Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn khu du lịch của công nhân trên địa bàn thành phố Biên Hòa - Đồng Nai

CAO THỊ THẮM - TS. VŨ THỊNH TRƯỜNG (Khoa Kinh tế - Quản trị, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn khu du lịch (KDL) của đối tượng khách công nhân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai bằng phương pháp kết hợp giữa định tính và định lượng, dữ liệu được thu thập trong thời gian từ tháng 4 - 9/2020 với 320 công nhân làm việc tại 4 khu công nghiệp lớn trong thành phố Biên Hòa. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn KDL của công nhân trên địa bàn thành phố Biên Hòa - Đồng Nai bao gồm: nguồn thông tin KDL, hình ảnh KDL và động cơ du lịch. Trong đó, nguồn thông tin KDL có ảnh hưởng đến hình ảnh KDL và hình ảnh KDL ảnh hưởng tới động cơ du lịch.

Từ khóa: Quyết định lựa chọn, khu du lịch, điểm đến, nhân tố ảnh hưởng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

1. Giới thiệu

Trong bối cảnh hiện nay việc nghiên cứu về hành vi lựa chọn, xác định các nhân tố tác động đến việc ra quyết định lựa chọn điểm đến của khách du lịch, chính là cơ số quan trọng cho việc xây dựng chiến lược phát triển, đặc biệt là kế hoạch marketing nhằm thu hút du khách của các nhà quản lý điểm đến và kinh doanh du lịch.

Hiện nay, đã có nhiều nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn điểm đến. Trong đó có, Mayaka và Mutinda (2012), Susanne Jensen (2016) và Dong Xuan Dam (2017) chỉ ra các nhân tố gồm: đặc điểm chuyến đi, hình ảnh điểm đến, nguồn thông tin, động cơ du lịch và nhân khẩu học xã hội. Các nghiên cứu trong nước có Hoàng Thị Thu Hương (2016), Nguyễn Xuân Hiệp (2016), Hồ Bạch Nhật và Nguyễn Phương Khanh (2018), từ các nghiên cứu cho thấy các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn điểm đến rất đa dạng và phức tạp. Vì thế mà Muntinda và Mayaka (2012) cho rằng xem xét các tác động cần phải đặt trong một bối cảnh của điểm đến, điểm tham quan nhất định.

Về mặt thực tiễn, Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, do đó đối tượng khách du lịch là công nhân chiếm tỉ trọng lớn và nhu cầu du lịch, giải trí vui chơi của nhóm khách này là khá cao, đây thực sự là một thị trường tiềm năng đối với các nhà kinh doanh du lịch. Tuy nhiên, thị trường khách này lại không được khai thác hiệu quả, việc tạo được sức hút cho đối tượng khách này lựa chọn tham quan giải trí tại các khu du lịch (KDL) trên địa bàn tỉnh đặt ra vấn đề cần giải quyết đối với các nhà kinh doanh và quản lý KDL. Điều đó cho thấy việc nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn KDL của đối tượng khách công nhân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là cần thiết, nhằm cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng kế hoạch thu hút khách cho các nhà quản lý và kinh doanh du lịch trong và địa bàn lân cận tỉnh.

2. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu đề xuất

2.1. Cơ sở lý thuyết

Điểm đến du lịch: là nơi tập trung nhiều điểm du lịch và hệ thống lưu trú, vận chuyển và các dịch vụ du lịch khác, có các hoạt động kinh tế - xã hội do du lịch gây ra.

Khu du lịch là một thành phần của điểm đến du lịch, là nơi tập trung các tài nguyên du lịch được quy hoạch, đầu tư phát triển cụ thể nhằm mục đích thu hút khách du lịch đến nơi đó, mang lại lợi ích về kinh tế - môi trường và làm thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch. Theo Luật Du lịch 2017: “Khu du lịch là khu vực có ưu thế về tài nguyên du lịch, được quy hoạch, đầu tư phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch”.

Theo Trần Văn Thông (2003):“ Động cơ du lịch chỉ nguyên nhân tâm lý khuyến khích con người thực hiện du lịch, đi du lịch tới nơi nào, theo loại hình du lịch nào, thường được biểu hiện ra bằng các hình thức nguyện vọng, hứng thú, yêu thích, săn lùng điều mới lạ, từ đó thúc đẩy nảy sinh hành động du lịch”.

Hình ảnh điểm đến là sự ấn tượng của một người hay một nhóm người đến nơi không phải là nơi cư trú của họ (Hunt, 1975). Theo Beerli và Martin (2004) nghiên cứu về các yếu tố cấu thành của hình ảnh điểm đến, được phân thành chín khía cạnh: tài nguyên thiên nhiên; cơ sở hạ tầng chung; cơ sở hạ tầng du lịch; vui chơi giải trí du lịch; văn hóa, lịch sử và nghệ thuật; những yếu tố chính trị và kinh tế; môi trường tự nhiên; môi trường xã hội; bầu không khí của địa điểm.

Nghiên cứu của Chen và Tsai (2007) chỉ ra rằng có 2 yếu tố đẩy (đặc điểm cá nhân) và yếu tố kéo (nguồn thông tin và đặc trưng điểm đến) tác động đến  quyết định lựa chọn điểm đến của du khách. Correia và Pimpao (2008); Muntinda và Mayaka (2012)  xác định có 3 yếu tố chính tác động đến việc lựa chọn điểm đến của khách du lịch: thứ nhất nguồn thông tin điểm đến; yếu tố thứ hai mang tác động kéo là hình ảnh của điểm đến gồm: ẩm thực, môi trường xã hội, khả năng tiếp cận, bầu không khí, an ninh an toàn, thời tiết, tài nguyên, giá trị văn hóa, hoạt động vui chơi giải trí mua sắm,...; yếu tố thứ ba mang tác động đẩy là đặc điểm cá nhân: mục đích, động cơ của chuyến đi. Các nghiên cứu trong nước có Hoàng Thị Thu Hương (2016), Nguyễn Xuân Hiệp (2016), Hồ Bạch Nhật và Nguyễn Phương Khanh (2018) cũng chỉ ra rằng, 3 nhân tố: hình ảnh điểm đến, động cơ và nguồn thông tin ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn điểm đến của du khách.

2.2. Mô hình nghiên cứu lý thuyết đề xuất

Trên cơ sở lý thuyết của các nghiên cứu trong và ngoài nước đã đề cập, kế thừa những mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn điểm đến của khách du lịch đã trình bày trên. Đến thời điểm nghiên cứu được thực hiện, chưa có công trình nghiên cứu trong và ngoài nước nào về các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn KDL của đối tượng khách là công nhân tại các khu công nghiệp (KCN), mà chủ yếu là nghiên cứu điểm đến du lịch. Trong khi đó, KDL lại là một thành phần trong điểm đến du lịch. Do vậy, tác giả kế thừa các nghiên cứu trước đây về các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn điểm đến. Kết hợp với việc phân tích bối cảnh và đặc trưng của đối tượng nghiên cứu, tác giả đề xuất mô hình cho nghiên cứu “Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn khu du lịch của công nhân trên địa bàn thành phố Biên Hòa - tỉnh Đồng Nai” được trình bày trong Hình 1.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu lý thuyết đề xuất

mo_hinh_nghien_cuu_ly_thuyet_de_xuatNguồn: tác giả đề xuất

  • Nguồn thông tin KDL

Nghiên cứu của Mayo E.J và Jarvis L.P (1981), Nguyễn Xuân Hiệp (2016) đã xác định nguồn thông tin điểm đến ảnh hưởng đến nhận thức và do đó ảnh hưởng cùng chiều đến động cơ du lịch.

H1: Nguồn thông tin Khu du lịch có ảnh hưởng dương đến Động cơ du lịch của công nhân tại các khu công nghiệp.

Kết quả nghiên cứu của Laws (1995); Chen và Tsai (2007) và Muntinda và Mayaka (2012) cho thấy, các thông tin tích cực về điểm đến ảnh hưởng cùng chiều đến hình ảnh điểm đến và quyết định lựa chọn điểm đến.

H3: Nguồn thông tin Khu du lịch có ảnh hưởng dương đến Hình ảnh Khu du lịch.

H5: Nguồn thông tin Khu du lịch có ảnh hưởng dương đến Quyết định lựa chọn KDL của công nhân.

  • Động cơ du lịch

Động cơ du lịch là nhân tố giải thích lí do thúc đẩy con người đi du lịch (Wu, 2009) và có tác động mạnh đến quyết định lựa chọn điểm đến du lịch của du khách.

H2: Động cơ du lịch có ảnh hưởng dương đến Quyết định lựa chọn KDL của công nhân.

  • Hình ảnh KDL

Về thành phần cấu thành hình ảnh điểm đến, kế thừa mô hình của Beerli và Martin (2004) Nguyễn Xuân Hiệp (2016), Hồ Bạch Nhật, Nguyễn Phương Khanh (2018), và dựa theo bối cảnh nghiên cứu tác giả sử dụng hình ảnh điểm đến gồm bốn thành phần phục vụ cho nghiên cứu này: (1) cơ sở hạ tầng và khả năng tiếp cận (2) môi trường cảnh quan, (3) vui chơi giải trí, (4) ẩm thực và mua sắm. Trong đó:

- Cơ sở hạ tầng và khả năng tiếp cận bao gồm: nhà hàng, khách sạn, công trình vui chơi giải trí,...

 - Môi trường cảnh quan bao gồm: các danh lam thắng cảnh, tình trạng về ô nhiễm môi trường, mức độ đảm bảo an ninh, an toàn cho khách,...

- Vui chơi giải trí: gồm các dịch vụ vui chơi, giải trí, các hoạt động thể thao ngoài trời, các chương trình nghệ thuật,...

- Ẩm thực và mua sắm: bao gồm các hoạt động ẩm thực, mua sắm, các món ăn đặc sản, độc đáo, giá cả và phong cách phục vụ,...

Các nghiên cứu của Crompton (1979), Hsu và cộng sự (2009), Chen và Tsai (2007) Nguyễn Xuân Hiệp (2016), Hồ Bạch Nhật, Nguyễn Phương Khanh (2018) cho rằng hình ảnh điểm đến có ảnh hưởng quan trọng và tác động mạnh cùng chiều đến quyết định lựa chọn điểm đến và thúc đẩy động cơ du lịch của du khách.

H4: Hình ảnh khu du lịch có ảnh hưởng dương đến Quyết định lựa chọn KDL của công nhân.

H6: Hình ảnh khu du lịch có ảnh hưởng dương đến Động cơ du lịch.

3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sơ bộ: lược khảo các tài liệu trong và ngoài nước liên quan đến đề tài tác giả xây dựng thang đo nháp ban đầu, sau đó tiến hành thảo luận tay đôi với 7 đáp viên và thảo luận nhóm với 8 đáp viên là các nhà quản lý KDL, giảng viên giảng dạy du lịch, nhân viên KDL và công nhân để xây dựng thang đo nháp 1. Khảo sát định lượng sơ bộ với n=100 mẫu, sử dụng phương pháp phân tích độ tin cậy Cronbach’s alpha, phân tích nhân tố khám phá EFA để hoàn thiện thang đo chính thức.

Nghiên cứu chính thức: khảo sát chính thức với dữ liệu n=320 mẫu, xử lý số liệu bằng phương pháp Cronbach’s alpha, EFA, phân tích nhân tố khẳng định CFA và phân tích SEM.

4. Kết quả nghiên cứu

Sau khi tiến hành khảo sát sơ bộ định lượng và xử lý dữ liệu, cho thấy các biến quan sát và các thang đo đều đạt yêu cầu để tiến hành khảo sát định lượng chính thức.

Kết quả khảo sát kiểm định Cronbach’s Alpha (Bảng 1) cho thấy tất cả thang đo đều đạt yêu cầu về độ tin cậy. Tiếp tục được sử dụng trong phân tích EFA.

Bảng 1. Kết quả khảo sát định lượng chính thức các thang đo bằng Cronbach’s Alpha

ket_qua_khao_sat_dinh_luongNguồn: Xử lý số liệu của tác giả

Kết quả EFA cho thấy có sáu yếu tố được rút trích tại giá trị Evenvalue là 1.103 với tổng phương sai trích là 65,8% (>50%). Ngoài ra, các kiểm định KMO = 0.898 (>0.5), Bartlett có giá trị Sig =0.000 (<0.0005) nên đều đạt yêu cầu.

Độ phù hợp của mô hình: Các chỉ tiêu Chi - bình phương = 418.572 và có bậc tự do DF=291 và P = 0.000; Các chỉ số đo lường khác đều phù hợp như: Chi - square/df = 1.438 ≤ 5, giá trị TLI = 0.961 và CFI = 0.970 ( từ 0.9 đến 1), RMSEA = 0.037 ≤ 0.08. Cho nên nghiên cứu này khẳng định được tính đơn hướng của 7 thang đo khái niệm nghiên cứu trong mô hình.

Độ tin cậy của thang đo: Kết quả cho thấy độ tin cậy của các thang đo đều có hệ số tin cậy tổng hợp lớn hơn 50%, hệ số Cronbach’s alpha đều lớn hơn 0.6, phương sai trích đều lớn hơn 0.5, các hệ số đều đạt yêu cầu.

Căn cứ vào kết quả Cronbach’s Alpha, EFA và CFA tác giả tiến hành phân tích SEM. Mức độ phù hợp của tổng thể mô hình, các chỉ số cho thấy đạt yêu cầu và phù hợp với dữ liệu thị trường thể hiện ở các chỉ tiêu như sau: Chi - bình phương = 421.152 và có bậc tự do DF=288 và P = 0.000; các chỉ số đo lường khác đều phù hợp như: Chi-Square/df = 1.462 ≤ 5, giá trị GFI = 0.914 và AGFI = 0.879 ( từ 0.9 đến 1), RMR = 0.041 ≤ 0.05.

Kết quả nghiên cứu SEM của tác giả cho thấy nguồn thông tin (NTT) tác động đến hình ảnh KDL (HA) là mạnh nhất với hệ số hồi quy chuẩn hóa 0.797 (79.7%), sự tác động của HA đến động cơ du lịch (DC) mạnh thứ hai 0.638 (63,8%), sự tác động mạnh thứ ba là HA đến quyết định lựa chọn KDL của công nhân (QDLC) với 0.581 (58,1%), tiếp theo là sự tác động của NTT đến DC là 0.249 (24,9%), DC tác động đến QDLC là 0.238 (23,8%) và cuối cùng là NTT tác động đến QDLC là 0.174 (17,4%).

5. Kết luận và hàm ý chính sách

Dựa vào kết quả nghiên cứu và liên hệ thực tế, các hàm ý quản trị nhằm nâng cao khả năng thu hút đối tượng khách công nhân tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được rút ra như sau:

Một là, xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng và thu hút đối với từng đối tượng và phân khúc thị trường mục tiêu. Truyền đạt các thông tin, thông điệp quảng bá, ngắn gọn, xúc tích, cụ thể và dễ hiểu.

Hai là, đa dạng hóa các kênh/nguồn thông tin quảng bá về KDL, chú trọng vào các kênh mà khách hàng mục tiêu thường xuyên tiếp cận như trang web, zalo, facebook, twitter, tiktok,… và đẩy mạnh kênh thông tin truyền miệng điện tử Ewom.

Ba là, chú trọng xây dựng hình ảnh KDL, xây dựng tôn tạo và làm mới những điểm tham quan tại KDL song song với việc phát triển bền vững, phát triển gắn liền với bảo vệ và gìn giữ tài nguyên du lịch vốn có của KDL, việc xây dựng tôn tạo và làm mới cần tuân thủ nguyên tắc bảo vệ môi trường.

Bốn là, đào tạo và huấn luyện đội ngũ cán bộ, nhân viên, phục vụ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng giao tiếp và phục vụ khách. Xây dựng thêm đội ngũ nhỏ hướng dẫn tại KDL kiêm chăm sóc khách hàng, lắng nghe và giải quyết các phàn nàn, khiếu nại từ khách.

Năm là, nhà quản lý KDL đưa ra các kế hoạch marketing nhằm kích thích động cơ du lịch như các chương trình khuyến mại, giảm giá, bán vé combo, bán vé trọn gói bao gồm vé vào cổng và vé tham quan, chơi các trò chơi giải trí tại KDL,... trong các dịp đặc biệt, lễ, tết. Các chương trình tặng vé vào cổng từ bốc thăm may mắn hoặc tặng vé cho các đối tượng đặc biệt nhân dịp đặc biệt nào đó. Đưa ra các chương trình trao và tặng thêm nhiều giá trị, lợi ích cho khách hàng nhưng giá cả dịch vụ vẫn không đổi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hồ Bạch Nhật, Nguyễn Phương Khanh (2018). Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn điểm đến thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Tạp chí khoa học Trường Đại học Trà Vinh, 31, 10-19.
  2. Hoàng Thị Thu Hương (2016). Các nhân tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn điểm đến của người dân Hà Nội: Nghiên cứu trường hợp điểm đến Huế, Đà Nẵng. (Tiến sĩ), Đại học Kinh tế quốc dân, Luận án tiến sĩ Quản lý kinh tế.
  3. Nguyễn Xuân Hiệp (2016). Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn điểm đến của khách du lịch: Trường hợp điểm đến TP. Hồ Chí Minh. Tạp chí Phát triển kinh tế, 27(9), 53-72.
  4. Nguyễn Đình Thọ (2011). Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh. NXB Lao động - Xã hội. Hà Nội.
  5. Beerli, Martin (2004). Factor influencing destination image. Annals of tourism research, 31, 657-681.
  6. Correia, Pimpao. (2008). Descision making process of portuguese tourist travleing to South America and Africa. Tourism and Hospitality Rearch, 2(4), 330-373.
  7. Chen, Tsai. (2007). How destination image and evaluative factor effect behavioral intentions. Tourism Management, 28(4), 1115-1122.
  8. Crompton J. (1979). Motivation for pleasure travel. Annual of Tourism Rearch, 6, 408-424.
  9. Hunt, J. D. (1975). Image as a factor in tourism development. Journal of travel research, 13, 1-7.

 

FACTORS AFFECTING THE THE TOURISM DESTINATION CHOICE

OF WORKERS IN BIEN HOA CITY, DONG NAI PROVINCE

CAO THI THAM

PH.D VU THINH TRUONG

Faculty of Economics and Business Administration

Dong Nai Technology University

ABSTRACT:

This study examines factors affecting the tourism destination choice of workers in Dong Nai Province. This study used both qualitative and quantitative research methods. Data sets were collected from 320 workers working in 4 major industrial parks of Bien Hoa City from April to September, 2020. This study’s results show that the tourism destination choice of workers are influenced by tourism destination information sources, tourism destination images and tourism motivation. In which, the factor of tourism destination information sources affects the factor of tourism destination images while the factor of tourism motivation is affected by the factor of tourism destination images.

Keywords: Making a choice, tourist area, destination, influencing factor, Bien Hoa City, Dong Nai Province.