Cơ hội và thách thức của ngành Nông nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19

Cơ hội và thách thức của ngành Nông nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 của ĐÀO MỘNG ANH (Trường Đại học Thủy lợi)

TÓM TẮT:

Đại dịch Covid-19 đã có những tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam không nằm ngoài những tác động đó. Do sự lây lan của dịch Covid-19, các biện pháp ngăn chặn và cách ly đã được đặt ra dẫn đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp còn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh gia súc, gia cầm cũng như thiên tai. Ngoài ra, ngành cũng gặp nhiều thách thức khi chuỗi sản xuất từ ​​giá nguyên liệu đầu vào cao hơn, khó khăn trong khâu thu hoạch, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Từ khóa: ngành nông nghiệp, dịch Covid-19, kinh tế, Việt Nam.

1. Tác động của Covid-19 tới nông nghiệp Việt Nam

1.1. Tác động của Covid-19 đến sản xuất nông nghiệp và các ngành phụ trợ nông nghiệp

Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, thời tiết tương đối thuận lợi cho lúa đông xuân sinh trưởng và phát triển tuy nhiên do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lại ảnh hưởng không nhỏ đến công tác sản xuất và mức tiêu thụ nông sản. Hết quý I/2022, cả nước gieo trồng được 2.959,7 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 99,5% cùng kỳ năm 2021, trong đó: các địa phương phía Bắc đạt 1.048,8 nghìn ha, bằng 99,1%; các địa phương phía Nam đạt 1.910,9 nghìn ha, bằng 99,6%, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.507 nghìn ha, bằng 99,2% [1].

Chăn nuôi trâu, bò trong quý I bị ảnh hưởng bởi rét đậm, rét hại xảy ra trong tháng 2. Bên cạnh đó, chăn nuôi lợn và các loại gia cầm có dấu hiệu dần hồi phục do các hộ chăn nuôi đã chủ động được nguồn giống, mở rộng liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra, kết hợp đảm bảo vệ sinh và an toàn sinh học. Tuy nhiên, chăn nuôi vẫn đối mặt với nhiều khó khăn do trung bình giá thức ăn có xu hướng tăng cao trong khi giá thành sản phẩm chăn nuôi lại có xu hướng giảm. Tính chung quý I/2022, sản lượng thủy sản khai thác ước tính đạt 875,6 nghìn tấn, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: cá đạt 668,7 nghìn tấn, giảm 1,1%; tôm đạt 32,4 nghìn tấn, giảm 0,3%. Ngoài ra, ngành phụ trợ nông nghiệp chịu ảnh hưởng gián tiếp, thể hiện qua sản lượng của ngành hóa chất, phân bón, thiết bị nông nghiệp giảm 5% so với cùng kỳ, và giá cổ phiếu ngành hóa chất giảm mạnh 13,8% so với đầu năm. [1]

1.2. Tác động của Covid-19 đến đời sống của hộ nông dân

Ngân hàng Thế giới đã thiết kế và thực hiện Khảo sát tần suất cao qua điện thoại đối với 6.000 hộ gia đình Việt Nam về tác động của Covid-19, kết quả cho thấy, khoảng 70% số hộ bị suy giảm thu nhập (Bảng 1). Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất là do mất việc làm, sau đó là do giảm thu nhập kinh doanh hộ và do gián đoạn sản xuất nông nghiệp. Trong đó, phụ nữ phải giảm số giờ lao động nhiều hơn so với nam giới, hoặc phải ngừng việc hoàn toàn trong thời gian trường học đóng cửa để chăm sóc con cái [3].

Bảng 1. Suy giảm thu nhập và các nguyên nhân (%)

ngành Nông nghiệp

Nguồn: Ngân hàng Thế giới (2022)

Sự tác động và ảnh hưởng của đại dịch đã làm rõ hơn những điểm yếu của ngành Nông nghiệp, đồng thời yêu cầu khắt khe hơn về sự đổi mới đồng bộ về chính sách, phương thức sản xuất, canh tác trong nông nghiệp. Quá trình khắc phục được những điểm yếu đồng thời phát huy những điểm mạnh trong nông nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng cũng đem lại nhiều điểm sáng cho nông nghiệp Việt Nam.

2. Thách thức tăng trưởng nông nghiệp từ Covid-19

Thứ nhất, khó khăn trong việc xuất khẩu nông sản sang các thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Việc đứt gãy các chuỗi cung ứng lương thực trên thế giới, đặc biệt là gián đoạn các hoạt động trồng trọt, logistic... trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến Trung Quốc không còn là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Ngành nông sản Việt Nam cần tiếp cận nhanh với các thị trường giàu tiềm năng và có yêu cầu cao như Mỹ, EU, Nhật Bản... đây là cơ hội lớn của Việt Nam, đồng thời cũng yêu cầu Việt Nam tiếp tục nâng cao chất lượng nông sản, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc...

Thứ hai, chuỗi liên kết giữa các nhà bán lẻ trong nước với các chuỗi cung ứng chưa được tốt.

Vấn đề “cung-cầu” đang gặp phải nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh, điều này sẽ dẫn tới thực tế người sản xuất không tiêu thụ được sản phẩm, do đó họ không có được lợi nhuận, mà người tiêu dùng lại không tiếp cận được với nguồn nông sản. Họ phải mua sản phẩm với giá cao hơn thực tế và nguồn lợi sẽ tập trung vào thương lái và những người đầu cơ, tích trữ hàng hóa. Đây là một tác động tiêu cực đối với nền kinh tế nói chung và người sản xuất nói riêng.

Thứ ba, chăn nuôi đang trong đà hồi phục, nhưng gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp kinh doanh thức ăn chăn nuôi đã 4 lần điều chỉnh tăng giá bán khiến người nông dân gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2020 đến tháng 3/2022, giá ngô hạt, cám gạo, đậu tương, thức ăn chăn nuôi… đều tăng mạnh (Hình 1), điều này còn ảnh hưởng đến khả năng ra quyết định tái đàn của người nông dân.

Hình 1: Giá một số nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi (đơn vị: đồng/kg)

ngành Nông nghiệp

 Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

3. Cơ hội chuyển đổi nông nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19

1) Cơ hội để nông nghiệp Việt Nam nâng cao vị thế, đẩy mạnh sản lượng.

Trong bối cảnh các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc tiếp tục tăng nhập khẩu nông sản, trong khi đó, các nước khu vực châu Á và một số nước sản xuất cạnh tranh với Việt Nam như Ấn Độ, Thái Lan vẫn đang đối phó với dịch COVID-19 nghiêm trọng. Đây là một cơ hội tốt cho Việt Nam đẩy mạnh sản xuất - xuất khẩu giành nhiều thị phần nông sản hơn.

2) Xu hướng chuyển đổi số trong nông nghiệp mở ra tiềm năng cơ hội về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.

Hiện nay, chuyển đổi số là một trong những giải pháp quan trọng giúp người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng cao hơn, với chi phí thấp nhất, nhưng đạt mức lợi nhuận cao nhất. Mục tiêu này cũng đang được các ngành, địa phương và các doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh, với kỳ vọng tạo được sự đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông sản Việt Nam với các nước trên thế giới.

4. Một số đề xuất/kiến nghị

Một là, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp. Tận dụng cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển ngành, duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo 3 nhóm sản phẩm chủ lực, theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo vùng; triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu trên các lĩnh vực sản xuất.

Đáng chú ý, hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở sản xuất - kinh doanh; thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Điều chỉnh kế hoạch sản xuất nông, lâm, thủy sản phù hợp với trạng thái bình thường mới và điều kiện thời tiết, dịch bệnh.

Trên lĩnh vực trồng trọt, ngành Nông nghiệp cần thực hiện Chiến lược phát triển theo hướng sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Đặt sản xuất trồng trọt trong mô hình kinh tế tuần hoàn, nhất là chuỗi trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản theo hướng hạn chế chất thải, dùng chất thải của tiểu ngành này thành đầu vào của tiểu ngành kia; qua đó giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Với chăn nuôi, cần ổn định phát triển chăn nuôi lợn sau tác động của dịch tả lợn châu Phi; thực hiện các giải pháp chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm, gia súc ăn cỏ nhằm đáp ứng cơ bản các loại thực phẩm thiết yếu (thịt, trứng, sữa) cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu một số sản phẩm tiềm năng. Phát triển chăn nuôi trang trại, duy trì chăn nuôi nông hộ theo hình thức hữu cơ truyền thống; mở rộng chăn nuôi áp dụng quy trình VietGAP và tương đương; khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng,..

Đặc biệt, toàn ngành cần tập trung đẩy mạnh phát triển thị trường, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông lâm thủy sản. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước. Phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc cấp mã số vùng nuôi, trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gắn với chỉ dẫn địa lý. Xây dựng phương án chuyển đổi phương thức kinh doanh và tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm chủ lực. Nâng cao chất lượng dự báo thị trường và kịp thời thông tin tới các địa phương, doanh nghiệp để có kế hoạch sản xuất - kinh doanh phù hợp.

Hai là, đối với thị trường xuất khẩu, cần tận dụng các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu các hàng nông sản chủ lực. Đàm phán mở cửa thị trường chính ngạch cho các sản phẩm hoa quả tươi, rau, thủy sản sang các thị trường có yêu cầu chất lượng cao. Kịp thời giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistic; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin chính sách thị trường xuất khẩu,...

Phát triển công nghiệp phục vụ cho ngành nông nghiệp, nhất là ở các khâu bảo quản, sơ chế, chế biến. Nếu làm tốt khâu sơ chế, chế biến sẽ góp phần mang lại giá trị xuất khẩu cao. Ngoài ra, cần từng bước phát triển thị trường, giảm dần sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống. Đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, đồng thời phát triển thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Tổng cục Thống kê (2022). Điểm sáng tình hình kinh tế xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2022. Truy cập tại https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/07/diem-sang-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-ii-va-6-thang-dau-nam-2022/
  2. Judy Yang, Philomena Panagoulias, Giorgia Demarchi (2020). Monitoring Covid-19 - Impacts on Households in Vietnam Results snapshot from a High Frequency Phone Survey of Households. [Online] Availabile at https://documents1.worldbank.org/curated/en/343501601911350072/pdf/Monitoring-COVID-19-Impacts-on-Households-in-Vietnam-Results-snapshot-from-a-High-Frequency-Phone-Survey-of-Households.pdf

OPPORTUNITIES AND CHALLENGES FACING

THE AGRICULTURE SECTOR DURING THE COVID-19 PANDEMIC

• DAO MONG ANH

Thuyloi University

ABSTRACT:

The COVID-19 pandemic has strongly affected the global economy in general and Vietnam’s economy in particular. COVID-19 related travel restrictions and isolation measures had impacted agricultural activities. The agriculture sector is also affected by diseases of livestock and poultry, and natural disasters. During the COVID-19 pandemic, agricultural activities faced many difficulties in harvesting, processing, transportation and consumption, and soaring input costs. This paper highlights the opportunities as well as identifies the challenges facing the agriculture sector during the COVID-19 pandemic.

Keywords: agriculture, Covid-19 pandemic, economy, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12 tháng 5 năm 2023]

Tạp chí Công Thương