Tỷ lệ vốn trong doanh nghiệp nhà nước theo pháp luật Việt Nam hiện hành - Bất cập và hướng hoàn thiện

Bài báo nghiên cứu "Tỷ lệ vốn trong doanh nghiệp nhà nước theo pháp luật Việt Nam hiện hành - Bất cập và hướng hoàn thiện" do Phạm Hoàng Tùng (Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Phúc Thịnh CMT) thực hiện. DOI: https://doi.org/10.62831/202501020.

Tóm tắt:

Bài viết phân tích quy định pháp luật về tỷ lệ vốn nhà nước trong doanh nghiệp nhà nước trên thế giới và tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào những điểm mới trong Luật Doanh nghiệp năm 2020 liên quan đến khái niệm doanh nghiệp nhà nước. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đánh giá tác động của Luật này đến quản lý vốn nhà nước và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi trong thời gian tới.

Từ khóa: vốn nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, Luật Doanh nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Sự tồn tại của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) gần như tất yếu và phổ biến ở các nước trên thế giới. Cho dù phạm vi và tỷ trọng có sự khác biệt giữa các quốc gia, tuy nhiên các DNNN vẫn nắm giữ vị trí, vai trò quan trọng trong quản lý vĩ mô nhằm khắc phục những khuyết tật của kinh tế thị trường. Ở Việt Nam, vai trò của các DNNN đã được Nghị quyết số 12-NQ/TW - Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN đã khẳng định: “Doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; doanh nghiệp nhà nước thực hiện vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác” [1]. Như vậy, không chỉ hoàn thành về mục tiêu kinh tế, các DNNN với tư cách là những chủ thể kinh doanh đặc biệt còn phải đảm nhận các mục tiêu chính trị, xã hội mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Trong các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của DNNN, môi trường pháp luật có vai trò quan trọng hàng đầu. Khi hệ thống pháp luật được xây dựng phù hợp với yêu cầu phát triển khách quan của thị trường, đảm bảo cho hoạt động sử dụng vốn trong mỗi doanh nghiệp diễn ra theo đúng khuôn khổ, định hướng và pháp luật của Nhà nước thì hiệu quả hoạt động của DNNN sẽ được nâng cao. Ngược lại, nếu quy định pháp luật không phù hợp với yêu cầu phát triển khách quan của thị trường, không lấy quy luật thị trường làm cơ sở sẽ gây tác động ngược lại, làm hạn chế hiệu quả sử dụng vốn tại doanh nghiệp, bóp méo quy luật thị trường ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế. Hiện nay ở Việt Nam, DNNN là đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật, trong đó Luật Doanh nghiệp là văn bản quy định trực tiếp về khái niệm, tỷ lệ vốn sở hữu, hình thức tổ chức và cơ chế hoạt động. Tuy nhiên, thời gian qua, khái niệm DNNN đã thay đổi liên tục, không bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ giữa các văn bản pháp luật có liên quan gây ra nhiều khó khăn trong quá trình áp dụng. Sự ra đời của Luật Doanh nghiệp năm 2020 với nhiều điểm mới được kỳ vọng sẽ là tấm đệm để nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN. Đặc biệt, sự thay đổi quy định về tỷ lệ vốn nhà nước để nhận diện DNNN có tác động lớn chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp hiện nay.

2. Một số quan niệm về cách xác định doanh nghiệp nhà nước trên thế giới

Về tên gọi, hiện nay, DNNN được biết đến với các thuật ngữ như Govement-owned Corporation, Stateowned Company, State-owned enterprise, Govement Enterprise, Govement Business Enterprise,... Một số nước có loại hình doanh nghiệp nhà nước đặc biệt như Crown owned Company (công ty sở hữu hoàng gia) của New Zealand hoặc Goverment - Sponsored Enterprise (doanh nghiệp do Chính phủ bảo trợ) của Hoa Kỳ [2]. Khá nhiều định nghĩa về DNNN thống nhất với quan điểm coi DNNN là tổ chức kinh tế mà nhà nước nắm quyền chi phối về vốn sở hữu, từ đó nắm quyền chi phối về quyền quản lý doanh nghiệp. Chẳng hạn, Ngân hàng thế giới (1999) định nghĩa “DNNN là thực thể thể kinh tế thuộc quyền sở hữu hay quyền kiểm soát thuộc về chính phủ và phần lớn thu nhập của chúng được tạo ra từ việc bán hàng hóa và dịch vụ” [3]. Định nghĩa này đã xác định tiêu chí để nhận diện DNNN. Theo đó, DNNN là doanh nghiệp Nhà nước kiểm soát việc quản lý nhờ sở hữu phần lớn cổ phần của doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp mà Nhà nước nắm số ít cổ phần song vẫn có thể thực sự kiểm soát được việc phân phối các cổ phần còn lại. Hay OECD (2005) và OECD (2010) trong các quy tắc quản trị cũng đưa ra định nghĩa “DNNN được dùng để chỉ các doanh nghiệp mà Nhà nước có quyền kiểm soát thông qua sở hữu toàn bộ đa số hay thiểu số quan trọng” [4], [5]. Như vậy, nếu như khái niệm của Ngân hàng Thế giới đã giới hạn phạm vi DNNN trong hoạt động bán hàng hóa và dịch vụ thì quan điểm của OECD về DNNN không có sự phân biệt thương mại hay phi thương mại. DNNN là doanh nghiệp Nhà nước không nhất thiết phải là chủ sở hữu duy nhất hay sở hữu đa số trong doanh nghiệp mà điều quan trọng là Nhà nước phải nắm quyền kiểm soát đối với doanh nghiệp.

Theo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Điều 17.1 đưa ra khái niệm “DNNN là một doanh nghiệp chủ yếu tham gia vào hoạt động thương mại, trong đó một bên (Nhà nước): a) trực tiếp sở hữu hơn 50% vốn cổ phần; b) kiểm soát trên 50% quyền biểu quyết không thông qua lợi ích chủ sở hữu; hoặc c) giữ quyền chỉ định đa số thành viên Ban quản trị hoặc bất kỳ bộ máy quản lý tương đương khác” [3]. Gần đây nhất, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) tại Điều 11.1 định nghĩa “doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước” nghĩa là “một doanh nghiệp, bao gồm cả công ty thành viên, trong đó một Bên, trực tiếp hoặc gián tiếp: (i) sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc kiểm soát trên 50% số phiếu bầu gắn với cổ phiếu do doanh nghiệp phát hành; (ii) có quyền bổ nhiệm hơn một nửa số thành viên ban quản trị hoặc bộ máy quản lý tương đương; hoặc (iii) có thể thực hiện quyền kiểm soát đối với các quyết định chiến lược của doanh nghiệp [6]. Như vậy, khái niệm của CPTPP và EVFTA đã quy định tỷ lệ cụ thể về quyền sở hữu chi phối của Nhà nước (hơn 50% vốn/cổ phần), quyền kiểm soát chi phối (trên 50% quyền biểu quyết hoặc có quyền chỉ định bộ máy lãnh đạo).

Pháp luật một số quốc gia cũng có những quy định khác nhau về DNNN. Ở các nước Thuỵ Điển, Phần Lan, Mexico xác định các doanh nghiệp trong đó Nhà nước chiếm trên 50% vốn là DNNN. Pháp luật của Pháp thì xác định 3 tiêu chí của DNNN là tính sở hữu công hữu, có địa vị pháp nhân độc lập và thực hiện các hoạt động công thương độc lập, có hạch toán tài chính. Trong khi đó, ở Nga, DNNN là doanh nghiệp có phần vốn góp đa số; là các doanh nghiệp đơn nhất trực thuộc chính quyền liên bang, khu vực hay địa phương nhằm cung cấp dịch vụ công; là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng nhà nước nắm giữ 100% vốn [7].

Như vậy, xét cho cùng, mặc dù tỷ lệ vốn nhà nước trong các DNNN ở các quốc gia có sự khác nhau nhưng đều thống nhất ở quan điểm coi quyền sở hữu chi phối của nhà nước trong cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng nhất để nhận diện DNNN với các loại hình doanh nghiệp khác.

3. Quy định của pháp luật Việt Nam về tỷ lệ vốn nhà nước trong doanh nghiệp nhà nước và những tác động đến vấn đề quản lý vốn nhà nước

3.1. Trước khi ban hành Luật Doanh nghiệp năm 2020

Thuật ngữ DNNN được sử dụng chính thức trong Nghị định số 338/HĐBT ngày 20/11/1991 ban hành Quy chế về thành lập và giải thể DNNN, theo đó DNNN được định nghĩa là những tổ chức kinh doanh do nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ. Tiếp theo đó, Luật DNNN 1995 được ban hành, đưa ra định nghĩa cụ thể hơn “DNNN là tổ chức kinh tế do nhà nước đầu tư vốn, thành lập và tổ chức quản lý, hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động công ích nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội do nhà nước giao” (Điều 1).

Với sự ra đời của Luật DNNN năm 2003, khái niệm DNNN đã có sự thay đổi căn bản. Tại Điều 1 Luật DNNN 2003 quy định “DNNN là tổ chức kinh tế do nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, phần góp vốn chi phối được tổ chức dưới hình thức công ty nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn”. Như vậy, so với quy định của Luật DNNN năm 1995, khái niệm DNNN theo Luật DNNN năm 2003 có nội dung rộng hơn, bao gồm cả DNNN nắm cổ phần hay có phần góp vốn chi phối, đồng thời DNNN được tổ chức theo nhiều loại hình hơn, bao gồm cả công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần.

Năm 2005, Luật Doanh nghiệp năm 2005 được ban hành, thay thế cho Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 2003 và Luật Doanh nghiệp năm 1999, theo đó DNNN được định nghĩa là doanh nghiệp trong đó nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ. Như vậy, so với Luật DNNN năm 2003, hình thức tổ chức DNNN bị thu hẹp hơn, chỉ được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn; đồng thời các công ty nhà nước thành lập theo quy định của Luật DNNN năm 2003 phải chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

Năm 2014, với hướng tiếp cận “cởi trói” cho doanh nghiệp và tuân theo các cơ chế quản lý của nền kinh tế thị trường là hạn chế sự can thiệp của Nhà nước, Luật Doanh nghiệp năm 2014  đã có những thay đổi căn bản trong quy định về DNNN. Cụ thể, theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, DNNN là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Quy định chỉ những doanh nghiệp nào do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thì mới được coi là DNNN đã hạn chế số lượng DNNN và mở rộng thành phần doanh nghiệp không bị ràng buộc bởi “cơ chế nhà nước”. Với quy định này các công ty lớn hoạt động trong lĩnh vực then chốt như dầu khí, vận tải hàng không, hay các ngân hàng có sở hữu của nhà nước thấp hơn 100% vốn điều lệ đều không còn là DNNN. Các doanh nghiệp này ngoài việc tháo bỏ “cái mác” doanh nghiệp nhà nước, cải tổ cơ chế quản lý điều hành, quản trị rủi ro thì hoàn toàn có thể cạnh tranh bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác mà không có sự khác biệt nào. Ngoài ra, quy định về hình thức tổ chức của DNNN cũng có sự thay đổi, theo đó DNNN chỉ được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam gia nhập 2 Hiệp định quan trọng là Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA, khái niệm DNNN theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã không còn phù hợp. Ngoài ra, theo Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành TW Đảng khóa XII ban hành ngày 03/6/2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN “vai trò của DNNN là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế còn hạn chế. Nhìn chung, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và đóng góp của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư; nợ nần, thua lỗ, thất thoát lớn”. Đồng thời nêu rõ quan điểm chỉ đạo “DNNN là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối” [1]. Chính vì vậy, để thể chế hóa quan điểm của Đảng, tất yếu phải sửa đổi Luật Doanh nghiệp, trong đó cần đưa ra một khái niệm rõ ràng về DNNN. 

3.2. Theo Luật Doanh nghiệp năm 2020

So với khái niệm trong Luật Doanh nghiệp năm 2014, khái niệm DNNN theo Khoản Điều Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã có sự thay đổi cụ thể như sau: “Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 của Luật này”. Theo đó, Điều 88 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định:

“1. Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm:

a) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

b) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trừ doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

2. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con;

b) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

3. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con;

b) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.”

Như vậy, với quy định này, khái niệm DNNN được xác định theo nguyên tắc phân chia các loại doanh nghiệp có vốn nhà nước theo tỷ lệ vốn chủ sở hữu khác nhau, mỗi loại hình doanh nghiệp có quy định về tổ chức quản trị phù hợp để nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, bảo đảm bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Việc nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, đã bảo đảm quyền chi phối trực tiếp việc ra các quyết định thông thường (chỉ yêu cầu tỷ lệ trên 50%) và chi phối gián tiếp (phủ quyết) việc ra một số các quyết định khác (yêu cầu tỷ lệ 65%) của doanh nghiệp đó.

Sự thay đổi của Luật Doanh nghiệp năm 2020 về tỷ lệ vốn nhà nước trong DNNN xuất phát từ vấn đề về DNNN là một trong những nội dung quan trọng trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên như Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA. Cả hai hiệp định này đều dành chương riêng cho việc thiết lập các chính sách và hành vi của Nhà nước đối với DNNN. Đối chiếu với quy định tại EVFTA, CPTPP hay khuyến nghị của OECD, có thể nhận thấy cách tiếp cận dựa trên tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ hoặc tỷ lệ kiểm soát tính trên phiếu biểu quyết của Luật Doanh nghiệp năm 2005 hay Luật Doanh nghiệp năm 2020 là phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế [7]. Đồng thời, quy định DNNN gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết cũng nhằm thể chế hóa chủ trương về tỷ lệ cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước theo Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành TW Đảng khóa XII ban hành ngày 03/6/2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN.

3.2. Đánh giá tác động của Luật Doanh nghiệp năm 2020 đến vấn đề quản lý vốn nhà nước

Thứ nhất, tác động dễ nhận thấy nhất của Luật Doanh nghiệp năm 2020 là mở rộng phạm vi các đối tượng là DNNN, làm tăng số lượng DNNN một cách đáng kể, từ đó có thể nảy sinh những khó khăn nhất định cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là các cơ quan đại diện CSH vốn nhà nước trong việc giám sát, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư.

Thứ hai, việc thay đổi khái niệm DNNN phù hợp hơn với thông lệ quốc tế về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhà nước theo tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, tuy nhiên sẽ tác động trực tiếp đến hệ thống pháp luật có liên quan. Theo rà soát, ngoài Luật Doanh nghiệp thì có 10 Luật có quy định về chủ thể DNNN (Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Bộ luật Dân sự, Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý tài sản công, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Thủy lợi, Luật Lâm nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Các tổ chức tín dụng) và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành. Dưới góc độ quản lý vốn nhà nước, tác động của Luật Doanh nghiệp năm 2020 đến Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014 là không đáng kể, bởi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014 không đưa ra khái niệm DNNN mà chỉ quy định về đối tượng áp dụng là doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có vốn nhà nước; mối quan hệ giữa chủ sở hữu nhà nước với pháp nhân doanh nghiệp (được nhà nước đầu tư vốn). Do đó, các doanh nghiệp thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 hầu như không có sự thay đổi cơ bản nào khi thay đổi khái niệm DNNN tại Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Thứ ba, dưới góc độ quản trị nội bộ doanh nghiệp, việc thay đổi khái niệm DNNN từ tỷ lệ vốn nhà nước sẽ giúp hạn chế tình trạng tập trung quyền lực vào một cá nhân vừa đại diện vốn, vừa giữ các vị trí quan trọng khác trong công ty; hạn chế được xung đột lợi ích giữa chủ sở hữu và người quản lý doanh nghiệp; kiểm soát được giao dịch với người có liên quan nhằm chiếm đoạt lợi ích của doanh nghiệp và Nhà nước, đồng thời gia tăng cơ hội kinh doanh, thu hút vốn bên ngoài cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng do sự thay đổi này nên ban đầu sẽ là những thách thức đối với người quản lý, điều hành DNNN vì họ sẽ phải làm quen với mô hình cũng như cách thức hoạt động mới để bắt kịp với thị trường đang cạnh tranh khốc liệt.

4. Một số kiến nghị, đề xuất để nâng cao hiệu quả áp dụng quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 về doanh nghiệp nhà nước

Thứ nhất, cần xác định lại vai trò của DNNN phù hợp với tái cấu trúc nền kinh tế. Việc DNNN được đối xử lợi thế hơn có nguyên nhân chủ yếu từ việc xác định vai trò chủ đạo của DNNN trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động thực tế của DNNN còn rất khiêm tốn, thậm chí lãng phí và thất thoát những nguồn lực như vốn, tài sản nhà nước đầu tư cùng với những ưu đãi đặc biệt đến từ CSH Nhà nước. Việc giám sát, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ càng khó thực hiện hơn bởi số lượng các DNNN quá nhiều, quy mô vốn điều lệ quá lớn nhưng cơ chế giám sát lại không rõ ràng, minh bạch. Chính vì vậy, xác định lại vai trò của DNNN phù hợp với cải cách thể chế thị trường là nhiệm vụ cơ bản hàng đầu trong hoàn thiện pháp luật quản lý, sử dụng vốn nói chung. Theo đó, cần xác định và công bố rõ ràng vai trò của DNNN với hàm ý như sau: (i) Vai trò của DNNN không đồng nghĩa với vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước. Chính vì vậy, những nguồn lực quan trọng của kinh tế nhà nước do Nhà nước đại diện chủ sở hữu không phải dành riêng cho DNNN; (ii) DNNN phải tập trung vào chức năng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác và toàn bộ nền kinh tế tăng trưởng, góp phần thay đổi phân bổ nguồn lực quốc gia theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động tương xứng với nguồn lực được giao. Do vậy, không nên đặt các yêu cầu về tỷ trọng đóng góp hay mức độ chi phối thị trường đối với DNNN; (iii) DNNN là pháp nhân công, không phải là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Nhà nước.

Để hoàn thành vai trò này của DNNN, cần tiếp tục thu hẹp phạm vi hoạt động của DNNN theo hướng chỉ duy trì mô hình DNNN đang trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng hoặc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích quan trọng, thiết yếu cho xã hội như truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia; thủy điện và điện hạt nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội; quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng và điều hành giao thông vận tải đường sắt quốc gia; quản lý, khai thác các cảng hàng không, sân bay có vai trò, vị trí quan trọng đối với an ninh, quốc phòng; trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ,... Thực hiện cổ phần hóa và chỉ duy trì trên 50% vốn nhà nước tại các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập hoặc các doanh nghiệp đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa; ngân hàng thương mại nhà nước; dịch vụ thoát nước, chiếu sáng, vệ sinh môi trường ở các đô thị; cung cấp nước sạch,... Tiếp tục thoái vốn nhà nước xuống dưới mức chi phối hoặc không cần có vốn nhà nước tại các DNNN đã tiến hành cổ phần hóa.

Thứ hai, để quản lý hiệu quả vốn nhà nước trong DNNN cần hoàn thiện khung pháp luật về tổ chức quyền, nghĩa vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước chuyên trách, hạn chế tình trạng nhiều cơ quan, nhiều cấp tham gia thực hiện quyền đại diện nhà nước. Đồng thời chuyển cách thức can thiệp trực tiếp mang tính hành chính của chủ sở hữu nhà nước sang cách can thiệp gián tiếp của chủ đầu tư, cổ đông, thành viên góp vốn và chấm dứt tình trạng Nhà nước tự cho phép quyền ban hành các quyết định mà không thông qua Đại hội đồng cổ đông hay Hội đồng thành viên của doanh nghiệp đang sở hữu.

Thứ ba, cần phải nâng cao tính minh bạch và năng lực giám sát DNNN. Nhà nước cần xây dựng và công khai hóa chiến lược, chính sách đầu tư tại các DNNN. Minh bạch hóa thông tin hàng năm về đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, danh sách và số lượng doanh nghiệp có vốn nhà nước; mức độ đầu tư, hiệu quả đầu tư; hiệu quả kinh doanh của các DNNN. Trường hợp các cơ quan đại diện chủ sở hữu, DNNN không thực hiện nghiêm túc các quy định về công bố thông tin sẽ bị áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định pháp luật. Việc xử lý nên hướng vào truy cứu trách nhiệm cá nhân của chủ thể lãnh đạo, điều hành và các cá nhân có liên quan trực tiếp nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

5. Kết luận

Với những yêu cầu từ thực tiễn đặt ra, nghiên cứu tập trung vào những vấn đề còn đang vướng mắc, khó khăn cũng như đưa ra các giải pháp để thực hiện, sử dụng nguồn vốn Nhà nước đầu tư vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp một cách hiệu quả hơn. Vì thế, việc tiếp tục hoàn thiện những quy định của pháp luật về quản lý vốn của doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh hiện nay là vô cùng cần thiết.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2017). Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 ngày 3/6/2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
  2. Trường Đại học Luật Hà Nội (2017). Giáo trình Luật Thương mại tập I. Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
  3. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.
  4. Ngân hàng Thế giới (1999). Báo cáo nghiên cứu chính sách của Ngân hàng Thế giới: Giới quan chức trong kinh doanh, ý nghĩa kinh tế và chính trị của sở hữu nhà nước. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  5. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU.
  6. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2014). Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
  7. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (1995). Luật Doanh nghiệp nhà nước.
  8. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2003). Luật Doanh nghiệp nhà nước.
  9. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2005). Luật Doanh nghiệp.
  10. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2014). Luật Doanh nghiệp.
  11. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2020). Luật Doanh nghiệp.
  12. Lưu Minh Sang (2020). Hai thập niên loay hoay với khái niệm “doanh nghiệp nhà nước”. Truy cập tại: https://www.thesaigontimes.vn/305131/hai-thap-nien-loay-hoay-voi-khai-niem-doanh-nghiep-nha-nuoc-.html
  13. OECD (2005). Guidelines on Corporate Governance of State-Owned Enterprises. (OECD (2005). Hướng dẫn Quản trị doanh nghiệp của doanh nghiệp nhà nước)
  14. OECD (2010). Accountability and Transparency: A Guide for State Ownership.

 

Capital ratio in state-owned enterprises under current Vietnamese laws -Shortcomings and ımprovement directions

Master. Pham Hoang Tung

CMT Phuc Thinh Construction Investment Joint Stock Company

Abstract:

This study examines legal regulations on the state capital ratio in state-owned enterprises (SOEs) both globally and in Vietnam, with a particular focus on the revised definition of SOEs under the Law on Enterprises 2020. By analyzing these legal provisions, the study assesses their impact on state capital management and governance. Based on these findings, the study proposes recommendations to enhance the effective implementation of the law.

Keywords: state capital, state-owned enterprises, the Law on Enterprises.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 1 tháng 1 năm 2025]

DOI: https://doi.org/10.62831/202501020