Những năm gần đây, thương mại điện tử đang dần khẳng định vị trí quan trọng và là giải pháp hiệu quả trong việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, giữ vững chuỗi cung ứng, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp 2 năm vừa qua. Bên cạnh những sản phẩm hàng hoá được tiêu thụ qua các kênh thương mại điện tử nói chung thì các sản phẩm hàng hoá của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng đang được Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm thúc đẩy.
Các sản phẩm như vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng), mận tam hoa Bắc Hà (Lào Cai), bí xanh thơm của tỉnh Bắc Kạn ... được chào bán ở những vị trí ưu tiên trên những sàn thương mại điện tử có uy tín như Alibaba, Vỏ sò, Postmart, Lazada,…
Các địa phương có vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng kịp thời nắm bắt cơ hội, tận dụng ưu thế của thương mại điện tử để chủ động phân phối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho người dân địa phương. Tỉnh Bắc Giang đã ký hợp tác đưa sản phẩm vải thiều lên 6 sàn thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới. Ngoài ra, tỉnh cũng tiếp tục kích hoạt sàn thương mại điện tử hiện có là “vaithieu.net”.
Hiện nay, Bắc Giang đang tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mở gian hàng trên sàn Alibaba.com để tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Tại xã Chi Lăng (Lạng Sơn), đã có hơn 1.000 hộ gia đình, chiếm 70% số hộ dân trong xã được chính quyền địa phương cùng các doanh nghiệp hỗ trợ phát triển cửa hàng số và mở tài khoản thanh toán điện tử để giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử.
Đến nay, việc tiêu thụ nông sản thông qua các sàn thương mại điện tử đã đem lại một số kết quả nhưng so với tổng nhu cầu tiêu thụ nông sản thì kênh tiêu thụ này mới chỉ bắt đầu và chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Bên cạnh đó, đối với các hộ sản xuất, kinh doanh hay thậm chí là doanh nghiệp thuộc khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì thương mại điện tử vẫn là một kênh phân phối khá mới mẻ.
Để làm rõ hơn về những cơ hội và thách thức trong việc đưa các sản phẩm hàng hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lên tiêu thụ tại các kênh thương mại điện tử, Tạp chí Công Thương tổ chức Toạ đàm với chủ đề: "Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua thương mại điện tử".
Tham dự Toạ đàm có các vị khách mời:
- Ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang
- Ông Nguyễn Bình Minh, Uỷ viên BCH Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam
- Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc HTX Nông nghiệp sản xuất và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân
- Ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp và Tư vấn Môi trường DACE
Nội dung toạ đàm tập trung chia sẻ về những vấn đề:
(i) Lợi thế, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua các kênh thương mại điện tử;
(ii) Khó khăn, thách thức khi xây dựng thương hiệu của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên các kênh thương mại điện tử;
(iii) Giải pháp tháo gỡ khó khăn và tận dụng hiệu quả lợi thế từ thương mại điện tử để thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thông qua những góp ý, chia sẻ của cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội Thương mại điện tử, doanh nghiệp, hợp tác xã đề xuất giải pháp tăng cường kết nối, và tận dụng hiệu quả các lợi thế của sàn thương mại điện tử, hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh xây dựng thương hiệu cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, qua đó khẳng định vị thế các sản phẩm này trên thị trường trong nước cũng như quốc tế, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội.
Trân trọng kính mời quý độc giả quan tâm theo dõi.
Streaming: Facebook Fanpage Tự hào hàng Việt
https://www.facebook.com/TuhaohangVietNam.vn; Website Tạp chí Công Thương
http://tapchicongthuong.vn; và Kênh Youtube Tạp chí Công Thương
https://www.youtube.com/c/TạpchíCôngThương655