi ngoài ngân sách mà nếu đưa vào tính toán cùng chi ngân sách thì mức bội chi rất có thể là 10%. Đây là một tỷ lệ quá cao, dẫn đến rủi ro lớn về khả năng trả nợ trong tương lai. Thâm hụt ngân sách gần đây lại được bù đắp bằng vay nợ trong và ngoài nước chủ yếu dưới hình thức phát hành trái phiếu, nhưng thực tế nguồn kinh phí để chi trả khi đáo hạn là chưa thể xác định.

Chúng ta có thể kể đến rất nhiều các dự án làm thâm hụt ngân sách nhà nước, khi bỏ vốn đi vay ra đầu tư, sau đó lỗ trong kinh doanh và phải dừng hoạt động như:

* Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, với tổng mức đầu tư ban đầu là 3.843 tỉ đồng nay đã đội lên mức 8.104 tỉ đồng.

* Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ với tổng mức đầu tư là 325 triệu USD, nhà máy đã đi vào hoạt động, nhưng liên tục bị gián đoạn, thua lỗ mỗi năm 1 nghìn tỷ đồng.

* Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất với tổng mức đầu tư 1.493 tỉ đồng và đội vốn lên mức 1.887 tỉ đồng; dự án đã đi vào hoạt động chỉ trong 2 đợt (36 ngày) với mức lỗ tổng cộng 408,9 tỉ đồng và hiện không còn vốn lưu động để hoạt động.

* Nhà máy Bột giấy Phương Nam với tổng mức đầu tư 1.487 tỉ đồng sau đó đội vốn lên mức 2.286 tỉ đồng và 3.409 tỉ đồng, dự án hiện đã ngừng hoạt động.

* Nhà máy Đạm Ninh Bình với tổng mức đầu tư ban đầu là 397,7 triệu USD sau đội vốn lên mức 667 trUSD, tính đến tháng 6/2016 đã lỗ lũy kế khoảng 2.700 tỉ đồng và hiện đã ngừng hoạt động.

Qua 5 dự án trên ta có thể nhận thấy nợ công tại Việt Nam được đầu tư một cách dàn trải, không có định hướng mục tiêu, nên tất yếu dẫn tới thua lỗ. Chính phủ không thu lại được vốn bỏ ra, trong khi đó vẫn phải trả cả lãi đi vay.

Với tình hình vay nợ và cách sử dụng như vậy, tại cuộc họp Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 20/03/2017các đại biểu đã nhất trí nới trần nợ công (nợ Chính phủ lên 54% cho cả giai đoạn 2017-2020). Tuy nhiên, đây là mức nới trần không khả thi khi mà tới cuối năm 2016, nợ Chính phủ là 53,3% đã vượt qua mức trần an toàn trước đó (53%).

III. Giải pháp kéo nợ công dưới trần

1. Cho vay và sử dụng nợ công hiệu quả

1.1. Sử dụng vốn hợp lý, có hiệu quả

- Cần xây dựng lộ trình để nước ta không phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư và viện trợ, cần nhìn vào cơ cấu khoản vay và cách sử dụng nguồn vốn hơn là chỉ quan trọng việc vay được bao nhiêu. Hiện nay, nước ta đang có nhu cầu vốn lớn để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh. Việc tiếp tục huy động vốn vẫn rất cần thiết, nhưng cần phải cân nhắc để nguồn vốn này được sử dụng hiệu quả nhất.

- Cần quan tâm nhiều hơn tới các khoản viện trợ theo chương trình, chứ không phải theo dự án. Bởi nếu thực hiện như hiện nay thì nguồn vốn này dễ bị xé lẻ, khó tạo tác động tổng thể. Một chương trình viện trợ tổng thể, có tầm nhìn xa rõ ràng bao giờ cũng mang lại hiệu ứng tích cực hơn, trên diện rộng hơn đối với phát triển.

- Cần nỗ lực trở thành cơ quan quản lý dự án duy nhất, như vậy tiến độ và tính hiệu quả của dự án sẽ được cải thiện.

- Tuy nhiên, để không ngừng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cũng như đẩy nhanh việc giải ngân vốn, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý, các bộ, ngành cần nâng cao tính phối hợp trong công tác điều hành, quản lý và giám sát công việc. Kể cả ngay trong một bộ, một cơ quan quản lý cấp ngành, các bộ phận cũng cần có sự phối hợp cao hơn.

1.2. Nâng cao hiệu quả huy động vốn

Đa dạng hóa cả hình thức vay lẫn biện pháp để tăng mức độ hấp dẫn người cho vay. Ngoài ra, còn phải triển khai các biện pháp khác để huy động tối đa nguồn tiền trong dân cư.

Tăng cường quảng bá, giới thiệu trái phiếu Chính phủ trên thị trường quốc tế. Nên xem xét tới việc tạo tính hấp dẫn cho trái phiếu Chính phủ Việt Nam để các nhà đầu tư tiềm tàng sẽ thấy đó như một cách đầu tư. Chẳng hạn như trái phiếu có mức lãi cao, trả lãi hàng quý, có chính sách hoàn trả lãi cuối kỳ để giao dịch với nhà đầu tư một cách minh bạch nhất. Tăng tính thanh khoản cho trái phiếu bằng cách Chính phủ sẽ mua lại trái phiếu Chính phủ bất cứ lúc nào từ người mua theo thời giá hiện tại.

Ngoài ra, kiều hối cũng là nguồn quan trọng có thể thu hút để trả nợ nước ngoài và đây là lợi thế của Việt Nam. Để “dòng chảy kiều hối” phát huy được hiệu quả, việc hoạch định chính sách quản lý ngoại hối cần theo sát được diễn biến tình hình, tiến tới việc chủ động duy trì nguồn kiều hối góp phần giảm áp lực khan hiếm USD. Các chính sách kiều hối của Việt Nam cần thông thoáng cởi mở, đơn giản và hiệu quả hơn vì số lượng kiều hối thực tế chuyển về còn rất nhiều không qua ngân hàng vì lượng kiều hối này không qua các kênh chính thức như: xách tay, tư nhân, tổ chức khác...Ngoài ra, cần duy trì và tiếp tục kéo giảm chênh lệch giữa tỷ giá trong và ngoài ngân hàng để có thể thu hút người nhận kiều hối bán lại ngoại tệ cho ngân hàng.

2. Quản lý nợ công chặt chẽ và minh bạch

2.1. Tôn trọng nguyên tắc cạnh tranh- Luật Cạnh tranh:

Tiếp tục từng bước hình thành đồng bộ và hoàn thiện hơn các chính sách liên quan đến cạnh tranh. Luật Cạnh tranh do Quốc hội ban hành vào ngày 14/12/2004 và có hiệu lực ngày 01/07/2005 thể hiện quyết tâm của Nhà nước khi xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh cho nền kinh tế. Tuy nhiên, hơn 5 năm thực hiện đã cho thấy Luật Cạnh tranh chưa đi vào cuộc sống, chưa phát huy được tác dụng rất quan trọng của nó đối với hoạt động kinh tế. Vì vậy, Luật Cạnh tranh của ta cần:

* Được xây dựng trên nền tảng triết lý pháp lý rõ ràng về cạnh tranh.

* Cụ thể hóa mục đích-ý nghĩa của Luật Cạnh tranh bằng các điều luật.

* Học hỏi cách viết luật của những nước có nền kinh tế phát triển, nâng cao kỹ thuật viết luật nhằm giúp việc hiểu và áp dụng điều luật được rõ ràng, thống nhất, phù hợp với tiêu chuẩn, tập quán quốc tế.

Tôn trọng và thực thi đầy đủ các cam kết thương mại đã ký kết với cộng đồng quốc tế. Trong quá trình hoạch định chính sách để xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh và nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế, nên lắng nghe các ý kiến khuyến nghị chân thành có giá trị của các chuyên gia từ nhiều phía.

2.2. Hoàn thiện Luật quản lý nợ công

Cần hoàn thiện và đồng bộ hơn các văn bản pháp lý, tiến tới chuẩn mực theo thông lệ quốc tế. Luật Quản lý nợ công đã được ban hành, có hiệu lực sử dụng từ ngày 01/01/2010. Tuy nhiên, một số nội dung của Luật vẫn còn chung chung, cần phải được làm rõ. Chẳng hạn như:

Về việc hoàn trả vốn vay, hiện chưa có quy định rõ về việc bàn giao nợ vay đối với các đối tượng vay nợ, đặc biệt ở chính quyền địa phương khi người quản lý hết nhiệm kỳ. Ví dụ, những nguồn vốn vay được sử dụng kém hiệu quả, vỡ nợ thì liệu người kế nhiệm có dám nhận việc trả nợ này hay không? Vì vậy đề nghị đưa vào luật để quy trách nhiệm khoản nợ sẽ giao cho ai và được thực hiện như thế nào.

Về các quy định nợ của chính quyền địa phương, hiện cũng chưa cụ thể, cần phải có quy định rõ hơn. Chẳng hạn, chính quyền địa phương không có khả năng trả nợ hoặc trả nợ chậm so với yêu cầu sẽ được xử lý như thế nào, xử lý chính quyền địa phương là xử lý ai? Chủ tịch tỉnh hay tập thể nào? Khi địa phương không có đủ khả năng trả nợ thì Chính phủ có bảo lãnh cho chính quyền địa phương hay không và bảo lãnh trong những điều kiện nào?

Về quản lý nợ địa phương, cần nghiên cứu quy định về trường hợp chính quyền địa phương sử dụng nguồn vốn vay không hiệu quả. Ví dụ, do thiên tai hay những yếu tố nào đó gây ra làm cho họ không đủ khả năng để chi trả, thì Luật phải quy định như thế nào? hoặc nếu những địa phương làm mất cân đối, sử dụng vốn vay sai mục đích thì làm cách nào xử lý chính quyền địa phương này, Chính phủ có bảo lãnh hay không?

Việc công bố công khai các thông tin về tình hình vay nợ. Dự thảo Luật hiện còn chung chung, chưa thể hiện rõ những vấn đề như thời gian công bố công khai, nội dung các thông tin công bố công khai gồm những vấn đề gì, chính quyền địa phương có phải công bố công khai tình hình vay nợ không? Để tránh tính hình thức, thì nên sửa Điều 50 theo hướng bổ sung quy định trách nhiệm của ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện công khai thông tin về nợ công của địa phương.

Học hỏi kinh nghiệm quản lý và xây dựng chính sách từ các tổ chức quốc tế có uy tín, các quốc gia thành công trong công tác quản lý nợ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Báo cáo nợ công giai đoạn 2011-2015 và định hướng 2016-2017 - Báo Kinh tế.

2. Các bài phát biểu của chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước - http://www.moit.gov.vn/vn/tin-tuc.com;

3. Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính.

4. Nguồn ảnh minh họa từ http://www.google.com.vn/picture

5. Nguồn tư liệu số: JobStress.com

DEBATE - GOOD FOR THE FUTURE

MA. BUI LE GIANG

Faculty of Management - Hanoi University of Internal Affairs

ABSTRACT:

In the context of widespread public debt in Europe, the world economic situation is in turbulence. Countries have not found a way to recover from the economic crisis and public debt in Vietnam is also in the dangerous level and tends to increase rapidly, reaching a safe level of 65% of GDP. This requires managers to be serious about finding effective public debt management solutions in the five-year development period 2016-2020.

Keywords: Public debt, GDP, government, public debt ceiling, burden, etc

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 06 tháng 05/2017 tại đây