Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Xuất khẩu khó, các doanh nghiệp đang là đối tượng chịu tổn thương nhiều nhất

Trên cơ sở thực tiễn hoạt động, Bộ trưởng yêu cầu thẳng thắn trao đổi, đánh giá đúng thực trạng tình hình; xác định rõ khó khăn, vướng mắc, cũng như các nguyên nhân dẫn đến hạn chế còn tồn tại, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan; để dự báo được tình hình trong thời gian tới và đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, khả thi.

Để góp phần đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP và tăng trưởng xuất khẩu như đã đặt ra, đồng thời thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 238/CĐ-TTg ngày 10/4/2023 về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trong thời gian tới, vào ngày 25/4/2023, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu”.

Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì, có sự tham dự của gần 100 đại biểu từ các Bộ, ngành Trung ương, các Hiệp hội, Hội ngành hàng sản xuất, xuất khẩu, một số doanh nghiệp lớn trong từng ngành hàng và các cơ quan thông tấn báo chí.

Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” của Bộ Công Thương diễn ra trong bối cảnh xuất khẩu đang gặp khó khăn
Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” của Bộ Công Thương diễn ra trong bối cảnh xuất khẩu đang gặp khó khăn

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn chưa kết thúc, các quốc gia đang phải tập trung phục hồi kinh tế, chống lại sự đứt gãy của nhiều chuỗi cung ứng cũng như tình hình lạm phát ngày càng lan rộng, căng thẳng. Thế giới đang tiếp tục lâm vào những cuộc khủng hoảng mới về chính trị, kinh tế, thậm chí là chiến tranh cục bộ và xung đột vũ trang. Nhiều hàng rào kỹ thuật đang được dựng lên bởi các quốc gia, dù có tồn tại những nỗ lực thuận lợi hóa thương mại thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

“Trong bối cảnh như vậy, người sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp trong nước là những đối tượng chịu sự tổn thương nhiều nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ.

Báo cáo kinh tế - xã hội Quý I/2023 cho thấy, dù toàn hệ thống đã nỗ lực rất cao, nhưng tăng trường GDP chỉ đạt 3,32%. Nhiều địa phương - trong đó có những địa phương được xem là đầu tàu, là động lực thúc đẩy kinh tế trong nước - ghi nhận mức tăng trưởng cũng rất thấp.

Theo Bộ trưởng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đất nước và các địa phương thấp hơn so với kế hoạch và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, “là sự báo động đối với việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra cho năm nay và cho cả giai đoạn 5 năm, 10 năm tiếp theo, nếu chúng ta không kịp thời tìm được các giải pháp khắc phục”.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định trong bối cảnh hiện nay, người sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp trong nước là những đối tượng chịu sự tổn thương nhiều nhất
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định trong bối cảnh hiện nay, người sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp trong nước là những đối tượng chịu sự tổn thương nhiều nhất

Thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã có nhiều hoạt động như gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính; tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp;… Đặc biệt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, nhiều công điện và chỉ thị về việc đẩy mạnh sản xuất - tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu,… Mới đây nhất, Thủ tướng đã ký ban hành Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các Bộ, cơ quan, địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” được tổ chức hôm nay là một trong những minh chứng rõ nét nhất về nỗ lực, trách nhiệm của ngành Công Thương trước tình hình kinh tế đất nước thông qua hành động thiết thực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Hội nghị nhằm rà soát, đánh giá tình hình xuất khẩu của các ngành hàng trong thời gian qua; nhận diện những khó khăn, vướng mắc trước mắt cũng như lâu dài của Hiệp hội, doanh nghiệp trong sản xuất và xuất nhập khẩu; kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần duy trì và thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian tới theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 238/CĐ-TTg ngày 10/4/2023.

Đồng thời, trao đổi, đề xuất cơ chế tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành chức năng với các Hiệp hội, Hội ngành hàng, doanh nghiệp để việc trao đổi thông tin giữa các bên được kịp thời, chính xác, góp phần xây dựng chính sách phát triển ngành hàng và thị trường xuất khẩu, cũng như nâng cao vai trò của các Hiệp hội và doanh nghiệp hạt nhân trong hoạt động hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn.

Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu”

Do vậy, để Hội nghị đạt được kết quả cao nhất, lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị các đại biểu, xuất phát từ thực tiễn trong hoạt động quản lý và hoạt động sản xuất kinh doanh của mình thời gian qua, thẳng thắn trao đổi, đánh giá đúng thực trạng tình hình; xác định rõ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc và thời cơ, thuận lợi, cũng như các nguyên nhân dẫn đến hạn chế còn tồn tại, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan; trên cơ sở đó dự báo được tình hình trong thời gian tới và đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, khả thi, bao gồm cả các gợi ý hoàn thiện chính sách, nhằm kịp thời khắc phục các yếu kém, lấy lại đà tăng trưởng, phấn đấu đạt được các mục tiêu Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.

“Yêu cầu các báo cáo và ý kiến ngắn gọn, trực diện, đi thẳng vào trọng tâm những vấn đề chúng ta cần quan tâm về thực trạng, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân để đề xuất được giải pháp”, Bộ trưởng quán triệt.

Thời gian qua, Bộ Công Thương - dưới sự chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đã dự báo được tình hình từ cuối năm 2022, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, bám sát tình hình quốc tế, trong nước để có những phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả đối với các vấn đề cụ thể; đồng thời, triển khai thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm hỗ trợ các hiệp hội, ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu; với trọng tâm là:

(i) Tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua các kênh xúc tiến thương mại và hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài;

(ii) Tăng cường hỗ trợ, cung cấp thông tin ở từng thị trường xuất khẩu và tập trung tháo gỡ rào cản để giúp các doanh nghiệp duy trì thị trường truyền thống cũng như thâm nhập các thị trường xuất khẩu mới;

(iii) Đồng thời, triển khai nhiều hoạt động, giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, kết nối tiêu thụ sản phẩm… Đặc biệt là đã tổ chức nhiều hội nghị với sự chủ trì, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để làm việc với hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài và các tổ chức quốc tế, hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp lớn nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thy Thảo