Ngày 29/5/2020, Cục Xúc tiến thương mại và Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã phối hợp với Liên đoàn Sản xuất Singapore (SMF) tổ chức “Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thủy sản, thực phẩm Việt Nam - Singapore 2020”.
Hội nghị nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nông sản, thủy sản và thực phẩm của Việt Nam có cơ hội tìm hiểu thị trường, tiếp cận trực tiếp đối tác Singapore để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, trong bối cảnh dịch Covid-19 gây cản trở các hoạt động XTTM trực tiếp của doanh nghiệp.
Hội nghị đã thu hút sự tham gia của hơn 100 đại diện đến từ các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp hai nước.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, Singapore là đất nước có nền kinh tế phát triển thuộc nhóm năng động bậc nhất tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, có vai trò quan trọng trong hợp tác thương mại với Việt Nam.
Singapore đang phải nỗ lực và khẩn cấp đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu sản xuất trong bối cảnh nguồn cung từ thị trường Trung Quốc bị gián đoạn bởi dịch Covid-19.
Trong khi đó, quốc gia này đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường trọng tâm giúp nước này bù đắp sự thiếu hụt hàng hóa, nhất là các sản phẩm về nông sản, thủy sản, thực phẩm và xây dựng.
Vì vậy, Cục trưởng Vũ Bá Phú cho rằng, hội nghị giao thương trực tuyến này sẽ góp phần cùng giúp doanh nghiệp hai nước vượt qua thời kỳ khó khăn và đóng góp vào sự phát triển quan hệ thương mại bền vững Việt Nam - Singapore.
Tham gia Hội nghị giao thương trực tuyến, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang đã giới thiệu tới các doanh nghiệp Singapore những mặt hàng nông sản chủ lực nói chung của tỉnh, trong đó có quả vải thiều Bắc Giang.
Giám đốc Sở Công Thương Trần Quang Tấn cho biết, tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư giữa tỉnh Bắc Giang với các doanh nghiệp Singapore là rất lớn. Một số đầu mối nhập khẩu trái cây của Singapore đã rất quan tâm tới nguồn cung vải thiều chất lượng cao của tỉnh Bắc Giang.
Đánh giá cao tiềm năng về hàng nông sản, thủy sản, thực phẩm của Việt Nam, ông Douglas Foo, Chủ tịch Liên đoàn Sản xuất Singapore và đồng Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Việt Nam - Singapore cho biết, Việt Nam và Singapore đã ký một loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Đặc biệt, cả Việt Nam và Singapore đều tham gia vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tạo cơ hội lớn để hai bên tăng cường hợp tác thương mại với nhau.
Ông Douglas Foo bày tỏ tin tưởng mạnh mẽ vào sự hợp tác với các cơ quan chính phủ, hiệp hội thương mại và doanh nghiệp Việt Nam.
Nhấn mạnh vào tiềm năng hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Singapore, bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Singapore cho biết, thương mại hai nước bổ sung cho nhau chứ không cạnh tranh. Đây là điều kiện thuận lợi để hàng nông sản, thủy sản và thực phẩm Việt Nam có thể mở rộng thị phần tại thị trường Singapore.
Thay đổi tư duy, chủ động thích nghi
Lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn với thị trường Singapore, bà Trần Thu Quỳnh cho biết, dịch Covid-19 gây khó khăn nhưng cũng mở ra khả năng giảm chi phí thuê văn phòng, cửa hàng, showroom…
Từ đó doanh nghiệp có thêm nguồn lực (con người, thời gian, tài chính) để đầu tư vào các giải pháp lâu dài. Cùng với đó là xu hướng gia tăng hợp tác giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khối ASEAN để cùng vượt qua khủng hoảng, tạo tiền đề hình thành nền kinh tế tuần hoàn.
Theo bà Trần Thu Quỳnh, để thích nghi với tình hình mới, doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị cho thay đổi trong xu hướng tiêu dùng ở thị trường Singapore. Cụ thể, người tiêu dùng Singapore giảm chi tiêu vào các thực phẩm đắt tiền, tìm mua những sản phẩm tiện ích, dễ sử dụng, sản phẩm phục vụ nhiều đối tượng khách hàng và điều kiện thị trường như đồ ăn chay, thực phẩm chế biến sẵn và sạch, những sản phẩm Halal…
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với nghịch lý của chuỗi cung ứng. Mọi mắt xích trong chuỗi đều có nguy cơ khủng hoảng. Vì vậy, doanh nghiệp cần củng cố xây dựng mạng lưới từ người trồng đến khâu tiêu thụ, nhằm tạo năng lực sẵn sàng thích ứng, đa dạng hóa rủi ro; cần tiến tới cùng điều phối hoạt động sản xuất trong ngành hàng và tổ chức khâu vận chuyển.
Mặt khác, bà Trần Thu Quỳnh cũng khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn xa hơn khủng hoảng như chuyển đổi số từ thương mại điện tử đến giao thương điện tử. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần xây dựng giải pháp xác thực chất lượng hàng hóa; kiểm dịch chất lượng qua trí tuệ nhân tạo.
Doanh nghiệp cũng cần tận dụng kênh thương mại điện tử để kinh doanh bởi thương mại điện tử tại Singapore bùng nổ trong mọi lĩnh vực nhưng công nghiệp thực phẩm vẫn là lĩnh vực ít đầu tư về công nghệ nhất. Đồng thời, các doanh nghiệp cần tham gia bán hàng trên mạng với chiến lược cụ thể và chính sách đặc thù.
Bà Trần Thu Quỳnh cũng lưu ý, hiện nay, tại Singapore, nhiều doanh nghiệp tham gia bán hàng trực tiếp đến tận người tiêu dùng, do đó, các thương nhân, người mua trung gian, nhà phân phối cần xác định nguy cơ để chuẩn bị.
“Doanh nghiệp Việt Nam và Singapore cần hợp tác về vốn, công nghệ, nhãn hàng, mạng lưới tiêu thụ để nâng quy mô sản xuất và giá trị gia tăng của sản phẩm”, bà Trần Thu Quỳnh gợi ý.
Để thúc đẩy hàng nông sản, thủy sản, thực phẩm Việt Nam sang thị trường Siangapore, Thương vụ Việt Nam tại Singapore sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trưng bày hàng hóa miễn phí tại phòng trưng bày của Thương vụ, tạo gian hàng ảo tại website Thương vụ.
Ngoài ra, Thương vụ cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong nghiên cứu thị trường thông qua việc bán thử hàng trên các ứng dụng thương mại điện tử của sở tại như Redmart, Ezbuy, Eamart, Market Fresh…, bà Trần Thu Quỳnh thông tin thêm.
Về phía Cục Xúc tiến thương mại, Cục trưởng Vũ Bá Phú cam kết luôn sẵn sàng phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam – Singapore có thêm nhiều cơ hội kết nối kinh doanh hiệu quả, ổn định lâu dài.