Quan hệ bổ trợ
Tháng 7/1995, Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao. Sau 25 năm bình thường hóa quan hệ, hiện nay, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Hoa Kỳ và đang mong muốn ở top 10 đối tác thương mại của Hoa Kỳ.
Ở chiều ngược lại, Hoa Kỳ cũng là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam - Hoa Kỳ còn nhiều tiềm năng hợp tác toàn diện và đang thúc đẩy thương mại song phương theo hướng cân bằng hơn để đảm bảo sự phát triển bền vững của cả hai quốc gia.
Ông Nguyễn Hồng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) khẳng định, Hoa Kỳ là thị trường quan trọng trong các thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt hơn 66,6 tỷ USD, tăng hơn 35% so với năm 2018, chiếm khoảng 25% tổng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
Không những thế, kể từ khi Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ được ký kết năm 2000, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng được thay đổi đáng kể.
Phó Vụ trưởng Nguyễn Hồng Dương cho biết, thời gian trước, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ chủ yếu là nhóm hàng dệt may, da giày nhưng đến nay trong danh mục các nhóm hàng xuất khẩu quan trọng đã có thêm nhóm hàng nông - thủy - hải sản.
Đáng lưu ý, 5 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất sang thị trường này trong năm 2019, ngoài dệt may tăng 24%, giày dép tăng 11% còn có điện thoại và linh kiện tăng 15%, máy tính và sản phẩm điện tử tăng 10%, đồ gỗ tăng 9%.
Do đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất nên những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều xuất hiện với số lượng nhiều và chủng loại phong phú. Hơn nữa, cơ cấu xuất khẩu đã thay đổi theo hướng tăng dần nhóm hàng chế biến, chế tạo, từng bước nâng cao giá trị gia tăng.
Hiện có tới 10 nhóm hàng xuất khẩu có giá trị trên 1 tỷ USD vào Hoa Kỳ. Trong đó có các nhóm hàng xuất khẩu giá trị lớn như: dệt may đạt 14,8 tỷ USD, điện thoại và linh kiện đạt 8,8 tỷ USD, giày dép đạt 6,6 tỷ USD, đồ gỗ đạt 5,3 tỷ USD.
Đặc biệt, Việt Nam và Hoa Kỳ có quan hệ thương mại theo hướng bổ trợ cho nhau như việc Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như các sản phẩm nông nghiệp, dệt may, da giày, máy móc, thiết bị điện tử.
Trong khi đó, Việt Nam lại có nhu cầu nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông và nông sản nguyên liệu là những mặt hàng mà Hoa Kỳ có nguồn cung dồi dào, Phó Vụ trưởng Nguyễn Hồng Dương nhấn mạnh.
Hướng tới sự cân bằng
Tới đây, bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Bộ Công Thương đã tích cực chỉ đạo triển khai Kế hoạch Hành động hướng tới quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ hài hòa, bền vững.
Cùng với việc nâng cao giá trị xuất khẩu, Việt Nam sẽ nhập khẩu nhiều hơn từ Hoa Kỳ, nhất là các nhóm hàng Hoa Kỳ có thế mạnh như năng lượng, nông sản, dược phẩm, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất và đời sống người dân.
Tuy nhiên, Phó Vụ trưởng Nguyễn Hồng Dương lưu ý, về dài hạn, theo chiến lược quan hệ giữa hai nước, do thay đổi chính sách và dòng chảy thương mại của thế giới và Hoa Kỳ với các đối tác quan hệ song phương, nhất là khi Việt Nam nằm trong nhóm xuất siêu sang Hoa Kỳ, Hoa Kỳ sẽ có động thái “để mắt” đến Việt Nam, nhằm điều chỉnh cán cân hài hòa, bền vững.
Trong đó, “bền vững” là đáp ứng quan hệ, nhu cầu hai nước về mặt chính sách, lợi thế cạnh tranh, tiềm năng. Còn “hài hòa” là không đứt gãy, tốt đẹp.
“Vấn đề khó ở đây là để giảm nhập siêu vào Hoa Kỳ, một là giảm xuất khẩu, hai là tăng nhập khẩu. Trong quan hệ kinh tế thị trường, thương mại quốc tế, Chính phủ không can thiệp kinh doanh của doanh nghiệp, mà do doanh nghiệp hoàn toàn quyết định. Muốn giảm nhập siêu từ Hoa Kỳ chỉ có con đường tăng xuất khẩu của Hoa Kỳ vào Việt Nam, và tăng nhập khẩu thì mới thu hẹp được”, Phó Vụ trưởng Nguyễn Hồng Dương nêu quan điểm.
Về vấn đề thương mại, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho rằng, Bộ Công Thương hiện chỉ là đầu mối, do đó, để xử lý các vấn đề thương mại giữa hai bên là kế hoạch hành động của nhiều bộ, ngành, của Chính phủ Việt Nam.
Bộ Công Thương với vai trò Chủ tịch phân ban Việt Nam trong Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA) thực hiện chương trình làm việc, thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước; tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp Hoa Kỳ trong hoạt động kinh doanh với Việt Nam, thúc đẩy các dự án đầu tư vào Việt Nam, nhập khẩu nguyên vật liệu, qua đó cân bằng cán cân thương mại.
Cụ thể, tập trung tháo gỡ khó khăn về dịch vụ công nghệ, quảng bá, quảng cáo, thương mại dịch vụ; giới thiệu, mở rộng các cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận hàng hóa Hoa Kỳ.
Đặc biệt, khuyến khích xem xét nếu cùng một dòng sản phẩm mà giá trị thương mại như nhau nếu nguồn hàng Hoa Kỳ chất lượng thì doanh nghiệp nên xem xét nhập khẩu từ Hoa Kỳ; tạo kết nối cho doanh nghiệp tiếp cận với cơ hội kinh doanh mà Hoa Kỳ có thế mạnh.
Thông tin về chiến lược thúc đẩy nhóm hàng nông sản tiến sâu vào thị trường Hoa Kỳ, Phó Vụ trưởng Nguyễn Hồng Dương cũng cho biết, hiện, đã có 6 loại mặt hàng hoa quả tươi của Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sang Hoa Kỳ. Tuy nhiên, số lượng xuất khẩu vẫn rất khiêm tốn, vì chi phí vận chuyển lớn, công nghệ bảo quản đòi hỏi cao, làm giảm tính cạnh tranh về giá.
Mặc dù, tiềm năng xuất khẩu nông sản Việt sang Hoa Kỳ rất lớn, nhưng để thành hiện thực, Phó Vụ trưởng khuyến cáo, doanh nghiệp phải tính đến cách thức tiếp cận.
“Bởi làm ăn với Hoa Kỳ phải xác định rõ năng lực sản xuất, cũng như sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước. Chúng ta phải xây dựng kho trung chuyển, lưu trữ để đáp ứng đơn hàng kéo dài, không phải sản xuất theo thời vụ.
Ngoài ra, cần tính đến năng lực giám sát quy trình sản xuất để có thể đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của đối tác”, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ Nguyễn Hồng Dương lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu.