Xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trong hoạt động thương mại điện tử - thực trạng và một số khuyến nghị

Bài báo nghiên cứu "Xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trong hoạt động thương mại điện tử - thực trạng và một số khuyến nghị " do ThS. Nguyễn Thị Hạnh Lê (Khoa Luật, Trường Đại học Văn Lang, Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

Tóm tắt:

Hoạt động thương mại điện tử hiện nay đang phát triển nhanh chóng và phủ sóng rộng khắp đời sống thường nhật của xã hội. Song bên cạnh đó còn tồn tại thực trạng hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu ẩn danh và lưu thông rộng rãi thông qua kênh thương mại điện tử. Bài viết phân tích thực trạng, cùng các khó khăn, vướng mắc thực tiễn trong việc quản lý và xử lý các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trong hoạt động thương mại điện tử. Từ đó, đề xuất các giải pháp đổi mới trong hoạt động quản lý, xây dựng và thực thi pháp luật, nhằm xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế - xã hội.

Từ khóa: xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu, thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến, mạng xã hội.

1. Đặt vấn đề

Xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là vấn nạn và là mối bận tâm lớn trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt là trong môi trường giao dịch số qua các kênh thương mại điện tử trong những năm gần đây. Dịch bệnh Covid-19 bùng nổ và kéo dài cùng các lệnh giãn cách xã hội đã thay đổi thói quen mua sắm của đại đa số người tiêu dùng. Trong những năm gần đây, việc mua bán, giao dịch mua sắm qua các kênh thương mại điện tử, các kênh mạng xã hội như: Facebook, Tiktok, Instagram, Zalo… trở nên rất phổ biến nhờ vào mức độ tiện dụng, thuận lợi và độ phủ sóng rộng khắp của mạng Internet. Tuy nhiên, bên cạnh vai trò tích cực mà thương mại điện tử mang lại, đây còn là một môi trường thuận lợi cho các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền đối với nhãn hiệu nói riêng, diễn ra một cách phổ biến, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của chủ sở hữu, các chủ thể kinh doanh chính thống, cũng như quyền lợi của người tiêu dùng, xã hội và cả nền kinh tế. Tuy cơ chế xử lý xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đã được ghi nhận trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nhưng tình trạng này vẫn phổ biến và ngày càng tinh vi, phức tạp hơn trong môi trường thương mại điện tử.

Bài viết dưới đây tập trung vào việc phân tích các nội dung về: (i) hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trong môi trường thương mại điện tử: (ii) chế tài xử lý theo quy định pháp luật và các khó khăn trong việc thực thi; và (iii) một số khuyến nghị nhằm bảo vệ quyền của chủ sở hữu và định hướng hoàn thiện pháp luật. Các nội dung liên quan đến hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu ngoài môi trường thương mại điện tử, hoặc trên mạng Internet nhưng không gắn với thương mại điện tử, đều không thuộc phạm vi bài viết này.

2. Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trong môi trường thương mại điện tử

Khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2009, 2019 và 2022 (sau đây gọi tắt là “Luật Sở hữu trí tuệ”) quy định về bốn dạng hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Theo đó, có thể hiểu về nguyên tắc, hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là việc sử dụng trái phép nhãn hiệu hoặc dấu hiệu tương tự trên hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc có liên quan theo cách thức gây nhầm lẫn, hiểu lầm về nguồn gốc của các hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.

Về bản chất, mục đích tồn tại của nhãn hiệu  nhằm phân biệt nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với các chủ thể khác. Nhãn hiệu giúp người tiêu dùng nhận biết và phân biệt hàng hóa, dịch vụ giữa các nhà cung cấp khác nhau, từ đó phân biệt nguồn gốc của các hàng hóa, dịch vụ đang hiện hữu trên thị trường. Trên cơ sở đó, nhãn hiệu giúp bảo vệ danh tiếng kinh doanh chủ sở hữu gây dựng trên thị trường. Do đó, khi xảy ra tình trạng xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tất cả các mục đích và vai trò tồn tại nêu trên của nhãn hiệu đều không còn được đảm bảo. Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu không chỉ gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ cung ứng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng, còn làm phá hủy danh tiếng và giá trị của cả một hệ thống kinh doanh gắn liền với nhãn hiệu được được chủ sở hữu xây dựng và phát triển nhiều năm, ảnh hưởng đến sản lượng và lợi nhuận kinh doanh của các chủ thể kinh doanh, từ đó gián tiếp dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng hơn về mặt kinh tế, khi các chủ thể kinh doanh chân chính không còn khả năng và nhu cầu làm kinh tế một cách lành mạnh.

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số, các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trong hoạt động thương mại điện tử thường thấy là:

- Quảng cáo, chào hàng để bán hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trên các kênh thương mại điện tử.

- Quảng cáo, chào hàng để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trên các kênh thương mại điện tử.

- Sử dụng trái phép nhãn hiệu hoặc dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu đã được bảo hộ của người khác trên kênh thương mại điện tử cho cùng ngành hàng.

- Sử dụng, đăng ký tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ của người khác.

Theo đó, có một số vấn đề cần lưu ý như sau:

Thứ nhất, “hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu” và “hàng hóa giả mạo nhãn hiệu” không hoàn toàn trùng nhất. “Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu” được định nghĩa tại khoản 2 Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ, là một dạng đặc biệt của “hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu”. Theo đó, chế tài áp dụng để xử lý 2 loại hàng hóa này cũng khác nhau. Việc xác định đúng đối tượng là loại hàng hóa xâm phạm nào sẽ giúp xác định đúng hành vi xâm phạm, làm cơ sở để xác định và áp dụng đúng chế tài tương ứng được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ hai, việc xác định yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu cần được thực hiện theo các cơ sở và tiêu chí quy định tại Điều 77 Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (sau đây gọi tắt là “Nghị định số 65/2023/NĐ-CP”). Theo đó, cần tiến hành so sánh và đối chiếu, đánh giá ở cả “dấu hiệu nghi ngờ xâm phạm” và “hàng hóa, dịch vụ” mang dấu hiệu nghi ngờ xâm phạm. 

Thứ ba, “khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng” là yếu tố quan trọng trong việc xem xét và đánh giá yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trong trường hợp dấu hiệu bị nghi ngờ tương tự với nhãn hiệu đã được bảo hộ của người khác, hoặc dấu hiệu bị nghi ngờ trùng với nhãn hiệu được bảo hộ của người khác nhưng được sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan (trùng về dấu hiệu nhưng không trùng về hàng hóa, dịch vụ). Nguyên tắc này được quy định tại Điều 77 Nghị định số 65/2023/NĐ-CP và khoản 2 Điều 13 Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN ngày 26/6/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Trong trường hợp dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoàn toàn với nhãn hiệu đã được bảo hộ của người khác và hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ cũng trùng với hàng hóa, dịch vụ được đăng ký cho nhãn hiệu được bảo hộ, yếu tố “khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng” được xem là hiển nhiên và không cần chứng minh.

Thứ tư, “kênh thương mại điện tử” không chỉ giới hạn ở các sàn giao dịch thương mại điện tử phổ biến thường thấy như Tiki, Shopee, Lazada…, mà còn ở các trang website kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp hoặc trang tài khoản cá nhân trên mạng xã hội Facebook, Tiktok, Instagram, Zalo… Các kênh thương mại điện tử này có thể của doanh nghiệp, tổ chức hoặc của các cá nhân nhỏ lẻ.

3. Xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trong môi trường thương mại điện tử

Theo quy định tại Điều 199 Luật Sở hữu trí tuệ có 3 biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung, hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nói riêng, bao gồm biện pháp dân sự, biện pháp hành chính và biện pháp hình sự. Trong đó:

- Các biện pháp dân sự được áp dụng bởi tòa án có thẩm quyền được quy định tại Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ, bao gồm: (i) buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; (ii) buộc xin lỗi, cải chính công khai; (iii) buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; (iv) buộc bồi thường thiệt hại; (v) buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền.

- Các biện pháp hành chính được quy định tại Mục 1 Chương XVIII và Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/ 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 và số 46/2024/NĐ-CP ngày 04/5/2024 (sau đây gọi tắt là Nghị định số 99/2013/NĐ-CP). Trong đó, cần lưu ý, chỉ những hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được quy định tại khoản 1 Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ và được cụ thể hóa tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP mới bị xử phạt vi phạm hành chính.

- Biện pháp hình sự được quy định tại Điều 212 Luật Sở hữu trí tuệ và được cụ thể hóa tại Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Hình sự). Cần lưu ý, đối với nội dung xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ khi đối tượng là “hàng hóa giả mạo nhãn hiệu” mới cấu thành tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự. Như vậy, với hành vi xâm phạm quyền mà đối tượng chỉ là “hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu” nhưng không phải là “hàng hóa giả mạo nhãn hiệu” thì sẽ không có khả năng bị xử lý hình sự.

Ngoài các biện pháp dân sự, hành chính và hình sự, pháp luật sở hữu trí tuệ còn trao cho chủ sở hữu nhãn hiệu quyền “tự bảo vệ” trước các hành vi xâm phạm quyền quy định tại Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ. Trong đó, các biện pháp quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 198 thuần túy là các biện pháp do chủ sở hữu tự chủ động thực hiện để bước đầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước khi nhờ đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền can thiệp và áp dụng các biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự theo điểm c và d khoản 1 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ.

Căn cứ các quy định pháp luật nêu trên, về nguyên tắc, chủ sở hữu khi đối mặt với hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trong môi trường thường mại điện tử có thể thực hiện các biện pháp xử lý như sau:

- Chủ động thực hiện biện pháp công nghệ nhằm tự bảo vệ quyền.

- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu phải chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên kênh thương mại điện tử, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại. Các yêu cầu này thực tế có thể và thường được thực hiện thông qua “Thư Cảnh báo” hoặc “Thư Khuyến nghị” do chủ sở hữu chủ động gửi đến tổ chức, cá nhân nghi ngờ xâm phạm quyền.

- Yêu cầu khởi kiện dân sự tại tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại trung tâm trọng tài đề nghị áp dụng các biện pháp dân sự theo luật định.

- Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp hành chính căn cứ quy định tại Điều 11, Điều 12, Điều 13 hoặc Điều 14 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP. Trong đó, Điều 11 áp dụng cho đối tượng là “hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu”; Điều 12 áp dụng cho đối tượng là “hàng hóa giả mạo nhãn hiệu”; Điều 13 áp dụng cho đối tượng là tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu giả mạo và Điều 14 áp dụng cho hành vi đăng ký, chiếm hữu và sử dụng tên miền xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.

- Tố giác và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp hình sự theo Điều 226 Bộ luật Hình sự.

Trên thực tế, việc xác định và xử lý các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trong môi trường giao dịch thương mại điện tử gặp không ít khó khăn, xuất phát từ đặc thù của môi trường thương mại điện tử. Cụ thể:

Thứ nhất, với độ phủ sóng rộng khắp và tốc độ lan truyền nhanh chóng của mạng Internet giúp cho việc tiếp cận sản phẩm dễ dàng, tiện lợi hơn, phương thức mua sắm trực tuyến qua các kênh thương mại điện tử đã trở nên rất phổ biến trong đời sống xã hội hiện nay. Trên cơ sở đó, hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu khi xảy ra trên môi trường thương mại điện tử sẽ lan truyền rất nhanh và ở phạm vi rộng, tiếp cận đến đại đa số bộ phận người tiêu dùng chỉ trong một thời gian ngắn. Đây là thách thức lớn đối với công tác thực thi và xử lý xâm phạm quyền trong việc xử lý dứt điểm được toàn bộ hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.

Thứ hai, đặc trưng của không gian mạng là khả năng “ẩn danh”. Theo đó, bên cạnh các kênh thương mại điện tử trực tuyến của chính mỗi doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ (các website chính thức của doanh nghiệp) với thông tin doanh nghiệp được ghi nhận và thể hiện rõ ràng, còn tồn tại rất nhiều các sàn thương mại điện tử trung gian (như Tiki, Lazada, Shopee...) và các trang mạng xã hội (như Facebook, Tiktok, Zalo, Instagram,...) mà ở trên đó, người bán có thể chỉ là những cá nhân hoặc những nhóm tổ chức nhỏ, lẻ không rõ danh tính “thật” và thông tin cụ thể. Do đó, khi hành vi xâm phạm bắt nguồn từ những tài khoản bán hàng trên các sàn thương mại điện tử trung gian hoặc trên mạng xã hội, rất khó để xác định cụ thể và chính xác danh tính chủ thể có hành vi vi phạm, cách thức liên hệ, định vị kho hàng hóa xâm phạm thực sự để tiếp cận và xử lý. Ngoài ra, thực tế lưu thông của hàng hóa xâm phạm quyền không chỉ bắt nguồn từ một nhà cung cấp, mà được lưu thông và mua bán qua nhiều nhà cung ứng khác nhau ở các cấp độ khác nhau. Chính vì vậy, trong trường hợp phát hiện hành vi xâm phạm quyền, việc định vị và tiếp cận để thu thập bằng chứng xâm phạm, thông tin về chủ thể nghi ngờ có hành vi xâm phạm, cũng là một thách thức khó khăn.

Mặt khác, thực tế việc mở một tài khoản trên các sàn thương mại điện tử trung gian và trên các trang mạng xã hội hiện nay vẫn còn khá dễ dàng. Chính vì vậy, khi phát hiện hành vi xâm phạm, mặc dù các sàn thương mại điện tử hoặc các hệ thống mạng xã hội trung gian có thể khóa các tài khoản vi phạm, nhưng bản thân những người có hành vi vi phạm vẫn dễ dàng và nhanh chóng mở tài khoản mới để tiếp tục hành vi vi phạm. Hiện nay, thực tế cho thấy chưa có một cơ chế hữu hiệu nào để xử lý tình trạng này một cách triệt để. Mặc dù theo quy định tại điểm c khoản 7 Điều 36 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 19/11/2021 của Chính phủ về thương mại điện tử, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 và số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021, có quy định về nghĩa vụ của tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử trong việc phối hợp với chủ thể quyền sở hữu trí tuệ rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm xâm phạm quyền theo quy trình công bố tại Quy chế hoạt động của sàn, song trên thực tế, việc thực thi cũng gặp không ít khó khăn. Các khó khăn được chỉ ra như, do bản thân tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử cũng không xác định được chính xác người đứng sau các tài khoản kinh doanh đang có hành vi vi phạm đó là ai, ở đâu, nguồn kho hàng tọa lạc ở chỗ nào. Việc chỉ khóa tài khoản vi phạm sẽ không hiệu quả, bởi họ hoàn toàn có thể mở tài khoản mới và tiếp tục hành vi vi phạm của mình.

Thứ ba, thực tế việc hậu kiểm và xử lý các doanh nghiệp không kinh doanh thực tế tại địa chỉ trụ sở đăng ký hiện nay còn lỏng lẻo và chưa có quy định, cơ chế thống nhất thực thi. Do đó, các tài khoản kinh doanh trên sàn thương mại điện tử dù có thể hiện thông tin về tên và địa chỉ doanh nghiệp, nhưng khi xảy ra vi phạm, việc truy tìm các doanh nghiệp đó vẫn rất khó khăn do họ không hề hoặc đã không còn ở địa chỉ đăng ký trụ sở kinh doanh. Từ đó dẫn đến khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc thực thi pháp luật và xử lý xâm phạm, cũng như khó khăn cho chính chủ sở hữu khi muốn tự bảo vệ quyền lợi của mình.

Thứ tư, các hình ảnh thể hiện trên các trang thương mại điện tử rất dễ để làm giả hoặc ăn cắp từ hình ảnh sản phẩm chính hãng, đưa lên để quảng cáo. Do đó, rất nhiều người tiêu dùng không thực sự ý thức được sản phẩm họ đang mua và sử dụng trên các kênh thương mại điện tử là hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Tình trạng này rất phổ biến, nhất là đối với người tiêu dùng ở độ tuổi trung niên và chưa quá quen thuộc với cách sử dụng và đề phòng trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, còn tồn tại thực trạng người tiêu dùng ý thức và nhận biết được sản phẩm hàng hóa mình mua là hàng xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, nhưng vẫn chọn lựa mua vì giá thành rẻ, mẫu mã đẹp mắt và mức độ tiện dụng khi mua sắm, mà không cần quan tâm đến chất lượng thành phẩm...  Chính các tình trạng này dẫn đến hệ quả hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trên các kênh thương mại điện tử vẫn được tiêu thụ nhanh chóng với số lượng lớn, là “mối làm ăn” hấp dẫn đối với nhiều người muốn khởi nghiệp hoặc làm thêm với phương thức kinh doanh trực tuyến trên mạng. Chính thói quen và hành vi mua sắm như trên của người tiêu dùng vô tình làm cho mạng lưới kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền ngày càng mở rộng và phát triển trên không gian thương mại điện tử.

4. Một số khuyến nghị nhằm bảo vệ quyền của chủ sở hữu và định hướng hoàn thiện pháp luật

 Trong bối cảnh hoạt động thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến và gần gũi với đời sống của người tiêu dùng, trình độ phát triển của khoa học, công nghệ đang gián tiếp giúp cho các sản phẩm hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu ngày càng tinh vi, khó phân biệt với hàng hóa chính hãng. Do đó, cần nghiêm túc nhìn nhận thực trạng trên và xem xét các biện pháp để kiểm soát được hoạt động thương mại điện tử, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như lợi ích của các cá nhân, doanh nghiệp làm kinh tế chân chính. Một số khuyến nghị có thể được đưa ra như sau:

Thứ nhất, cần xem xét bổ sung các quy định, cơ chế kiểm soát hiệu quả hơn hoạt động mở và quản lý các tài khoản kinh doanh trực tuyến trên mạng, các tài khoản giao dịch thương mại điện tử không qua sàn mà chỉ thông qua các mạng xã hội. Ví dụ, có thể quy định yêu cầu mỗi tài khoản mở ra chỉ được gắn liền với một căn cước công dân hoặc một số điện thoại chính chủ đã được đăng ký tại các nhà mạng; yêu cầu về việc báo cáo bắt buộc về việc kinh doanh trực tuyến, báo cáo về nguồn hàng hóa kinh doanh… với cơ quan quản lý hành chính cấp địa phương để cơ quan quản lý có đầu mối kiểm soát và xử lý trong trường hợp có sai phạm. Trên thực tế, chính các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội đã và đang có hoạt động thương mại điện tử rất sôi nổi và mức độ lan tỏa lớn, nhưng việc kiểm soát nguồn hàng và chất lượng hàng hóa giao dịch bởi các tài khoản này hầu như không có. Đặc biệt, khi nguồn hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được giao dịch từ các tài khoản này, rất khó để xử lý xâm phạm vì không thể xác định danh tính và nhân thân thực sự đứng sau các tài khoản này.

Thứ hai, cần xem xét điều chỉnh, bổ sung các quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử theo hướng nâng cao hơn trách nhiệm của các tổ chức cung cấp sàn giao dịch, siết chặt các yêu cầu, điều kiện mở tài khoản kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là việc lưu trữ và cập nhật các thông tin liên hệ của người chịu trách nhiệm về mỗi tài khoản kinh doanh, để đảm bảo việc phối hợp và phát hiện, truy tìm chủ nhân của các tài khoản có kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử khi có liên quan đến hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.

Thứ ba, cần nghiên cứu và bổ sung quy định về cơ chế quản lý hậu kiểm hiệu quả hơn đối với doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, có biện pháp rà soát và xử lý các doanh nghiệp đang ở trong tình trạng “không kinh doanh tại địa chỉ trụ sở đăng ký”, để giảm bớt các khó khăn trong việc định vị chủ thể xâm phạm quyền, giúp cho việc thực thi các biện pháp dân sự, hành chính, hình sự cụ thể được hiệu quả.

Thứ tư, cần có các hoạt động nâng cao ý thức của người tiêu dùng, hướng dẫn cách thức và kênh mua sắm trực tuyến cung cấp hàng hóa chính hãng, cách nhận biết hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, nâng cao hiểu biết về hậu quả của việc tiếp tay hoặc vô tình mua sắm và sử dụng hàng hóa xâm phạm quyền, để hạn chế mức độ lan tỏa của các sản phẩm hàng hóa xâm phạm quyền giá rẻ trong đời sống của người dân, từ đó hạn chế mức độ mở rộng mạng lưới của các kênh kinh doanh loại hàng hóa xâm phạm quyền này.

5. Kết luận

Tổng quan thực trạng hiện nay cho thấy vấn nạn kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trên các kênh thương mại điện tử rất phổ biến và khó kiểm soát, xử lý dứt điểm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ sở hữu nhãn hiệu, mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và nền kinh tế - xã hội. Một nền kinh tế - xã hội tiếp tay cho hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ lưu thông và phổ biến sẽ không thể đạt được sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, thu hút nguồn lực đầu tư từ nước ngoài. Trong khi đó, không thể ngăn cấm hoạt động thương mại điện tử phát triển, bởi đó là nhu cầu tất yếu và chính đáng của người dân và xã hội trong bối cảnh phát triển hiện nay. Do đó, cần nhìn nhận đúng thực trạng đang diễn ra của vấn nạn này để kịp thời có các biện pháp, cơ chế quản lý hiệu quả, vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến nhịp độ phát triển của nền kinh tế số và hệ thống thương mại điện tử, vừa đảm bảo được quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, từ đó làm cơ sở cho sự phát triển ổn định và bền vững của nền kinh tế - xã hội, cũng như góp phần xây dựng và khẳng định Việt Nam là môi trường kinh doanh an toàn và văn minh để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Lời cảm ơn:

Tác giả cảm ơn Trường Đại học Văn Lang, địa chỉ: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P.13, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam đã hỗ trợ tài chính cho bài viết này.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2005). Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29/11/2005.
  2. Quốc hội (2009). Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 36/2009/QH12, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 19/6/2009.
  3. Quốc hội (2015). Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015.
  4. Quốc hội (2017). Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2017.
  5. Quốc hội (2019). Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ số 42/2019/QH14, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2019.
  6. Quốc hội (2022). Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 07/2022/QH15, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 16/6/2022.
  7. Chính phủ (2013). Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử.
  8. Chính phủ (2013). Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
  9. Chính phủ (2021). Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử.
  10. Chính phủ (2021). Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử.
  11. Chính phủ (2023). Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23/8/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
  12. Chính phủ (2024). Nghị định số 46/2024/NĐ-CP ngày 04/5/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.
  13. Bộ Khoa học và Công nghệ (2015). Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN ngày 26/6/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
  14. Bộ Khoa học và Công nghệ (2023). Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN ngày 30/11/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và biện pháp thi hành Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ liên quan đến thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp và bảo đảm thông tin sở hữu công nghiệp.

 

Infringement of trademark rights in e-commerce

- Current situation and recommendations

LLM. Nguyen Thi Hanh Le

Faculty of Law, Van Lang University

Abstract:

E-commerce activities are growing rapidly and have widespread coverage in daily life. However, many goods sold on e-commerce platforms by anonymous brands infringe on trademark rights. This study analyzed the current situation and practical difficulties and obstacles in managing and handling trademark infringements in e-commerce activities. Based on the study’s findings, the study proposed some innovative solutions about management, lawmaking, and law enforcement activities to build a healthy business environment, contributing to the sustainable development of the economy and society. 

Keywords: infringement of intellectual property rights, trademark, e-commerce, trading online, social network.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 13 tháng 6 năm 2024]