TÓM TẮT:
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã để lại nhiều thành tựu nổi bật. Đất nước, đời sống nhân dân ngày càng tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, hiện nay, công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở đất nước ta đã dần bộc lộ những bất cập, yếu kém, đòi hỏi Đảng cần phải có những thay đổi, cũng như giải pháp hiệu quả.
Từ khóa: vai trò của Đảng, Đảng cộng sản Việt Nam, công cuộc xây dựng, nhà nước pháp quyền.
1. Đặt vấn đề
Tiếp thu, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn coi trọng, đề cao việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tại Hội nghị Trung ương 2 khóa VII (tháng 11-1991), lần đầu tiên thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” chính thức được Đảng ta đề cập và được khẳng định rõ hơn tại Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (năm 1994), đồng thời, tiếp tục được bổ sung, phát triển qua các kỳ đại hội Đảng tiếp theo. Trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam - Người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam có vai trò hết sức quan trọng, đã kịp thời xác định đúng đắn, sáng tạo đường lối, chiến lược, sách lược đưa công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền của nước Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
2. Vai trò Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay
Mỗi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều gắn liền với vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ khi có Đảng lãnh đạo, cách mạng Việt Nam đã trải qua những chặng đường đấu tranh oanh liệt và thắng lợi vẻ vang, từng bước mang lại độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Hiện nay, trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam có vai trò vô cùng quan trọng.
Thứ nhất, Đảng ta luôn coi trọng, đề cao việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Điều này được thể hiện rõ nét trong các văn kiện Hội nghị thành lập Đảng. Ngay từ Đại hội Đảng lần thứ I và trong chính bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1945), đó là một Nhà nước với tinh thần xuyên suốt: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân” [1]; “Nước ta là một nước dân chủ. Mọi công việc đều vì lợi ích của dân mà làm” [1]; “Chế độ ta là chế độ dân chủ. Tức là nhân dân làm chủ” [2].
Tư tưởng này là nền tảng tư tưởng để Hiến pháp đầu tiên của nước ta quy đinh: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” [4]. Với quy định hiến định quyền lực nhà nước là của nhân dân, do nhân dân, để phụng sự lợi ích của nhân dân.
Tiếp theo đó, Đại hội II, III, IV, V, nhất là Đại hội VI, VII của Đảng nêu lên những bài học quan trọng. “Một là, trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”[11], Đại hội lần thứ IV của Đảng (1976) đã xác định: “Nhà nước XHCN là Nhà nước chuyên chính vô sản, một tổ chức thực hiện quyền làm chủ tập thể của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, một tổ chức thông qua đó Đảng thực hiện sự lãnh đạo của mình đối với tiến trình phát triển xã hội…” [11], nhưng bài học đó được phát triển và thể chế hóa trong các bản Hiến pháp các năm 1959, 1980, 1992: “Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan Nhà nước khác đều thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ” [5]; ““Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là nhà nước chuyên chính vô sản. Sứ mệnh lịch sử của Nhà nước đó là thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, động viên và tổ chức nhân dân tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa, trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt, xóa bỏ chế độ người bóc lột người, đập tan mọi sự chống đối của bọn phản cách mạng trong nước, mọi hành động xâm lược và phá hoại của kẻ thù bên ngoài, xây dựng thắng lợi XHCN, tiến tới chủ nghĩa cộng sản; góp phần củng cố hòa bình và đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới”[7]; “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức” [6].
Mặc dù thuật ngữ “nhà nước pháp quyền” chưa được đề cập đến trong các bản Hiến pháp nêu trên nhưng có thể thấy tư tưởng về “nhà nước pháp quyền” đã được Đảng ta đề cao và coi trọng và được thể chế trong các bản Hiến pháp làm cơ sở cho pháp luật được thực hiện thống nhất và nghiêm chỉnh.
Đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế, nhận thức và tư duy lý luận của Đảng ta đã có bước phát triển mới trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, theo đó, tại Hội nghị Trung ương 2 khóa VII (tháng 11-1991), lần đầu tiên thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” chính thức được Đảng ta đề cập và được khẳng định rõ hơn tại Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (năm 1994): Hội nghị khẳng định: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” là một trong tám nhiệm vụ chủ yếu: “Tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Đó là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật, đưa đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước pháp quyền Việt Nam được xây dựng trên cơ sở tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, lấy liên minh giữa giai cấp công nhân với nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng, do Đảng ta lãnh đạo” [11]. Đồng thời tiếp tục được bổ sung, phát triển qua các kỳ đại hội Đảng tiếp theo. Đây là cơ sở chính trị để Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), thể chế hóa tại Điều 2: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. [6]
Tiếp tục thể chế hóa quan điểm xây dựng nhà nước pháp quyền, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; 2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; 3. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” [8]. Bản Hiến pháp năm 2013 đã quy định một cách toàn diện những vấn đề căn cốt của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam về bản chất, nguyên tắc, tổ chức, hoạt động, chủ thể thực hiện quyền lực nhà nước; phân quyền giữa các cơ quan quyền lực nhà nước, vị trí của pháp luật đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam; vấn đề quyền con người, quyền công dân; vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền XHCN.
Thông qua những quy định của các bản hiến pháp đã cho thấy quan điểm xây dựng nhà nước pháp quyền trong các văn kiện Đại hội của Đảng đã được thể chế hóa thành những quy định hiến định, tạo cơ sở pháp lý tối thượng cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhà nước pháp quyền cửa nước ta luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều chỉnh tối thượng của Hiến pháp và hệ thống pháp luật bảo đảm công khai, tính minh bạch, khả thi, hiệu quả, nguyên tắc bình đẳng, bảo vệ quyền con người, tính thượng tôn pháp chế XHCN. Nhà nước pháp quyền XHCN vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc; hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn “dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm, do đó cần và có điều kiện để xây dựng sự đồng thuận xã hội thay vì đối lập, đối kháng xã hội” [3] . Như vậy, ngay từ đại hội Đảng lần thứ nhất và các văn kiện Đại hội Đảng sau đó, quan điểm xây dựng nhà nước pháp quyền đã được Đảng ta đề cao, coi trọng và được thể chế hóa trong Hiến pháp, đảm bảo sự điều chỉnh tối thượng của Hiến pháp.
Thứ hai, Ở Việt Nam, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân là một tất yếu lịch sử và tất yếu khách quan.
Đối với dân tộc Việt Nam, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhà nước, đối với xã hội không chỉ là tất yếu lịch sử, tất yếu khách quan mà còn là ở chỗ sự lãnh đạo đó còn có cơ sở đạo lý sâu sắc và cơ sở pháp lý vững vàng. Sự lãnh đạo của Đảng cộng sản - Đảng duy nhất cầm quyền đối với đời sống xã hội và đời sống nhà nước không những không trái (mâu thuẫn) với bản chất nhà nước pháp quyền nói chung mà còn là điều kiện có ý nghĩa tiên quyết đối với quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân ở nước ta. Trong ý nghĩa ấy, nhà nước pháp quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, một Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam hành động là một trong những đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Thứ ba, Đảng đã lãnh đạo công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền đạt được những thành tựu quan trọng.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng là một trong những nhiệm vụ có tính chiến lược trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 [11]. Quá trình xây dựng, tăng cường nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân ở nước ta trong suốt mấy chục năm qua (đã đưa lại nhiều kết quả tích cực.
Từng bước phát triển hệ thống quan điểm, nguyên tắc cơ bản về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân thông qua Hiến pháp và nhiều Bộ luật, Luật, Pháp lệnh đã được ban hành, tạo khuôn khổ pháp lý để Nhà nước quản lý bằng pháp luật. Hệ thống pháp luật được hoàn thiện một bước cơ bản, bảo đảm yêu cầu quản lý, ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao có nhiều đổi mới, chất lượng và hiệu quả được nâng cao. Vai trò, quyền làm chủ của nhân dân được củng cố, phát huy, bảo đảm và lan tỏa tinh thần tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, cơ chế dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở dựa trên phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Dân chủ xã hội chủ nghĩa tiếp tục được phát huy trên nhiều lĩnh vực. Dân chủ về kinh tế ngày càng được mở rộng đã tác động tích cực đến việc giải phóng sức sản xuất, là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống nhân dân. Dân chủ về chính trị có bước tiến quan trọng, thể hiện ở việc bầu các cơ quan dân cử, ở chất lượng sinh hoạt của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, tại các cuộc thảo luận của nhân dân tham gia ý kiến xây dựng các dự án luật, trong hoạt động của báo chí...
Nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước đã có bước đổi mới, vừa bảo đảm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, vừa phát huy trách nhiệm, tính chủ động của các cơ quan nhà nước. Bộ máy nhà nước bước đầu được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp ngày càng rõ hơn và có chuyển biến tích cực. Trong đó, vai trò, trách nhiệm của đại biểu dân cử thể hiện rõ hơn, hiệu quả hơn. Hoạt động cơ quan hành pháp chủ động, tích cực, tập trung vào quản lý, điều hành, tháo gỡ rào cản, phục vụ, hỗ trợ phát triển. Cải cách hành chính, tư pháp có bước đột phá; chất lượng hoạt động có tiến bộ, bảo vệ tốt hơn lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức và cá nhân; tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Những kết quả này được Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nhiều tiến bộ, tổ chức bộ máy nhà nước tiếp tục được hoàn thiện, hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn; bảo đảm thực hiện đồng bộ các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp” [9].
3. Những vấn đề đặt ra trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền của nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời gian tới
Bên cạnh những thành tựu đạt được nêu trên, công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam còn tồn tại một vài vấn đề như sau:
- Đảng chưa kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh trong thực tiễn đổi mới, đặc biệt là những vấn đề nổi lên ngày càng bức xúc như tình trạng quan liêu, lãng phí, tham nhũng, thiếu trách nhiệm trong bộ máy nhà nước; thiếu những biện pháp tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương kiên quyết, hợp lý và đủ mạnh để tạo chuyển biến tích cực nhằm khắc phục những khuyết điểm, yếu kém.
- Chưa kịp thời tổng kết thực tiễn nên chưa đủ cơ sở khoa học khi quyết định một số chủ trương về sắp xếp điều chỉnh tổ chức bộ máy ở trung ương và địa phương, do đó khi thực hiện có vướng mắc, hiệu quả và tác dụng còn hạn chế.
- Các cơ quan nhà nước chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm trong việc quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng; trong việc tự đổi mới, tự chỉnh đốn, bảo đảm sự trong sạch và nâng cao hiệu quả hoạt động ở từng cơ quan, đơn vị.
- Các đoàn thể quần chúng chưa chú trọng xây dựng các nội dung cụ thể, thiết thực và đổi mới phương thức hoạt động để tổ chức vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ trong việc tham gia xây dựng chính quyền, giám sát hoạt động của cán bộ, công chức nhà nước và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, sống, làm việc theo hiến pháp, pháp luật.
Để khắc phục những tồn tại trên và đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao đối với việc xây dựng Nhà nước trong thời kỳ mới, trong các văn kiện của Đảng của các Đại hội VIII, IX, X, XI, XII,XIII đã nhấn mạnh một số chủ trương, nhiệm vụ với các yêu cầu sau đây: Một là, tiếp tục phát huy tốt hơn và nhiều hơn quyền làm chủ của nhân dân qua các hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp để nhân dân tham gia xây dựng và bảo vệ Nhà nước, nhất là việc giám sát, kiểm tra của nhân dân đối với hoạt động của cơ quan và cán bộ, công chức nhà nước. Hai là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; cán bộ, công chức nhà nước thật sự là công bộc, tận tụy phục vụ nhân dân. Ba là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước; xây dựng và hoàn thiện nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng phù hợp với đặc điểm, tính chất của các cơ quan nhà nước ở từng cấp, chú trọng sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng đối với việc kiểm kê, kiểm soát trong quản lý kinh tế, tài chính. Ba yêu cầu trên quan hệ chặt chẽ với nhau, dựa trên nền tảng chung là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, thực hiện đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết dân tộc mà nòng cốt là liên minh công nhân, nông dân và trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Để thực hiện được những yêu cầu trên, cần có những phương hướng cơ bản để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, cụ thể:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.
Đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước nhằm giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước, bảo đảm mọi quyền lực thuộc về nhân dân, đưa công cuộc đổi mới đi đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước có hiệu quả và chất lượng cao hơn, đồng thời phát huy trách nhiệm, tính chủ động và hiệu lực cao trong quản lý, điều hành của Nhà nước, theo các quan điểm, mục tiêu và phương hướng được xác định tại Nghị quyết Trung ương 5 khóa X. Phải nắm vững và thực hiện 3 nội dung trọng yếu về sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước trong tình hình mới:
- Lãnh đạo các cơ quan nhà nước kịp thời thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, nhất là chủ trương về thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, về đổi mới thể chế kinh tế, về xây dựng quan hệ sản xuất theo định hướng xã hội chủ nghĩa, củng cố, nâng cao hiệu quả kinh tế nhà nước, phát triển kinh tế hợp tác.
- Tăng cường quản lý cán bộ, đảng viên trong bộ máy nhà nước; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh, thực sự vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ trung thành của nhân dân.
- Tăng cường kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp khác, các tổ chức sự nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang đối với việc thực hiện các nghị quyết của Đảng, các quy định của Nhà nước, nhất là về quản lý kinh tế, tài chính, thu chi ngân sách, việc sử dụng, bảo quản vốn và tài sản của nhà nước, không phân biệt đại diện chủ sở hữu thuộc ngành hoặc địa phương.
Hai là, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng trong các cơ quan nhà nước.
- Đảng đoàn Quốc hội và các đảng đoàn Hội đồng nhân dân phải tiếp tục kiện toàn về tổ chức, đề cao trách nhiệm trong việc chủ động đề xuất những vấn đề thuộc lĩnh vực của mình, phản ánh đầy đủ ý kiến của đại biểu với cấp uỷ. Mặt khác cấp ủy đảng cần lắng nghe đầy đủ các ý kiến đó để kịp thời xem xét và điều chỉnh kỷ cương khi thấy có cơ sở xác đáng. Khi cấp ủy đã có quyết định thì đảng đoàn phải lãnh đạo quán triệt và thực hiện nghiêm túc quyết định của Đảng. Mọi đảng viên phải nghiêm chỉnh chấp hành các quyết định đó.
- Có cơ chế gắn hoạt động của trưởng ban và các ban của đảng với hoạt động của các Ủy ban của Quốc hội và các ban của Hội đồng nhân dân. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng để Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện tốt vai trò của mình.
- Xây dựng quy chế, làm rõ mối quan hệ lãnh đạo của Bộ Chính trị với các Ban cán sự, giữa Ban cán sự Đảng ở các Bộ với Ban cán sự Đảng Chính phủ cho phù hợp với mối quan hệ về mặt nhà nước. Phát huy vai trò của đảng ủy, chi bộ trong các cơ quan nhà nước. Sắp xếp lại đầu mối tổ chức đảng trong các khối cơ quan hành chính, doanh nghiệp theo đúng quy định của điều lệ Đảng.
- Kiện toàn ban cán sự Đảng ở các cơ quan tư pháp. Nghiên cứu, cụ thể hóa cơ chế cấp ủy cho ý kiến về việc xử lý các vụ án quan trọng, phức tạp trên cơ sở tôn trọng quyền theo luật định của các cơ quan tư pháp và đảm bảo tốt sự lãnh đạo của Đảng.
- Các cấp ủy đảng phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân trong việc xây dựng và bảo vệ chính quyền, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; kiện toàn tổ chức, đổi mới hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhằm thu hút sự tham gia ngày càng rộng rãi của nhân dân vào việc quản lý nhà nước.
4. Kết luận
Đối với công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là lãnh đạo chính trị, quyết định phương hướng chính trị của Nhà nước, bảo đảm cho Nhà nước ta thực sự là tổ chức thực hiện quyền lực của nhân dân, thực sự của dân, do dân và vì dân, để thực hiện thành công công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng thành công nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân./.
Tài liệu tham khảo:
- Hồ Chí Minh: Toàn tập,Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 6, tr. 232, 397; tr. 10.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập,Sđd, t. 13, tr. 10
- Nguyễn Phú Trọng (2021), “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”,Tạp chí Cộng sản, số 966, tháng 5, 9-10.
- Quốc hội, (1946), Hiến pháp năm 1946.
- Quốc hội, (1959), Hiến pháp năm 1959
- Quốc hội, (1980), Hiến pháp 1980.
- Quốc hội, (1992), Hiến pháp năm 1992, (sửa đổi, bổ sung năm 2001).
- Quốc hội, (2013), Hiến pháp năm 2013.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, t. I, 71- 89.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, 91 -148.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.124.
The role of the Communist Party of Vietnam in the building of a socialist rule of law state in Vietnam
Master. Phan Khuyen
National Academy of Public Administration - Ho Chi Minh City Campus
Abstract:
Under the leadership of the Communist Party of Vietnam, the building of a socialist rule of law state in Vietnam has achieved outstanding results. The country and people's lives are getting better. However, the building of a socialist rule of law state has gradually revealed inadequacies and weaknesses. It requires the Communist Party of Vietnam make changes and adopt effective solutions to overcome these inadequacies.
Keywords: the role of the Party, the Communist Party of Vietnam, the development process, the rule of law state.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26 tháng 12 năm 2022]