Khai thác tốt các thị trường trong CPTPP
Sau 2 năm chính thức có hiệu lực (từ ngày 14/1/2019), Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được đánh giá là đã tác động tích cực tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, cùng với đó, giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn.
Ngay trong năm đầu tiên CPTPP có hiệu lực, bên cạnh các thị trường truyền thống như Nhật Bản tăng trưởng tốt (tăng 9,9% so với năm trước) thì các thị trường mà Việt Nam chưa có các FTA song phương cũng đã cho giá trị xuất khẩu cao, như: Canada tăng khoảng 33%, Mexico tăng gần 24%...
Trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, xuất khẩu sang các thị trường CPTPP vẫn ghi nhận sự gia tăng đáng kể. Năm 2020, xuất khẩu sang Canada đạt 4,3 tỷ USD, tăng 12%, sang Mexico đạt 3,1 tỷ USD, tăng 11%; Chile đạt 1 tỷ USD, tăng 8,3%...;
Đáng chú ý, trong 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sang Canada tăng 13,7%, Australia tăng 17%, Chile tăng 25,6%, Mexico tăng 12,7%, NewZealand tăng 35,1%...
Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi theo Hiệp định CPTPP cũng ghi nhận những tín hiệu khả quan. Trong năm 2020, kim ngạch cấp C/O mẫu CPTPP đạt 1,37 tỷ USD, bằng 4,02% tổng kim ngạch xuất khẩu sang 6 nước thành viên đã phê chuẩn CPTPP.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, tỷ lệ này không cao do hầu hết các nước đối tác đều đã có FTA với Việt Nam với quy tắc xuất xứ lỏng hơn và mức thuế suất ưu đãi hơn so với CPTPP trong những năm đầu CPTPP có hiệu lực. Dù vậy, xét riêng 2 nước lần đầu tiên có FTA với Việt Nam là Mexico và Canada thì tỷ lệ sử dụng C/O khi xuất khẩu là khá lớn. Bởi, năm 2020, trong số 1,37 tỷ USD cấp C/O, thì trị giá C/O cấp cho hàng hóa xuất khẩu sang Mexico và Canada đã là 1,27 tỷ USD, chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang 2 thị trường này.
Tuy nhiên, báo cáo của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) chỉ ra rằng, Hiệp định CPTPP có hiệu lực đã hơn 2 năm, nhưng những gì đã đạt được còn thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng. Tỷ lệ thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại các nước CPTPP hiện còn ở mức thấp. Cụ thể, Nhật Bản đạt 3,1%; 1,9% ở Australia; 1,6% ở New Zealand; 1,3% ở Mexico và mới chỉ chiếm 1,1% ở thị trường Canada.
Nêu nguyên nhân, VCCI cho rằng, không chỉ do các biến cố khách quan như tình hình căng thẳng thương mại toàn cầu hay đại dịch Covid-19, mà còn ở các vấn đề chủ quan trong đó có nguyên nhân từ chính các doanh nghiệp.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cũng nhận định, cho đến nay các doanh nghiệp của Việt Nam cũng đã làm quen với việc thực hiện các cam kết cũng như tận dụng được các ưu đãi từ các FTA, song, trên thực tế các doanh nghiệp cũng gặp phải một số khó khăn nhất định, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Khó khăn lớn nhất là doanh nghiệp chưa hiểu hết được ý nghĩa của các cam kết trong từng ngành hàng, từng mặt hàng, nhất là những mặt hàng mà doanh nghiệp đang có quan tâm và sản xuất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng có những hạn chế về mặt tiếp cận thị trường, về công tác xúc tiến thương mại.
Khảo sát mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về CPTPP, VCCI cho biết, có 69% doanh nghiệp nghe nói hoặc biết sơ bộ về Hiệp định này, cao hơn tất cả các FTA khác; 25% doanh nghiệp có hiểu biết nhất định về Hiệp định. Đặc biệt, khảo sát chỉ ra, cứ 20 doanh nghiệp mới có một doanh nghiệp biết rõ về các cam kết CPTPP liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình.
Đáng nói, trong khi các doanh nghiệp FDI và dân doanh có cảm nhận rõ về tác động của CPTPP (với 51-52% doanh nghiệp của các nhóm này cho rằng CPTPP có tác động tích cực) thì khối doanh nghiệp 100% vốn nhà nước phần lớn đứng ngoài những tác động này.
Một khó khăn khác mà các doanh nghiệp đang gặp phải đó là vấn đề về quy tắc xuất xứ của CPTPP phức tạp hơn so với các FTA mà Việt Nam đã tham gia.
Để được hưởng ưu đãi thuế quan theo CPTPP, thì hàng hóa phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ nội khối, trong khi những ngành hàng được kỳ vọng gia tăng xuất khẩu (như dệt may, giày dép…) lại sử dụng nhiều nguyên liệu ngoại khối.
Doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa
Để tận dụng tốt hơn Hiệp định CPTPP trong thời gian tới, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, các cơ quan quản lý cần rà soát quy định pháp luật liên quan, cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường về truyền thông, thông tin về thị trường, định hướng cho doanh nghiệp trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình, giúp nâng cao năng lực cho doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, hạn chế lớn nhất của doanh nghiệp chính là thiếu thông tin. Để giải quyết vấn đề này, theo ông Trần Thanh Hải, Bộ Công Thương đã phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) thiết lập và cho vận hành Cổng thông tin điện tử về các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó có Hiệp Định CPTPP.
Cổng thông tin điện tử này cũng đã hoàn tất việc nạp dữ liệu cũng như cập nhật bổ sung các file dữ liệu để phục vụ tốt nhất cho các doanh nghiệp có thể tra cứu. Doanh nghiệp có thể tìm được thấy những cam kết về thuế, về quy tắc xuất xứ, về dịch vụ, đầu tư, cũng như các thông tin về tình hình thị trường, các quy định/thị trường xuất nhập khẩu, về trách nhiệm xã hội...
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tích cực phối hợp với các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc đàm phán, mở cửa thị trường về mặt kỹ thuật để giúp cho các sản phẩm nông sản - đặc biệt là trái cây - có thể thâm nhập được thị trường của các nước CPTPP. Vì các hiệp định thương mại tự do (FTA) đem lại các ưu đãi về mặt thuế quan nhưng đối với những biện pháp kỹ thuật, đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến thực phẩm, liên quan đến con người thì yêu cầu về mặt kỹ thuật vẫn là một hàng rào hết sức khắt khe.
Về hoạt động về xúc tiến thương mại, Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải cũng cho rằng, Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục đổi mới các hình thức về xúc tiến thương mại để giúp cho doanh nghiệp có thể đạt được hiệu quả xúc tiến cũng như mở rộng tầm với của doanh nghiệp để vươn đến các thị trường khác trong CPTPP trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu thoái thoái lui như hiện nay.
Đáng chú ý, theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập, các kênh thương mại điện tử là một công cụ rất tốt để hỗ trợ cho các doanh nghiệp giao dịch với các đối tác, bởi, trong thị trường CPTPP, bên cạnh một số nước ASEAN thì các quốc gia còn lại đều nằm ở rất xa, đặc biệt là các quốc gia ở khu vực châu Mỹ. Việc triển khai các công cụ về thương mại điện tử sẽ giúp ích rất nhiều cho các doanh nghiệp tìm kiếm các đối tác mới ở những thị trường này, đặc biệt là những thị trường như: Canada, Chile, Peru, Mexico...
Về phía các doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu cơ hội ưu đãi trong Hiệp định, thay đổi tư duy kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, nghiên cứu kỹ thị trường, có kế hoạch triển khai cụ thể trong lĩnh vực/ngành hàng của mình, lấy sức ép của các tiêu chuẩn cao trong CPTPP để nâng cao năng lực cạnh tranh, hình thành các chuỗi giá trị, tạo nền tảng khai thác các FTA lâu dài, bền vững.
Với mục đích tiếp tục phổ biến chuyên sâu về Hiệp định CPTPP và tiếp cận thị trường; tổng kết 2 năm thực hiện và đưa ra những giải pháp trong thời gian tới. Cùng với đó, cung cấp phân tích, nhận định về cơ hội và khả năng phát triển thị trường châu Mỹ thông qua tận dụng lợi ích của Hiệp định, giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh lâu dài, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “CPTPP: Cơ hội mở rộng thị trường châu Mỹ cho hàng xuất khẩu Việt Nam”.
Thời gian: 8h00 – 12h00, ngày 27 tháng 4 năm 2021
Địa điểm: Hội trường Tầng 1, Khách sạn Daewoo, 360 Kim Mã, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội.