Đào tạo trực tuyến trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng

NGÔ THỊ LAN ANH - HOÀNG MINH ĐỨC (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên)

TÓM TẮT:

Nền kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn kinh tế tri thức, vì vậy, việc nâng cao hiệu quả chất lượng giáo dục, đào tạo là vấn đề cần chú trọng hàng đầu, quyết định sự tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia. Tận dụng môi trường internet, xu hướng phát triển các phần mềm hiện nay là xây dựng các ứng dụng có khả năng chia sẻ cao, vận hành không phụ thuộc vào vị trí địa lý cũng như hệ điều hành, tạo điều kiện cho mọi người có thể trao đổi, tìm kiếm thông tin, học tập một cách dễ dàng, thuận lợi. E-Learning (đào tạo trực tuyến) là một trong những mô hình điển hình như thế. Việc học không chỉ bó hẹp cho học sinh, sinh viên ở các trường mà dành cho tất cả mọi người, không kể tuổi tác, hoàn cảnh sống,… E-Learning đã được thử nghiệm thành công và sử dụng rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bài viết sau đây đưa ra một số thực trạng và giải pháp nhằm phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo trực tuyến trong các trường học.

Từ khóa: Đào tạo trực tuyến, E-learning, chất lượng đào tạo, trường học, đào tạo, giáo dục.

1. Đặt vấn đề

Năm  2020 là một năm đầy biến động trên toàn thế giới, ảnh hưởng mạnh tới tất cả các lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Trong bối cảnh dịch bệnh covid diễn biến phức tạp rất nhiều các quốc gia, các trường học đã lựa chọn học trực tuyến (e - learning) là một trong những giải pháp tối ưu để giáo dục tiếp tục phát triển duy trì trong tình trạng diễn biến bệnh dịch gia tăng. E - learning là một trong những phương pháp học trực tuyến sử dụng kết nối mạng Internet để phục vụ học tập. Thông qua hệ thống e - learning, người học có thể tham khảo các tài liệu học, đồng thời có thể trao đổi với giảng viên mà không cần phải gặp trực tiếp. Nói cách khác, hệ thống e - learning giống như một môi trường học tập bao gồm các công nghệ lưu trữ và truyền tải dữ liệu. Nhờ đó, người học có thể tương tác với nhau ngay trên hệ thống đào tạo trực tuyến mà không cần phải gặp trực tiếp. 

Hình 1: Mô hình hệ thống Elearning

mo_hinh_he_thong_elearning

2. Mục tiêu, đối tượng, phạm vi nghiên cứu

Mục tiêu nghiên cứu: Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trực tuyến trong các trường đại học.

Đối tượng nghiên cứu: Đào tạo trực tuyến tại Việt Nam, đào tạo trực tuyến trong các trường đại học tại Việt Nam.

Phạm vi nghiên cứu: Bài viết tập trung tìm hiểu những thực trạng của đào tạo trực tuyến tại các trường đại học (ĐH) ở Việt Nam và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trực tuyến trong các trường đại học.

3. Một số thực trạng đào tạo trực tuyến tại các trường đại học ở Việt Nam

Tại Việt Nam, đào tạo trực tuyến đã được triển khai ở nhiều trường ĐH, giai đoạn 2013-2018 Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về tốc độ phát triển e-learning. Hiện có 16 cơ sở giáo dục ĐH tại Việt Nam cung cấp các khóa học trực tuyến hoàn toàn, kết hợp hoặc một phần các môn học. Đào tạo trực tuyến đơn giản và dễ tiếp cận người học, linh hoạt, chủ động định hướng, tùy biến học tập,… Theo PGS.TS. Vũ Hữu Đức, một trong những yếu tố dẫn đến tốc độ phát triển nhanh chóng này là mức chi cho giáo dục của Chính phủ và người dân cao, tỉ lệ người dùng Internet cao, Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng. Báo cáo cho thấy, năm 2018, người dân Việt Nam chi 9 tỉ USD cho giáo dục. Chi tiêu cho giáo dục chiếm gần 1/2 tổng chi tiêu của gia đình. Theo khảo sát hơn 30 website E-Learning tiêu biểu của Công ty More (www.idgvv.com.vn) cho thấy, hoạt động giáo dục trực tuyến tại Việt Nam cung cấp chủ yếu 4 nhóm dịch vụ sau: Cung cấp khóa học ngoại ngữ, các chương trình ôn thi/bài giảng kiến thức phổ thông (cấp 2, cấp 3) và khóa học kỹ năng. Do đó, mức độ áp dụng giảng dạy trực tuyến tại các trường đại học chưa là hoạt động chủ yếu. Cũng cho ra kết quả tương tự, khảo sát của Nhóm nghiên cứu thị trường Việt Nam Q&Me trong thời gian từ ngày 10-18/3/2016 đối với 500 sinh viên các trường đại học tại Việt Nam cho thấy, các trường đại học đều xây dựng cổng thông tin điện tử để chuyển tải thông tin hoạt động và đều có sử dụng máy tính, máy chiếu trong quá trình giảng dạy. Hầu hết sinh viên đại học đều sử dụng các thiết bị điện tử như smartphone, laptop hoặc cả hai phương tiện này. Trong đó, có khoảng 40% sinh viên có liên hệ với giáo viên qua mạng xã hội, nhất là qua facebook. Việc sử dụng sách điện tử với tỷ lệ tăng hơn trước cũng giúp sinh viên giảm thiểu cả về thời gian lẫn chi phí trong quá trình học tập.

Nhận định về xu thế đào tạo trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Văn Phúc chia sẻ, ở các nước trên thế giới, đào tạo trực tuyến diễn ra rất mạnh mẽ với nhiều hình thức khác nhau. Không chỉ các khóa đào tạo cấp bằng, những khóa học đại chúng mở, ngắn hạn đáp ứng nhu cầu cho mọi đối tượng cũng phát triển nhanh chóng. Ngoài các trường đào tạo trực tuyến, ở những trường đào tạo truyền thống, hình thức đào tạo trực tuyến kết hợp thông qua việc học trên không gian mạng chiếm phần lớn nội dung học tập. Tại Việt Nam, học tập trực tuyến và xây dựng môi trường học tập trực tuyến đang được nhiều trường đại học cả ở khối công lập và ngoài công lập triển khai với những mức độ khác nhau. Hiện có gần 20 cơ sở giáo dục đại học trong cả nước cung cấp các khóa học trực tuyến theo các hình thức: trực tuyến hoàn toàn, hình thức kết hợp giữa học truyền thống và trực tuyến hoặc một phần các môn học. Các mô hình đào tạo trực tuyến tiêu biểu có thể kể đến như Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Mở Hà Nội,… Trong đó, Trường ĐH Mở Hà Nội triển khai đào tạo trực tuyến từ năm 2009, đến nay có 7 ngành đào tạo, gồm Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng, Công nghệ thông tin, Luật kinh tế, Ngôn ngữ Anh, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh có mô hình đào tạo trực tuyến được tổ chức theo 2 hình thức, đào tạo trực tuyến hoàn toàn dành cho hệ đào tạo từ xa qua mạng và học tập trực tuyến hỗ trợ cho hệ chính quy. Hình thức đào tạo trực tuyến hoàn toàn được triển khai từ năm 2016, đến nay đang đào tạo 9 ngành, gồm: Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Quản trị nhân lực, Kế toán, Kiểm toán, Tài chính ngân hàng, Luật, Luật kinh tế và Ngôn ngữ Anh. Số lượng sinh viên theo học chương trình trực tuyến ở các trường lên đến hàng ngàn người. 

Hình 2: Lợi ích của việc sử dụng công nghệ thông tin trong học tập

loi_ich_cua_viec_su_dung_cong_nghe_thong_tin_trong_hoc_tap

Lợi thế của đào tạo trực tuyến là đơn giản và dễ tiếp cận người học, linh hoạt, chủ động định hướng học tập và học mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, đào tạo trực tuyến còn có những hạn chế nhất định  Tuy nhiên, hình thức này cũng có nhược điểm là thực hành thí nghiệm không được như đào tạo truyền thống, rèn luyện kỹ năng bị hạn chế như khoảng cách giữa người dạy và học, thói quen học, hạ tầng công nghệ, giáo trình,… chưa đáp ứng được yêu cầu, sự tiếp cận công nghệ của giảng viên, tài liệu học tập bị sao chép khiến giảng viên ngại đưa tài liệu lên mạng. Mặt khác, có một hạn chế nữa đó là tính thiếu chủ động trong học tập của người học, trong khi môi trường học tập trực tuyến đòi hỏi người học phải có tính độc lập và tự giác cao. Bên cạnh đó, thói quen chuộng bằng cấp hệ chính quy cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của e-learning. Việc thúc đẩy phát triển e-learning là cần thiết nhưng cần đảm bảo các yếu tố về hạ tầng công nghệ, pháp lý liên quan hình thức này phải hoàn thiện, chính sách chất lượng phải đảm bảo và thống nhất. Giảng viên cũng phải được trang bị kỹ năng công nghệ cũng như sư phạm phù hợp, xây dựng nội dung học liệu chất lượng và có thể chia sẻ giữa các cơ sở giáo dục.  Hiện nay đầu tư vào giáo dục trực tuyến cũng còn là bài toán chưa rõ chi phí. Ở mô hình đại học truyền thống, doanh nghiệp phải có giấy phép, có đất, có đội ngũ giáo viên cơ hữu, có thời gian biểu,... Đây là các thông số cố định có thể tính toán giá học phí đầu ra để đảm bảo lợi nhuận. Còn với giáo dục trực tuyến, doanh nghiệp có thể bắt đầu với chi phí rất thấp nhưng tốc độ mở rộng của nhóm này rất nhanh và không giới hạn về số lượng lẫn khung giờ tham gia, từ đó sẽ phát sinh nhiều chi phí không lường trước được,…  Theo kết quả khảo sát của Quỹ Từ thiện Cộng đồng người sử dụng internet Việt Nam và Công ty Cổ phần VNG với 839 người tham gia trả lời, thì 3 rào cản đối với những người ôn thi/học trực tuyến là: Việc thu phí (35%); Phải kết nối internet thường xuyên (24%) và khó tìm kiếm đề thi/bài giảng cần thiết (16%). Còn theo khảo sát của DeltaViet (2014), “nội dung bài giảng hấp dẫn” và “được học với giảng viên uy tín” là yếu tố rất quan trọng để thu hút người học trực tuyến.

4. Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trực tuyến trong các trường đại học

Hình thức đào tạo trực tuyến e-learning đang được các trường đại học đẩy mạnh phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của mọi đối tượng người học. Tuy nhiên, từ những hạn chế trong triển khai, thực tiễn đòi hỏi cần phải có những quy định rõ ràng hơn đối với hình thức đào tạo này, nhất là các chuẩn trong kiểm định chất lượng đào tạo, đảm bảo chất lượng đầu ra.

Các chuyên gia về đào tạo e-learning cho biết, trong tất cả các quy chế về các hình thức đào tạo, mới chỉ có Quy chế đào tạo từ xa và Thông tư 12 của Bộ Giáo dục đào tạo về quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng là đề cập đến phương thức đào tạo trực tuyến. Các quy định hiện hành về e-learning nói riêng, ứng dụng công nghệ thông tin nói chung trong giáo dục đại học Việt Nam còn khá khiêm tốn, chưa đủ để tạo hành lang pháp lý cho phát triển e-learning, vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng bộ tiêu chí chung cho công tác đánh giá và đảm bảo chất lượng đào tạo e-learning, làm cơ sở cho các đơn vị đào tạo tổ chức giám sát, thực hiện và quản lý quá trình đào tạo để đảm bảo chất lượng; cấp văn bằng chung các hình thức đào tạo theo luật. Mặt khác, Bộ khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học có triển khai hình thức đào tạo trực tuyến xây dựng và sử dụng chung công nghệ, chương trình, bài giảng, cần nghiên cứu bổ sung và sẽ ban hành quy chế riêng về vấn đề này tạo hành lang pháp lý để các trường đẩy mạnh hình thức đào tạo trực tuyến chính quy .

Từ những bất cập và thiếu đồng bộ trong triển khai đào tạo trực tuyến, các trường kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo  xây dựng và ban hành các quy định cụ thể, chi tiết nhằm xác định rõ vai trò, vị trí, hình thức đào tạo e-learning. Đặc biệt là về kiểm định và đảm bảo chất lượng đối với hình thức đào tạo trực tuyến phù hợp, làm cơ sở để các trường tự đánh giá hoạt động đào tạo, quản lý đào tạo và đảm bảo chất lượng; các Bộ, ngành quan tâm xây dựng hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin - viễn thông quốc gia đáp ứng yêu cầu học tập trực tuyến.

Phát triển e-learning là một thách thức lớn cho các trường đại học, không chỉ là vấn đề đầu tư nguồn lực mà thách thức nhất là sự thay đổi trong phương thức giảng dạy, khả năng tiếp cận công nghệ của giảng viên và năng lực quản lý, lãnh đạo của các trường. Vì vậy, các trường cần và nên đổi mới phương thức quản lý sát sao, phát triển nguồn nhân lực, cải tiến phương pháp và nâng cao chất lượng giảng dạy, cũng như khả năng tiếp cận công nghệ của các giảng viên trong trường.

Bất kỳ một hình thức đào tạo nào cũng lấy người học làm trung tâm, người học là một yếu tố đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển các khóa học trực tuyến. Tất cả mọi thứ được thiết kế và phát triển phải được thực hiện xoay quanh chủ thể quan trọng nhất là người học. Một trong những bước đầu tiên trong quá trình thiết kế và xây dựng khóa học trực tuyến là phải tiến hành phân tích người học sao cho đáp ứng được nhu cầu, kỳ vọng của người học. Đam bảo các khả năng học tập, thỏa mãn các điều kiện tiên quyết cũng như có đủ các chế tài để xử lý, nhắc nhở người học vi phạm quy định.

5. Kết luận

                Đào tạo trực tuyến là một xu thế phát triển không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, hướng tới xã hội hóa học tập, nó giúp giải quyết nhiều vấn đề khó khăn khi người học có thể học mọi lúc mọi nơi. Đây là điều mà các phương pháp giáo dục truyền thống không có được. Tuy nhiên, để phát triển hình thức đào tạo này, đòi hỏi cần có sự phối hợp làm tốt các giải pháp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, các trường đại học, đội ngũ giảng viên và ý thức, trách nhiệm của người học.

Lời cảm ơn: Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Vũ Hữu Đức (2019-2020). Nghiên cứu về phương thức học tập, đào tạo dựa trên công nghệ thông tin  (E-learning) trong giáo dục đại học và đào tạo trực tuyến mở dành cho đại chúng MOOCs (Massive Online Open Courses): Kinh nghiệm thế giới và ứng dụng tại Việt Nam. Đề tài NCKH cấp Quốc gia, mã KHGD/16-20.ĐT.043.
  2. Nguyễn Thị Thu Hà (2019). Phát triển giáo dục đào tạo trực tuyến ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. <http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/phat-trien-giao-duc-dao-tao-truc-tuyen-o-viet-nam-trong-thoi-ky-hoi-nhap-301446.html>
  3. T. Hoài (2019). Đào tạo trực tuyến: Xu hướng phát triển trong giáo dục đại học. <https://www.tin247.com/dao_tao_truc_tuyen_xu_huong_phat_trien_trong_giao_duc_dai_hoc-1-26777708.html>
  4. U.S. Department of Education Office of Planning, Evaluation, and Policy Development Policy and Program Studies Service (Revised September 2010); Evaluation of Evidence-Based Practices in Online Learning: A Meta-Analysis and Review of Online Learning Studies. https://www2.ed.gov/rschstat/eval/tech/evidence-based-practices/finalreport.pdf. [Accessed 20 August 2020]
  5. Society for Learning Analytics Research George Siemens, Shane Dawson, Grace Lynch (December 2013); Improving the Quality and Productivity of the Higher Education Sector Policy and Strategy for Systems-Level Deployment of Learning Analytics. https://solaresearch.org/wp-content/uploads/2017/06/SoLAR_Report_2014.pdf. [Accessed 20 August 2020] Ngày nhận bài: 12/8/2020

 

THE ONLINE TRAINING OF VIETNAM’S HIGHER-EDUCATION

INSTITUTIONS: CURRENT SITUATIONS AND SOLUTIONS

FOR IMPROVING THE QUALITY

NGO THI LAN ANH

HOANG MINH DUC 

                Hung Yen University of Technology and Education                        

ABSTRACT:

The global economy is developing towards a knowledge economy. Hence, improving the quality of education and training is an urgen issue which decides the existence and development of each country. Taking advantage of the Internet, the current trend of software development is to build applications which are able to share and operate regardless of geographical location as well as operating system in order to create favorable conditions for everyone to exchange, find information and study easily and smoothly. E-Learning (online training) is one such typical model.  Learning is not only for students in schools, but for everyone regardless of who they are and where they live. The E-learning model has been successfully tested and widely used in many countries including Vietnam. This paper presents some current situations related to the E-learning and proposes some solutions to develope and improve the quality of online training activities of Vietnam’s schools.

Keywords: Online training, E-learning, quality training, school, training, education.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23, tháng 9 năm 2020]