Xung đột thương mại Mỹ - Trung và các khuyến nghị cho Việt Nam

ThS. NGUYỄN THANH HÒA BÌNH (Giảng viên Trường Đại học Lạc Hồng)

TÓM TẮT:

Mỹ và Trung Quốc là 2 đối tác thương mại trọng yếu của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bài viết tổng kết các nguyên nhân gây xung đột thương mại Mỹ - Trung từ góc nhìn cả hai bên tranh chấp. Sử dụng phương pháp phân tích số liệu xuất nhập khẩu từ 2010-2019 của Tổng cục Hải quan Việt Nam và Trung tâm Thương mại Quốc tế, tác giả đã phân tích dữ liệu thương mại giữa các nước Mỹ, Trung Quốc và Việt Nam. Đồng thời chỉ ra những thay đổi lớn trong năm 2019 được xem là kết quả trực tiếp của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đối với kinh tế Việt Nam. Tác giả đã đưa ra khuyến nghị cần thiết cho Việt Nam trong tận dụng cơ hội từ việc các công ty dời chuyển khỏi Trung Quốc và hạn chế những tác động tiêu cực từ các chuyển hướng thương mại khi xung đột giữa các nước lớn còn nhiều diễn tiến phức tạp.

Từ khóa: Xung đột thương mại, cán cân thương mại, chiến tranh thương mại  Mỹ -Trung.

1. Đặt vấn đề

Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại lớn và quan trọng của nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt đối với Việt Nam, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất.

Nếu Mỹ áp thuế quan cao cho một quốc gia, không có nghĩa là thương mại giảm, nó chỉ làm dịch chuyển thị trường. Trung Quốc sẽ chứng kiến sự sụt giảm mạnh trong đầu tư trực tiếp nước ngoài khi các công ty đa quốc gia chuyển hoạt động sang các nước khác, cũng như sự suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng của nước này. Mặt khác, Mỹ sẽ không chỉ mất thị phần trên thị trường Trung Quốc, mà còn phải nhập từ các nguồn đắt hơn. Như vậy, cả thị trường Trung Quốc và Mỹ đều có quá trình điều chỉnh hình thành quan hệ đối tác thương mại mới.

Về lâu dài, nền kinh tế thế giới sẽ đối mặt với nguy cơ phân cực thành hai khối kinh tế tập trung vào hai cường quốc. Việt Nam với vị trí địa lý giáp biên giới với Trung Quốc và các đặc thù mối quan hệ Việt - Trung, chắc chắc sẽ gặp nhiều tác động. Vì vậy, việc đánh giá bản chất xung đột Mỹ - Trung, lượng định thời gian và những tác động đến các ngành sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam là rất cần thiết. Trên cơ sở đó, Việt Nam cần chủ động và có chiến lược phù hợp để tận dụng cơ hội tham gia chuỗi cung ứng mới sẽ được hình thành, hạn chế những tác động tiêu cực từ các chuyển hướng thương mại khi xung đột giữa các nước lớn còn nhiều diễn tiến phức tạp.

2. Đánh giá xung đột thương mại Mỹ - Trung

2.1. Thực trạng cán cân thương mại Mỹ - Trung

Cán cân thương mại trong các năm gần đây giữa Mỹ - Trung Quốc luôn ở cùng vị thế: Mỹ nhập siêu từ Trung Quốc con số rất lớn nhiều năm liền. Tỷ trọng thâm hụt thương mại đối với Trung Quốc luôn chiếm trên 40% trong tổng số thâm hụt của Mỹ đối với toàn thế giới trong suốt thời gian 2012-2018 (Bảng 1).

Số liệu năm 2019 sụt giảm cho thấy các biện pháp áp thuế đã phát huy tác dụng, lần đầu tiên thâm hụt thương mại từ Trung Quốc của Mỹ dưới 40%.

Bảng  1. Thâm hụt thương mại Mỹ - Trung Quốc

tham_hut_thuong_mai_my_-_trung_quoc

Nguồn: ITC, UN Comtrade USA

2.2. Nguyên nhân xung đột thương mại Mỹ và Trung Quốc

Có nhiều nghiên cứu về nguyên nhân xung đột thương mại và vì sao Mỹ tiếp tục leo thang cuộc thương chiến kể từ năm 2018 đến nay. Nhìn chung có thể phân thành nhóm nghiên cứu đứng ở góc nhìn Trung Quốc và nhóm ở góc nhìn Mỹ.

Đứng về quan điểm Mỹ, các nghiên cứu tập trung vào nguyên nhân xung đột do Trung Quốc thực hiên thương mại không công bằng, tìm cách chiếm lĩnh thị trường trong nước và dẫn đầu toàn cầu. Kwan (2020) cho rằng i) Trung Quốc đã triển khai các khoản trợ cấp và các hình thức hỗ trợ tài chính khác cho các ngành công nghiệp trong nước. ii) Trung Quốc sử dụng các hạn chế sở hữu nước ngoài, bao gồm hạn chế về vốn chủ sở hữu, hạn chế đầu tư khác, các thủ tục xem xét và cấp phép hành chính, để yêu cầu hoặc gây áp lực chuyển giao công nghệ từ các công ty Mỹ sang các thực thể Trung Quốc. iii) Trung Quốc chỉ đạo và tạo điều kiện cho các công ty nhà nước đầu tư và mua lại các công ty và tài sản của Mỹ để có được các công nghệ tiên tiến và sở hữu trí tuệ.

Đứng về quan điểm Trung Quốc, một số nghiên cứu chỉ ra động lực của Hoa Kỳ trong việc tiến hành một cuộc chiến thương mại không chỉ đơn thuần là làm giảm thâm hụt thương mại mà còn kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc, được xem như một thách thức quyền bá chủ của Mỹ. Cáo buộc Trung Quốc thương mại không công bằng là không có căn cứ và không có gì hơn là một cái cớ (Ren, 2018).

Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ tuân theo quy tắc 60% của nước Anh, quy định rằng bất cứ khi nào một quốc gia nước ngoài đạt mức GDP 60% của Hoa Kỳ về quy mô kinh tế và tiếp tục tăng trưởng nhanh, đe dọa sẽ vượt qua nền kinh tế Hoa Kỳ, Hoa Kỳ nên xem đó là một đối thủ và đánh bại nó bằng mọi cách.

Đối với Hoa Kỳ, Trung Quốc là một đối thủ chưa từng có đang đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và có tiềm năng phong phú hơn so với các đối thủ trước đây như Liên Xô hoặc Nhật Bản, trở thành mối đe dọa đối với  nguyên tắc “American first” của Mỹ. (Kwan, 2020).

2.3. Đánh giá diễn tiến xung đột Mỹ và Trung Quốc

Xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không đơn thuần là kinh tế  thương mại. Theo thời gian xung đột bao gồm các khía cạnh chính trị, văn hóa và quân sự. Vì những lý do này, diễn tiến xung đột là phức tạp, không thể đoán trước được và khó có thể chấm dứt trong ngắn hạn. Rủi ro lớn nhất trong dài hạn là Mỹ và Trung Quốc chia thành hai phạm vi ảnh hưởng, một là nhóm các nước xoay quanh trục Mỹ và tuân thủ các tiêu chuẩn từ công nghệ đến quản trị của Mỹ và một trung tâm khác xoay quanh Trung Quốc.

Nhật Bản và Liên minh châu Âu cho biết họ đã chia sẻ quan điểm của Hoa Kỳ về nhu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mạnh mẽ hơn và họ cũng lo ngại về các yêu cầu cấp phép công nghệ của Trung Quốc.

Tại thị trường Mỹ, hàng hóa chế tạo được sản xuất và cung cấp từ các nguồn (1) Nhóm các nước châu Á có chi phí sản xuất thấp, gọi tắt là ASEAN LLCs (Low cost coutries) bao gồm: Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hông Kông (Trung Quốc), Ấn Độ, Srilanka, Pakistan và 7 nước thuộc khối Asean (Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philipines, Singapores, Campodia); và (2) các nhà sản xuất nội địa Mỹ (Kearney, 2020).

Theo Viện Nghiên cứu Toàn cầu Kearney (2020), việc Mỹ dịch chuyển thương mại nhập khẩu hàng hóa chế tạo từ Trung Quốc sang các nước khác trong nhóm LLCs đã diễn ra trong suốt 5 năm gần đây và gia tăng đột biến trong năm 2019 do ảnh hưởng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Trong số các nước LLCs hưởng lợi từ sự dịch chuyển này, số liệu cho thấy Việt Nam chiếm gần phân nữa kim ngạch. (Kearney, 2020).

3. Tình hình thương mại của Việt Nam với Trung Quốc và Mỹ

3.1. Thực trạng cán cân thương mại Việt Nam và Trung Quốc

Trong hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ có hoạt động xuất nhập khẩu với Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất và năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp kim ngạch giữa 2 nước đạt trên 100 tỷ USD. 

Việt Nam đang là thị trường chủ lực, thuộc Top các nước nhập khẩu hàng Trung Quốc xếp sau Mỹ, EU, Hồng Kong, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đặc biệt trong năm 2019, Trung Quốc ghi nhận 3 chỉ tiêu kỷ lục đối với Việt Nam: thị phần cao nhất, tăng trưởng cao nhất, nhập siêu cao nhất, 34 tỷ USD tăng 47% so với năm 2018; chiếm 29,8% tổng lượng hàng hóa Việt Nam nhập khẩu, có tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu cao nhất 15,2% so với cùng kỳ năm 2018 (Bảng 2).

Riêng mức nhập siêu tăng 47% so với năm 2018 là cao bất thường so với các năm trước.

Bảng  2. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thị trường chủ lực năm 2019

ĐVT: tỷ USD

kim_ngach_xuat_nhap_khau_cua_viet_nam_voi_thi_truong_chu_luc

Nguồn: Tổng cục Hải quan

3.2. Thực trạng cán cân thương mại Việt Nam và Mỹ

Kể từ năm 2016, Mỹ liên tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam luôn ở trong trạng thái xuất siêu với Mỹ.

Sau 25 năm bình thường hóa quan hệ, mức thuế nhập khẩu hiện nay giữa Việt Nam và Mỹ là mức thuế ưu đãi MFN (Most Favored Nation) dành cho các nước cùng là thành viên WTO. Mức thuế này luôn cao hơn mức thuế ưu đãi đặc biệt Việt Nam và Trung Quốc trong trường hợp đủ điều kiện hưởng ưu đãi theo biểu thuế ACFTA (Asean China Free trade Agreement).

Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2019 vào thị trường Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất 29,1% so với cùng kỳ năm 2018 (Bảng 2).

Năm 2019, Việt Nam đã gia tăng thị phần đáng kể, từ 0,92% năm 2012 đã lên đến 2,7% thị phần hàng hóa nhập khẩu của Mỹ, xếp thứ 7 sau Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Mexico, Canada, Hàn Quốc. Có thể thấy Việt Nam là đại diện mới nổi ở Châu Á đang vượt lên trong vai trò cung ứng mặt hàng chế tạo cho thị trường Mỹ (Hình 2).

Hình  2. Các nước xuất khẩu chủ lực vào Mỹ 2012-2019

cac_nuoc_xuat_khau_chu_luc_vao_my

Nguồn: ITC, UN Comtrade USA

4. Kết luận và các khuyến nghị đối với Việt Nam

Chính phủ cần điều tra số liệu chi tiết để nắm bắt doanh nghiệp, ngành hàng, sản phẩm đã gia tăng lượng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Mỹ cũng như đã gia tăng lượng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam trong năm 2019. Từ đó, Chính phủ sẽ có các quyết sách kịp thời đảm bảo quản lý được xuất xứ nguồn hàng xuất khẩu. Cần có chính sách đảm bảo sản xuất thực sự tại Việt Nam, không đơn thuần là điểm chuyển tải của các doanh nghiệp Trung Quốc tránh thuế cao.

Cơ hội duy trì và phát triển mối quan hệ đối tác với thị trường Mỹ và EU, hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hiện nay còn rất lớn. Với quy mô  GDP và xuất khẩu của Việt Nam, thặng dư thương mại từ Việt Nam đối với hai thị trường lớn này là không đáng kể. Từ cơ sở đánh giá xu hướng xung đột Mỹ và Trung Quốc còn kéo dài, cùng với xu hướng các công ty Mỹ và châu Âu đang định hình lại mạng lưới cung ứng của mình, Việt Nam đang được nhìn nhận là điểm lựa chọn quan trọng đầu tiên trong khu vực ASEAN.

Ngay cả trước cuộc chiến thương mại, các công ty Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã bắt đầu đa dạng hóa đầu tư sản xuất ra nước ngoài, trong đó có đầu tư  vào Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác. Một số trường hợp đầu tư còn vượt quy mô tại Trung Quốc, như với sản phẩm điện thoại di động của Samsung Electronics vào Việt Nam. Hiện nay, các công ty Mỹ đang rời khỏi Trung Quốc ngày càng nhiều hơn vì tác động kép của cuộc chiến thương mại và đại dịch COVID-19; đồng thời thêm các công ty Nhật Bản - nhà cung ứng hàng nhập khẩu lớn nhất cho Mỹ - tham gia vào cuộc di chuyển này.

Trên thế giới, tại Mỹ và các nước châu Âu, các tiêu chuẩn lựa chọn nhà cung ứng nước ngoài đã được cân nhắc thay đổi, chi phí sản xuất thấp không còn yêu cầu quan trọng nhất mà là sự cân bằng giữa các yếu tố chi phí sản xuất - rủi ro (thuế quan) - khả năng hồi phục sau những sự cố không lường trước (Kearney, 2020).

Tuy nhiên, một vấn đề tồn tại từ nhiều năm là các nền kinh tế Đông Nam Á đang phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc về nguyên liệu đầu vào sản xuất. Do đó, chiến lược chuyển chuỗi giá trị từ Trung Quốc sang Đông Nam Á với Việt Nam là ứng cử viên hàng đầu sẽ có hạn chế và mất thời gian lâu hơn.

Vấn đề thứ hai, cùng chung tình hình suy trầm kinh tế thế giới từ dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp Việt Nam nếu không tháo gỡ khó khăn kịp thời, phù hợp, sẽ khó trụ vững, dẫn đến nguy cơ cao được chào mời sát nhập, thôn tính. Đã có một số bằng chứng sơ bộ cho thấy các nhà xuất khẩu Trung Quốc để tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ có thể đã bắt đầu chịu một phần chi phí thuế quan dưới dạng giá xuất khẩu thấp hơn (Alessandro Nicita, 2019) hoặc tái định vị nơi đầu tư nhà máy.

Chính phủ cần hết sức lưu tâm về vấn đề dịch chuyển thay đổi vốn đầu tư, mua bán và sáp nhập trong thời điểm này từ các nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam. Từ đó, có những hỗ trợ nhanh cho các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam thuộc ngành nghề thiết yếu cho sự phát triển kinh tế bền vững của một quốc gia.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Alessandro Nicita. (2019). Trade and trade diversion effects of United States tariffs on China (SER.RP/2019/9 No. 37; p. 17). UNCTAD.
  2. ITC, I., (2020). Trade Map - List of importing markets for the product exported by China.
  3. ITC, I., (2020). Trade Map - List of supplying markets for a product imported by Viet Nam.
  4. ITC, I., (2020). Trade Map - List of supplying markets for a product imported by United States of America.
  5. Kearney, K. (2020). Trade war spurs sharp reversal in 2019 Reshoring Index, foreshadowing COVID-19 test of supply chain resilience (p. 19). Kearney.
  6. Kwan, C. H. (2020). The China-US Trade War: Deep‐Rooted Causes, Shifting Focus and Uncertain Prospects. Asian Economic Policy Review, 15(1), 55–72. https://doi.org/10.1111/aepr.12284
  7. Ren P. (2018). The fundamental reason why the U.S. waged a trade war. The People’s Daily, 9 August.

 

THE CHINA – UNITED STATES TRADE WAR AND RECOMMENDATIONS FOR VIETNAM

Master. NGUYEN THANH HOA BINH
Lecturer, Lac Hong University

ABSTRACT:

The United States and China are two important trading partners of many countries in the world, especially for Vietnam. This article summarizes the causes of China – United States trade war from the perspective of both sides. This article analyzes trade data between the United States, China and Vietnam by usingimport and export data from 2010-2019 of the Vietnam General Department of Customs and The International Trade Centre (ITC) to point out major changes in trade between Vietnam, China and the United States in 2019 which are considered direct outcomes of the China – United States trade war for Vietnam’s economy. This article presents some necessary recommendations which help Vietnam take advantage of opportunities when companies are moving their productions out of China and limit negative impacts of the China – United States trade war.

Keywords: Trade disputes, trade balance, China – United States trade war.