Vận dụng marketing địa phương trong phát triển du lịch tỉnh Thái Bình

Đề tài Vận dụng marketing địa phương trong phát triển du lịch tỉnh Thái Bình do Vũ Hải Thúy - Lê Tiến Dũng (Khoa Công nghệ và Kỹ thuật - Trường Đại học Thái Bình) thực hiện.

TÓM TẮT:

Marketing địa phương hay marketing lãnh thổ là lĩnh vực không còn mới và được các quốc gia, vùng lãnh thổ vận dụng để thu hút đầu tư, phát triển những “sản phẩm” đặc sắc của của địa phương mình, trong đó có hoạt động du lịch. Bằng việc quảng bá các hình ảnh của địa phương, các nhà quản lý có thể nắm bắt được những nhu cầu, mong đợi của khách hàng mục tiêu đối với hoạt động này và đưa ra các chiến lược phát triển du lịch phù hợp. Trong bài viết này, tác giả khái quát một số vấn đề cơ bản về marketing địa phương và thực trạng du lịch tỉnh Thái Bình, từ đó khuyến nghị một số giải pháp nhằm phát triển du lịch tỉnh Thái Bình dưới góc nhìn của marketing địa phương.

Từ khóa: ngành Du lịch Thái Bình, marketing địa phương, phát triển du lịch.

1. Đặt vấn đề

Marketing địa phương đã được vận dụng có hiệu quả tại các quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan… và ở Việt Nam là các địa phương Ninh Bình, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… Đây là hoạt động có vai trò quan trọng trong việc thu hút du khách đến với địa phương đó.

Thái Bình là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng trong những năm qua có nhiều khởi sắc về kinh tế, đặc biệt là thu hút đầu tư từ nước ngoài vào khu kinh tế và các khu công nghiệp. Là tỉnh có nhiều địa điểm du lịch nhưng chưa thực sự phát huy hết hiệu quả để thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà. Vì vậy, nghiên cứu thực trạng du lịch tỉnh Thái Bình trên cơ sở vận dụng các lý thuyết về marketing địa phương là việc làm cần thiết để thu hút đầu tư phát triển Thái Bình nói chung và phát triển du lịch tỉnh nhà nói riêng.

2. Nội dung

2.1. Cơ sở lý luận về marketing địa phương

Marketing địa phương được hiểu là “việc thiết kế hình tượng của một vùng lãnh thổ để thỏa mãn nhu cầu của những thị trường mục tiêu. Điều này thành công khi người dân và các doanh nghiệp sẵn lòng hợp tác với cộng đồng và sự mong chờ của những người du lịch và các nhà đầu tư” (Kotler et al.2002). Còn theo Vũ Trí Dũng và Nguyễn Đức Hải (2011) “marketing địa phương là một quá trình, trong đó các hoạt động của địa phương hướng đến việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng mục tiêu, trên cơ sở đảm bảo lợi ích xã hội và hiệu quả kinh tế, phù hợp với mục tiêu đã đề ra. Trong đó, thị trường mục tiêu của marketing địa phương chính là những khách hàng mà các chủ thể làm marketing địa phương hướng đến, bao gồm du khách tham quan du lịch, cư dân và người lao động, các nhà đầu tư hiện có và nhà đầu tư từ nơi khác, thị trường xuất khẩu”. 

Trên cơ sở kiến thức nền tảng của marketing, mỗi địa phương có thể có các cách thức khác nhau để quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương mình. Thông thường, các địa phương có thể marketing lãnh thổ của mình đến các khách hàng mục tiêu trên các phương diện sau:

(1) Marketing vị trí địa phương: đó có thể hiểu là tổng hợp những niềm tin, ý tưởng và ấn tượng, những nét độc đáo, riêng biệt, bền vững của địa phương. Hình tượng địa phương phải có tính thuyết phục, hấp dẫn, tính phân biệt cao và phù hợp với thực trạng của địa phương đó. Khi đã xây dựng được hình tượng cho địa phương, cần phải sử dụng các công cụ để thể hiện, quảng bá rộng rãi trên các phương tiện truyền thông và khách hàng có thể hình dung được những hình ảnh nổi bật nhất của các địa phương này.

(2) Marketing các “sản phẩm” đặc trưng của địa phương: quảng bá hình ảnh không đủ để làm tăng tính hấp dẫn của địa phương. Khách hàng mục tiêu cần biết đến những địa điểm cụ thể, nổi bật, rõ ràng hơn của địa phương có khả năng hấp dẫn du khách như: địa điểm đẹp dựa trên tài nguyên thiên nhiên, lịch sử để lại hay do chính địa phương tạo dựng lên, những hoạt động về văn hóa, đời sống người dân...

(3) Marketing cơ sở hạ tầng của địa phương: bao gồm đường giao thông, khu đô thị, chung cư, hệ thống điện nước và mạng lưới thông tin liên lạc. Cơ sở hạ tầng góp phần làm cho hình ảnh và sức hấp dẫn của địa phương tăng lên, một địa phương có cơ sở hạ tầng đồng bộ, đặc biệt hệ thống công nghệ thông tin phát triển sẽ là ưu thế lớn so với các địa phương khác trong thu hút khách du lịch.

(4) Marketing con người của địa phương: là hoạt động quảng bá địa phương qua những nhân vật nổi tiếng, những nhà lãnh đạo có uy tín, nhân tài, những người có tinh thần khởi nghiệp hay những người đã chuyển đến địa phương. Đối với du lịch, những con người làm du lịch là những người quan hệ trực tiếp và tác động mạnh mẽ tới khách hàng. Vì vậy, các địa phương có thể tiến hành điều tra và đánh giá lại nguồn nhân lực về du lịch, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp nhất để nâng cao chất lượng của đội ngũ này. Thông qua các hoạt động marketing đó, làm cho thương hiệu của địa phương được định vị tốt hơn trong tâm trí khách hàng mục tiêu, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng. Chiến dịch marketing hiệu quả còn cần phải làm cho người dân, khu vực kinh doanh, các nhà đầu tư và khách du lịch hài lòng với cộng đồng, cũng như đáp ứng được những kỳ vọng của họ.

2.2. Thực trạng hoạt động marketing địa phương nhằm phát triển du lịch tỉnh Thái Bình

Thái Bình được biết đến là một tỉnh đồng bằng sông Hồng trú phù, có diện tích tự nhiên 1.567,54 km2 (Cục Thống kê tỉnh Thái Bình), cách thủ đô Hà Nội khoảng 110km, cách trung tâm Hải Phòng 70km, nằm gần các tỉnh có hoạt động du lịch phát triển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình. Những năm qua, ngành Du lịch tỉnh Thái Bình đã tích cực kêu gọi đầu tư, đẩy mạnh liên kết với các vùng địa phương khác để phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Nhờ vậy, số lượt khách du lịch đến với Thái Bình trong những năm vừa qua không ngừng tăng. Theo Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch, năm 2023, du lịch Thái Bình ghi dấu ấn với nhiều tín hiệu khởi sắc, tổng lượng khách du lịch đạt 850.000 lượt, doanh thu đạt 550 tỷ đồng. Tuy số lượng khách du lịch đến với Thái Bình phần lớn là khách du lịch nội địa nhưng có thể khẳng định công tác phát triển du lịch đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, cùng sự đồng hành phối hợp triển khai thực hiện của các ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. 

Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh Thái Bình luôn chú trọng các yếu tố thuộc về “vị trí địa phương” đó là ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển, hệ thống đường sá được bê tông hóa đến các thôn làng, giao thông đi lại thông suốt giúp cho việc giao lưu văn hóa, kinh tế, du lịch thuận lợi. Trải qua hàng ngàn năm phát triển, sự bồi đắp phù sa của hai con sông lớn là sông Hồng và sông Thái Bình đã mang lại những nét đặc trưng của nền văn minh lúa nước với nhiều nghề và làng nghề nổi tiếng như: nghề thêu ở Minh Lãng (Vũ Thư), nghề đúc đồng ở An Lộng (Quỳnh Hoàng, Quỳnh Phụ), nghề làm bánh Cáy ở Nguyên Xá (Đông Hưng), nghề làm chiếu cói ở làng Hới (Tân Lễ, Hưng Hà)… Với bờ biển dài 53km, 5 cửa sông lớn đổ ra biển, thiên nhiên ưu đãi cho biển Thái Bình có hệ thống rừng sinh thái ngập mặn, các bãi cát mịn có thể thu hút khách du lịch ưa thích nghiên cứu, khám phá, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại biển Đồng Châu, cồn Vành, cồn Đen, biển Vô cực. Thái Bình còn được biết đến là vùng đất “địa linh nhân kiệt” với nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng mang ý nghĩa quốc gia như: chùa Keo, khu di tích lịch sử nhà Trần, từ đường Lê Quý Đôn, từ đường Bùi Quang Dũng,… Bên cạnh đó, nghệ thuật hát chèo, múa rối nước cũng làm phong phú thêm đời sống sinh hoạt và làm nên nét văn hóa, du lịch độc đáo tỉnh Thái Bình. Các tài nguyên du lịch của Thái Bình đang phân bổ ở những địa điểm khá thuận lợi, có thể tổ chức các loại hình du lịch phù hợp với xu thế như: du lịch trở về với cội nguồn, du lịch văn hóa lễ hội, du lịch sinh thái hoặc kết hợp các loại hình du lịch trên.

Thái Bình cũng xác định được một số “sản phẩm” du lịch trọng điểm để xây dựng hình ảnh, đó là phát triển các sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng, trải nghiệm. Năm 2023, các hoạt động quảng bá du lịch của tỉnh được tổ chức quy mô tạo ấn tượng, dư luận tốt trong nhân dân và du khách về tham quan, trải nghiệm, như: Tuần du lịch biển và khinh khí cầu Thái Bình (Khu du lịch sinh thái Cồn Đen, xã Thái Đô, huyện Thái Thụy) ước tính có khoảng 20.500 lượt khách tham dự; Lễ hội Chùa Keo (Vũ Thư) được tổ chức hoành tráng trong 5 ngày, nhiều nghi thức phong phú đậm đà bản sắc dân tộc với sự lồng ghép các hoạt động như múa rối nước, hát chèo,... cùng với các gian hàng quảng bá sản phẩm OCOP cũng thu hút hàng nghìn lượt khách... Đặc biệt, hòa chung sự kiện Chương trình Giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” thu hút hàng nghìn người tham dự, làm nổi bật sự quan tâm và sự tham gia tích cực của cộng đồng Thái Bình, cũng như du khách. Sự kiện đã nhận được sự đánh giá cao từ truyền thông trong và ngoài nước, thúc đẩy nâng tầm mối quan hệ giữa hai nước, qua đó là dịp quảng bá hình ảnh, mảnh đất, con người Thái Bình đến với các du khách.

Công tác đầu tư cho hạ tầng du lịch cũng được chú trọng, Thái Bình đã và đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch (trạm dừng chân kết hợp phục vụ mua sắm, các điểm vui chơi, giải trí,…). Hiện nay, toàn tỉnh có 378 cơ sở lưu trú, 07 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, 10 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa. Đồng thời chú trọng phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch cả về năng lực, trình độ và chất lượng như: tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, hướng dẫn viên du lịch nội địa và hướng dẫn viên du lịch quốc tế đến thời hạn đổi thẻ; người lao động, người dân tham gia, phục vụ trực tiếp các hoạt động phục vụ tại điểm du lịch... Song hành với đó, tỉnh cũng đẩy mạnh xúc tiến du lịch, quảng bá hình hình địa phương, quảng bá con người, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực du lịch để thông tin đến khách hàng mục tiêu một cách nhanh chóng nhất.

Là tỉnh có mật độ dân số cao nhưng người dân hiền lành, chất phác, cần cù, khéo tay, mến khách. Người dân cũng dần ý thức được tầm quan trọng của phát triển du lịch địa phương với phát triển văn hóa - kinh tế. Mặc dù vậy, trong bối cảnh chung du lịch Thái Bình vẫn còn gặp nhiều khó khăn như lượng khách du lịch còn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa thu hút được khách quốc tế… Xét dưới góc độ marketing địa phương có thể thấy việc định vị hình ảnh du lịch của Thái Bình chưa rõ ràng, sản phẩm du lịch còn chưa có điểm nhấn. Việc đầu tư khai thác, phát huy giá trị các tiềm năng điểm đến còn đơn điệu, các sản phẩm du lịch chưa được đầu tư đồng bộ, đa dạng và mang tính đặc trưng riêng của Thái Bình, do đó sức cạnh tranh của các sản phẩm này chưa cao. Hơn nữa, các “sản phẩm” du lịch nằm rải rác ở nhiều địa phương trong tỉnh, trong khi đó công tác quy hoạch phát triển không gian, cơ sở hạ tầng kết nối các địa phương này còn gặp khó khăn nên việc liên kết để phát huy hết các thế mạnh của các “sản phẩm” du lịch này với nhau vẫn còn là bài toán khó. Bên cạnh đó, chính sách và các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại mặc dù đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn chưa chuyên nghiệp, đồng bộ, hiệu quả, dẫn đến sức hút đối với khách du lịch và nhà đầu tư chưa cao. Chất lượng dịch vụ tại một số điểm đến du lịch văn hóa gắn với di tích lịch sử, làng nghề truyền thống còn yếu, chưa khai thác được các sản phẩm du lịch trải nghiệm phục vụ du khách; chưa có tính đồng bộ và liên kết giữa các điểm du lịch trên địa bàn. Các doanh nghiệp phục vụ du lịch quy mô vẫn còn nhỏ và yếu. Chất lượng dịch vụ du lịch ở nhiều điểm đến và công tác hướng dẫn du lịch tại điểm còn hạn chế. Hệ thống nhà hàng, cơ sở dịch vụ ẩm thực, dịch vụ mua sắm còn chưa khai thác được hết tiềm năng. Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch vẫn còn nhỏ lẻ, rời rạc, tính chuyên nghiệp chưa cao và chưa có chiến lược dài hạn, bài bản. Nguồn nhân lực cho ngành Du lịch còn thiếu và chất lượng thấp.

2.3. Một số giải pháp nhằm vận dụng marketing địa phương góp phần phát triển du lịch tỉnh Thái Bình

Thứ nhất, marketing vị trí, hình ảnh địa phương.

Hiện nay, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Bình đang phát triển đa dạng sản phẩm du lịch: du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, trải nghiệm. Với 2.969 thiết chế văn hóa cổ đang được bảo tồn, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 123 di tích cấp quốc gia, 581 di tích cấp tỉnh, du lịch tâm linh vẫn đang được địa phương bảo tồn và phát triển. Đối với du lịch cộng đồng, trải nghiệm, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có một số hộ dân bắt đầu khai thác loại hình này như các vườn trồng cây ăn trái, trang trại kết hợp nông nghiệp, làng vườn cây cảnh… Để quảng bá ngành Du lịch tỉnh, Thái Bình cần xây dựng hình tượng địa phương thật hấp dẫn và độc đáo, nhằm tạo ấn tượng cho khách du lịch về các sản phẩm du lịch nông nghiệp - nông thôn, chủ yếu khai thác yếu tố văn minh lúa nước của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Sau đó các hình ảnh này phải được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạp chí chuyên ngành, website, mạng xã hội hoặc xây dựng những clip ngắn về du lịch Thái Bình hướng tới từng đối tượng khách hàng mục tiêu cụ thể.

Thứ hai, marketing để làm nổi bật hơn những “sản phẩm” đặc trưng của du lịch Thái Bình.

Theo lý thuyết, nếu địa phương chỉ tập trung quảng bá hình ảnh địa phương thì chưa đủ để khách hàng thấy được tính hấp dẫn của địa phương đó. Mỗi địa phương đều có một vài địa điểm du lịch nổi bật và khách hàng cần biết đến những địa điểm cụ thể, rõ ràng. Những địa điểm này có thể do lịch sử để lại (ví dụ các di tích) hoặc do thiên nhiên ưu đãi (bãi biển, cồn, rừng ngập mặn) hoặc do chính địa phương đó tạo dựng lên (các khu vui chơi giải trí). Hoặc những hoạt động sinh hoạt văn hóa - văn nghệ cộng đồng (hát chèo, múa rối nước) cũng là những nét giá trị riêng của địa phương để thu hút khách du lịch. Thái Bình có nhiều điểm du lịch tâm linh nổi tiếng như đền Trần, từ đường Lê Quý Đôn, chùa Keo, đền Đồng Bằng…; các điểm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng Cồn Đen, biển Cồn Vành, biển Vô Cực, làng vườn Bách Thuận đang được đầu tư phát triển; các làng nghề truyền thống nổi tiếng với các nghề dệt Phương La, bánh Cáy Nguyên Xá, chạm bạc Đồng Xâm… Các địa điểm du lịch này nằm rải rác xen kẽ trong các khu dân cư tại các huyện của tỉnh. Do đó, chính quyền địa phương có thể xây dựng chiến lược tổng thể để kết hợp các địa điểm du lịch này với nhau như:

(1) Kết hợp du lịch tâm linh, du lịch sinh thái đồng quê, du lịch làng nghề tại Hưng Hà (đền Trần, đền Tiên La, từ đường Lê Quý Đôn, các làng nghề truyền thống của Hưng Hà); tại Đông Hưng - Quỳnh Phụ (Đền Đồng Bằng, bánh Cáy làng Nguyễn, múa rồi nước làng Nguyễn xã Nguyên Xá và phường rối làng Đống, xã Đông Các);

(2) Kết hợp du lịch tâm linh chùa Keo và làng vườn Bách Thuận (Vũ Thư);

(3) Du lịch sinh thái tắm biển - nghỉ dưỡng tại Khu du lịch Cồn Đen, biển Cồn Vành, trải nghiệm nghề biển tại biển Vô Cực.

Thứ ba, marketing các yếu tố thuộc cơ sở hạ tầng của địa phương. 

Điều kiện tiên quyết để có thể phát triển du lịch của một địa phương, quốc gia hay vùng lãnh thổ chính là hạ tầng du lịch phải phát triển tương xứng với tiềm năng du lịch. Thành công của ngành Du lịch được tạo thành bởi 5 yếu tố: giao thông, điểm thắng cảnh, cơ sở tiện nghi, các dịch vụ hỗ trợ du lịch, sự điều hành của chính quyền. Nếu địa phương phát triển được cơ sở hạ tầng nghĩa là đã đáp ứng được 3/5 yêu cầu trên. Khách hàng khi đi du lịch luôn mong muốn đến địa điểm du lịch một cách nhanh chóng, thuận tiện và tận hưởng các dịch vụ du lịch tại địa phương theo nhu cầu của họ. Hiện tại, cơ sở hạ tầng tỉnh Thái Bình đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu và nhu cầu của du khách du lịch. Tuy nhiên, để phát triển lâu dài, bền vững và tăng tính cạnh tranh với các địa phương khác, Thái Bình cần tập trung đầu tư hơn nữa để phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, đa dạng hóa các phương tiện vận chuyển để rút ngắn thời gian di chuyển giữa các điểm thăm quan, trải nghiệm hoặc mua sắm các sản vật đặc trưng của địa phương. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch phải nằm trong chiến lược đầu tư phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Thứ tư, marketing hình ảnh con người của địa phương. 

Con người - yếu tố quyết định thành công của tất cả các loại hình kinh doanh và đặc biệt quan trọng đối với kinh doanh dịch vụ du lịch. Một địa phương phát triển du lịch tốt hay không phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố con người. Yếu tố con người ở đây được đề cập không chỉ là những người làm trong ngành Du lịch như: các nhân viên trong các nhà hàng khách sạn, các nhân viên bán hàng lưu niệm - quà tặng, các nhân viên khác phục vụ tại các điểm du lịch, các hướng dẫn viên… mà còn đề cập đến cả những con người làm việc tại các cơ quan nhà nước của địa phương. Sự thân mật, vui vẻ, mến khách của người dân địa phương cũng là yếu tố con người tạo ra nét đặc trưng riêng của địa phương đó, góp phần rất lớn trong việc xây dựng hình ảnh du lịch địa phương. Để marketing yếu tố con người hiệu quả, chính quyền tỉnh Thái Bình cần có các biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tầm quan trọng và lợi ích của du lịch đối với người dân; đầu tư cho đội ngũ cán bộ trong ngành Du lịch để làm tốt công tác quản lý và hỗ trợ hoạt động du lịch; tăng cường đầu tư một cách bài bản cho các cán bộ làm công tác quảng bá xúc tiến đầu tư du lịch; đầu tư phát triển các chuyên ngành đào tạo về du lịch tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh như đại học Thái Bình, cao đẳng nghề Thái Bình và các cơ sở đào tạo khác có liên quan đến ngành Du lịch để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

Để làm tốt được các vấn đề trên nhằm phát triển du lịch tỉnh Thái Bình, chính quyền địa phương và các cơ quan ban ngành chủ quản đóng vai trò chủ đạo trong việc ban hành và thực hiện các chính sách quy hoạch địa phương, xây dựng môi trường hấp dẫn cũng như tạo ra được sự uy tín cho sản phẩm của địa phương mình và phải được sự ủng hộ, đồng thuận của người dân địa phương. Bên cạnh đó, cần quan tâm đặc biệt đến các khách hàng của marketing địa phương, đó là: khách du lịch, nhà đầu tư, cư dân - nhân công và thị trường xuất khẩu.

3. Kết luận

Tỉnh Thái Bình có nhiều thế mạnh và tiềm năng để phát triển du lịch, đã được các cấp chính quyền và người dân quan tâm, hưởng ứng, thực hiện, tuy nhiên kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng. Du lịch tỉnh đã và đang phát triển theo định hướng của chính quyền địa phương song cần có các bước đi rõ ràng, cụ thể hơn. Việc xây dựng chiến lược marketing địa phương trong đó có các chương trình marketing du lịch phù hợp với đặc điểm tỉnh Thái Bình là yêu cầu cần thiết để nâng cao hiểu biết và lòng tự hào dân tộc, thu hút đầu tư, phát huy hết lợi thế của các ngành kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Kotler, P., Hamlin, M.A., Rein, I. and Haider, D.H., (2002). Marketing asian places: Attracting investment, Industry, and Tourism to Cities, State, and Nation. Jonh Wiley anf Sons. New York.

2. Nguyễn Văn Mạnh (2015), Marketing du lịch, NXB Đại học Kinh tế quốc dân.

3. Vũ Trí Dũng (2011), Marketing lãnh thổ, NXB Đại học Kinh tế quốc dân.

4. Phillip Kotler (2020), Marketing Management, Nhà xuất bản Lao động Xã hội.

5. Quốc hội (2017), Luật số 09/2017/QH14: Luật Du lịch Việt Nam, ban hành ngày 19 tháng 6 năm 2017.

6. Trúc Anh (2023), Công bố chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2023. Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh. Truy cập từ  https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/cong-bo-chien-luoc-marketing-du-lich-viet-nam-den-nam-2030-1491905538

7. Báo Thái Bình (2022), Thái Bình: Nỗ lực phục hồi, phát triển du lịch. Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Truy cập từ:  https://bvhttdl.gov.vn/thai-binh-no-luc-phuc-hoi-phat-trien-du-lich-20220714163745895.htm

8. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2023), Sơ kết công tác phát triển du lịch 6 tháng đầu năm 2023. Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình. Truy cập từ: https://sovhttdl.thaibinh.gov.vn/tin-tuc/du-lich/so-ket-cong-tac-phat-trien-du-lich-6-thang-dau-nam-2023.html

9. Phạm Yến (2024), Du lịch Thái Bình - Một năm nhìn lại. Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình. Truy cập từ: https://sovhttdl.thaibinh.gov.vn/tin-tuc/du-lich/du-lich-thai-binh-mot-nam-nhin-lai.html

Implementing local marketing to develop tourism in Thai Binh province

Vu Hai Thuy1

Le Tien Dung1

1Faculty of Technology and Engineering

Thai Binh University

ABSTRACT:

Local marketing or territorial marketing is no longer a new field, and it is applied by countries and territories to attract investment and develop unique local products, including tourism products. By promoting local images, managers can understand the needs and expectations of target customers and come up with appropriate tourism development strategies. This study summarized some basic issues about local marketing and current tourism development in Thai Binh province. Based on the study’s findings, some solutions were proposed to help Thai Binh province develop its tourism from the perspective of local marketing.

Keywords: Thai Binh tourism, local marketing, tourism development.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17 tháng 7 năm 2024]

Tạp chí Công Thương